Có hai câu chuyện thật, một câu chuyện xảy ra vào đầu thập kỷ 60 ở Tây Giao, Thành phố Nam Dương, Tỉnh Hà Nam, một câu chuyện khác xảy ra vào thập kỷ 70 ở Thành phố Bắc Kinh.
Câu chuyện thứ nhất – Sét đánh cô con dâu ngược đãi mẹ chồng
Đây là câu chuyện có thật xảy ra vào năm 1960, tại Đại Quản Trang, Tây Giao, Thành phố Nam Dương, Tỉnh Hà Nam.
Ở Đại Quản Trang có một gia đình gồm 5 người, người mẹ già hơn 70 tuổi mắt mù lòa cùng hai vợ chồng người con trai và hai người cháu, một trai một gái. Cháu trai khoảng 9 tuổi, cháu gái hơn 10 tuổi. Người mẹ mù lòa ở phía đông còn gia đình người con trai ở phía tây của ngôi nhà tranh. Người con trai hiếu thuận làm việc ở Lâm Dịch cách xa nhà, hơn một tháng mới về nhà một lần. Hàng ngày, mọi việc trong nhà đều là do con dâu đảm đương, trong nhà chưa từng xảy ra xô xát, to tiếng.
Người con trai mỗi lần trở về nhà đều hỏi thăm mẹ xem ở nhà có hài lòng hay không? Người mẹ vì muốn con trai yên tâm đi làm nên luôn trả lời là hài lòng, còn khen ngợi con dâu hiền lành hiếu nghĩa như thế nào nữa, người con trai mỗi lần nghe xong đều rất yên lòng. Dần dần tin đồn truyền rộng, ở quê nhà mọi người đều nói với nhau rằng bà lão gặp được người con dâu tốt.
Nhưng thực tế, người con dâu này chẳng những hay chửi bới mẹ chồng, nói bà sao không chết sớm đi, còn thường xuyên cho bà ăn cơm và thức ăn thừa.
Có lần mẹ chồng khát nước, ở trong phòng gọi cháu mang nước đến. Lúc đó cô con dâu đang rửa chân, liền bảo bọn trẻ: “Đi xuống bếp lấy bát lên đây”, sau đó, múc nửa bát nước rửa chân rồi bảo đứa con mang cho bà uống.
Có mấy lần bà lão không muốn uống nước, nhưng cô con dâu cũng múc nửa bát nước rửa chân rồi bảo đứa con mang lên cho mẹ chồng mù lòa uống, trong miệng còn nói: “Đừng để bà khát nước, không lại nói chúng ta bất hiếu”.
Thời gian cứ từng ngày từng ngày trôi qua như vậy, người mẹ chồng mù lòa cũng từng ngày từng ngày nhẫn nhịn, cho đến giữa trưa một ngày hè năm 1960, tất cả đã chấm dứt.
Hôm đó, trời đổ mưa rất to còn có cả sấm sét và tia chớp nổ đinh tai nhức óc, vô cùng kinh hãi, lúc ấy, người con dâu và hai đứa cháu đều ở trong nhà, tiếng sét đánh trên nóc nhà, làm rung chuyển xà nhà, kinh hoàng chưa từng có.
Người con dâu thường ngày đều cho mẹ chồng mù lòa uống nước rửa chân cũng biết sợ hãi, ẩn núp trong phòng ngủ, một tay nắm chặt tay con trai và một tay nắm chặt tay con gái đang ngồi trên giường, cả ba mẹ con bị sấm sét hù dọa kinh người.
Trời mưa nửa canh giờ rồi cũng bắt đầu tạnh, tiếng sấm sét cũng dứt. Cô con dâu thở dài nhẹ nhõm, thả tay hai đứa con ra. Hai đứa trẻ vừa mới đi ra bên ngoài, thì một tiếng sét nổ vang trời đánh chết người con dâu đang ngồi trên giường, lúc chết người con dâu này mới 37 tuổi.
Lúc đó, người chồng đang làm cách xa nhà hơn hai trăm dặm, sau khi nghe thấy tin tức rất đau lòng thương xót, mau chóng về nhà lo tang. Hàng xóm láng giếng bàn tán: “Tại sao một người con dâu tốt như vậy mà lại bị sét đánh chết chứ?”, cũng có người nói: “Cô ấy nhất định đã làm việc xấu nào đó, chỉ là mọi người không biết mà thôi”.
Sau khi lo đám tang xong, người chồng đau khổ hỏi hai đứa con trong nhà có chuyện gì xảy ra. Hai đứa trẻ kể rõ đầu đuôi ngọn ngành sự tình trong nhà cho bố nghe, câu nói khiến người bố đau lòng nhất là: “Mẹ con thường xuyên cho bà uống nước rửa chân”.
Người con trai sau khi nghe xong, trong lòng tức giận như bốc lên hỏa khí, muốn ra bới mộ người vợ lên và đánh cho cô một trận, nhưng người mẹ biết và đã khuyên bảo: “Người đã chết rồi, hãy bỏ qua đi!”.
Câu chuyện thứ hai – Gậy ông đập lưng ông
Câu chuyện này xảy ra tại Thành phố Bắc Kinh vào đầu thập kỷ 70. Có một người phụ nữ hơn 60 tuổi, thân hình cao lớn và rất khỏe mạnh tên là Lưu Thị (tên hiệu). Gia đình có 6 người sống trong một ngôi nhà, một gian là mẹ chồng ở, hai gian là bà và cháu trai cháu gái ở, ngoài ra còn hai gian là con trai và con dâu ở.
Chồng của Lưu Thị vì sao chết, không ai biết rõ, chỉ biết lúc đưa về thì đã qua đời rồi. Người mẹ chồng này không phải là người sinh ra chồng bà. Chồng của bà là được cho đi để làm con thừa tự của người mẹ chồng này. Trước đây, con gái không được kế thừa gia sản, vì không có con trai để kế thừa gia sản nên bà phải tìm trong họ hàng để nhận một đứa con thừa tự, nếu không toàn bộ tài sản sẽ để lại cho họ hàng kế thừa. Việc nhận con thừa tự là điều có thật, mặc dù không có pháp luật thừa nhận, nhưng vẫn phải nghiêm túc đối đãi. Chồng của Lưu Thị bị chết nhưng cả nhà bà vẫn phải có nghĩa vụ phụng dưỡng người mẹ chồng kia.
Cụ bà hàng ngày sinh sống ra sao, không có ai biết, chỉ biết rằng từ trước đến giờ bà không ăn cùng mâm cơm với nhà Lưu Thị, đều là mang cơm vào trong phòng ăn. Một hôm, bà cụ không may ngã sấp xuống gãy xương phải nằm trên giường. Gian phòng bà cụ ở là một căn phòng hướng Nam, quanh năm không thấy mặt trời, cũng không có ai đỡ bà ra ngoài sưởi nắng. Bởi vì không ai giúp bà cụ trở mình nên mông bà cụ bị hoại tử, từ đó trở đi bà cụ như biến mất trong mắt mọi người xung quanh hàng xóm.
Về sau, mọi người thường xuyên nghe Lưu Thị oán trách, cũng thường xuyên nghe thấy tiếng kêu đói kêu khát của bà cụ. Rồi có một hôm, nghe nói mẹ chồng của Lưu Thị bị chết đói, chết ở trên mặt đất, có người kể là vì sợ dọn dẹp vệ sinh cho mẹ chồng nên Lưu Thị thường xuyên bỏ đói bà cụ. Hôm đó, Lưu Thị đem cơm vào đặt trên mặt đất, bà cụ với bát cơm lên ăn rồi bị rơi từ trên giường xuống đất và chết ở đó.
Đến đây câu chuyện mới chỉ là bắt đầu.
Sau đó không nhớ rõ mấy năm, Lưu Thị từ một người cao lớn khỏe mạnh, đi lại phăm phăm, giọng nói to rõ ràng, đột nhiên bị trúng gió mà liệt người, mắt lệch, miệng méo, nói không thành tiếng, thậm chí phải đi vệ sinh tại giường.
Lưu Thị có một người con trai và hai người con gái, người con trai là một bác sĩ giỏi, là niềm tự hào của Lưu Thị, bà cả đời dốc sức chăm sóc cho người con trai này, từ khi con trai cưới vợ rồi sinh con đều là một tay bà chăm bẵm sớm tối.
Khi Lưu Thị phải vệ sinh tại giường, cô con gái lớn bị bệnh cao huyết áp đành phải đưa bà về nhà mình ở để chăm sóc, vì không muốn mẹ bị hoại tử, nên cứ một lúc lại trở mình cho bà một lần, nhưng thân hình Lưu Thị cao lớn, cô con gái mỗi lần trở mình cho bà thì đều mệt mà huyết áp tăng cao, lại phải uống thuốc, người con rể chứng kiến, không nhịn được mà nói: “Như này không được, cứ thế này có khi lại chết trước mẹ mất”.
Buổi sáng hôm đó, người con trai 50 tuổi của bà đột nhiên bị mất, có người nói là bị bệnh tim mà mất, nhưng mà người con trai này chưa từng bị bệnh tim. Lưu Thị sau một thời gian dài không thấy người con trai đến thăm hỏi, liền khó nhọc đánh vần từng chữ từng chữ để hỏi người nhà. Mọi người đều nói con trai bà bận công việc, nhưng biểu lộ trên nét mặt của mọi người thì đã như là câu trả lời cho bà, Lưu Thị không ghìm được mình, nước mắt chảy ra giàn rụa.
Người phụ nữ trẻ tuổi ở Nam Dương, Hà Nam phải chịu sự trừng phạt của Diêm Vương mà bị sét đánh, còn Lưu Thị tại Bắc Kinh thì phải trả giá bằng một cách khác, bà phải ở trên thế gian mà chịu cảnh mình đã gây ra cho mẹ chồng.
Theo secretchina
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: