Người Đức là một dân tộc có truyền thống hào hùng từ thuở xưa. Kỷ luật, chăm chỉ, thượng võ, ngoan cường, không ngừng cầu tiến… là những nét chính tạo nên “tinh thần Đức” khiến cả thế giới khâm phục. Những phẩm chất tuyệt vời ấy được hun đúc từ một nền giáo dục gần như hoàn hảo bắt đầu từ cấp học thấp nhất.
Người Đức luôn bị ám ảnh bởi cái gọi là “chủ nghĩa hoàn hảo”. Họ luôn nỗ lực hơn 100% sức lực để tạo ra được những thứ tuyệt vời, hoàn hảo nhất. Cụm từ “Made in Germany” chính là sự đảm bảo tối đa cho chất lượng. Vào nhà một người Đức bất kỳ, bạn có thể thấy toàn bộ đồ dùng đều là hàng nội địa. Họ sẵn sàng chấp nhận dùng lọ bông ngoáy tai 10 USD của Đức thay vì loại của Trung Quốc chỉ vỏn vẹn 1 USD. Đồ dùng của Đức đắt có tiếng nhưng chưa từng ế khách, thiếu thị trường. Nó dành cho những người ưa chuộng sự hoàn hảo và đẳng cấp.
Tinh thần Đức được hun đúc từ truyền thống tự lực tự cường của dân tộc này. “Nước Đức vượt lên trên tất cả mọi thứ, hơn bất kể điều gì trên thế giới” cũng chính là cầu mở đầu của bài hát quốc ca. Chẳng có người dân nào không thuộc giai điệu hùng tráng ấy. Sự “vượt lên trên tất cả” ấy thể hiện không đâu rõ hơn trong giáo dục.
Đó là một nền giáo dục kiểu mẫu theo “chủ nghĩa hoàn hảo”, nghiêm khắc và khoa học, hiện đại mà cũng đầy tự tôn. Các thầy cô ở trường sẵn sàng sửa cho học sinh từng dấu chấm, dấu phẩy, từng lỗi sai dù là nhỏ nhất. Họ quan niệm rằng muốn tạo ra được sản phẩm hoàn hảo thì phải có được những con người hoàn hảo từ ngay khâu đầu tiên.
1. Nhà trẻ
Người Đức giáo dục cho trẻ em có năng lực tự xử lý các tình huống thông thường và kỹ năng sinh tồn. Ví dụ, họ huấn luyện cho trẻ em ăn cơm, đi ngủ, ngăn nắp sạch sẽ, dạy trẻ tự cứu mình khi gặp nguy hiểm, tình huống nào thì phải gọi cấp cứu. Trẻ em còn được tìm hiểu cách sử dụng xe cứu hỏa, cấu tạo của chúng, học cách phân loại rác, đóng gói, không nói to nơi công cộng, nhờ người khác giúp đỡ phải có thưa gửi, nói “cảm ơn”, “xin lỗi”, “tạm biệt” khi cần thiết. Các lớp học nghệ thuật của trường đều mở miễn phí, chỉ cần trẻ muốn học thì tự lựa chọn. Từ nhỏ trẻ đã được bồi dưỡng và phát huy năng khiếu.
2. Ở gia đình
Trẻ em sẽ được làm quen với các quy tắc bất thành văn, ví dụ: Ăn hết thức ăn thừa trong bát, không lãng phí lương thực, ăn cơm xong mới được ăn đồ nhẹ (tráng miệng), khi ăn không hở môi, không phát ra tiếng kêu, ăn súp từng thìa một, không dùng miệng để húp gây ra tiếng động. Đa số các gia đình đều khuyến khích trẻ em nuôi mèo, chó, thỏ và các loại động vật nhỏ khác để trẻ tự mình cho ăn, qua đó xây dựng cho trẻ em sớm có tâm hồn yêu thương động vật và lòng lương thiện
3. Nghiêm khắc và cứng rắn
Khi trẻ vấp ngã, cha mẹ khuyến khích trẻ tự đứng lên, học cách biết từ từ kiên cường. Trẻ phải làm việc chăm chỉ và đặc biệt không được đi học muộn, cha mẹ cũng không lái xe đưa đi học. Thông thường họ cho trẻ hai lựa chọn: Hoặc là bị phê bình muộn học, hoặc là không ăn sáng để kịp giờ. Người ta cũng chú ý bảo vệ sự riêng tư của trẻ em, nhật ký luôn được tôn trọng. Trong gia đình người Đức, nếu trẻ quên bỏ quần áo bẩn vào máy hoặc túi giặt, người ta quyết không nhắc nhở nhiều lần mà cứ để trẻ tiếp tục mặc quần áo bẩn lên lớp vào hôm sau, nghĩa là để chúng tự gánh lấy hậu quả.
4. Vấn đề tiền tiêu vặt
Cha mẹ Đức không dễ dàng cho trẻ em tiền để tiêu. Một xu có được trẻ đều phải thông qua tự mình lao động, nỗ lực mới có. Trẻ em có thể làm việc nhà phù hợp hoặc làm các công việc lặt vặt, từ đó có được tiền tiêu vặt thông qua các khoản “tiền công”. Từ nhỏ, họ đã nuôi dưỡng cho trẻ em nỗ lực vượt khó về tài chính.
5. Lấy thân làm mẫu
Phụ huynh Đức hiểu rõ hành vi và cử chỉ của trẻ em. Trong gia đình, cha mẹ có ảnh hưởng sâu sắc tới trẻ nên đặc biệt lấy bản thân làm gương. Từ nhỏ, họ đã dạy các em làm người đáng tin cậy, việc của người khác cần được đáp ứng, phải làm đến nơi đến chốn, tuân thủ quy tắc và lời hứa. Cha mẹ người Đức bồi dưỡng lòng tự tin, khuyến khích và khen ngợi trẻ. Họ cũng tuyệt đối không mang con cái của mình ra so sánh với những đứa trẻ khác vì người ta cho rằng: “Mỗi đứa trẻ đều như một bông hoa đang nở“.
6. Chú trọng đoàn thể
Không cứ là ở gia đình hay trường học, trẻ em Đức luôn được sắp xếp tham gia các hoạt động tập thể. Người ta nói: “Cá nhân nỗ lực là gia pháp, tập thể nỗ lực là nhân pháp”. Do đó từ nhỏ các em đã được bồi dưỡng và giáo dục như vậy, khi lớn lên sẽ trở thành người Đức trong mắt thế giới.
Nhờ sự giáo dục khoa học và nghiêm khắc ấy, người Đức sớm đã bồi dưỡng được những đức tính tuyệt vời ngay từ nhỏ. Sau đây là một vài ví dụ:
Thích đọc sách, sử dụng sổ ghi chép
Tại công viên, tàu điện ngầm hoặc những nơi công cộng khác, bạn ít khi nhìn thấy ai đó cầm điện thoại chăm chú không dừng. Đa số họ cầm sách, có thời gian lại mở ra xem. Tại các con phố lớn hay trong ngõ nhỏ của Đức, bạn có thể thấy các hiệu sách mọc lên khắp nơi, bên trong bao giờ cũng có người đọc.
Người Đức thích mang theo sổ tay bên mình để ghi lại những việc lớn cần xử lý mỗi ngày hoặc soạn thảo hợp đồng trong khi chờ đợi. Theo thống kê chính thức, tại Đức có 90% dân số đọc ít nhất một cuốn sách có ích trong một năm, có 23% đọc 8-18 cuốn và có 25% đọc trên 18 cuốn.
Nghĩ đến người khác, vui vẻ giúp người
Tại các quán rượu của Đức thường có người đứng ngay ở cổng để mở cửa cho bạn hoặc giữ cửa để bạn vào. Khi lên hoặc xuống xe buýt, người ngồi ở hàng đầu xuống trước để những người ngồi sau đi hết rồi mới lại lên xe. Khi họ đi ngân hàng, khách sạn hay các nơi công cộng có thang máy thường là chủ động lấy tay giữ cửa cho người đi sau, bất kể lạ hay quen.
Thái độ lịch sự và khiêm tốn của người Đức có thể nhìn thấy ở khắp nơi, đặc biệt họ rất tuân thủ các quy tắc giao thông. Người lái xe không chỉ nhìn gương chiếu hậu mà còn phải quan sát ở điểm mù xem có người hoặc xe hay khác không. Đây chính là bài học đầu tiên trong tất cả các trường dạy lái xe của người Đức.
Nếu có người già bị ngã ra đường thường có nhiều người đến giúp. Gặp người cao tuổi dò dẫm qua đường, người ta tuyệt đối không sốt ruột và coi thường mà chạy đến giúp họ cùng qua đường. Ngoài ra bạn cũng ít khi nhìn thấy người Đức cau mày, lo lắng, họ luôn có dáng vẻ bình thản, tự trọng.
Tuân thủ thứ tự, đúng giờ
Người Đức mua hàng không chen lấn, tự giác xếp hàng, lái xe trên đường không bao giờ vượt xe, đi bộ cũng không băng qua đường. Trên tất cả các phố lớn đều hiếm khi nghe tiếng còi xe. Xe chạy ga hay chạy dầu cũng ít khi nghe tiếng rú ga của động cơ. Tất cả các phương tiện công cộng, trừ trường hợp đặc biệt, đều tuân thủ theo thời gian biểu chạy, dừng, đỗ một cách nghiêm khắc.
Công việc trọng yếu, gia đình là vốn liếng
Người Đức rất chú trọng việc nuôi dưỡng không khí gia đình. Tan giờ làm, việc đầu tiên là về nhà. Vào các ngày nghỉ lễ, các thành viên trong gia đình vui vẻ, quây quần bên nhau. Trong công việc, họ dốc hết sức ra làm, xử lý nhanh mọi việc để hoàn thành sớm, kịp về nhà khi tan tầm gặp người thân.
Người Đức cảm thấy rằng nam giới đi kiếm tiền nuôi gia đình tuy vất vả, nhưng phụ nữ ở nhà nuôi con, chăm sóc mái ấm cũng không phải dễ dàng gì. Bước vào nhà người Đức chỉ thấy đầy ắp tiếng cười, vợ chồng vui vẻ. Vì vậy không khí trong gia đình hết sức ôn hòa, hoà ái. Khi có vấn đề tranh cãi không bao giờ họ đôi co trước mặt con trẻ mà thường tìm một nơi thích hợp để vợ chồng giải quyết với nhau.
Uy tín, tôn trọng hợp đồng
Người Đức rất cẩn thận, làm việc gì cũng đều cân nhắc kỹ càng. Trước đây, có một bài báo nghị bàn về tinh thần của người Đức kể rằng, tại Thanh Đảo (Trung Quốc) có một đường cống thoát nước do Đức xây dựng đã được hơn 100 năm, miệng cống có một trục vít bị hỏng. Tuy nhiên, sau 100 năm nhà xưởng đã thay đổi, không còn tồn tại nữa, người ta biết tìm đâu ra trục vít để thay thế.
Có người nói rằng, nếu chắc chắn là do Đức xây dựng thì thử tìm ở dưới miệng cống khoảng 10 mét sẽ có thứ cần tìm. Công nhân đã dùng đèn pin soi nửa ngày, kết quả tìm thấy một cái ống to cỡ miệng bát, bên trong có một thứ được bọc bằng nhiều lớp nhựa, ngoài phủ mỡ bảo quản có phát quang. Mở ra bên trong có 10 bộ ốc vít còn mới nguyên, còn có cả một tờ giới thiệu thông tin về ngành chế tạo của Đức.
Người ta cũng truyền tai nhau một câu chuyện khác. Có một cây cầu do Đức xây được bảo hành 80 năm. Đến năm thứ 80, người quản lý cầu của địa phương nhận được hợp đồng xin chấm dứt hợp tác của Đức và gợi ý rằng cầu sẽ được xây dựng lại. Khi ấy các nhân viên quản lý cho biết cây cầu vẫn tốt nguyên, không suy chuyển, yếu mòn vì thế quyết định không phá hủy, không cần trùng tu, cứ thế tiếp tục sử dụng. Đến nay sau hơn 120 năm, cây cầu vẫn tốt nguyên vẹn.
Những sự việc to nhỏ như trên đã phản ảnh một cách rất cụ thể tinh thần làm việc và phẩm chất cao quý của người Đức. Ở quốc gia này, nếu bạn ra siêu thị mua một quả táo, quả quýt thì hoàn toàn có thể tìm thấy trên nhãn hàng những số liệu của nhà sản xuất, biết được nguồn gốc xuất xứ của trái cây mà không cần phải gặp tận mặt người bán hàng.
Hành động thay cho lời nói
Mặc dù người Đức rất yêu nước nhưng họ ít khi dùng lời nói để thể hiện tình yêu. Họ chỉ kiên trì dùng sản phẩm của mình để bày tỏ. Khi gặp các phương tiện đặc biệt như xe cứu thương, cứu hỏa, cảnh sát, người ta luôn chủ động tránh sang một bên để nhường đường. Đó là thể hiện của sự trân quý sinh mệnh con người. Người Đức đặc biệt chú trọng quyền riêng tư cá nhân, không hỏi chuyện riêng của người khác, đối với phụ nữ không hỏi tuổi tác, đối với đàn ông không hỏi lương bổng. Họ cũng không mang điểm yếu của người khác ra đùa cợt, không ngồi cách xa người đang giao lưu chuyện trò với mình hay làm ảnh hưởng đến yên tĩnh của người bên cạnh.
***
Chủ nghĩa hoàn hảo (Perfectionism) chính là chìa khóa vàng mở ra kỷ nguyên thịnh vượng cho người Đức. Khi cả châu Âu chìm ngập trong nỗi ám ảnh nợ công, thất nghiệp, suy thoái tài chính thì nước Đức vẫn kiên cường thẳng tiến, trở thành chỗ dựa, đầu tàu vực dậy cả EU. Không phải ngẫu nhiên mà nước Đức lại nằm ở trung tâm châu Âu, trở thành trái tim của cả châu lục này.
Người Đức thích sự hoàn hảo, ghét xuề xòa, cẩu thả. Giá trị Đức đã trường tồn suốt hàng nghìn năm qua và là tấm gương để những quốc gia khác noi theo, học hỏi. Hàn Quốc và Nhật Bản chính là những “bản sao” hoàn hảo của tinh thần này. Cũng đúng thôi, muốn vươn đến cái đẹp, người ta phải biết kiếm tìm sự hoàn hảo!
Hữu Kỳ
Xem thêm:
- Bí quyết giúp Nhật làm nên kỳ tích của một nền giáo dục toàn diện bậc nhất thế giới
- Cách giáo dục giúp người Đức đạt một nửa giải Nobel của thế giới: Cấm đi học trước tuổi!
- Giang hồ ‘bẻ kiếm’ đi tìm đạo, thành người tu luyện giữa đời thường