Vào năm thứ 33 của Thanh triều Càn Long, Kỷ Hiểu Lam vì phạm tội mà bị đày đến Urumqi, Tân Cương. Tại đó, ông đã nghe được nhiều giai thoại kỳ lạ, sau đó biên soạn thành cuốn sách “Duyệt vi thảo đường bút ký”. Liên quan đến những mộng cảnh kỳ dị, Kỷ Hiểu Lam đã ghi chép lại một số câu chuyện.
Một ngày nọ, Kỷ Hiểu Lam theo Ba Công đi thị sát quân đài. Công vụ xong xuôi, Ba Công đi về trước. Kỷ Hiểu Lam vì công việc còn dang dở, tạm thời lưu lại quân đài, cùng một nơi với cựu phó tướng Lương Quân.
Vào canh hai, đột nhiên có một quân lệnh khẩn cấp cần truyền tống, nhưng binh sĩ trên quân đài đều đi công tác, vì vậy Kỷ Hiểu Lam chỉ có thể đánh thức Lương Quân đang ngủ, lệnh cho ông ta mau cưỡi ngựa phi nhanh đưa công văn, còn nói với ông ta, rằng nếu trên đường gặp được binh sĩ từ quân đài, thì có thể bảo binh sĩ tiếp công văn và gửi đi.
Lương Quân cưỡi ngựa phi nước đại một đoạn hơn mười dặm, gặp binh sĩ của quân đài, sau khi giao công vụ khẩn cấp cho họ, ông ta quay ngựa và phi nước đại trở về. Về đến quân đài, Lương Quân lại chìm vào giấc ngủ ngon.
Ngày hôm sau, Lương Quân tỉnh dậy và nói với Kỷ Hiểu Lam: “Đêm qua tôi có một giấc mơ, mơ thấy ngài gửi cho tôi một công văn khẩn cấp. Do tôi sợ chậm trễ thời cơ, đã vội vã cưỡi ngựa phi nhanh trên đường, hôm nay đùi tôi vẫn còn rất đau. Thật là một đại quái sự!”
Hóa ra, Lương Quân trong khi cưỡi ngựa bôn ba tới lui trên đường đưa công văn, ông đã không hề thức tỉnh! Khi sự tình phát sinh, ông ấy đã nhầm lẫn rằng đó là một giấc mơ. Vì vậy, Kỷ Hiểu Lam đã viết một bài thơ để ghi lại sự việc này:
Tiếu huy mã tiên khoái tự phi,
Mộng trung trì khứ mộng trung quy.
Nhân sinh sự sự vô ngân quá,
Tiêu lộc hà tất vấn thị phi.
Tạm dịch:
Vung roi quất ngựa mau tự phi,
Trong mộng dũng tiến, trong mộng quy.
Nhân sinh sự sự vô ngân tích,
Nai kia hà tất hỏi thị phi.
“Tiêu lộc” trong bài thơ đến từ sách “Liệt Tử”, đại khái của câu chuyện là một người tiều phu nước Trịnh săn được một con nai, giấu nó trong một cái hố và phủ hố bằng lá chuối. Trên đường đi đốn củi về, anh chàng đi tìm con nai mà không thấy, chàng tiều phu tưởng rằng mình nằm mơ. Trên đường về nhà, cứ lảm nhảm nói về con nai trong “giấc mơ”, tình cờ bị người khác nghe lén. Theo những gì người tiều phu nói, người kia thực sự đã tìm thấy một con nai.
Người tiều phu đêm đó có một giấc mơ, không chỉ về vị trí chàng ta giấu con nai, mà còn nhìn thấy người đã lượm con nai. Sau khi tỉnh dậy, anh chàng chiểu theo mộng cảnh, thực sự tìm thấy người đã lượm con nai, vì chuyện này mà cả hai đã khiếu kiện lên quan.
Kỷ Hiểu Lam thông thuộc kinh điển, đã trích dẫn điển cố ‘tiêu lộc’ (con nai chuối) trong “Liệt Tử” vào bài thơ để ghi lại sự kiện này.
Trong mộng cứu vợ, vô tình cứu được thôn nữ
Trong cùng một cuốn sách, anh họ của Kỷ Hiểu Lam cũng kể một câu chuyện tương tự. Đại khái câu chuyện là có một người ở địa phương Tĩnh Hải. Một đêm trước khi đi ngủ, vợ của anh chàng vẫn đang ngồi dệt vải ở một phòng khác. Sau khi ngủ, anh chàng nhanh chóng chìm vào mộng cảnh. Chàng trong mộng thấy vợ mình bị mấy người cướp đi, đột nhiên tỉnh khỏi “giấc mộng”, thuận tay cầm cây gậy xông ra đuổi bắt bọn cướp. Anh chàng chạy hơn mười dặm, quả nhiên nhìn thấy một số người đang kéo một người phụ nữ, và cố gắng cưỡng hiếp cô ta trên cánh đồng hoang.
Trong đêm khuya, tiếng kêu cứu của người phụ nữ này đinh tai nhức óc. Nghe vậy, anh chàng nổi cơn thịnh nộ, vung gậy xông vào đánh nhau với toán cướp đó. Cuối cùng, thấy không phải là đối thủ của mình, bọn cướp đều đã bị thương liền bỏ chạy. Anh chàng chạy lại an ủi cô gái, nhưng nhìn kỹ lại thì hóa ra không phải vợ chàng mà là một phụ nữ làng bên! Sau khi đưa người phụ nữ kia về nhà, anh chàng trở về nhà mình, phát hiện vợ mình vẫn đang tập trung dệt vải, đèn trong phòng vẫn sáng.
Về câu chuyện này, Kỷ Hiểu Lam nhận xét: “Sự việc này có thể do quỷ thần xui khiến, vì vậy chúng ta không thể nói nó là giấc mơ”.
Nguyên lai, giữa hiện thực và ảo huyễn, Thần minh thao khống hết thảy. Trong một giấc mơ, người đàn ông vì muốn cứu vợ mình, mà tình cờ cứu được người phụ nữ ở làng bên, xem ra đó chính là ý Trời!
Theo Tống Bảo Lam, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch