Đọc “Tam Quốc diễn nghĩa”, ngay từ những chương hồi đầu, không ai là không nhớ Đổng Trác. Đây là nhân vật được xây dựng sống động ngay từ đầu truyện trong mối quan hệ với nhiều nhân vật chính khác như Lã Bố, Lưu Bị, Tào Tháo, Viên Thiệu… Đổng Trác rất tàn độc, bị người đời nguyền rủa là kẻ loạn thần tặc tử, không điều ác nào không làm. Tuy nhiên có một mãnh tướng khiến Trác phải khiếp sợ. Vị anh hùng ấy rốt cuộc là ai?
Bước đầu dựng nghiệp
Tôn Kiên (155 – 191), tự là Văn Đài, người huyện Phú Xuân, Ngô Quận, cũng thuộc dòng dõi của Tôn Vũ nổi tiếng. “Tam quốc chí” (Trần Thọ) miêu tả Tôn Kiên là người “dáng vẻ không phải tầm thường, tính khí rộng rãi, có khí tiết kỳ lạ”. Tôn Kiên mồ côi mẹ tử khi mới 2 tuổi. Lớn lên, ông làm một chức lại trong huyện, tính tình phóng khoáng, thích giao du với hào kiệt quan lại.
Từ thời thanh niên, Tôn Kiên đã thể hiện được sức khỏe phi thường. “Tam Quốc chí” chép, năm 17 tuổi, khi đang cùng cha đi thuyền đến Tiền Đường, gặp một toán cướp biển chặn đường, ai cũng sợ hãi không dám tiến. Tôn Kiên hăm hở nói: “Giặc này đánh được, xin đánh chúng”. Đoạn, Kiên sai người đem lưới đến bắt cướp. Quân cướp thất kinh, bỏ chạy tán loạn cả. Kiên thừa thắng đuổi đánh, chém được đầu giặc đem về. Từ đó tên tuổi Kiên vang dội khắp trong vùng.
Tạo hình Tôn Kiên trong Tam Quốc Diễn Nghĩa 1996
Tuy nhiên, cuộc trấn áp quân “Khăn Vàng” mới thực sự khiến Tôn Kiên vang danh. Năm 184, ba anh em Trương Giác, Trương Lương và Trương Bảo tập hợp, chiêu mộ quân binh đông đến vài chục vạn người. Thanh thế quân “Khăn Vàng” rất lớn, quan quân triều đình nhà Hán thua chạy như vịt.
Triều đình cử Chu Tuấn đem quân đi đánh dẹp. Tôn Kiên hay tin, tự mình tuyển mộ được hơn 1000 tráng sĩ, theo dưới trướng Chu Tuấn đi trấn áp quân “Khăn Vàng”. Kiên chiến đấu rất dũng mãnh, luôn xông pha nơi hòn tên mũi đạn. “Tam Quốc chí” chép, có lần vì mải mê truy kích quân địch, Tôn Kiên lạc vào trận địa địch, bị thương, rơi khỏi mình ngựa, nằm trong đống cỏ. Sau nhờ con ngựa của Kiên chạy về doanh trại hí vang mà binh sĩ dò được tung tích. Lần đó, Kiên bị thương mấy chục ngày mới khỏi, vừa khỏi lại xin ra trận ngay.
Một lần khác, quân “Khăn Vàng” ở Nhữ Nam, Dĩnh Xuyên bị vây khốn, thua chạy vào đóng chặt cửa giữ Uyển Thành. Tôn Kiên tự mình dẫn binh sĩ công thành, trèo vào bên trong trước mở đường cho binh sĩ theo sau, đại phá quân giặc. Lần đó, Kiên lập được đại công, được vua Hán phong làm Biệt bộ Tư mã.
Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, Tôn Kiên đã lập rất nhiều kỳ công, giúp triều đình nhà Hán trấn áp yên nhiều băng đảng giặc cỏ. Bấy giờ có Khu Tinh ở Trường Sa tự xưng là Tướng quân, tập hợp 1 vạn người, đánh vây thành ấp. Hán Linh Đế bèn phong Kiên làm Trường Sa Thái thú. Chỉ trong vòng 1 tháng, Tôn Kiên đã đánh bại quân Khu Tinh. Chu Triều, Quách Thạch cũng đem quân đảng nổi dậy ở Linh Lăng, Quế Dương, cùng trợ chiến với Khu Tinh. Tôn Kiên lại mang quân đến đánh, mấy quận đó lại yên ổn. Chiến công đó khiến vua nhà Hán rất hài lòng, phong Tôn Kiên làm Ô Trình Hầu.
Tôn Kiên trong Tam Quốc Diễn Nghĩa 2010
Như vậy, ngay từ những năm đầu tiên ra trận cầm quân, Tôn Kiên đã gây dựng thanh danh của mình như một tướng quân năng nổ, rất được lòng binh sĩ, tướng lĩnh và quan lại nhà Đông Hán. Tuy nhiên, sự kiện khiến Tôn Kiên lưu danh sử sách chính là cuộc chạm trán với Đổng Trác, một gian thần nổi tiếng đương thời.
Khắc tinh của Đổng Trác
Năm 189, Hán Linh Đế băng hà. Vua trẻ lên nối ngôi là Hán Thiếu Đế. Hoạn quan lộng hành, tiếm quyền đoạt vị. Hà Tiến, lúc ấy là bác của Hán Thiếu Đế, anh trai Thái hậu, đã cho triệu Đổng Trác vào kinh để dẹp loạn. Đổng Trác nhân cơ hội đó, lấy cớ vào dẹp hoạn quan, cứu giá mà thực chất là muốn vào cung chuyên quyền, sai khiến thiên tử, ra lệnh chư hầu.
Đổng Trác tự mình ra tay phế lập, phế Hán Thiếu Đế và lập Hán Hiến Đế lên để dễ bề thao túng. Trác còn tự ý thăng mình lên làm Thái úy rồi Tướng quốc, ngôi vị trên cả tam công, ngang hàng với Tiêu Hà, khai quốc công thần của nhà Hán. Trác thao túng chính sự, vơ vét quốc khố làm của riêng, thậm chí chiếm đoạt cả cung nữ, phi tần của nhà vua.
Thực ra, Đổng Trác có thể đắc ý đến vậy là bởi trước đây nhiều người đã từng không nghe lời cảnh báo của Tôn Kiên về nhân vật này. Trước đó, năm 185, các tướng Tây Lương là Biện Chương và Hàn Toại khởi binh chống lại triều đình. Đổng Trác được lệnh ra đánh nhưng đánh không lại, thua chạy hoài. Triều đình phái Xa kỵ tướng quân Trương Ôn ra thay. Đổng Trác khi ấy phải nhường ấn soái, lui về làm tì tướng.
Tôn Kiên khuyên Trương Ôn chiểu theo quân lệnh, chém Đổng Trác. Thế nhưng Trương Ôn lại chần chừ không dứt khoát, sợ chém Trác sẽ làm mất lòng người Tây Lương. Kiên cố gắng khuyên can mấy lần nữa nhưng Trương Ôn vẫn trù trừ không quyết. Kiên chán nản, tính kế ra đi. Trước khi đi, Kiên vạch rõ 3 tội của Trác: một là khinh vua, không lễ phép; hai là không chịu xuất quân đánh giặc; ba là chậm trễ đến khi được triệu tập. Tuy Đổng Trác không bị xử phạt nhưng danh tiếng Tôn Kiên đã nổi như cồn trong quân. Ông chính là người đầu tiên và duy nhất ở thời điểm đó vạch tội Đổng Trác.
Sau này khi Đổng Trác làm loạn cung cấm, tiếm quyền đoạt vị, Tôn Kiên chính là một trong những người đầu tiên tập hợp quân lính, dấy binh thảo phạt nghịch tặc. Viên Thuật gặp Tôn Kiên, dâng biểu xin dâng Kiên là Phá lỗ tướng quân, cho giữ chức Duyện Châu Thứ sử. Kiên cho binh sĩ luyện tập ở Lỗ Dương rồi mang quân đánh Đổng Trác. Trác sai mấy vạn quân đến đánh chặn. Kiên đang ngồi uống rượu với các tướng, vẫn thản nhiên như không, sai quân lính sửa sang thế trận, hàng ngũ tề chỉnh, không được bừa bãi. Quân Trác thấy thế sợ oai Tôn Kiên, không dám động binh, lại dẫn quân ra về.
“Tam Quốc chí” chép, Tôn Kiên nhiều lần bị quân Đổng Trác truy đánh nhưng lúc nào cũng dũng mãnh xông pha, không chịu lùi bước. Tôn Kiên thường chỉ cùng mấy chục quân kỵ phá vây, tả xung hữu đột như chốn không người. Tôn Kiên cầm quân tiên phong đánh đâu được đó, truy kích quân Đổng Trác thua chạy tán loạn. Ở Dương Nhân, Tôn Kiên đại phá quân Đổng Trác, chém đầu nhiều tướng của Trác. Sau này, vì Viên Thuật nghi kỵ, không muốn Tôn Kiên giành công đầu nên từ chối cấp lương thảo cho quân của Kiên, Kiên buộc phải rút về. Kiên phi ngựa rong ruổi về doanh trại ngày đêm, vượt hàng mấy trăm dặm vào gặp Viên Thuật và trách mắng. Viên Thuật cúi đầu làm thinh, hứa sẽ chu cấp lương thảo đầy đủ.
Viên Thuật
Tôn Kiên lại xuất binh truy kích Đổng Trác. Đổng Trác nghe tin sợ hãi, sai Lý Thôi đến giảng hòa và kết làm thông gia. Tuy nhiên, Tôn Kiên nhất quyết cự tuyệt, tiếp tục thúc binh tiến đánh, chỉ còn cách Lạc Dương, nơi Đổng Trác ở khoảng 90 dặm. Đổng Trác thấy Tôn Kiên cự tuyệt thì thân dẫn binh ra ứng chiến lại bị đánh bại. Sau trận đó, Trác gấp rút về Lạc Dương ép vua Hán Thiếu Đế và dân chúng rời đô sang thành Trường An.
Tôn Kiên thừa thắng dấn quân tiến vào cửa Nghi Dương. Ngay cả Lã Bố, mãnh tướng uy vũ nhất nhì thời bấy giờ cũng không chống cự nổi, bỏ chạy dài. Tôn Kiên tiến quân vào Lạc Dương đầu tiên trong các chư hầu.
Trong suốt mấy năm rong ruổi chiến địa, Tôn Kiên chính là khắc tinh lớn nhất của Đổng Trác. Đổng Trác vừa căm giận, vừa nể mà cũng vừa sợ ông. Chính miệng Đổng Trác cũng đã phải thừa nhận tài năng của Tôn Kiên, nói rằng Kiên “cũng hơi có tài dùng người” và “đại để cái kiến giải của hắn tương đồng với Cô”.
Trong 18 lộ chư hầu dấy binh khởi phạt Đổng Trác, chỉ có Tôn Kiên là người duy nhất làm Đổng Trác phải khốn đốn, thua chạy dài. Có hai người quyết tâm đánh Trác đến cùng là Tào Tháo và Tôn Kiên. Tuy nhiên khi đó Tào Tháo chưa có danh tiếng gì, binh lực lại mỏng, có lần truy kích quân Đổng Trác còn bị trúng ổ mai phục, thua trận bẽ bàng. Duy chỉ có Tôn Kiên là dũng mãnh hơn người, thường được người ta gọi là “mãnh hổ Giang Đông”.
Đổng Trác thua trận, vội vã rời đô nhưng cũng chưa được yên thân. Sau khi ra lệnh cho quân sĩ quét dọn lại tôn miếu nhà Hán ở Lạc Dương, Tôn Kiên mau chóng tổ chức quân đội truy kích Đổng Trác. Trác mang theo cả dân chúng và quan quân triều đình nên hành quân ì ạch. Quân Tôn Kiên đuổi gấp đến nơi, Đổng Trác phải sai cả con rể là Ngưu Phụ đi chặn hậu mới yên ổn mà đến được Trường An.
Trong các chư hầu thời kỳ tiền Tam Quốc, Tôn Kiên nổi lên như một dũng tướng bậc nhất. Ông luôn là tướng tiên phong trong các cuộc chinh phạt kể từ quân “Khăn Vàng” cho tới loạn thần Đổng Trác. Chỉ với hơn 1000 sĩ tốt Giang Đông, Tôn Kiên thậm chí đã từng chạm tay vào ngọc tỷ truyền quốc, biểu tượng của quyền lực tối cao. Nhưng cũng chính vì ngọc tỷ đó mà ông mất mạng khi chỉ mới 37 tuổi. Ông cũng chính là người đặt nền móng cho cơ đồ nhà Ngô ở Giang Đông. Sau này các con ông là Tôn Sách và Tôn Quyền đã tiếp tục phát triển sự nghiệp huy hoàng đó, lập thành một Đông Ngô hùng mạnh, hùng cứ vùng Giang Đông, sánh vai với Tào Ngụy và Tây Thục, chia ba thiên hạ, để lại một chương huy hoàng trong lịch sử Trung Hoa.
Hữu Bằng
Xem thêm: