Một ngày nọ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng đệ tử A Nan đi dạo ở một vùng quê của nước Xá Vệ. Bỗng Đức Phật dừng bước và nói: “A Nan, con hãy nhìn xuống chỗ gò đất ở thửa ruộng phía trước mặt kia, dưới gò đất đó có một con rắn độc rất đáng sợ”.
A Nan dừng bước, nhìn theo hướng tay Đức Phật chỉ và trả lời: “Dạ thưa Sư Tôn quả đúng là một con rắn độc đáng sợ!”
Ở gần nơi Đức Phật và A Nan đang đứng nói chuyện, có một lão nông đang cày ruộng. Ông lão nghe thấy cuộc nói chuyện của Đức Phật liền đi về phía trước nơi gò đất mà Đức Phật chỉ tay, xem có rắn độc thật không.
Nhưng khi người nông dân tới gò đất và đào lên thì phát hiện một hũ vàng chôn dưới đất. Lão nông lẩm bẩm: “Rõ ràng đây là một hũ vàng, thế mà các hòa thượng lại nói là rắn độc, thật không hiểu được rốt cuộc là họ đang nghĩ cái gì nữa”.
Sau khi đào được hũ vàng, người nông dân vội vàng mang về nhà. Bỗng nhiên có được của cải “từ trời rơi xuống”, cuộc đời lão nông thay đổi nhanh chóng không ngờ, không còn phải sống cảnh nghèo túng vất vả, ngày ngày không còn phải lo ba bữa ăn cùng cực như trước đây nữa.
Không những không cần phải lo lắng về ăn uống sinh hoạt, gia đình ông còn có thể mua thêm nhiều đồ dùng, quần áo mới, hằng ngày còn được thưởng thức những món ngon vật lạ.
Những người hàng xóm của gia đình lão nông chứng kiến sự thay đổi đột ngột đó đều cảm thấy nghi ngờ. Chỉ trong thời gian ngắn, tin gia đình lão nông trở nên giàu có lưu truyền khắp bốn phương.
Không lâu sau tin đồn lan tới tai của quan phủ, quan phủ cho gọi lão nông tới và hỏi: “Nghe nói gia cảnh nhà ngươi trước đây nghèo khó, nhưng gần đây chỉ trong một đêm bỗng nhiên giàu có. Tiền của nhà ngươi rốt cuộc từ đâu mà có, có phải đi ăn trộm của người ta không? Hãy mau chóng khai thực đi”.
Bởi không trả lời được lai lịch của số vàng kia, lại cũng không cách nào chứng minh mình không phải là ăn trộm, nên lão nông bị quan phủ giam trong ngục, cả ngày bị chất vấn hỏi tội vô cùng mệt mỏi.
Người nhà của lão nông liền mang vàng đi hối lộ cho quan phủ, hy vọng có thể bảo toàn tính mạng cho lão. Nhưng mặc dù tiêu hết số vàng có trong nhà rồi vẫn không cứu được lão.
Cuối cùng lão nông bị phán quyết tử hình. Ngày lão bị đưa đi, vừa nhìn thấy đoạn đầu đài liền vô cùng sợ hãi, miệng không ngừng kêu gào: “Thật đúng là một con rắn độc rồi! Đức Phật Thích Ca, ngài A Nan ơi đúng là một con rắn độc rất lớn!”.
Quan phủ nghe thấy những lời nói kỳ lạ của người nông dân, trong lòng cảm thấy nghi ngờ, cho rằng đằng sau tất có duyên cớ gì ẩn khuất, liền bẩm báo sự việc này cho đức vua.
Đức vua nghe xong lại càng thêm vạn phần ngờ vực, liền cho gọi lão nông đến và hỏi: “Này lão nông, ngươi phạm tội ăn cướp, bị phán tội tử hình. Khi lên đoạn đầu đài tại sao lại không ngừng kêu la? Câu nói đó có nghĩa là gì?”.
Lão nông vô cùng kinh sợ bẩm báo với nhà vua: “Bẩm đức vua, một hôm khi con đang cày ruộng thì gặp Đức Phật Thích Ca và ngài A Nan đi ngang qua. Họ nhìn gò đất có chôn một hũ vàng và nói nơi đó có một con rắn độc lớn. Nhưng con lại cứ cố tình không tin, nên sau đó tự mình ra đó đào lên và thấy đó là một hũ vàng.
Con mang nó về nhà và mới bị rơi vào bước đường cùng như ngày hôm nay. Bây giờ thì con mới hiểu được vàng bạc đúng là một con rắn độc. Mặc dù vàng bạc có thể giúp con trở nên giàu có, nhưng ngược lại cũng có thể làm con mất mạng. Đúng là so với rắn độc thì vàng bạc còn đáng sợ hơn nhiều!”.
Tiếp đó ông dùng thơ nói với đức vua:
Đức Phật nói đó là con rắn độc,
A Nan cũng nói đó là con rắn độc.
Con rắn đó độc không gì sánh bằng, tới hôm nay mới hiểu ra được.
Người ngu dốt thường hay mê hoặc, coi vàng bạc như là báu vật.
Bởi mê mờ vô lối, mới rơi vào vực sâu thống khổ.
Chỉ có vứt đi ngu muội trong đầu, mới không bị mê hoặc bởi tiền bạc.
Đức vua nghe được những lời chân thành tha thiết từ tâm của người nông dân, trong lòng bừng tỉnh triết lý của Đức Phật, và tin tưởng vào những điều người nông dân kể.
Cuối cùng đức vua phán quyết người nông dân vô tội và thả ông ta về. Người nông dân từ bấy giờ chăm chỉ làm lụng, không tham lam bất kể thứ gì không phải của mình, giữ đời thanh sạch nhẹ nhàng, an vui.
Kiên Định biên dịch