Vương Dương Minh nói ra thiên cơ: Tu tốt cái tâm bản thân có thể thay đổi vận mệnh. Cái tâm này trong sáng thì cuộc đời mới sáng láng.
Vị đại triết gia hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc, không thể ai khác ngoài Vương Dương Minh. Nhà tư tưởng, triết gia đời Minh này đã sáng lập ra thể hệ “Tâm học” vĩ đại, tư tưởng ông khi mới ra đời đã có ảnh hưởng rất to lớn.
Mấy trăm năm nay, Tư tưởng Vương Dương Minh đã ảnh hưởng vô số người trong và ngoài nước như: Trương Cư Chính, Tăng Quốc Phiên, Chương Thái Viêm, Khang Hữu Vi… Tất cả họ đều thọ ích từ tư tưởng ông. Giáo sư đại học Harvard Đỗ Duy Minh (Tu Weiming) dự đoán: Thế kỷ 21 là thế kỷ của Vương Dương Minh.
Anh hùng Nhật Bản Saigō Takamori đã nói: “Tu tâm luyện can đảm, tất cả đều học từ Dương Minh”. Nhìn xem cả cuộc đời Vương Dương Minh, trải qua nhiều trắc trở, các ma nạn gặp phải người thường khó mà tưởng tượng nổi. Những trải nghiệm trưởng thành của ông, cũng chỉ ra cho chúng ta thấy khả năng vô hạn của tâm linh nhân loại, thậm chí bao gồm sức khỏe và thay đổi vận mệnh.
1. Tu tốt cái tâm mình có thể bách bệnh không xâm nhập được
Khi ở Kiền Châu, Trần Cửu Xuyên đổ bệnh, Vương Dương Minh nói: “Về bệnh, cái này rất khó đấy, ông cảm thấy như thế nào?”. Trần Cửu Xuyên nói: “Công phu thực sự rất khó”. Vương Dương Minh nói: “Thường xuyên bảo trì tâm tình vui vẻ, lạc quan, tức là công phu”.
Có lẽ mọi người trong cuộc sống hiện thực thấy rất nhiều trường hợp như thế này. Hai người mắc bệnh giống nhau, một người tính cách vui vẻ cởi mở, một người tính cách u uất. Người tính cách vui vẻ cởi mở dùng tâm thái lạc quan đối đãi với bệnh tật, khẳng định so với người tính cách u uất, gặp việc thì bi quan, sẽ chóng khỏi bệnh hơn.
Y học hiện đại đã chứng minh, đối với cùng một sự việc, nếu tâm tình của người ta khác nhau, thì sẽ có ảnh hưởng hoàn toàn khác nhau đối với sức khỏe bản thân.
Cho dù gặp phải những việc rất khó khăn, chỉ cần tâm thái tích cực, việc gì cũng nhìn thấy mặt tươi sáng của sự việc, tràn đầy ý niệm lạc quan, đại não ở trạng thái hài hòa này, thì sẽ tiết ra nội tiết tố có lợi cho sức khỏe. Trái lại, nếu tâm tình u uất bi quan, cả ngày than thở oán trách, ở trạng thái khổ muộn oán hận, đại não bị kích thích ác tính, thì sẽ tiết ra vật chất có hại cho thân thể.
Do đó nếu có thể tu dưỡng cái tâm bản thân, bất kể việc gì đều bảo trì tâm thái lạc quan vui vẻ cởi mở, thì sẽ thúc đẩy thân tâm ở trạng thái cân bằng âm dương, từ đó bảo trì thân thể, tâm hồn khỏe mạnh và tinh thần trẻ trung.
Vương Dương Minh trong thời gian bị giáng đày ở Long Trường (Quý Dương Quý Châu ngày nay), đã viết bộ sách “Ế lữ văn” truyền tụng ngàn năm, đã chép lại một sự việc như sau:
Ngày mồng 3 tháng 7 mùa thu năm Chính Đức thứ 4, có viên quan nhỏ từ kinh sư đến, đem theo một cậu con trai và một người hầu, đi qua Long Trường đến nơi nhậm chức, trời tối mưa rơi.
Vào tá túc ở nhà người dân tộc Mèo. Không ngờ trưa hôm sau có người từ con đường kia đến nói rằng, viên quan nhỏ kia đã chết trên đường. Buổi chiều, con trai ông ta cũng chết, ngày thứ 3 ngay cả người hầu cũng chết trên dốc núi.
Nghe được tin này, Vương Dương Minh vô cùng buồn đau, lệnh cho hai đứa trẻ đi đem 3 thi thể về chôn, đồng thời nói cảm khái:
“Tôi đã biết trước từ sớm rằng ông sẽ chết, vì hai ngày trước tôi nhìn qua hàng rào trông thấy ông nét mặt đầy ưu sầu, dáng vẻ lo lắng ưu tư. Nếu ông thực sự luyến tiếc cái bổng lộc 5 đấu gạo này, thì có lẽ đã vui vẻ phấn khởi đi nhậm chức, tại sao lại không vui như thế này?
Nên biết, trên đường xa xôi dằng dặc, ăn gió nằm sương, leo trèo vách núi, đi trên mỏm núi hoang cao ngất, thường đói khát lao lực, gân cốt mệt mỏi vô cùng, mà lại còn chướng khí lúc nào cũng xâm nhập thân thể, nếu lúc đó lại có u uất ưu sầu tích tụ trong lòng, nội ngoại giáp công, lẽ nào lại không chết?
Mà tôi rời quê hương đến nơi đây, đã hai năm rồi, cũng trải qua chướng khí xâm hại, nhưng lại có thế an nhiên vô sự, chính là vì tôi luôn luôn giữ được cái tâm vui vẻ khoáng đạt, không có một ngày nào bi thiết, u uất, ưu sầu như ông thế này”.
Chính vì Vương Dương Minh ở bất kỳ thời gian nào đều giữ được tâm tình vui vẻ, khoan khoái, khi bị giáng đày đến Long Trường, nơi có hoàn cảnh vô cùng khốc liệt, những người hầu theo ông đến đó đều đổ bệnh cả, duy chỉ có mình ông vô sự, điều này đã chứng minh tầm quan trọng của việc giữ được tâm tình tốt.
Những trải nghiệm của anh hùng dân tộc Văn Thiên Tường, có chỗ giống kinh ngạc với Vương Dương Minh. Sau khi Văn Thiên Tường bị quân Nguyên bắt làm tù binh, trải qua 3 năm cuộc sống giam cầm phi nhân tính, luôn luôn cương nghị bất khuất, đồng thời đã viết tác phẩm “Chính khí ca” lưu truyền thiên cổ.
Trong “Chính khí ca”, Văn Thiên Tường viết:
“Tôi bị giam ở phòng giam âm u ẩm ướt, cho dù vào ngày xuân nắng vàng rực rỡ, bên trong vẫn tối đen như ban đêm. Thậm chí cả trâu và ngựa cũng nhốt bên trong cùng, tôi ăn là những thứ tạp nham như cho gà cho chim ăn. Hễ đến mùa mưa hoặc thời tiết có sương, trong phòng giam bốn bề ngấm nước, mặt đất nổi lên những rãnh nước gồ ghề.
Trong hoàn cảnh khốc liệt như thế này, hết giá buốt lại nóng nực, cũng thật ngạc nhiên, tôi lại chẳng có bất kỳ bệnh tật gì. Ở đây làm gì có kỹ xảo gì đâu, chỉ là thân tôi có chính khí lớn lao, các loại tà bệnh không thể nào xâm nhập vào thân và tâm tôi được”.
Có thể thấy, ảnh hưởng của tâm cảnh đối với cá nhân là vô cùng to lớn, có lúc thậm chí còn liên quan đến sống chết. Do đó muốn có cuộc đời mạnh khỏe vui vẻ, mấu chốt chính là ở chỗ dẫn dắt và nắm bắt tâm cảnh bản thân như thế nào.
Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, cạnh tranh khốc liệt chưa từng có, nội tâm mọi người phổ biến đều bị các áp lực các lọai xâm chiếm nhiễu loạn, áp lực lớn đến một mức nhất định, thì sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của thân và tâm. Khi xuất hiện tình huống này, chúng ta cần kịp thời điều chỉnh trạng thái của thân và tâm của bản thân.
2. Tu tốt cái tâm mình có thể xoay chuyển vận mệnh
Vương Dương Minh đã từng nói riêng về luyện thư pháp rằng: “Người xưa mọi lúc mọi việc, chỉ đặt tâm vào học, cái tâm này sáng láng, chữ đẹp cũng nằm ở trong đó”. Người xưa bất kể làm việc gì, lúc nào cũng để tâm vào việc học tập, cho đến khi tâm thanh khiết, sáng tỏ thấu triệt, chữ tự nhiên sẽ viết đẹp. Phương pháp này ông tổng kết thành 8 chữ: Ngưng tư tĩnh lự, nghĩ hình ư tâm. (Tập trung tĩnh tâm, nghĩ điều tốt đẹp).
Điều này đã tiết lộ cho chúng ta một bí mật lớn: Những hình ảnh tâm lý hình thành trong suy nghĩ, tư tưởng trong tâm bạn, sẽ hấp dẫn sự vật tương ứng đến.
Quan sát cả đời Vương Dương Minh, tuy vô số trắc trở, trải qua nhiều kiếp nạn, nhưng điều khiến người ta kinh ngạc là, mỗi lần đối mặt với thời khắc then chốt nguy hiểm, luôn có quý nhân xuất hiện, cơ hội cũng đến ở những thời điểm tưởng là vô vọng. Có một nhân tố quan trọng trong đó, chính là ông đã vô tình hay hữu ý vận dụng phương pháp này.
Bởi vì bất kể trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào, Vương Dương Minh đều có thể rất nhanh chóng điều chỉnh tâm cảnh bản thân, hết sức bảo trì trạng thái điềm đạm, vui vẻ, khoan khoái.
Trong trạng thái này, những hình ảnh hiện ra trong tâm ông, tất nhiên là tích cực vươn lên, vừa là mưu cầu cuộc sống tốt đẹp, vừa là kỳ vọng nhiệt thành đối với sự nghiệp. Tinh thần chuyên chú vào cảnh giới tốt đẹp và sáng láng như thế này, tự nhiên sẽ hấp dẫn những cái tốt đẹp và sáng láng đến.
Giả sử có người quan tâm chú ý quá nhiều vào những sự vật tiêu cực, thì sẽ lưu các nhân tố tiêu cực lại trong lòng, thậm chí còn khắc sâu trong tiềm thức. Lúc này trong lòng anh ta, những kỳ vọng đối với bản thân đều vô tình hay hữu ý dừng lại ở bình diện tiêu cực này.
Ví dụ mượn người ta một khoản tiền, anh ta luôn luôn nghĩ thế này: “Cuộc sống thật khó khăn, không biết lúc nào mình mới kiếm đủ khoản tiền này sớm trả cho người ta nhỉ?”.
Trong lòng luôn có suy nghĩ u uất lo nghĩ, như vậy trong não sẽ xuất hiện hình ảnh tâm lý cuộc sống khó khăn, tiền rất khó kiếm. Đại đa số sức chú ý và năng lượng sinh mệnh anh ta đều tập trung vào suy nghĩ tiêu cực này, tự nhiên sẽ hấp dẫn những thứ tương ứng đến.
Do đó, chúng ta muốn có được hạnh phúc trong cuộc đời, thì phải “Tập trung tĩnh tâm, nghĩ điều tốt đẹp”. khiến tâm hồn chúng ta lắng đọng xuống, trong não luôn luôn tưởng tượng những sự tình tốt đẹp, hạnh phúc mà bản thân đang hy vọng, khiến nó hình thành hình ảnh tâm lý ổn định, sinh động, phát huy tác dụng chủ đạo. Đem tinh lực bản thân tập trung vào sự việc có giá trị, như vậy mới có thể đạt được thành công.
3. Tu tốt cái tâm mình, cần tự giác cao
Vương Dương Minh nói: “Công phu trong ngày, cảm thấy rối loạn thì ngồi tĩnh tọa, cảm thấy lười nhác xem sách thì hãy đọc sách, là tùy theo bệnh mà kê thuốc”. Ông bảo chúng ta rằng, cốt yếu của tu tâm là ở chỗ làm được khắc chế bản thân, tự ước thúc mình, có tinh thần tự giác cao.
Để làm được tự giác khắc chế bản thân, mấu chốt ở chỗ mỗi ngày làm một chút sự việc mà trong lòng mình không muốn làm, nhưng lại có ích cho bản thân, lấy đó để mài dũa, điều khiển tâm tính bản thân.
Nói cách khác, tức là ép mình vào một trạng thái. Như vậy, bạn sẽ không cảm thấy thống khổ bởi những nghĩa vụ thực sự cần bạn hoàn thành. Qua một thời gian, hành vi tự giác này trở thành thói quen, chủ đạo các hành vi của bạn.
Có lẽ có người không tán thành phương pháp làm việc phải ép buộc bản thân, mà cho rằng một người nên học tập, đọc sách, làm việc bằng tâm tình vui vẻ khoan khoái, cho rằng như thế này mới phù hợp với tâm lý học và quy luật tư duy của não. Vì theo nghiên cứu, đại não nhân loại chỉ có ở trạng thái vui vẻ khoan khoái mới có thể phát huy tác dụng tốt nhất.
Nhưng trên đời đâu có nhiều việc cam tâm tình nguyện và tâm tình vui vẻ? Trừ khi là dày ăn mỏng làm, thích hưởng lạc. Những việc càng hữu dụng thì làm càng không thoải mái. Do đó cần suy nghĩ nhược điểm của nhân tính, từ đó Vương Dương Minh và Tăng Quốc Phiên đều chủ trương: cắn răng mà làm!
Con người thực ra vô cùng mâu thuẫn, tính lười biếng lớn mạnh và tiềm lực to lớn cùng tồn tại trong thân thể. Ở tình huống không có áp lực, con người sẽ trở nên vô cùng lười biếng, làm việc chậm chạp, cho qua được thì cho qua, hết sức tầm thường.
Nhưng sau khi gây áp lực và ép buộc nhất định, không ngừng nỗ lực vươn đến mục tiêu, tiềm lực của con người mới được kích phát ra, hiển hiện ra những cái vượt bình thường.
Do đó nói, rất nhiều việc trên đời đều là bị ép buộc ra, con người phải ép buộc bản thân, thì mới có thể phát huy tràn trề trí tuệ và tài hoa của mình. Tất cả các vĩ nhân và người thành công đều là người rất nghiêm khắc với bản thân.
Con người đều có thói quen, nên đã che mất cái tâm bản thân, thói quen và che lấp càng nặng thì ép buộc bản thân sẽ càng khó khăn. Nhưng không có cách nào khác, chỉ có bỏ công phu và nỗ lực càng nhiều hơn người khác, trong quá trình hết lần này đến lần khác mài dũa ép buộc, dần dần sẽ thanh trừ hết các thói quen xấu, thì mới khôi phục được bản lai sáng láng của cái tâm.
Đây chính là con đường mà Vương Dương Minh chỉ ra cho chúng ta.
Do đó, làm bất kỳ việc gì hãy ép buộc bản thân, sẽ đạt được kết quả và thành công không ngờ tới.
4. Tu tốt cái tâm mình, cần giảm sức ép tâm hồn
Vương Dương Minh nói: “Đọc sách, làm văn đâu có thể làm mệt người? Con người tự mệt vì được mất mà thôi”.
Câu nói này đã nói ra nguyên nhân căn bản con người sống mệt mỏi, đó là sự hao mòn nội tại của tinh thần. Sự hao mòn nội tại này đến từ sự so đo tính toán của nội tâm đối với được mất.
Ví dụ bạn làm một việc quan trọng, sẽ hy vọng làm được tốt, sợ làm không tốt, sẽ suy nghĩ làm tốt thì sẽ như thế nào, làm không tốt thì sẽ ra sao, đây chính là so đo tính toán, hao mòn nội tại cũng sẽ bắt đầu.
Lo nghĩ cũng sinh ra như thế này. Ở trạng thái này, tất nhiên sẽ lo được lo mất, tạp niệm sinh sôi, mà không thể tiến nhập vào trạng thái hiệu quả cao toàn tâm chăm chú. Về bề ngoài anh ta rất nỗ lực, thực ra căn bản không thể nào dốc sức vào được thực sự, hiệu quả rất thấp, đương nhiên không có thành tích và hiệu quả tốt được.
Ứng phó thế nào đây? Vương Dương Minh nói cho chúng ta biết, chỉ cần tâm hồn nâng cao lên một cảnh giới nhất định, có năng lực tự mình kiểm soát, thì sẽ không tạo thành mệt mỏi cho tâm, cho dù có mệt mỏi, cũng dễ dàng phát giác và loại trừ.
Ví dụ khi đọc sách, biết rằng có cái tâm cố gắng ghi nhớ là không đúng, thì loại bỏ nó đi. Biết rằng có cái tâm muốn nhanh là không đúng, thì loại bỏ nó đi. Biết rằng có cái tâm tranh đấu hiếu thắng là không đúng, thì loại bỏ nó đi… Như thế này, chính là cái tâm hoàn toàn không có tính toán so đo bản thân, thuần túy là lẽ Trời.
Do đó, chúng ta làm bất kỳ việc gì cũng phải có mục tiêu và truy cầu cao hơn, như vậy tâm hồn mới có thể thoát ra khỏi các việc trước mắt, đứng ở chỗ sâu hơn, cao hơn xem xét sự tình, cũng không còn có so đo tính toán nhiều nữa. Như vậy thì mới có thể làm được rất nhiều việc mà không bị nó làm mệt mỏi.
Vương Dương Minh nói: Tâm Thánh nhân như minh kính.
Đây là cảnh giới tâm hồn như thế nào? Vương Dương Minh nói: “Tâm Thánh nhân như minh kính, chỉ cần sáng tỏ thì tùy theo cảm mà ứng, không vật gì khống chiếu tới, khi vật qua rồi thì không để lại dấu vết gì”. Trang Tử cũng nói một câu như thế này: “Bậc chí nhân dụng tâm như kính, không đón không nghênh, ứng mà không giữ”.
Tâm hồn chỉ có như vậy mới có thể ung dung tự tại khi xử lý các sự việc, ung dung không gò ép, ứng biến vô cùng. Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhịp sống càng ngày càng nhanh như hiện nay, chúng ta rất cần trạng thái “Tâm như minh kính” này, mới có thể sống nhẹ nhàng vui vẻ một chút.
Con người ngày nay đều truy cầu nhanh chóng, cổ nhân nói: Dục tốc tắc bất đạt (Muốn nhanh thì không đạt được). Cho dù chúng ta muốn nhanh, nhưng tâm lý sốt ruột thì sẽ mất đi năng lực bình tĩnh, thong dong xử lý vấn đề, thì sẽ cảm thấy khó khăn và thống khổ, thì sẽ đối đãi cuộc sống bằng tâm tình càng xấu hơn, rơi vào vòng tuần hoàn ác tính.
Thực ra tâm hồn chúng ta vốn có năng lực và trí tuệ kinh ngạc, ở trạng thái không có ngoại vật can nhiễu, yên tĩnh bình hòa, thì có thể ứng phó với tất cả các sự việc gặp phải với hiệu suất cao hơn, chính xác hơn.
Làm thế nào mới có thể có được trạng thái này? Đáp án chính là một chữ: Nhàn. Bạch Nham Tùng nói: Cứ ở yên đấy, uống trà, nhìn bốn mùa biến hóa, đều bị coi là việc vô dụng, đều không làm. Vậy việc hữu dụng làm thế nào mà nâng cao đây? Mọi người có thời gian sáng tạo không?
Hễ có thời gian là móc điện thoại di động ra, thời gian lập tức bị chiếm dụng, điện thoại di động lấy đi sự nhàn rỗi của con người những cũng lấy đi sức sáng tạo đi kèm với nhàn rỗi. Rất nhiều suy nghĩ của tôi đều nảy sinh trong thời gian ở yên đấy uống trà, trái lại, thời gian bận rộn thì không nghĩ ra.
Nhàn có hai loại, một loại là người nhàn tâm cũng nhàn, cho bản thân một chút thời gian, thoát thân ra khỏi bận rộn. Một loại là người bận tâm cũng bận, việc này cần dựa vào cái nhàn của con người để nuôi dưỡng, và tu trong khi phát hiện khắc chế bản thân.
Bất kể loại nhàn nào, thực tế đều có lợi đối với chúng ta làm việc. Đây chính là điều Trang Tử nói: Vô dụng chi dụng, phương vi đại dụng (Sử dụng cái vô dụng, mới là sử dụng vĩ đại).
Không nên như một nhà xã hội học Mỹ nói: Người Trung Quốc sống mệt mỏi quá, cuộc đời họ chỉ có hai từ, thành công và vật lộn. Tôi rất ngạc nhiên, ngay cả niềm vui họ cũng không cảm thụ được, mà lại muốn truy cầu hạnh phúc.
Vương Dương Minh nói: “Phá giặc trong núi dễ, phá giặc trong tâm khó”. Nếu bạn cảm thấy mọi việc không thuận lợi, mệt mỏi vô cùng, thân thể cũng càng ngày càng tệ, mà thành tích rất nhỏ bé, có lẽ bạn nên đưa tầm mắt nhìn vào nội tâm bản thân, kiếm tìm những thói quen xấu của bản thân, vượt qua cái ngưỡng tâm cảnh bản thân.
Nếu có thể phá được giặc trong tâm, việc học, việc nhà, sự nghiệp đều sẽ thay đổi lớn, vấn đề cuộc sống liền được giải quyết rút củi đáy nồi.
Tâm này sáng láng, cuộc sống mới có thể tươi sáng.
Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch