“Rèn luyện phẩm hạnh, không gì hơn chính là có thể nghe lời nói thẳng thật, hủy đức hạnh và làm bại hoại nhân tâm không ai giỏi hơn kẻ nịnh bợ” (Đường Thái Tông).

Không giống với lịch sử các quốc gia khác trên thế giới, sân khấu Hoa Hạ dựa vào phương thức thay triều đổi đại để làm nổi bật nét đặc sắc về “một triều thiên tử, một triều thần, một triều văn hóa”. Hoàng đế Trung Nguyên nhận mệnh con của Trời ngồi vào ngôi vị, thống lĩnh hoàng gia, làm chủ sân khấu thế gian. Hoàng đế Thái Tông của Đại Đường vốn là ‘Kim Luân Thánh Vương’ ở thương khung xa xôi chuyển sinh, vào thời điểm cuối khi nhà Tùy diệt vong, ông dẹp yên bốn phương thiên hạ, thu về giang sơn Đại Đường, giáo hóa muôn dân trăm họ, thành tựu thời “Trinh Quán chi trij” huy hoàng khiến Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, Minh Thành Tổ Chu Lệ, Thanh Thánh Tổ Khang Hy cùng các Thánh hoàng minh quân hậu thế tán thưởng không ngớt, vô cùng tôn sùng. 

Vào năm Trinh Quán thứ 22, Thái Tông đích thân viết ‘Đế phạm’, phân thành 12 quyển là Quân thể (Thể chế của quân vương), Kiến thân (Xây dựng mối quan hệ thân thiết), Cầu hiền, Thẩm quan (Kiểm tra quan viên), Nạp gián (Tiếp nhận khuyên can), Khứ sàm (Loại bỏ lời gièm pha), Giới doanh (Cảnh cáo khuyên nhủ đầy đủ), Sùng kiệm (Tôn sùng tiết kiệm), Thưởng phạt, Vụ nông, Duyệt võ (xem võ), Sùng văn, làm quà tặng cho Lý Trị (vị quân vương đời sau là Đường Cao Tông), nói rõ về đạo của đế vương và dùng để làm gương cho muôn đời. 

‘Đế phạm tự’: 

“Trẫm nghe thấy đại đức gọi là sinh, đại bảo gọi là vị, dùng để phân biệt cao thấp, dựng nên mối quan hệ quân thần. Sở dĩ giáo hóa dân Trung Nguyên, dạy bảo bậc quân vương, bản thân không phải có thể nhìn rõ nghĩ thấu, thuận theo võ mà tự phủ dục lê nguyên, quân đào thứ loại, tự phi khắc minh khắc triết, duẫn vũ duẫn văn, hoàng thiên quyến mệnh, lịch sổ tại cung, an khả dĩ lạm ác linh đồ, thao lâm thần khí. Thị dĩ Thúy Quy tiến Đường Nghiêu chi đức, Nguyên Khuê tích Hạ Vũ chi công. Đan tự trình tường, Chu khai thất bách chi tộ; tố linh biểu thụy, hán khải trọng thế chi cơ. Do thử quan chi, đế vương chi nghiệp, phi khả dĩ lực tranh giả hĩ.

“Tích Tùy quý bản đãng, hải nội phân băng, tiên hoàng dĩ thần vũ chi tư, đương kinh luân chi hội, trảm linh xà nhi định vương nghiệp, khải kim kính nhi ác thiên xu. Nhiên do ngũ nhạc hàm phân, tam quang tập diệu, sài lang thượng ngạnh, phong trần vị ninh. Trẫm dĩ nhược quan chi niên, hoài khảng khái chi chí, tư tĩnh đại nan, dĩ tể thương sinh. Cung hoàn giáp trụ, thân đương thỉ thạch, tịch đối ngư lân chi trận, triêu lâm hạc dực chi vi, địch vô đại nhi bất tồi, binh hà kiên nhi bất toái. Tiễn trường kình nhi thanh tứ hải, tảo sàm thương nhi khuếch bát hoành, thừa khánh thiên hoàng, đăng huy tuyền cực. Tập trọng quang chi vĩnh nghiệp, kế bảo lục chi long cơ, chiến chiến căng căng, nhược lâm thâm nhi ngự hủ, nhật thận nhất nhật, tư thiện thủy nhi lệnh chung.

“Nhữ dĩ ấu niên, thiên chung từ ái, nghĩa phương đa khuyết, đình huấn hữu quai. Trạc tự duy thành chi cư, chúc dĩ thiểu hải chi nhâm, vị biện quân thần chi lễ tiết, bất tri giá sắc chi gian nan, trẫm mỗi tư thử vi ưu, vị thường bất phế tẩm vong thực. Tự Hiên hạo dĩ hàng, hất chí Chu Tùy, dĩ kinh thiên vĩ địa chi quân, toản nghiệp thừa cơ chi chủ, hưng vong trì loạn, kỳ đạo hoán nhiên. Sở dĩ phi kính tiền tung, bác thải sử tịch, tụ kỳ yếu ngôn, dĩ vi cận giới vân nhĩ.”

Đường Thái Tông soạn ‘Đế phạm’. (Phạm vi công cộng)

Đại ý là: “Trẫm nghe nói đại đức của trời đất nằm ở việc cải tạo tái sinh vạn vật, và báu vật lớn của thánh nhân là ngôi vị hoàng đế, dùng để phân tôn ti cao thấp, lập danh phận quân thần, dưỡng dục dân chúng, giáo hóa thứ dân. Nếu không phải là bậc quân vương thông minh cơ trí, văn võ toàn tài, được trời xanh chăm nom, thì làm sao có được may mắn tỏ rõ thần khí mà ngồi lên ngôi vị hoàng đế chứ? Đường Nghiêu thánh đức, có thần quy hiện lên ở sông Thúy Quy dâng tặng ‘Hà Đồ’; Thần công trị thủy của Đại Vũ, trời xanh ban thưởng Nguyên Khuê; Chim đỏ ngậm bức thư màu đỏ bay từ núi Kỳ Sơn hướng đến Chu Văn Vương tuyên dụ thiên mệnh, tạo nền tảng sáng lập cơ nghiệp nhà Chu kéo dài 800 năm; Ai ngồi lên ngôi vị đế vương là do Trời định, quyết không phải dựa vào cơ trí cùng với gắng sức mà đạt được. 

Vào những năm cuối triều đại nhà Tùy, thiên hạ phân chia. Đường Cao Tổ với dáng vẻ uy vũ, gặp được thời thế thay triều đổi đại mà khởi binh bình loạn, kiến tạo Đại Đường quân lâm thiên hạ. Lúc đó, quần hùng cát cứ, trời đất âm u, sài lang hoành hành, thiên hạ không yên. Năm ta 18 tuổi, với tấm lòng khẳng khái ôm theo chí lớn bình định đại loạn, cứu tế muôn dân trăm họ, mặc áo giáp ra trận, kẻ địch mạnh cũng không thể phá, binh địch có kiên trì đến đâu cũng không chọc thủng, tỏ rõ tứ hải, bình định tám phương. Sau đó ta ngồi lên ngôi vị hoàng đế, kế thừa sự nghiệp thống nhất thiên hạ. Lo lo lắng lắng, như rơi xuống vực sâu, như xe mục nát, mỗi ngày cẩn thận, suy nghĩ đến đạo trị quốc an dân, làm sao để trước sau vẹn toàn. 

Con từ phiên vương lập làm thái tử, giao cho trách nhiệm kế thừa ngôi vị hoàng đế. Mỗi khi nghĩ đến việc con sinh ra và lớn lên ở thâm cung, không hiểu lễ tiết quân thần, không biết đời sống dân chúng khó khăn, ta vô cùng lo lắng, thường xuyên mất ăn mất ngủ. Ta lấy sử làm gương, trên bắt đầu từ Hiên Viên hoàng đế, cho đến Bắc Chu, nhà Tùy, nhìn vào bậc quân vương kinh thiên vĩ địa, bậc chủ gây dựng sự nghiệp thống nhất, đạo lý hưng vong trị loạn, bảo con biết rõ xưa và nay, lấy đó làm gương”. 

Trong chương “Quân thể”, Thái Tông cho rằng quân là người làm chủ, bậc quân vương có lòng nhân từ bi với chúng sinh, uy đức vang xa, cảm hóa dân chúng. 

“Phu dân giả, quốc chi tiên; quốc giả, quân chi bản. Nhân chủ chi thể, như sơn nhạc yên, cao tuấn nhi bất động; như nhật nguyệt yên, chân minh nhi phổ chiếu. Ức triệu thứ chi sở chiêm ngưỡng, thiên hạ chi sở quy vãng. Khoan đại kỳ chí, túc dĩ kiêm bao; bình chính kỳ tâm, túc dĩ chế đoạn; phi uy đức vô dĩ trí viễn, phi từ hậu vô dĩ hoài dân. Phủ cửu tộc dĩ nhân, tiếp đại thần dĩ lễ. Phụng tiên tư hiếu, xử hậu tư cung, khuynh kỷ cần lao, dĩ hành đức nghĩa, thử nãi quân chi thể dã.” 

Tạm dịch: “Dân chúng là trụ cột quốc gia, quốc gia là nền tảng căn bản để bậc quân vương sinh tồn. Thể của người chủ như núi lớn vậy, cao to uy nghiêm mà bất động; giống Nhật Nguyệt vậy, anh minh chân thành mà phổ chiếu. Nơi chiêm ngưỡng của hàng trăm triệu triệu thứ cũng là chỗ mà thiên hạ hướng về. Ý chí rộng lớn đủ để nhìn được toàn cục; tâm ngay thẳng đủ để chế ra và đoạn đứt; không có uy đức chẳng thể vươn xa, không có lòng nhân hậu chẳng thể thương yêu dân chúng. Vỗ về cửu tộc dựa vào lòng nhân từ, đón tiếp đại thần cần dựa vào lễ. Thờ cúng tổ tiên nghĩ đến hiếu, sau đó nghĩ đến cung kính, dốc lòng chăm chỉ, mà hành theo đức của nghĩa, đây là thể của quân vương”. 

“Đế phạm – Quân thể” (Phạm vi công cộng)

“Kiến thân” luận về phân đất phong hầu phong phiên bảo vệ mà làm kiên cố nền tảng trọng yếu của quốc gia. 

“Đạo của người trong thiên hạ rộng lớn, trách nhiệm của bậc quân chủ vô cùng trọng đại. Đạo rộng lớn không thể làm ra thiên lệch, cho nên cần cùng mọi người cai quản; trách nhiệm quan trọng này không thể dựa vào một nhà, cho nên cần dựa vào cộng đồng dân chúng cùng nhau bảo vệ. Vậy nên dựa vào phong tước phong hầu xây dựng mối quan hệ thân thiết, là phiên chắn bảo vệ, cùng nhau lúc an nguy, một lòng chung vui buồn, xa gần tương trợ, thân và không thân đều dùng, hợp nhất những nút thắt thành chuẩn mực, khí tiết phản nghịch không sinh ra”. “Nói đến phong tước (hoàng đế cấp đất đai và tước vị cho quan lại) quá lớn, chính là tạo ra tai họa cắn rốn chính mình, nhưng nếu lực lượng (thực lực của quan lại được phong tước) quá yếu nhược thì tấm chắn bảo vệ sẽ không vững chắc. Bởi vậy mà nói, biện pháp tốt nhất là phong cho hoàng thất dòng tộc, nhưng không thể để cho lực lượng này quá lớn, có như thế thì mới có thể nặng nhẹ tương trợ bảo vệ lẫn nhau, cùng chung vui buồn, vậy thì trên không nghi kỵ lẫn nhau, dưới không lo xâm chiếm oán thù”. 

Hai cuốn “Cầu hiền” và “Thẩm quan” giảng về việc đế vương dùng ý chí bao la rộng lớn cầu hiền tài, bổ nhiệm trung lương phò tá thống trị thiên hạ, tuyển chọn những quan lại thanh liêm xứng với chức vị mà giáo hóa dân chúng. 

“Nói về việc phò tá cứu giúp quốc gia, tất nhiên cần đến trung lương, người có thể đảm nhiệm, thiên hạ tự trị. Cho nên, Nghiêu mệnh cho tứ nhạc (thần tử của Nghiêu đế), Thuấn đề cử bát nguyên (tài tử), dựa vào thành tựu cung kính và tự kiềm chế mà hướng đến to lớn, dùng để khen ngợi đạo sáng của bậc quân vương được người người kính trọng. Bậc học sĩ tri thức thông kim bác cổ, nhân tài kiệt xuất hiển đạt thanh minh, ở góc độ lập thân, khi không gặp được quân chủ anh minh, có tài nhưng không gặp thời thế, họ đều muốn che giấu bản thân thật kỹ, chờ đợi thời cơ. Giống như rồng phượng thu lại đôi cánh chờ phong vân. Những chí sĩ với tư cách là người hiển đạt, họ nhất định là đang âm thầm tu dưỡng, trau dồi học thức cùng phẩm đức, chờ đợi thời cơ gặp thánh chủ hiền thần, thi triển khát vọng. Cho nên bậc thánh chủ minh quân sẽ tìm kiếm nhân tài tuấn kiệt khắp nơi, mở rộng phạm vi tìm hiểu người hiền tài. Ở những ngôi làng hẻo lánh, họ cũng muốn đến để tìm ra. Chỉ cần là người tài có thể sử dụng, sẽ không bởi vì xuất thân của người này thấp hèn mà không cần, cũng không bởi vì từng bị họ làm nhục mà thiếu tôn trọng”.

“Nói về việc thiết lập chức quan, cần thúc đẩy được việc tuyên truyền giáo hóa dân chúng. Vì vậy, người làm minh chủ như người thợ mộc khéo tay chế tạo xe kéo, khúc thẳng đặt làm càng xe, khúc cong đẽo vào chỗ bánh xe, khúc dài dùng làm trụ, khúc ngắn đặt ở chỗ nối góc, vô luận là cong thẳng ngắn dài đều có chỗ dùng được. Người đảm nhiệm làm minh chủ, cũng giống như vậy. Đối với bậc trí giả thì chọn dùng mưu của họ, kẻ ngốc nghếch thì chọn dùng sức, kẻ dũng chọn lấy uy của họ, người nhút nhát chọn lấy sự thận trọng của họ; dù là trí, ngu, dũng, nhút nhát, đều có chỗ dùng được. Cho nên mới nói, bậc lương tướng không vứt bỏ tài năng, bậc minh chủ không vứt bỏ sĩ. Không vì một việc ác mà bỏ qua tất cả những việc thiện mà họ đã làm, chớ vì một điểm sai lầm nhỏ mà tước bỏ hết công sức họ đã bỏ ra. 

Với tư cách là bậc quân chủ, từ trên xuống dưới, ở ngôi cao nhìn xuống, bao quát các cực, thuận theo bốn mùa, dựa vào trái tim rộng một tấc vuông để xử lý mọi việc trong thiên hạ. Nếu như không mượn nhờ trí tuệ cùng sức của người khác trợ giúp, sao có thể làm thành công được? Cho nên cần phân ra rõ các chức quan lớn nhỏ, biết rõ người hiền, chọn tài phân lộc. Chọn được một người tốt thì việc giáo hóa dân chúng sẽ rộng khắp, chọn sai một người thì sẽ khiến dân chịu tổn hại”. 

Hai cuốn “Nạp gián” và “Khứ sàm” nói về việc quân vương cần khiêm tốn lắng nghe khuyên can, cổ vũ tinh thần nói thẳng nói thật, gần với trung thần, xa kẻ tiểu nhân, tuyên dương sự trung thành và chính trực, giúp người trung nghĩa làm hết sức mình và bậc trí giả tận tâm suy nghĩ kế sách. 

Quân vương ngồi ở ngôi cao trong thâm cung nên sẽ có những ngăn cách đối với dân chúng, không thể nhìn thấy hết mọi thứ trong thiên hạ, cũng không thể nghe hết được tất cả thanh âm. Chỉ sợ rằng bản thân có sai lầm mà không được nghe khuyên can, bản thân có khuyết thiếu mà không thể tu bổ kịp thời. Sở dĩ ‘Thiết đào thụ mộc’ (thiết kế chiếc trống viên và dựng cột gỗ)*, nghĩ làm sao để nghe được ý kiến và chính sách đúng đắn; nghiêng tai lắng nghe, khiêm tốn tiếp thu lời can gián, kỳ vọng bậc chí sĩ có kiến thức sẽ dùng tấm lòng chính trực tới bẩm báo. Nếu như lời họ nói có đạo lý, cho dù người đó có xuất thân là nô bộc đi chăng nữa, cũng không thể bởi vì thân phận thấp kém của họ mà từ chối lắng nghe ý kiến; ngược lại, nếu như lời nói không có đạo lý, thì dù người này có xuất thân là vương hầu khanh tướng, cũng không thể vì xuất thân cao quý của họ mà tiếp nhận làm theo. Nếu lời nói của một người mà trên phương diện đạo lý là hợp với đại nghĩa, thì lời nói sẽ thể hiện ra sự chính trực không vòng vo hoa mỹ, nếu như đạo lý có thể chọn dùng thì đâu cần quan tâm đến cách họ biểu đạt tài văn chương lý lẽ?” 

“Nói đến những kẻ kết kéo bè đảng nịnh bợ, chúng chính là sâu mọt hại dân hại nước”. “Bậc vương giả mong muốn quang minh chính đại, kẻ bợ đỡ mong muốn lấp liếm”. 

“Rèn luyện phẩm hạnh, không gì hơn chính là có thể nghe lời nói thẳng thật, hủy đức hạnh và làm bại hoại nhân tâm không ai giỏi hơn kẻ nịnh bợ”. 

“Cho nên bậc quân chủ anh minh tiếp nhận can gián thẳng thật, sẽ giống như người bệnh uống đúng thuốc, bệnh tật lập tức tiêu trừ. Bậc quân chủ ấu trĩ, nghe theo lời nịnh hót, giống như mạng bé nhỏ uống phải độc dược mà mất đi. Phải cảnh giác! Phải cảnh giác!” 

Hai cuốn “Giới doanh” và “Sùng kiệm” bàn về việc bậc quân vương cần tu tâm dưỡng tính, rời bỏ xa hoa và thực hành tiết kiệm, bồi dưỡng đạo đức giáo hóa dân chúng, hình thành lối sống thuần phác cho dân.  

“Nói về bậc quân vương, tiết kiệm để dưỡng tính, tĩnh để tu thân. Sống tiết kiệm thì thân không mệt mỏi, yên tĩnh thì dưới không loạn. Người sống vất vả quá thì sẽ sinh oán trách, dưới loạn thì chính trị rối ren”. 

“Thời đại quân chủ thánh minh, có tác phong sinh hoạt tiết kiệm. Thiên hạ giàu có, quý bởi thiên tử dựa vào tư tưởng thực hành tiết kiệm mà bảo vệ. Thánh triết anh minh, dùng thái độ ngu dại bảo vệ mình. Không ỷ vào địa vị tôn quý của chính mình mà kiêu ngạo đối đãi với người; cũng không dựa vào đức dày của chính mình mà cậy tài coi khinh người”.

“Kiêu xa hay tiết kiệm liên quan đến bình an và nguy loạn, hết thảy những điều này đều do bản thân con người quyết định. Nếu như có thể thanh tâm quả dục, mệnh tốt sẽ được dài lâu. Ngược lại, nếu dục vọng quá nhiều sẽ sinh ra hung loạn”. 

Hai cuốn “Thưởng phạt” và “Vụ công” cùng giảng về việc bậc quân vương cần từ bi uy nghiêm, thưởng phạt phân minh, tuyên dương cái thiện, ức chế cái ác, khích lệ canh nông dệt vải, khiến dân chúng hướng về nguồn cội, phong tục quy chân.

“Trời đất nuôi dưỡng vạn vật giống như quân vương thống trị dân chúng. Trời coi nóng lạnh là đức hạnh, quân vương coi nhân ái là hạnh tâm”.  

“Phạt để tỏ rõ uy nghiêm, thưởng phân minh dùng để giáo hóa. Lập được uy thì cái ác sẽ sợ, giáo hóa tốt sẽ khích lệ hành thiện”.

“Mặc quần áo và ăn cơm là thiên tính của con người, không ai có thể thay đổi và ngăn cản. Vì vậy, căn bản của quản lý đất nước cùng dân chúng nằm ở việc tăng cường sản xuất nông nghiệp. Trong kho lúa chất đầy lương thực thì không cần ai đi giảng đạo, mọi người tự nhiên sẽ hiểu được coi trọng lễ tiết, đạt tới cơm no áo ấm rồi lại càng không cần ai đi giáo dục, mọi người tự nhiên biết rõ sự khác nhau giữa vinh và nhục”.

“Chỉ có trừ bỏ hết thói quen sống phù hoa, khích lệ canh nông dệt vải mới khiến dân chúng coi trọng đạo căn bản của nghề nông, trở về với lối sống chân thực, có như vậy thì con người mới mang chứa lòng nhân nghĩa, rời xa con đường tham lam tàn bạo, đây cũng là lý căn bản của nghề nông”. 

“Duyệt võ” và “Sùng văn” giảng về sự nghiệp của hai đạo văn và võ, không nên bỏ qua.

“Quốc gia dùng quân đội và vũ khí để đối phó với hung loạn bạo ngược. Mặc dù lãnh thổ quốc gia rộng lớn, nếu như yêu thích chiến tranh thì số người sẽ giảm bớt; cho dù đất nước yên ổn, nhưng nếu chiến tranh nhiều thì lực lượng quốc gia nhất định suy kiệt”. 

“Sau khi công lao sự nghiệp đạt được hoàn thành, đất nước yên ổn, thì cần thiết lập âm nhạc, quản lý và chế định lễ nghi. Lễ nhạc hưng thịnh, lấy đạo Nho làm gốc. Mở rộng phong tục giáo hóa, hướng dẫn tập tục, không gì tốt hơn công phu của văn; tuyên dương chính sách, dạy bảo dân chúng, không gì tốt hơn trường học”. 

“Đến khi trường khí bao trùm đất, thành bại đã định ra người dẫn đầu; sóng lớn cuồn cuộn ngất trời, một hồi quyết định hưng vong; lúc này cứu thế cần coi trọng dạy võ công. Và khi sơn hải đã yên, bụi sóng đã sạch, cũng là lúc mà 7 đức của võ không còn uy nữa mà thay vào đó là 9 công (thành tựu văn hóa giáo dục) đạt được công đức to lớn. Cứu thế lúc này cần nhẹ về giáp trụ mà trọng về thi thư. Vậy là đã hiểu được hai đạo văn và võ, không thể bỏ thứ nào, đều có”. 

Trong cuốn “Đế phạm”, Đường Thái Tông nhấn mạnh 12 cương lĩnh cho bậc đế vương, lấy tu thân dưỡng đức làm căn bản. 

“12 cuốn sách này giảng ra, giúp cho bậc đế vương không mơ hồ. Giang sơn bình an hay nguy loạn, hưng thịnh hay suy bại, đạo lý đều nói cả trong đó”.

“Ta có mong muốn cứu tế giúp cho muôn dân trăm họ đạt được lợi ích nhiều hơn, khi bình định thiên hạ cũng giúp dân lợi nhiều mà hại ít, người không oán, công lao lớn mà đức không nhỏ. Mặc dù như thế nhưng vẫn chưa đạt được thập toàn thập mỹ, nhìn lại bản thân vẫn thấy hổ thẹn. Nói về phần con, chưa từng lập qua chút công đức nào, lại tiếp tục kế thừa ngôi vị hoàng đế, sao lại không thể nỗ lực hơn? Nếu sùng thiện tuyên dương đức thì sự nghiệp thái bình mà thân cũng an ổn; nếu như tình cảm tùy tiện mà làm sai thì đế nghiệp sẽ nghiêng mà thân cũng hủy hoại, thành trì nhanh chóng đổ nát, đất đước cũng vậy; mất thì dễ mà được thì khó, ngôi vị Trời ban cho cũng vậy. Nhất định phải chú ý”. 

*’Thiết đào thụ mộc’: Đào (cái trống viên thời cổ), Đại Vũ cho thiết kế chiếc trống viên mà đối đãi với bậc chí sĩ tứ phương, Thuấn đế có gỗ phỉ báng (trồng các cột gỗ để dân chúng ghi lên đó lời chê bai)

(Còn tiếp…)

Theo Epoch Times
San San biên dịch