Đời người giống như vở kịch, vở kịch diễn dịch về nhân sinh. Đời người cũng hệt như giấc mộng, giấc mộng nhìn rõ đời người…
Đời người như giấc mộng, những lúc nửa đêm ta chợt giật mình tỉnh dậy, chúng ta có được cảm ngộ gì đây? Chúng ta nhìn xem đời người, chẳng qua chỉ là nhìn hoa trong sương, nhìn trăng dưới nước, kẻ ngốc nói mê. Ai lại có thể nhìn được rõ ràng, nói được rõ ràng đây!
Đời người hệt như vở kịch, mà cũng như giấc mộng
Đời người hệt như vở kịch, vở kịch giải nói về nhân sinh. Đời người tựa như giấc mộng, giấc mộng nhìn rõ kiếp người:
Đời người như vở kịch vậy, ở trong vở kịch này, chúng ta đang diễn vai gì đây? Chính diện, phản diện, thiện lương, chính nghĩa, hề xấu…. Bạn là vai diễn nào đây? Đời người như giấc mộng, nửa đêm giật mình tỉnh giấc, chúng ta có được cảm ngộ gì đây? Trong kinh điển có giảng:
Đời người hệt như ở trong bụi gai, lòng không động thì thân cũng không động, bởi không động nên không bị tổn thương; còn như tâm động, con người làm bừa, thân này tổn thương, đau đớn mình mẩy, thế là nếm đủ mọi điều thống khổ nơi thế gian.
Đối diện với phong hoa tuyết nguyệt, tài tử giai nhân, thử hỏi ai có thể không động lòng được đây? Đứng trước tiền của bạc vàng, vinh hoa phú quý, thử ai có thể giữ mình được vững vàng đây? Con người ta có thất tình lục dục; trăng có khi tàn khi khuyết. Màn trình diễn “Hồng Lâu Mộng” người kia vừa xuống, thì người này lên. Trong lòng của mỗi người, đều có bộ truyện “Hồng Lâu Mộng” của tự mình. Khi tấm màn kéo lên, người nào người nấy đều xuân ý dạt dào, thể hiện hết mình trên sàn diễn nhân sinh. Còn khi tấm màn hạ xuống, người mất nhà tan, mỗi người mỗi ngả.
Người đời nhìn xem đời người, chẳng qua chỉ như người mù sờ voi. Quả là:
“Nhìn ngang thành dài, nghiêng thành đỉnh
Cao, thấp, gần, xa, thấy khác ngay.
Chẳng rõ Lư Sơn hình dáng thật
Bởi thân đứng ở chính nơi này”…
(Tô Đông Pha)
Nơi chốn phàm trần thế tục này, có mấy người có thể đại triệt đại ngộ đây?
Chúng ta không ngừng nắm chặt bàn tay, nhưng lại không thể không thường xuyên buông tay. Những lúc chưa có được thì ăn không ngon, ngủ không yên, nhất quyết muốn có cho bằng được. Đến khi có được rồi, thì lại đêm ngày thấp thỏm không yên, sợ mất đi những gì mình đang sở hữu. Chúng ta không ngừng muốn có được, lại không thể không bị dằn vặt trong nỗi sợ mất đi đó.
Với đứa trẻ mới sinh, lúc nào chúng cũng cảnh giác với động tĩnh xung quanh, hễ có gió thổi cỏ lay, hai tay liền quơ loạn, oa oa khóc òa lên. Bởi vì chúng sợ. Sợ gì đây? Sợ không có bố mẹ ở bên. Lớn lên một chút, thì nhận thức được các thứ, những gì có thể ăn có thể chơi, cả thảy đều muốn túm lấy. Lòng tham nổi lên, nắm đầy cả hai tay, còn làm ra bộ dạng muốn có thêm nữa.
Đứa bé nhà tôi tầm khoảng 2 tuổi, thì nhận biết được tiền, nhìn thấy tờ trăm nghìn thì mắt sáng cả lên, nắm chặt không chịu buông. Cho nó tờ 5 nghìn, nó vứt đi còn thản nhiên hơn cả người lớn. Những lúc con trẻ quấy khóc, liền lấy tờ trăm nghìn để dỗ nó, nó lập tức nhoẻn miệng cười. Trông thấy bộ dạng hai mắt còn đang ngấn lệ, vẻ mặt lại rất là hài lòng, thật khiến người ta không nhịn được cười.
Còn như tiền, những thứ trong tay bị giật đi, chúng sẽ tự nhiên khóc òa lên, khóc rất ghê gớm. Cứ vậy, mười lần đúng cả mười lần. Nếu như có thêm con trẻ, thế thì ngày nào cũng diễn kịch vui buồn giành giật tình thương, đều muốn có được tình thương của bố mẹ và người thân bạn bè nhiều hơn. Đều nói một cách tham lam: “Cái này là của tao, cái đó cũng là của tao”.
Đến tuổi thanh thiếu niên, càng là muốn có được, sợ mất đi. Thời đi học, nói: đời người là trường cạnh tranh, đời người chính là không ngừng cố gắng. Lúc yêu đương, nói: “Anh là của em, em là của anh”. Lúc đi làm, nói: đời người giống như chiến trường. Đập nồi dìm thuyền, nếm mật nằm gai, quên ăn quên ngủ, nghe tiếng gà gáy thức dậy múa kiếm, hết ngày dài lại đêm thâu, đều là những hình dung từ này. Vì sao vậy, chính là chỉ muốn có được, còn dùng những ngôn từ hoa lệ như: nào là vì để theo đuổi lý tưởng, nào là vì tình yêu, nào là theo đuổi hạnh phúc… Những suy tính thiệt hơn đó, khiến cả một đời ta không giờ phút nào được yên bình.
Đến tuổi trung niên, những thứ muốn có được càng nhiều. Người ở tuổi trung niên, là độ tuổi mệt mỏi vất vả nhất. Tục ngữ nói: “Yên ngựa dính chặt trên lưng”. Chính là giống như con trâu bò đang cày ruộng, chỉ có thể đi về phía trước, không thể lùi lại phía sau. Lúc này, trên có người già, dưới có trẻ nhỏ. Người già trẻ nhỏ, một đại gia đình như vậy, mở miệng đều liên quan đến tiền. Hãy cứ điên cuồng lao vào kiếm tiền vậy!
Sợ mất đi, lúc này cũng là dữ dội nhất. Trước hết là chết vì tuổi già, bố mẹ thân sinh, bố mẹ vợ hay bố mẹ chồng, đều đã có tuổi rồi, không biết rõ ngày nào sẽ ra đi mãi mãi. Sau đó, là con cháu mất sớm. Người đầu bạc tiễn người đầu xanh, thử hỏi một chữ buồn sao diễn tả hết được đây! Tiếp đó, người bạn đời rời đi. Một nửa kia buông tay đi trước, trời đất như muốn sụp đổ. Tiền tài được mất trong đó, cũng là liên quan đến mạng người. Tiền, là tiền cứu mạng, chi phí bệnh viện thuốc men của người già. Tiền, là tiền sinh mệnh, mỗi ngày ba bữa cơm. Tiền, là tương lai của con cái, nào là học hành, gây dựng sự nghiệp, kết hôn, mua nhà… không một khoản nào là không cần đến tiền.
Tuổi xế chiều, thứ muốn có được nhất, hiển nhiên là sức khỏe. Điều khiến ta sợ hãi nhất, chính là cái chết. Vì để có được sức khỏe, hễ bệnh nặng chạy chữa loạn cả lên, những kẻ lang băm lừa lọc bán thuốc giả, nhìn thấy người già, nằm ngủ cũng phải bật cười. Thông thường, điều mà trẻ nhỏ thích nhất, chính là đón tết. Nhớ ngày trước, bà ngoại nhà tôi, mỗi lần cứ đến dịp lễ tết, lại bắt đầu thở dài ngao ngán, cậu mợ, dì dượng, bố mẹ thường cười bà, có lúc cũng nói nặng bà một hai câu. Giờ đây, đã đến lúc họ phải thở dài rồi.
Nhân sinh cảm ngộ
Chúng ta nhìn xem đời người, chẳng qua chỉ như nhìn hoa trong sương, nhìn trăng trong nước, kẻ ngốc nói mê. Ai lại có thể nói được rõ ràng cụ thể đây! Bởi chúng ta đều ở trong đó, vậy nên người trong cuộc mơ hồ, người ngoài cuộc tỉnh táo. Ai là người ngoài cuộc đây, phải chăng chính là Thần Phật chăng? Chúng ta ngắm trăng, thấy trăng có khi tròn khi khuyết. Chúng ta nhìn Mặt trời, Mặt trời chẳng qua như cái khay tròn lớn. Nhìn ngắm các vì sao thì thấy chúng giống như con mắt không ngừng chớp sáng lung linh. Trong khi đó, Mặt trăng thật sự thì sao: chỉ tròn chứ không khuyết. Mặt trời thật sự thì sao: lớn đến không cách nào tưởng tượng được. Còn các vì sao thật sự thì càng thần kỳ đến không thể nghĩ bàn. Vạn vật mà chúng ta nhìn thấy, không phải cũng đều như vậy cả sao?
Chúng ta chỉ như: ếch ngồi đáy giếng, con sâu trong quả táo, một vi sinh vật trong vũ trụ mênh mông. Nhìn ngắm vũ trụ, quan sát đời người, cũng như người mù thắp đèn vậy. Những gì chúng ta nhìn thấy được, nghe thấy được, suy nghĩ được, cảm nhận được, nói cho cùng, chỉ là huyễn tượng từ đầu đến cuối mà thôi.
Theo 201980.com
Thiện Sinh biên dịch