“Quân quyền thần thụ” nghĩa là người lên làm vua là do mệnh trời quyết định, cho nên bất cứ một triều đại nào muốn lên ngôi đều phải được công nhận là chính thống thì mới lâu dài được.
Tuy nhiên, nhà Mạc (1527-1677) trong lịch sử lại là một ví dụ khá đặc biệt khi đã đường hoàng đánh bại hết các đối thủ chính trị và đăng quang cai trị gần 150 năm (trong đó có 66 năm ngự ở Thăng Long với 5 đời vua) mà vẫn bị lên án và xem là ngụy triều. Trong đó Mạc Thái Tổ Đăng Dung lại bị các sử gia thời sau chê trách rất nhiều.
Mạc Đăng Dung lên ngôi, mở ra triều đại kéo dài hơn trăm năm không kém một triều đại nào trong lịch sử Việt Nam, vậy thì vì lẽ gì mà lại bị chê bai như thế, liệu những điều đó có xác đáng hay không? Chúng ta sẽ cùng xem lại hành trạng của vị vua lắm tài nhiều tiếng này.
Phần 1: Anh hùng lập thân thời loạn
Hàn vi làm nên đại nghiệp, sánh với Đinh Tiên Hoàng Đế
Mạc Thái Tổ (1483-1541) tên thật là Mạc Đăng Dung, là hoàng đế sáng lập ra triều đại nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam. Ông là người đã đánh dẹp các thế lực cát cứ chống đối triều đình, loại bỏ ảnh hưởng của những người ủng hộ nhà Lê, thành lập nhà Mạc.
Cuộc đời ông có nét giống với Đinh Tiên Hoàng và Khai tổ nhà Trần vì ông xuất thân hàn vi, là một người đánh cá (nhà Trần xuất thân cũng từ nghề đánh cá), gia đình ba đời không có ai thi cử đỗ đạt nhưng nhờ võ công cao cường ông đã thi đỗ võ trạng nguyên dưới triều Lê Uy Mục. Đây cũng là bước khởi đầu cho sự nghiệp của ông, từ chức võ quan cấp thấp Mạc Đăng Dung đã vươn tới tột bậc quyền lực vào năm 1527 khi được thăng tới chức Thái sư, tước An Hưng vương thời Lê Cung Hoàng. Sau khi dẹp hết các thế lực cát cứ và chống đối, ông đã trở thành Khai quốc Hoàng đế của nhà Mạc.
Số mệnh của ông đã được định làm vua nước Nam. Tương truyền tại bến đò trước khi lên đường đi thi Võ trạng nguyên, Nhữ Thị Thục, một nhà tướng số nổi tiếng đồng thời là mẹ của Trạng Trình đã biết trước rằng Mạc Đăng Dung sẽ trở thành vua:
“Thấy ông lão lái đò rạp mình khúm núm khi bước qua mặt người phụ nữ, Đăng Dung biết đó không phải là người bình thường. Tiễn anh em Đăng Dung lên tận bờ đê, ông lão nói: “Đấy là nhà chị Thục, con gái quan Nhữ Thượng thư”. Nhữ Thị Thục, con quan Hộ bộ Thượng thư Nhữ Văn Lan, tiếng nghe đã lâu bây giờ mới giáp mặt – Đăng Dung nghĩ – Thảo nào kiêu kỳ thế không biết!”.
Nhữ nương quả thật là người kiêu kỳ. Nhưng đó là với người khác, vào lúc khác, bởi lúc này đây nàng đã mất hết sự tự chủ. Chờ ông lái đò trở lại, Nhữ nương hỏi lúc nãy trên đò là ai. Nghe ông lão nói, nàng bảo: “Ông không biết đâu, tướng người ấy là tướng quân vương!”.
Nhữ nương ngẩn ngơ nhìn theo bóng Mạc Đăng Dung mãi, khiến ông lái đò không khỏi cười thầm trong bụng: Phải lòng mất rồi chị chàng ơi! Chả nhẽ tiếc vì đã có chồng, không thì sẽ lấy người ta hay sao? Đến gấp đôi tuổi người ta chứ ít à? Thảo nào cứ nghe thiên hạ nói chị ta lắm lúc như người cuồng!” (trích truyện Mạc Đăng Dung của Lưu Văn Khuê).
Mệnh trời đã định ngôi Thiên Tử rơi vào ai thì người ấy được, ý người có muốn thay đổi cũng không được, kể cả hoàng đế đương quyền. Sử chép:
“ Năm 1511, Đăng Dung được thăng làm Vũ Xuyên bá, bây giờ các thuật sĩ, hào kiệt nói với vua rằng phương đông có sắc khí thiên tử. Vua Lê Tương Dực sai đại thần Nguyễn Văn Lang đem thuật sĩ ra Đồ Sơn, Hải Phòng, tức quê của Mạc Đăng Dung trấn yểm. Đăng Dung đi trong chuyến đó mà không ai biết ”.
Định Nam Đao – Võ công đệ nhất nước Nam
Ở Mạc Đăng Dung có rất nhiều điểm giống với các vị hoàng đế khai quốc danh tiếng của các triều đại lớn. Ngoài Lý Thái Tổ, đệ nhất ngoại môn đệ tử của Phật gia ra thì Mạc Đăng Dung chính là vị hoàng đế hiếm hoi mang một thân võ công kinh nhân, đạt giải võ trạng nguyên. Ngoài ra ông còn giống một vị vua khác là Lưu Bị thời Tam Quốc ở điểm có hai huynh đệ mưu trí và võ công cao cường cùng phò anh mình làm nên đế nghiệp. Đó chính là Mạc Đốc và Mạc Quyết, cả hai sau này đều trở thành tướng lãnh trụ cột của nhà Mạc.
Cuộc đời binh nghiệp hiển hách của Mạc Đăng Dung dần trở nên sáng tỏ khi hậu thế phát hiện ra thanh đao trứ danh, vũ khí tùy thân của ông, gọi là Định Nam Đao, một thanh đao nguyên vẹn của hoàng đế hiếm hoi còn lại trên thế giới.
Theo câu chuyện lưu truyền trong dân gian, một người thợ rèn bí ẩn thấy tướng mạo khác thường của chàng trai Mạc Đăng Dung, làm nên nghiệp lớn không phải bằng con đường kinh sử mà là võ học. Chính vì vậy, người thợ đã rèn thanh long đao như một lời nhắn ngầm Mạc Đăng Dung sẽ thành thiên tử từ chính binh khí này. Sau khi rèn xong, ông để lại cây long đao kèm với một bài kệ đại ý là: “ Cơ nghiệp sẽ dựng nên từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm nên đại sự ”.
Mạc Đăng Dung đã dùng thanh đao này khởi đầu binh nghiệp bằng cuộc thi Võ Trạng Nguyên với ngôi đầu.
“ Trong số các lực sĩ trúng tuyển thì những người xuất sắc gọi là Đô lực sĩ xuất thân, ngang hàng như Đồng tiến sĩ xuất thân bên văn chương, trong đó đỗ đầu là Đô đầu Đại lực sĩ, ba người tiếp theo là Đại lực sĩ, cũng vinh hạnh như các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp bên văn khoa.
Từ khi gặp Lê Bá Ly và Nguyễn Bỉnh Đức, anh em Mạc Đăng Dung quyết tâm luyện tập. Đăng Dung thuê thợ rèn tạo cho mình chiếc đao nặng hơn 42 cân (*), Mạc Đốc thanh kích, Mạc Quyết ngọn thương ” (trích truyện Mạc Đăng Dung).
Tại khu tưởng niệm nhà Mạc ở Hải Phòng hiện thờ thanh đao ngày xưa của Mạc Đăng Dung, dài 2,5m, nặng 25,5 kg (với trọng lượng tính theo cân ta, 1 cân = 0,605 kg). Cần phải biết thanh đao của Ngô Tam Quế đời Thanh (Trung Quốc), một danh tướng rất khoẻ, hiện thờ ở Kim Điện, Côn Minh, tỉnh Vân Nam, cũng chỉ nặng 13 kg. Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Vũ nổi danh lịch sử cũng chỉ nặng 82 cân, tức khoản 37 kg.
Nghĩa là võ công của Mạc Đăng Dung đã đạt đến đỉnh cao với nội lực thâm hậu hiếm có, ông quả là xứng danh hào kiệt số 1 Việt Nam thời đó vậy.
Bình định thiên hạ – Cả nước theo về – Lên ngôi Thiên tử
Một vị hoàng đế trong quá trình gây dựng sự nghiệp, muốn thu được lòng dân tất phải có nhiều công lao trong việc chỉnh đốn triều cương, dẹp loạn và nội trị. Trong sự nghiệp của mình, Mạc Đăng Dung đã xuất sắc hoàn thành những việc ấy, đến nay còn ghi trong sử:
Đầu tiên là chỉnh đốn triều cương, giết những quan lại tha hóa và những tà đạo nhiễu loạn nhân gian:
“ Thời ấy có Trần Khắc Xương mượn đạo Thiên vũ, Thiên bồng mê hoặc dân, Mạc Đăng Dung dâng sớ xin trị tội, lại hạch một số viên quan mê tín tà thuyết. Nhà vua nghe theo, giết những người ấy. Thiệu quốc công Lê Quảng Độ hàng phe nổi dậy Trần Cảo, Mạc Đăng Dung cũng dâng sớ khuyên nhà vua đem chém vì tội bất trung, vua cũng nghe theo. Từ đấy, nhà vua tin Mạc Đăng Dung là người trung trực, càng thêm ân sủng ”.
Kế đến là chỉnh đốn binh mã, giúp vua dẹp yên quần hùng để thâu tóm binh quyền vào tay:
“ Năm 1518, Mạc Đăng Dung được thăng làm Vũ Xuyên hầu, ra trấn thủ Hải Dương. Tại đây Đăng Dung thu thập hương binh, chỉnh đốn quân ngũ, quân số ngày càng đông.
Tháng 7 năm 1519, Mạc Đăng Dung thống lĩnh các quân thuỷ bộ vây Lê Do ở Từ Liêm, rồi phá đê cho nước vỡ vào quân Lê Do. Do và Nguyễn Sư chạy đến Ninh Sơn, bị Đăng Dung bắt được, giải về giết chết. Trịnh Tuy bỏ chạy về Thanh Hoá. Các tướng Sơn Tây là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Hoàng Duy Nhạc đều xin hàng Mạc Đăng Dung. Chiêu Tông phong Mạc Đăng Dung làm Minh quận công. Ông một mình nhân cầm quân dẹp loạn mà từ đó nắm hết quyền bính, vua hồi Kinh sư, việc thiên hạ tạm yên ”.
Tiếp đó khi thế lực đã mạnh, chính là quét sạch tứ phương để lên ngôi Thiên tử:
“ Năm 1520, Đăng Dung được vua sai làm Tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh, lấy Phạm Gia Mô làm tán lý quân vụ. Năm sau, lại được phong làm Nhân quốc công, tiết chế các doanh quân thủy bộ 13 đạo, tháng 7 lại gia phong Đăng Dung làm Thái phó.
Năm 1522, Lê Bá Hiếu nổi dậy chống triều đình ở vùng Đông Ngàn, Gia Lâm. Mạc Đăng Dung lại mang quân đi đánh dẹp được. Mạc Đăng Dung lập nhiều công lớn, dẹp được nhiều lực lượng chống đối triều đình nên quyền lực của ông càng lớn. Sử gia Lê Quý Đôn viết rằng: “Công danh ngày càng thịnh, triều đình ai cũng phục”.
Năm 1524, Mạc Đăng Dung nắm chức Bình Chương quân quốc trọng sự, Thái phó, tước Nhân quốc công. Sau đó Mạc Đăng Dung tiếp tục đánh dẹp các lực lượng trung thành với Lê Chiêu Tông do các tướng Giang Văn Dụ, Hà Phi Chuẩn đứng đầu.
Ông tiêu diệt các tướng chống đối. Các lực lượng chống đối đều bị dẹp, mọi quyền lực đều thuộc về Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung lui về Cổ Trai nhưng vẫn chế ngự triều chính.
Tháng 4 năm 1527, Lê Cung Hoàng sai đình thần cầm cờ tiết đem kim sách, áo mão thêu rồng đen, đai dát ngọc, kiệu tía, quạt vẽ, lọng tía đến Cổ Trai, tấn phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng vương, gia thêm cửu tích. Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai trở lại kinh đô ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi. Sử gia Lê Quý Đôn chép: “Lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón về kinh đô. Mạc Đăng Dung lên ngôi, tức là vua Mạc Thái Tổ. Ông chính thức lập ra nhà Mạc ”.
Trái với những lời nhận xét mang tính hạ thấp của sử cũ luôn cho rằng ông là người thoán nghịch, là ngụy triều, chúng ta thấy rất rõ rằng Mạc Đăng Dung chính là một vị vua chân chính đã hoàn thành sự nghiệp bằng chính tài thao lược và trí dũng vô song của mình. Ông chính là anh hùng lập thân thời loạn như Đinh Tiên Hoàng, một võ tướng tài năng và một chính khách vô cùng khôn ngoan biết thu phục nhân tâm.
Trong số các đối thủ chính trị từ cao nhất là vua Lê vốn nổi tiếng bất tài cho đến các quân phiệt như Trần Cảo, Trần Cung, Trần Tuân, Trần Chân, Nguyễn Hoằng Dụ, Trịnh Duy Sản, Trịnh Tuy,… không ai có đủ tài năng và uy tín hơn Đăng Dung. Ông lên ngôi ngay lúc đường đường chính chính tiêu diệt kẻ thù và được thiên hạ theo về, vậy cớ gì lại nói triều đại của ông là ngụy triều?
Đức sáng thu nhân tâm – Dùng người không nghi ngờ
Vốn xuất thân hàn vi lại ít học nhưng Mạc Đăng Dung vẫn lập nên công nghiệp hiển hách với sự phò tá của rất nhiều tướng lĩnh và văn thần nổi tiếng. Trong bối cảnh triều Lê thống trị với rễ sâu gốc dày mà ông vẫn lập được triều đại của mình và cai trị ổn định suốt thời gian dài, đó chính là bản lĩnh chân chính của chàng ngư phủ họ Mạc này.
Mạc Đăng Dung còn được các sử gia sau này đánh giá cao ở cách đối nhân xử thế. Khi Mạc Đăng Dung phế bỏ nhà Lê Sơ để lên ngôi, ông đã không thi hành một cuộc tàn sát hay tắm máu nào đối với con cháu nhà Lê và những người trung thành với cựu triều như cách mà nhà Lý, Trần, Hồ đã làm khi chiếm ngôi báu.
Mạc Đăng Dung cũng không xâm phạm hay tàn phá các di tích kiến trúc của nhà Lê Sơ, mà còn cho tu bổ lại các công trình như nhà Quốc Tử Giám ở Thăng Long và lăng mộ các đời vua Lê tại Lam Kinh (Thanh Hóa). Đây cũng được coi là việc làm hiếm thấy trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, bởi triều đại mới lên thường xóa bỏ hay phá hủy những gì được coi là “tàn tích” của triều đại cũ bất kể nó có giá trị hay không.
Ngoài đó ra thì điểm “đặc biệt” nổi bật nhất trong hành trạng của Mạc Đăng Dung là khả năng dùng người và trọng đãi nhân tài của ông. Một bộ phận lớn quan lại, đại thần của triều cũ (Lê Sơ) vẫn được tin dùng và trao giữ những chức vụ quan trọng dưới triều Mạc. Có lẽ cách hành xử linh hoạt, cởi mở như vậy là do ông xuất thân ở vùng biển nơi cư dân có cái nhìn thực tế, hướng ngoại và ít bị ràng buộc bởi những tư tưởng bảo thủ truyền thống như những cư dân trong nội địa vốn chủ yếu sống bằng nông nghiệp vào thời đó.
Sách ” Vũ trung tùy bút” của tác giả Phạm Đình Hổ thời Lê Trung Hưng đã viết: ” Cái đức chính của thời Minh Đức (niên hiệu của Mạc Thái Tổ) và Đại Chính (niên hiệu của Mạc Thái Tông) nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên. Vậy nên thời vận đã về nhà Lê mà lòng người hướng theo nhà Mạc vẫn chưa hết…”.
Tích xưa còn lưu câu nói nổi tiếng của Tào Tháo, một trong những lãnh đạo dùng người giỏi nhất thời Tam Quốc: “Đã dùng thì phải tin, nếu không tin thì đừng dùng”. Câu nói này thể hiện thuật dùng người của Mạc Đăng Dung, yếu tố đem lại sự thành công trong đại nghiệp của ông. Một vị hoàng đế như vậy thiết nghĩ cũng là khó thấy trong lịch sử nước nhà vậy.
(Còn nữa)
Tĩnh Thủy