Là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất thời cổ đại, đất nước ông trị vì trở thành trung tâm thế giới, văn minh Trung Hoa lên đến đỉnh cao dưới thời của ông, trở thành kiểu mẫu lịch sử. Chúng ta đang nói đến Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Bóng tối của lịch sử đã che khuất đi nhiều sự thật về ông, hãy cùng chúng tôi phủi đi lớp bụi thời gian, lần lại những trang sử đã thất lạc về vị quân vương vĩ đại ấy.

Những năm đầu Đại Đường kiến lập, lãnh thổ chỉ giới hạn ở vùng Quan Trung và Hà Đông. Bắt đầu từ những năm đầu niên hiệu Võ Đức (năm 618), Đường Cao Tổ Lý Uyên thân là hoàng đế, trấn thủ Trường An. Nhưng quần hùng trong thiên hạ đồng thời tồn tại, vương triều Lý Đường cần phải chinh chiến khắp nơi, bình định bốn phương mới có thể nhất thống thiên hạ được. Đương thời, những người xưng vương xưng đế, lãnh binh hùng bá một phương có khá nhiều.

Khi Lý Uyên khởi binh, hai cha con Tiết Cử, Tiết Nhân Cảo chiếm giữ vùng Lũng Hữu, xưng đế, quốc hiệu Tần. Lưu Võ Chu xưng đế, quốc hiệu Hán, là một chi nhánh lực lượng quan trọng ở miền bắc của vùng Sơn Tây, trực tiếp uy hiếp đến địa phận Thái Nguyên, vốn là lãnh thổ của Lý Đường. Vương Thế Sung chiếm giữ Hà Nam, xưng đế, quốc hiệu Trịnh, thế lực lớn mạnh, vốn không thể xem thường được. Đậu Kiến Đức thành lập chính quyền, quốc hiệu Hạ, xưng hùng vùng Hà Bắc, không ai bì nổi. Ở vùng trung du, hạ du của Trường Giang, nhóm người Tiêu Tiển, Đỗ Phục Uy, Phụ Công,… đều nóng lòng chờ đợi thời cơ. Biên giới phía Bắc thì có Đột Quyết là giặc, thế lực vô cùng lớn mạnh, đang nhòm ngó Trung Nguyên.

Trung Nguyên chia năm xẻ bảy, quần hùng tranh ngôi bá chủ, ai có thể quét sạch quần hùng thì mới có thể thống lĩnh thiên hạ, xưng vương trị quốc. Đó chính là, “binh chinh thiên hạ, vương giả trị quốc” (chiến tranh để chinh phục thiên hạ, bậc vương giả trị vì quốc gia).

Trong những trận chiến chủ yếu góp phần thống nhất thiên hạ của Đại Đường, Lý Thế Dân (sau này là Hoàng đế Đường Thái Tông) hoặc là trực tiếp tham gia cùng khởi tác dụng quan trọng trong đó, hoặc là trực tiếp làm thống soái, đặc biệt là đích thân thống lĩnh đội quân nhà Đường trong các trận đánh bại Tiết Nhân Cảo, Tống Kim Cang, Lưu Vũ Chu, Vương Thế Sung, Đậu Kiến Đức, Lưu Hắc Thát. Đó đều là những trận chiến then chốt nhất, cũng là những lần đại chiến hình thế nguy cấp nhất, chiến sự gian nan nhất trong suốt quá trình thống nhất thiên hạ của Đại Đường. Sau mỗi lần chiến tranh thắng lợi, Lý Thế Dân xem trọng việc trấn an kẻ hàng, thu thập người tài, ý nghĩa đặc biệt sâu xa. Lý Thế Dân bởi vì lập nhiều chiến công, về sau được Cao Tổ phong là Thiên Sách Thượng Tướng, địa vị ở trên tất cả công hầu.

Bản đồ những năm Trinh Quán thời Đường Thái Tông. (Ảnh: Epoch Times)

Tài năng lần đầu hiển lộ

Năm thứ 11 niên hiệu Đại Nghiệp, Tùy Dạng Đế bị 10 vạn quân thiết kỵ của Đột Quyết bao vây ở Nhạn Môn, không cách nào đột phá vòng vây được, chỉ có thể buộc chiếu thư lên trên đầu gỗ, thả xuống sông Phàn cho chiếu thư thuận theo dòng chảy mà trôi xuống, mong rằng có người nhìn thấy chiếu thư sẽ tìm đến cứu viện. Lý Thế Dân năm đó chỉ mới 16 tuổi, gia nhập quân ngũ, ở dưới quyền của tướng quân Vân Định Hưng.

Khi đó, dưới trướng tướng quân Vân Định Hưng chỉ có 2 vạn tân binh, hơn nữa phần nhiều đều là bộ binh. Lý Thế Dân kiến nghị lên Vân Định Hưng: Sở dĩ Đột Quyết dám bao vây Thiên tử, là cho rằng chúng ta không có quân cứu viện. Chi bằng chúng ta chia quân đội thành hàng dài nối liền trước sau, kéo dài mấy chục dặm, để quân địch ban ngày nhìn thấy cờ xí phấp phới, buổi tối nghe thấy tiếng chiêng trống, sẽ lầm tưởng là đại quân áp sát, như vậy mới có thể không đánh mà thắng. Còn nếu họ biết thực hư của ta, hai binh giáp mặt đánh nhau, thì thắng bại khó đoán trước được.

Vân tướng quân đã tiếp nhận kế nghi binh của Lý Thế Dân, binh Đột Quyết nhìn thấy quân Tùy cuồn cuộn nối liền không dứt, quả nhiên cho rằng cứu binh của quân Tùy ồ ạt kéo đến, bèn giải vây bỏ chạy.

Trong thời gian Lý Uyên trấn giữ Thái Nguyên, Lý Thế Dân 18 tuổi. Tướng giặc Cao Dương là Ngụy Đao Nhi, tự hiệu Lịch Sơn Phi, vô cùng dũng mãnh, dẫn binh đến tấn công Thái Nguyên. Lý Uyên dẫn binh đánh trả, không may rơi sâu vào trong trận địch, không cách nào ra khỏi vòng vây. Lý Thế Dân dùng kỵ binh nhẹ phá vòng vây mà tiến vào, giương cung bắn địch, quân địch tan tác, cứu thoát Lý Uyên từ trong vạn người. Sau đó, bộ binh của quân địch lại kéo đến, Lý Uyên và Lý Thế Dân lại hăng hái đánh trả, đại phá quân địch.

Thật ra, khí số nhà Tùy đã tận, khởi nghĩa dấy lên ở khắp nơi, khói lửa chiến tranh bao phủ, dân chúng lầm than. Lý Thế Dân chuẩn bị huấn luyện nghĩa binh, thường xuyên cứu trợ người dân, trọng đãi binh sĩ, bỏ tiền nuôi tân khách. Nhân sĩ giang hồ, nghĩa sĩ hiệp khách, ai nấy đều tự nguyện dốc hết sức mình, chuẩn bị đầy đủ cho nghĩa binh Lý Đường khởi nghĩa.

Tượng đứng của Hoàng đế Đường Cao Tổ – Lý Uyên, nguyên là bộ sưu tập của Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, nay nằm trong Bảo tàng Cung điện Quốc gia ở Đài Bắc. (Ảnh Wikipedia)

Tháng 5 năm 13 niên hiệu Đại Nghiệp (năm 617), Lý Thế Dân với tấm lòng bao dung thiên hạ, mong muốn cứu vớt người dân thoát khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng; lo nghĩ cho muôn dân, bàn tính kế sách trong màn trướng; kế thừa thiên ý, thuận theo lòng dân, khuyên cha khởi binh. Lý Uyên sau đó ở Thái Nguyên lấy khẩu hiệu “cần vương thảo tặc” (giúp vua thảo phạt gian tà) chính thức khởi binh, mở ra một triều đại mới là Đại Đường. Cùng với quân khởi nghĩa, Lý Thế Dân dẫn binh công phá được Tây Hà.

Tháng 7, Lý Thế Dân theo Lý Uyên xuất chinh, giằng co với 2 vạn tinh binh của Tống Lão Sinh – viên tướng nhà Tùy ở huyện Hoắc, tỉnh Sơn Tây. Vừa khéo đúng lúc mưa hoài không dứt, cạn kiệt nguồn lương thực. Cao Tổ thảo luận với trưởng sử Bùi Thích, chi bằng tạm thời trở về Thái Nguyên, sau đó mới mưu đồ khởi sự. Lý Thế Dân khẩn cầu cha đừng rút quân. Thế Dân nói:

“Vốn dĩ hưng lập đại nghĩa là vì để cứu vớt bách tính, trước hết cần phải đánh vào Hàm Dương, hiệu lệnh thiên hạ; mới gặp phải kẻ địch nhỏ nhoi liền điều quân trở về, e rằng những người gia nhập nghĩa quân sẽ phải giải tán trong một sớm. Quay về trấn giữ Thái Nguyên một vùng, đây chẳng qua chỉ là hành vi của giặc cỏ mà thôi, làm sao có thể bảo toàn bản thân đây!”.

Nhưng Lý Uyên không nghe theo, ra lệnh đốc thúc nghĩa quân mau chóng lên đường. Thế Dân liền khóc lớn ở bên ngoài, tiếng khóc vang vào tận trong lều trại. Lý Uyên đòi gặp hỏi nguyên nhân, Thế Dân nói: “Hiện nay, quân đội dựa vào chính nghĩa mà bắt tay hành động, nếu như tiến bước, chiến đấu nhất định sẽ giành được thắng lợi, còn như lui về thể nào cũng sẽ giải tán. Nghĩa quân tan rã ngay trước mắt, quân địch thừa cơ đuổi đánh theo sau, bỏ mạng chỉ trong khoảnh khắc, bởi vậy mà đau lòng”. Lý Uyên hiểu ra và ngưng việc lui binh.

Tháng 8, mưa tạnh, Lý Uyên dẫn theo quân đội đi đánh chiếm huyện Hoắc. Lý Thế Dân sợ Tống Lão Sinh không xuất chiến, bèn dẫn theo vài kỵ binh đến dưới thành huyện Hoắc trước, cầm theo roi ngựa ra dấu, giống như đã bao vây thành vậy để chọc giận Lão Sinh. Lão Sinh quả nhiên tức giận, mở cửa thành xuất binh, bày binh bố trận. Lý Uyên và Kiến Thành cùng dàn trận ở thành đông, Thế Dân và Sài Thiệu bày trận ở thành nam. Lão Sinh chỉ huy quân sĩ cấp tốc tiến lên, áp sát Cao Tổ trước, lúc này Kiến Thành đột nhiên ngã ngựa, Lão Sinh thừa cơ tiến công, đội quân của Lý Uyên và Kiến Thành vội vàng rút lại phía sau.

Chân dung Sài Thiệu (Chai Shao). (Ảnh: wikipedia)

Thế Dân từ bãi đất ở thành nam dẫn đầu hai đội kỵ binh vội vàng đi xuống, phá tan đội quân của Lão Sinh, lại thống lĩnh đại quân ra sức tấn công; quân địch đại bại, vứt bỏ vũ khí chạy trốn. Lão Sinh lui về đến cổng thành, cửa thành hạ xuống, Lão Sinh tay nắm lấy sợi dây thừng muốn leo lên thành, bị chém chết, thế là đại quân Lý Đường đã bình định được huyện Hoắc.

Đến Hà Đông, hào kiệt vùng Quan Trung tranh nhau kéo đến tham gia nghĩa quân. Lý Thế Dân xin tiến quân vào quan ải, đánh chiếm kho thóc Vĩnh Phong cứu tế dân nghèo, thu phục quần hùng và chúng hào kiệt đánh chiếm kinh đô, Cao Tổ khen hay. Lý Thế Dân dẫn quân vượt qua Hoàng Hà, trước tiên bình định Vị Bắc. Quan dân và thân sĩ hào kiệt ở các vùng phụ cận kinh đô kéo đến quân trại, mỗi ngày có đến mấy nghìn người xin được gia nhập nghĩa quân, già trẻ dìu nhau, đầy khắp doanh trại. Thế Dân thu nạp anh tài, tận dụng tài năng, người ở xa gần nghe thấy vậy, đều nô nức kéo đến đầu quân.

Quân Đường cắm trại ở Kính Dương, binh sĩ ưu tú có trên 9 vạn, đánh tan tặc khấu người Hồ là Lưu Diêu Tử, thu phục bộ hạ của y, lưu lại Ân Khai Sơn, Lưu Hồng Cơ đóng quân ở thành cũ Trường An. Bản thân Lý Thế Dân dẫn quân xông lên Tư Trúc, đứng đầu bọn cướp là Lý Trọng Văn, Hà Phan Nhân, Hướng Thiện Chí đều đến gặp mặt, dừng chân ở A Thành, thu được 13 vạn binh sĩ. Người dân Trường An đưa thịt rượu đến cửa doanh trại tiếp đãi nghĩa quân nhiều không kể xiết, Thế Dân đều ân cần hỏi han, sau đó đích thân tiễn chân, vật phẩm nhất loạt không nhận. Quân lệnh nghiêm minh, không ai làm trái. Tiếp sau dẫn theo nghĩa quân bình định kinh thành, Lý Thế Dân được cải phong là Tần Quốc Công.


Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.


Theo Epoch Times
Vũ Dương biên dịch