Nhà Phật dạy rằng nhân sinh vô thường, cuộc sống cõi nhân gian chỉ là cõi tạm. Con người ở cõi tạm này, một khi thoát khỏi những vướng bận của vòng tham sân si, có thể buông bỏ các chấp trước, các loại tâm thái không tốt, thì hành trang của người đó lúc trở về quê cũ, tức là tới chốn An Nhiên, ắt sẽ nhẹ nhàng, tâm trí họ ắt sẽ thảnh thơi, thân thần họ ắt sẽ thanh thoát.

Tôi là người bị bệnh tật hành hạ đến mức uống thuốc thay cơm. Rồi đòn sấm sét của số phận cho tôi biết tầng đầu trong 12 tầng Địa Ngục là gì. Tôi đã phải mổ xương sống 2 lần với 6 đinh ốc và nằm liệt chờ Thần Chết. May mắn thay, cuộc đời đã hữu duyên cho tôi gặp Phật Pháp và được cứu. Vì đã ở tầng đầu của Địa Ngục nên tôi phần nào thấm cái nghĩa của cái tham, của chữ Chấp trong con chữ Thánh Hiền. Khi nằm trong tình trạng đợi chết, ta thấy rõ của cải, danh vọng là bùa Mê. Nó không mang theo được. Chỉ có hai cái mang theo để chuyển sinh, luân hồi là ĐỨC và NGHIỆP mà thôi!

Vậy, những chấp trước mà Nhà Phật đã giảng rằng cần phải buông bỏ ấy, rốt cuộc là gì, và tại sao chúng ta lại cần phải buông bỏ chấp trước?

Chữ CHẤP trong tiếng Hán có 2 chữ cùng song song tồn tại: Chấp [執] phồn thể và Chấp [执] giản thể.

Chữ “Chấp” (執) phồn thể là chữ “Hạnh” (幸) trong “Hạnh phúc” cộng với chữ “Hoàn” (丸) trong “hoàn tử” (丸子) – nghĩa là viên, vê tròn; như: hoàn tán cao đan 丸散膏丹 chỉ chung các loại thuốc đông y (viên, bột, cao, tễ). Như vậy có thể hiểu rằng “Chấp trước” chính là đem một thứ nhỏ nhoi như “viên” coi là hạnh phúc, tức là coi trọng thứ không đáng.

Chữ “Chấp” (执) giản thể là “thủ nã hoàn tử”, nghĩa là tay cầm hạt viên, ý tứ đại để giống nhau, cũng không khác là mấy, tức là cầm thứ chẳng đáng cầm. Người nào Chấp Trước, tức là người nắm giữ những HẠNH PHÚC nhỏ nhoi, chẳng đáng giá, mà cứ tưởng đó là thuốc thần chữa trị được thân tâm an lạc. “Chấp trước” là nắm lấy thứ chẳng đáng mà không buông bỏ được.

de hanh trang tro ve that nhe 0Hình  trái và giữa là  2 chữ Chấp cùng nghĩa và được sử dụng rất phổ thông. Hình phải là những  chữ Chấp khác cách viết có cùng nghĩa

Sống làm người, đi theo quy luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử là tất nhiên. Làm thân Tứ Đại thì phải chịu Tứ Khổ. Muốn thoát nó thì phải thấu triệt bài giảng đầu tiên của Đức Phật Thích Ca khi Ngài vừa rời cội bồ đề: TỨ DIỆU ĐẾ.

Những tín ngưỡng lớn như Thiên Chúa giáo, như Phật giáo, Đạo giáo thậm chí cả Nho giáo tích cực nhập thế cũng không coi trọng Vật Chất và Hưởng thụ như con người hôm nay. Thực tình mà nói, cái gì có trong mệnh ta thì cuối cùng ắt có, cái gì không có trong mệnh ta thì ta không thể cưỡng cầu, dù có tranh đấu đến bao nhiêu cũng chẳng thể đạt được đâu. Hết thảy mọi vinh hoa mà ta đạt được trong kiếp này đều là do phúc phận kiếp trước mang đến, chứ không phải do tranh giành mà có, không phải do chấp trước mà được. Chấp trước không hề thay đổi thực tế của cuộc sống chúng ta mà chỉ gia tăng phiền não mà thôi.

Người xưa cho rằng, con người sống cần phải có nhu cầu để tồn tại. Dù ở trong nhà đúc bằng vàng nhưng tâm họ coi tiền bạc Hữu Vi rất nhẹ. Tôi nghĩ đây là cái gốc cho họ giàu để thúc đẩy văn minh và chia sẻ với chúng sinh. “Bạn sẽ cất tiền của mình ở đâu và tiêu tiền như thế nào nếu bạn là người giàu nhất thế giới? Nếu bạn chưa biết nên làm như thế nào, hãy học tập Bill Gates.” Đây là cái tựa bài trên Google.

Giàu với cái Tâm Tham chẳng biết sẻ chia thì đó là những khối Nghiệp khổng lồ.

Đức Chúa Jesus đã có lần mời gọi một “Bill Gates” cách đây hơn 2000 năm: “Hãy bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy theo tôi”. Anh này đã không buông được CHẤP TRƯỚC mà “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi” – Chúa đưa ra kết luận: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Theo mình, Chúa đang nói về những người giàu của nhưng không giàu lòng. Chúa cũng dạy chúng ta phải mở rộng bàn tay, không để mình làm nô lệ của cải để có thể dễ dàng sống bác ái, sống hiến dâng…

de hanh trang tro ve that nhe 1

Ai cũng có cái lỗ kim là chữ TÂM mà Cụ Nguyễn Du thường nhắc đến: “Dễ lòa yếm thắm, trôn kim” (có lẽ bắt nguồn từ ca dao “Dễ loà yếm thắm, khó loà trôn kim”).

Ai cũng phải dắt những con Lạc Đà của Dục vọng, Lợi lộc; Tham, Sân, Si đi qua lỗ kim ấy cả. Hành trình làm rộng hoặc đúc cái trôn kìm ấy thành Cổng Khải Hoàn Môn để cho cả trăm con Lac Đà đi qua là phi thường khó khăn. Từ Buông đến Bỏ. Phải liên tục tống khứ cho đến phải Vứt Bỏ triệt để tâm chấp trước vào của cải thì ta mới nhìn thấy và bước vào cảnh giới không phải Mê mờ như Thường Nhân.

de hanh trang tro ve that nhe 2

Đức Thích Ca đã nhận thức điều này khi nửa đêm dắt Bạch Mã rời cung Thái Tử. Các đồ đệ của ngài phần lớn là trí thức tinh hoa đã rời khỏi tầng lớp thượng đẳng Bà La Môn dùng bình bát khất thực hóa duyên để Độ Nhân…

Đó là những tấm gương làm những trôn kim để đưa chúng sinh đến với Thiên Đường.

Tôi có những học trò là con Chúa, con Phật. Chúng được hưởng năng lượng Bác Ái của Chúa, năng lượng Từ Bi của Phật từ trong trứng nên chúng làm tôi phải làm “trò” ngược lại. Cũng may mà tiếp xúc với các em và phụ huynh của họ khá sớm nên sau này tôi nhận thức người theo Đạo khác với chính Đạo mà họ theo. Đúng hơn, có những con chiên và có những kẻ đi nhà thờ nhưng CHẤP quá mênh mông. Họ cứ làm co dần cái lỗ kim vốn không thể cho con kiến chui lọt nói gì tới Lạc Đà!

Tôi đi dạy 2 trường Dân lập. Một trường thì năm nào cũng đánh điện, gửi thư mời, quà cáp lễ nghi. Còn một trường thì giàu gấp hàng chục lần. Thời còn dạy, ông ta nhận đủ tiền học phí nhưng mấy ngày Tết ngày lễ thì cắt tiền của Ô sin. Họ đều đọc Kinh Thánh cả!

Mà thôi… Chúa nói: đây là thời Tận Thế. Phật nói: đây là thời Mạt Pháp.

Buông luôn cái Tâm hữu vi này cho nó nhẹ. Hành trang nhẹ, rời quán trọ Trần Gian chẳng phải thảnh thơi hơn sao?

La Vinh

Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm: