Cuộc đời con người thường gặp vô vàn khó khăn, trắc trở. Chúng khiến bản thân mỗi người cảm thấy sống trên đời thật quá khổ đau. Chúng ta cùng ngẫm 9 lời Phật dạy dưới đây, sẽ khiến phiền não không cánh mà bay.

1. Những thứ mất đi hà cớ phải đòi lại?

Phật giảng rằng: “Những thứ đã mất đi, kỳ thực là do chúng chưa từng thực sự thuộc về con. Vậy nên đừng nuối tiếc, lại càng không cần phải nhất quyết đòi lại cho bằng được”.

Cảm ngộ: Những thứ không thực sự thuộc về mình sao lại cứ dập dờn như ma trơi, thử lòng người như vậy? Nếu chúng ta biết rằng, những gì không thuộc về ta, thì có tranh giành bao phen cũng không có được. Vậy thì đã có thể buông bỏ thật nhẹ nhàng, không cần tranh đua, chẳng phải bon chen, không thấy phiền lòng, cũng chẳng có buồn thương.

Chính trong quá trình được mất mờ ảo khôn lường này chúng ta mới có dịp nhìn sâu thêm vào nội tâm mình để tìm ra những điều chân chính và vĩnh cửu. Tình yêu, công danh, sự nghiệp cũng đều như vậy mà thôi. Có những thứ thực sự thuộc về chúng ta, có những thứ chỉ đến để khiến tâm ta nổi sóng và tiếc nuối khôn nguôi. Nhưng quá trình này cũng giúp chúng ta biết buông bỏ những gì không cần thiết và trân quý hơn những gì mình đang có.

Những thứ đã mất đi là do chúng chưa thuộc về ta, hà cớ phải nuối tiếc. Ảnh minh họa: travellemming.com

2. Cuộc sống quá mệt mỏi làm thế nào mới có thể ung dung tự tại?

Phật giảng rằng: “Cuộc sống mệt mỏi một nửa là vì sinh tồn, một nửa còn lại là vì dục vọng và sự so sánh”.

Cảm ngộ: Chúng ta có thể không thể thay đổi được cách mưu sinh, sinh tồn của mình. Bởi lẽ mỗi người sinh ra đã được ban cho những điều kiện khác nhau, kỹ năng và bản sự khác nhau. Nhưng chúng ta có thể thay đổi một nửa còn lại trong sinh mệnh của mình. Đó là buông gánh nặng dục vọng và sự so sánh để bản thân mình được nghỉ ngơi và hưởng thụ những món quà của cuộc sống.

Hãy luôn tin rằng bạn là một tác phẩm hoàn mỹ của tạo hóa và những gì an bài cho bạn đều là tốt nhất. Chúng ta tuy khác nhau, mỗi người mỗi vẻ, nhưng đều là một mảng ghép không thể thiếu, luôn bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Vậy cớ chi phải so sánh và tranh đua giành giật? Chỉ cần bạn luôn giữ một trái tim thiện lương và biết nghĩ cho người khác, cuộc sống sẽ mỉm cười với bạn, lau khô những giọt mồ hôi trên trán bạn và đặt một đóa hoa tươi thắm vào tâm hồn bạn.

3. Hôm qua và ngày hôm nay, chúng ta nên nắm giữ như thế nào?

Phật giảng rằng: “Đừng để quá nhiều những việc của ngày hôm qua chiếm lấy ngày hôm nay của con”.

Cảm ngộ: Hãy trân trọng những phút giây hiện tại và những gì mình đang có. Nếu bạn thoáng buồn vì vóc dáng hay ngoại hình của mình, có bao giờ bạn nghĩ rằng bây giờ mình đang đẹp nhất hay không? Bởi lẽ thời gian như con nước chảy mãi, chẳng hề quay đầu. Mỗi ngày qua đi thời gian lại bóc thêm một lớp thanh xuân trên gương mặt mỗi người, chỉ để lại những mái tóc điểm sương và những nếp hằn theo năm tháng.

Những điều của ngày hôm qua là những điều nên đến và nằm ngoài tầm với của chúng ta. Chỉ có ngày hôm nay mới là những phút giây mình đang thực sự trải nghiệm cuộc sống. Có thể chúng ta sẽ thấy hạnh phúc hay khổ đau. Nhưng hãy tin rằng chúng đến là để giúp bạn nhận ra điều bạn thực sự trân quý là gì.

Những điều của ngày hôm qua là những điều nằm ngoài tầm với của chúng ta. Ảnh minh họa: pinterest.com

4. Đối đãi với bản thân, với người khác như thế nào?

Phật giảng rằng: “Hãy đối xử tốt với bản thân mình một chút. Bởi lẽ đời người dài chẳng tày gang. Hãy đối xử với những người xung quanh tốt một chút. Bởi vì một đời chưa hẳn đã có thể gặp lại nhau”.

Cảm ngộ: Hãy coi bản thân mình là người bạn thân thiết nhất của bạn. Đừng chê người bạn ấy xấu xí hay kém cỏi, bởi lẽ “bạn ấy” sẽ buồn và cũng khiến chính bản thân bạn phải đau khổ. Hãy mang lại niềm vui cho “bạn ấy”. Dẫu bạn không hoàn thiện nhưng chỉ cần luôn hướng tới những điều tích cực, cũng đủ để bạn khám phá ra nhiều điều kỳ diệu vẫn giấu kỹ trong tâm hồn mình.

Với người khác cũng vậy, hãy giúp đỡ lẫn nhau, cho nhau những nụ cười khích lệ, hay giọt nước mắt an ủi. Hãy cùng nhau trải nghiệm những hợp tan, buồn vui của một kiếp người. Bởi lẽ có thể còn ngày mai để gặp lại, cũng có thể chẳng bao giờ được trông thấy mặt nhau. Cuộc đời vẫn luôn như thế, đổi thay như ruộng bể nương dâu, ôm giữ trong mình bao điều bí mật không thể biết trước.

5. Giải thích về sự lịch thiệp như thế nào?

Phật giảng rằng: “’Xin lỗi’ là một sự chân thành, ‘Không sao!’ là một phong thái. Nếu con đã ‘Xin lỗi’ một cách chân thành, nhưng lại không được đền đáp lại bằng phong thái ‘Không sao’ thì chỉ có thể nói rằng đối phương là kẻ vô tri và thô tục”.

Cảm ngộ: Cớ chi phải dùng thước đo của người khác để ướm vào bản thân mình? Mỗi người sinh trưởng trong những hoàn cảnh khác nhau, tiếp xúc với những người khác nhau và có những trải nghiệm khác nhau. Vậy nên thước đo của bạn và người khác là hoàn toàn khác nhau.

Đó là còn chưa kể tới nhân duyên, ân oán bao đời mà con người không được phép nhớ lại. Trong cõi mê này sao có thể biết được đâu là đúng, đâu là sai? Nên cứ làm những điều mà bạn cần làm. Nếu không được báo đáp lại cũng chẳng hề gì. Cùng lắm chỉ là bạn đang gặp phải một người không có giáo dưỡng mà thôi.

Trong cõi mê này sao có thể biết được đâu là đúng, đâu là sai? Nên cứ làm những điều mà bạn cần làm. Ảnh minh họa: pinterest.com

6. Làm thế nào để cân bằng giữa hạnh phúc và bi thương?

Phật giảng rằng: “Mỗi người chỉ có một trái tim, nhưng lại có hai ngăn. Một ngăn chứa niềm vui, một ngăn đựng nỗi buồn. Đừng cười lớn tiếng, nếu không sẽ khiến bi thương bên cạnh thức giấc”.

Cảm ngộ: Buồn vui như hình với bóng, như hai người bạn sát cánh bên nhau chẳng rời. Khi nếm vị ngọt của hạnh phúc mới biết thế nào là vị đắng của bi thương. Khi quằn quại trong nỗi đau da diết mới biết thế nào là hạnh phúc êm đềm.

Vậy nên cội nguồn của bi thương chẳng phải hạnh phúc hay sao? Nếu không biết thế nào là hạnh phúc thì cũng chẳng biết thế nào là bi thương. Quá đắm mình vào hạnh phúc ngắn ngủi nơi thế gian sẽ khiến bi thương thức giấc. Bởi lẽ cõi hồng trần chỉ là điểm dừng chân của con người chúng ta mà thôi.

7. Như thế nào mới được gọi là “Chân chạm đất” (Thực tế)?

Phật giảng rằng: “Chỉ cần chân của con vẫn đứng trên mặt đất, thì con đừng coi nhẹ bản thân. Chỉ cần con vẫn còn sống trên trái đất này thì đừng coi bản thân mình quá vĩ đại”.

Cảm ngộ: Làm người không nên tự ti, cũng không nên tự phụ về bản thân mình. Bởi lẽ con người là tinh anh của vạn vật, nhưng lại không phải là cái rốn của vũ trụ.

Sống giữa nhân gian chúng ta hãy biết trân trọng những gì mẹ Thiên nhiên ban tặng. Mẹ Thiên nhiên luôn yêu thương và chở che cho chúng ta. Những cơn mưa ngọt lành, những dòng sông, con suối cho chúng ta giọt nước mát. Mỗi sớm mai ông mặt trời lại mỉm cười, ùa vào khung cửa gọi chúng ta thức giấc. Những hàng cây xanh chăm chỉ cung cấp cho chúng ta bầu không khí trong lành. Vạn sự vạn vật dường như đều sinh ra khiến cuộc sống của chúng ta thêm thi vị, ý nghĩa. Lẽ nào những điều đó lại là ngẫu nhiên? Mẹ Thiên nhiên trân trọng chúng ta như vậy, sao bạn còn thấy buồn?

Thế nhưng đứng trước vũ trụ bao la thì trái đất không bằng một hạt bụi giữa vô vàn dải ngân hà bao la. Vũ trụ luôn tồn tại vĩnh hằng như vậy từ hàng trăm triệu năm qua. Còn con người chúng ta có mấy người thọ được 100 tuổi? Công danh lợi lộc và tri thức và những điều chúng ta thấy tự hào liệu có đủ để chúng ta tự phụ khi đứng trước vũ trụ huyền bí này được sao?

Làm người không nên tự ti, cũng không nên tự phụ về bản thân mình. Ảnh minh họa: pinterest.com

8. Có người nói tình yêu sẽ phôi pha theo thời gian, có phải vậy không?

Phật giảng rằng: “Tình yêu khiến con người quên mất thời gian, thời gian cũng sẽ quên đi tình yêu”.

Cảm ngộ: Khi hai trái tim ngừng đập, như hai trường không gian của những đôi tình nhân say đắm nồng nàn hòa tan vào nhau, thời gian dường như ngưng đọng, dường như đứng im.

Nhưng những hồi hộp, xao xuyến, đam mê, đắm say ấy có thể kéo dài mãi mãi? Mãi mãi là bao nhiêu năm? Mãi mãi là bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp? Con người luôn ở trong vòng quay luân hồi và liên tục khoác những bộ xiêm y khác nhau, diễn những vai khác nhau trên sân khấu cuộc đời. Thời gian không ngừng trôi, xóa nhòa những ký ức của đời trước, kiếp này. Chỉ có con người vô tình hay cố ý không muốn hiểu. Nhưng tình yêu đâu có thể sống mãi cùng thời gian?

9. Hai người yêu nhau mà không đến được với nhau thì làm thế nào?

Phật giảng rằng: “Không đến được với nhau thì không đến được với nhau. Hãy trân quý hơn mỗi lần gặp gỡ”.

Cảm ngộ: Con người đến với nhau vì duyên, kết đôi thành lứa vì nợ. Duyên tụ mới gặp, duyên tán thì tan. Ngàn năm nay chẳng phải đã có vô vàn câu chuyện tình yêu đẹp nhưng dang dở như vậy hay sao? Có biết bao kẻ si tình “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Họ vẫn đau đáu niềm thương nhớ về những kỷ niệm tình yêu êm đềm, ngọt ngào khi xưa. Thậm chí có người còn vì vậy mà không thể thực sự sống hạnh phúc bên người bạn đời hiện tại của mình. Người nơi đây mà tâm hồn lại ở nơi nao?

Làm như vậy liệu bản thân mình có được hạnh phúc? Người bạn đời kết tóc se tơ, ngày đêm đầu ấp vai kề bên chúng ta liệu có thấy chạnh lòng và cô đơn, trống vắng?

Những gì đã qua thì hãy để nó qua đi. Hãy biết trân trọng hơn những gì mình đang có, trân quý hơn mỗi cơ duyên hội ngộ tương phùng!

Minh Nguyệt

Bạn đang đọc bài viết: “Đức Phật dạy: Cuộc sống mệt mỏi một nửa là vì sinh tồn, nửa còn lại vì dục vọng” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!