Những năm cuối thời Đông Hán, hào kiệt nổi dậy, quần hùng tranh bá. Khoảng thời gian đó mảnh đất Trung Hoa đã xuất hiện rất nhiều bậc kỳ nhân dị sĩ có tài an dân trị quốc, “Ngọa Long” Gia Cát Lượng, “Phượng Sồ” Bàng Thống mà chúng ta quen tai chính là những kỳ tài xuất chúng trong số đó.
Ngoài ra, còn có một người được Gia Cát Khổng Minh tiến cử, đã có công giúp đỡ Lưu Bị ổn định hậu phương, là danh sĩ một thời của Thục Hán. Trong “Thục Thư – Tam Quốc Chí”, tác giả Trần Thọ đã dành ra cả một chương để thuật lại câu chuyện của ông.
Lưu Ba quy thuận Tào Tháo
Lưu Ba tự là Tử Sơ, người ở phía nam quận Linh Lăng (thuộc Kinh Châu). Ông nội của Lưu Ba là Lưu Diệu từng làm Thái thú Thương Ngô (thuộc Giao Châu). Cha ông là Lưu Tường, nguyên là Thái thú Giang Hạ (cũng thuộc Kinh Châu), Đãng Khấu tướng quân thời Đông Hán. Từ thuở thiếu niên, tài năng của Lưu Ba đã được mọi người xa gần biết đến. Nhưng vì tính tình cao ngạo nên Lưu Ba không bao giờ dễ dàng chịu khuất phục, luồn cúi trước người khác. Quan thứ sử Kinh Châu là Lưu Biểu đã từng nhiều lần triệu Lưu Ba ra làm quan nhưng ông một mực từ chối.
Tháng 7 năm Kiến An thứ 13 (năm 208), Tào Tháo dẫn quân chinh phạt Kinh Châu. Khi đó, Lưu Bị đang nương nhờ ở đó, đóng quân ở Phàn Thành, được tin Lưu Tông quy hàng Tào Tháo, liền dẫn mọi người chạy xuống phía Nam, lui về Hạ Khẩu.
Rất nhiều danh sĩ vùng Kinh Sở đều đi theo Lưu Bị, riêng Lưu Ba đi lên phía bắc gặp Tào Tháo, khuyên Tào Tháo nhất định không thể để Lưu Bị chiếm Kinh Châu. Ông được Tào Tháo phong làm Duyện lại (chức quan thời xưa), sai đi chiêu nạp nhân sĩ ở các quận Trường Sa, Linh Lăng, Quế Dương.
Tháng 12 năm Kiến An thứ 13, trong trận chiến Xích Bích, liên minh Tôn – Lưu đánh bại Tào Tháo, thu được bốn quận Vũ Lăng, Trường Sa, Linh Lăng, Quế Dương. Vì vậy Lưu Ba không thể chiêu nạp nhân sĩ của ba quận như trước, cũng không thể trở về với Tào Tháo nữa, định bỏ chạy đến quận Giao Chỉ (thuộc Giao Châu) hòng mượn đường trở về Hứa Đô. Ông cũng gửi thư cho quân sư của Lưu Bị là Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng khuyên ông về theo Lưu Bị nhưng ông tỏ ra không khuất phục khiến Lưu Bị rất hận ông.
Gia Cát Lượng gắng sức cầu hiền
Lúc ấy, Gia Cát Lượng ở Lâm Thừa, Lưu Ba viết thư cho Gia Cát Lượng, nói: “Ta đã trải qua biết bao gian khó, vốn mong rằng thuận theo lòng trời thuyết phục dân chúng, khiến các quận Kinh Châu quy thuận Tào Công. Nhưng mọi người chỉ nghĩ đến tư lợi, không màng đạo nghĩa, nay ta đã không thể dùng lời để thuyết phục họ. Nếu đã không gặp được thời vận, ta sẽ phiêu bạt đó đây, không còn về lại Kinh Châu nữa”.
Gia Cát Lượng biết Lưu Ba là bậc kỳ tài, liền viết vội một lá thư khuyên Lưu Ba tìm đến Lưu Bị mà nương tựa, nói: “Lưu Công (Lưu Bị) hùng tài cái thế, chiếm giữ đất Kinh, mọi người đều quy tâm về Hán Thục, thiên ý lòng người hướng về ai, sự thật đã quá rõ rồi. Túc hạ còn muốn đi đâu?”.
Lưu Ba hồi thư đáp: “Ta phụng mệnh Tào Tháo mà đến, không thể hoàn thành thì nên trở về. Đây là ta hết lòng với chức trách của mình. Túc hạ đừng phí lời mà vô ích”.
Quy thuận Thục Hán, dâng lên kế sách hóa giải nan đề
Trong thư viết cho Lưu Ba, Gia Cát Lượng nói Lưu Bị hùng tài cái thế, lòng người đều quy phục. Nhưng khi đó Lưu Ba lại không cho là vậy. Ông đến Giao Chỉ, đổi thành họ Trương. Về sau, ông bàn bạc cùng Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp nhưng không hợp, bèn theo đường quận Tường Kha (thuộc Ích châu) trở về bắc, bị bắt ở Ích Châu. Thái thú quận Ích Châu muốn giết Lưu Ba nhưng viên Chủ bạ can ngăn rằng Lưu Ba là người phi thường, không nên giết. Thái thú Ích Châu nghe lời Chủ bạ, giải ông đến Thành Đô cho Lưu Chương. Lưu Chương trọng dụng ông, mỗi khi có việc lớn đều đến hỏi han.
Khi mưu sĩ Pháp Chính khuyên Lưu Chương thu nhận tập đoàn Lưu Bị để chống Tào thì Lưu Ba lại can rằng: “Lưu Bị là kẻ hùng tài, không tầm thường, thu nhận người này tất sẽ là mối họa”. Đáng tiếc, Lưu Chương bỏ ngoài tai lời khuyên ấy. Lưu Ba vẫn tiếp tục can ngăn: “Để Lưu Bị thảo phạt Trương Lỗ chẳng khác nào thả hổ về rừng”. Lưu Chương vẫn coi những lời này như gió thoảng bên tai. Lưu Ba bèn đóng cửa cáo bệnh.
Năm Kiến An thứ 19 (năm 214), Lưu Bị chiếm được Tây Xuyên từ tay Lưu Chương. Lưu Bị hạ lệnh không ai được làm hại Lưu Ba. Khi ấy, Lưu Ba mới quyết định quy phục Lưu Bị, có lời tạ tội vì trái lệnh lúc trước. Lưu Bị khoan dung, không trách cứ ông chuyện cũ.
Lưu Ba được Gia Cát Lượng tán dương cân nhắc tiến cử, Lưu Bị dùng ông làm Tả Tướng quân Tây Tào duyện. Khi đánh Lưu Chương, Lưu Bị hẹn với quân sĩ sau khi thắng trận sẽ ban phát của cải trong kho cho họ. Vì vậy khi chiếm được Thành Đô, quân sĩ đều bỏ vũ khí chạy đến các kho tàng mà đua nhau lấy tài vật. Quân dụng chi dùng không đủ, Lưu Bị rất lo buồn. Lưu Ba hiến kế rằng: “Đúc ngay tiền trị giá một trăm, điều hoà giá trị mọi vật, dùng thư lại làm quan kiểm soát”.
Lưu Bị nghe theo, chỉ khoảng vài tháng, kho tàng trong Thục lại đầy đủ sung túc. Năm 219, Lưu Bị xưng làm Hán Trung vương, cho Lưu Ba làm Thượng thư, sau kế tục Pháp Chính làm Thượng thư Lệnh. Lưu Ba khiêm hoà liêm khiết, không mưu làm giàu cá nhân, cung kính trầm mặc, không quan hệ riêng tư, chỉ bàn việc công.
Năm 220, con Tào Tháo là Tào Phi giành ngôi nhà Hán. Lưu Bị lên ngôi Hoàng đế để kế tục Hán Hiến Đế. Khi Lưu Bị lên ngôi, các loại văn cáo sách mệnh đều do Lưu Ba chấp bút. Năm 222, Lưu Ba qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi.
Sau khi Lưu Ba mất, quan Thượng thư phó xạ nước Nguỵ là Trần Quần có viết thư gửi Thừa tướng Gia Cát Lượng hỏi thăm tin tức của ông, gọi ông là Lưu quân Tử Sơ, vô cùng kính trọng. Ở bên Đông Ngô, trong khi Trương Chiêu chê ông là người hẹp hòi thì Tôn Quyền lại ca ngợi ông là cao sĩ.
Sinh thời, Gia Cát Lượng từng nói: “Xét về vận trù sách lược trong màn trướng, ta thấy ta vẫn không bằng được Tử Sơ!”. Câu nói ấy đương nhiên chính là cái nhún mình khiêm nhường của người quân tử nhưng rõ ràng đã thể hiện được tài năng trác tuyệt của Lưu Ba. Nếu như Gia Cát Lượng giỏi về đối ngoại, vận dụng mưu lược, trăm trận trăm thắng thì Lưu Ba giỏi nội trị, an bang, là cánh tay đắc lực mà bất cứ bậc quân vương nào cũng mong có được.
Câu chuyện của Lưu Ba cho ta thấy nhiều ý vị. Thứ nhất, Lưu Ba xứng đáng là người trung tín, quân tử. Khi Tào Tháo bại trận ở Xích Bích, Lưu Ba không vì minh chủ thua trận mà tìm kế đầu hàng dù chính bản thân cũng đang lâm vào hiểm cảnh. Thứ hai, Gia Cát Lượng có con mắt “biệt nhãn liên tài”, nhìn người chuẩn xác, lý trí, nhìn ra được một Lưu Ba tuy “cứng đầu” nhưng là nhân tài hiếm có. Thứ ba, Lưu Bị dùng người khoan dung, không kể lỗi cũ, trọng dụng anh tài thiên hạ, chính là có khí độ của bậc đế vương uy hiển.
Bài học rút ra, có lẽ bạn đọc đã tường minh, xin phép không múa bút nữa…