Có bài thơ rằng:
“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)
Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?
Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.
Lý Công Uẩn là vị hoàng đế của triều đại chính thống lâu dài đầu tiên của nước Đại Việt thống nhất. Ông xuất thân từ cửa chùa, là người khai vận cho triều Lý, được lịch sử nhắc đến như một vị minh quân đáng kính, tràn đầy lòng nhân từ. Cuộc đời ông ẩn chứa đầy màu sắc huyền bí, thú vị. Hãy cùng chúng tôi lần giở lại trang sử cũ về vị hoàng đế đặc biệt này.
Chân mệnh Thiên tử từ cửa Phật
Vận mệnh của Lý Thái Tổ gắn liền với nhà Phật. Khi mới 3 tuổi, ông đã được mẹ ruột của mình đem lên chùa cho các nhà sư nuôi dưỡng. Sử chép như sau: “Vua sinh ra mới 3 tuổi, mẹ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn. Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi. Bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Lúc còn nhỏ đi học, nhà sư ở chùa Lục Tổ là Vạn Hạnh thấy, khen rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”.
Lớn lên, không chăm việc sản nghiệp, chỉ học kinh sử qua loa, khảng khái có chí lớn. Trong đời Ứng Thiên, xuất thân thờ Lê Trung Tông. Đại Hành băng, Trung Tông bị giết, vua ôm xác mà khóc, Ngọa Triều khen là người trung, cho làm Tứ sương quân phó chỉ huy sứ, thăng đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Đến khi Ngọa Triều băng, bèn lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đại xá thiên hạ”.
Đoạn sử trên chỉ cho thấy một điều nổi bật là Lý Công Uẩn xuất thân từ cửa chùa và là con nuôi của nhà sư. Còn lại thân thế của ông chỉ được nhắc qua một cách sơ sài. Đó là một thiếu sót và cũng chính là một bí ẩn của của sử sách. Thời của Lý Công Uẩn chính là thời Phật giáo thịnh hành. Những thiền sư nổi tiếng khi ấy cũng chính là hiện thân của trí tuệ uyên thâm và tài năng văn võ trác tuyệt.
Bởi vậy việc mẹ Lý Công Uẩn đem con lên chùa nuôi chưa hẳn là do bà không nuôi nổi, mà chính là một sự sắp đặt của dòng họ Lý để đào tạo một cách có chủ ý cho Lý Công Uẩn ngay từ thuở nhỏ. Vì sao mẹ của Lý Công Uẩn không đưa ông lên chùa nào khác mà lại chọn ngôi chùa của Lý Khánh Văn, nơi có thiền sư Vạn Hạnh nổi tiếng, sau này đã trở thành sư phụ của ông?
Cả Lý Khánh Văn và Vạn Hạnh thực chất đều là những trụ cột của gia tộc họ Lý ở đất Cổ Pháp, nơi có sứ quân Lý Lãng Công người từng bị Đinh Tiên Hoàng đánh bại, trừ diệt. Nhưng vốn là một gia tộc mạnh mẽ và đầy uy vọng suốt mấy trăm năm, họ Lý không dễ gì chịu tru diệt chỉ sau 2 đời Đinh, Tiền Lê ngắn ngủi.
Họ đã chọn một cách sinh tồn hết sức khôn ngoan, rút vào bí mật, phân tán lực lượng, thay tên đổi họ, vào tu hành trong chùa để tích tụ lực lượng chờ đợi thời cơ. Thời ấy, nhà chùa là một thế lực lớn cả về kinh tế và chính trị trên khắp cả nước. Các tăng lữ có tiềm năng hùng hậu về nhân tài, kỹ năng cũng như sự ảnh hưởng trong quần chúng. Nước cờ này là chiến lược vô cùng cao minh của các trưởng giả Lý tộc.
Các gia tộc lớn thời phong kiến rất coi trọng việc tuyển chọn người kế thừa, chỉ cần người kế thừa mà thành công, lập thành sự nghiệp thì có thể đảm bảo vinh quang ấm no cho cả dòng họ trong nhiều thế hệ.
Vậy nên mỗi một thế hệ đều sẽ chọn ra những hậu duệ ưu tú nhất về đủ các yếu tố như huyết thống, thể chất và cả bát tự số mệnh, rồi dốc hết tiền của, sức lực cả dòng họ vào để đào tạo người đó thành tài. Đó cũng chính là một canh bạc lớn của các gia tộc trong mỗi thế hệ vậy.
Lý tộc cũng như vậy, họ đã đào tạo ra Lý Lãng Công nhưng không may mất đi trong chiến trận vì thiên thời chưa đến. Vì thế mọi chuyện phải bắt đầu lại từ đầu. Trong bối cảnh ấy, Lý Công Uẩn chính là người được chọn, được đưa đến chùa Lục Tổ để Lý Khánh Văn và Lý Vạn Hạnh nuôi dưỡng, đào tạo.
Sự kiên nhẫn và bài bản của họ đã có kết quả. Lý Công Uẩn lớn lên ngày càng tỏ rõ phong cách của một nhà lãnh đạo lớn, nhân hậu và lo cho dân cho nước. Sử sách còn chép lại một giai thoại đáng yêu nói lên cái tâm của ông với dân với nước như sau:
Ngày ấy, khi được gửi sang chùa Tiêu Sơn của thiền sư Vạn Hạnh (anh trai Lý Khánh Văn) để học văn học và tài kinh luân binh pháp, võ thuật của thầy, Lý Công Uẩn luôn tỏ rõ sự thông minh và nghịch ngợm của mình trong mọi hoàn cảnh. Có lần do nghịch quá mà bị sư phụ trói cả đêm ở ngoài tam quan chùa. Bị muỗi đốt cả đêm không ngủ được, cậu vẫn tức cảnh làm thơ:
“Thiên vi khâm chẩm, địa vi chiên
Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên
Dạ thâm bất cảm trường thân túc
Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên”
Tạm dịch:
Trời làm màn gối, đất làm chiên
Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên
Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi
Chỉ sợ sơn hà, xã tắc nghiêng
Nghe xong câu thơ này, nhà sư Vạn Hạnh biết cậu có khí chất đế vương nên càng ra sức dạy dỗ và lo toan cho Công Uẩn làm nên sự nghiệp lớn.
Dời đô ra Đại La, mở đường cho dân tộc bay lên – Thăng Long ngàn năm văn hiến
Sau này, khi đã trở thành bậc quốc quân nắm quyền thiên hạ, việc đầu tiên mà Lý Công Uẩn nghĩ tới chính là dời đô từ đất Hoa Lư (Ninh Bình) nhỏ hẹp tiến ra thành Đại La là nơi phong thủy vượng, khí thiêng tụ. Sử chép khá cụ thể về việc này như sau:
“Vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu truyền rằng: Ngày xưa, nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh.
Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng, tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”.
Bề tôi đều nói: “Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế, ai dám không theo”. Vua cả mừng. Mùa thu, tháng 7, vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long. Đổi châu Cổ Pháp gọi là phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư gọi là phủ Trường Yên, sông Bắc Giang gọi là sông Thiên Đức. Xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức, tất cả 8 sở, đều dựng bia ghi công”.
Lý Công Uẩn đã đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho Thăng Long, nơi đế đô nghìn năm của quân vương các đời sau. Ông cho xây dựng cung điện, kho tàng, đắp thành, đào hào, mở 4 cửa, có ý định đô lâu dài.
Theo thuyết phong thủy thiên mệnh thì đất long mạch chân chính chỉ thuộc về chân mệnh thiên tử mà thôi, người khác có muốn chiếm cũng không được. Bởi vì muốn kích hoạt được năng lượng tốt lành của nó thì cần phải có một trường năng lượng thiện lành cực lớn tương ứng. Năng lượng này chính là đến từ Đức, một thứ được tích tụ qua nhiều đời kiếp tu dưỡng, hành thiện tích đức. Thế nên câu nói: “Sống không tích Đức, phong thủy vô ích” chính là có ý này.
Lý Thái Tổ chính là chân mệnh thiên tử, đệ tử đích truyền của Phật môn thì dĩ nhiên là tài năng và kiến thức của ông không hề tầm thường. Ông không phải là loại người làm vua để cầu an, hưởng lạc hay tranh giành quyền thế, mà chính là muốn dùng tài năng đức độ để giáo hóa muôn dân, xây nên cơ nghiệp muôn đời hưng thịnh.
Khát vọng đó hơn ngàn năm qua hầu như chẳng thể thấy được ở bất kỳ vị vua hay nhà lãnh đạo nào kể cả hùng tài đại lược như Lê Đại Hành hay võ công cái thế như Đinh Tiên Hoàng, Ngô Vương Quyền. Phải đến Lý Công Uẩn, với sự giáo dưỡng chu đáo cả văn tài lẫn võ lược, đạo đức chân chính của vương giả từ đệ nhất thiền sư Vạn Hạnh mà khát vọng ấy mới dần trở thành hiện thực.
Từ một Hoa Lư ẩm thấp, chật hẹp mà dời đô ra Đại La, cái tên Thăng Long thấm đẫm hào khí và tầm nhìn cao xa của thánh nhân. Tám chữ vàng “Trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân” nghe nhẹ nhàng mà thể hiện ra một nhân cách vĩ đại nhường nào. Ở nơi Thăng Long (rồng bay lên) xuất hiện một vị thiên tử có niên hiệu Thuận Thiên (theo lòng trời). Đó quả thật là một việc tốt đẹp xưa nay chưa từng có ở nước ta kể từ sau thời vua Hùng vậy.
(Còn nữa)
Tĩnh Thủy