Trong cuộc sống hiện đại, dù là đối với phụ nữ hay đàn ông, việc nhà dường như là một gánh nặng quá lớn bởi mỗi người ngày càng có ít thời gian hơn.
Trên thực tế, trong việc phân chia việc nhà, chỉ cần người chồng chủ động làm một việc gì đó hơn, cuộc sống gia đình sẽ rất hạnh phúc và thoải mái. Còn như người chồng chưa bao giờ hoặc không nguyện ý muốn làm việc nhà thì khả năng vợ chồng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” là rất cao. Vì thế đàn ông làm việc nhà cũng là một kiểu thái bình, yên ổn.
Những người phụ nữ cũng từng là “công chúa” trong gia đình của họ, cũng từng được cha mẹ nuôi nấng, bao bọc. Ta đừng nên hỏi họ những câu thế này: “Phụ nữ không làm việc nhà thì có phải là phụ nữ không?” hay như: “Đàn ông cực khổ bên ngoài kiếm tiền nuôi gia đình, phụ nữ làm một chút việc nhà thì có sao?”. Tất nhiên thiên tính của người phụ nữ là chăm sóc gia đình, là người giữ lửa trong căn bếp nhưng hãy biết san sẻ và thấu hiểu nỗi vất vả với cô ấy.
Khi đàn ông biết làm việc nhà, chủ động giúp đỡ vợ thì gia đình sẽ hạnh phúc hơn, nguy cơ đổ vỡ sẽ thấp hơn.
Trong một chương trình truyền hình thực tế có tên “Lời tuổi trẻ”, một nam sinh trung học phổ thông đứng trước những người bạn cùng lớp và mẹ mình, nói rằng: “Con là một đứa trẻ hơn mười mấy tuổi nhưng mẹ lại suốt ngày ép con phải làm việc nhà, ép phải học cách nấu cơm, nấu canh, hầm đun đồ ăn, làm những món ăn nhẹ và những thứ khác. Con nghĩ rằng trong giai đoạn này việc học tập là rất quan trọng. Con xin mẹ đừng ép con làm việc nhà nữa!”.
Người mẹ nghe xong những lời này liền cười nói: “Con là một đứa con trai, mẹ hy vọng con có thể ngoài giết thời gian trong phòng đọc sách, xuống bếp giúp đỡ việc nhà, như vậy thì tương lai của con nhất định sẽ rất hạnh phúc. Người phụ nữ bên cạnh con cũng chắc chắn rất hạnh phúc”.
Vợ tương lai của bạn có thể cũng từng là một đứa trẻ được yêu chiều trong vòng tay của cha mẹ, là bảo bối của bố mẹ cô ấy, thế thì tại sao cô ấy phải chịu ấm ức khi lấy bạn? Toàn bộ việc nhà, việc dạy dỗ con cái, việc kiếm tiền… lẽ nào đều là để cô ấy một tay cáng đáng đây? Trên thực tế, trong một gia đình, nếu những người chồng chủ động làm việc nhà thì tình cảm vợ chồng cũng trở nên rất thắm thiết.
Có thể thấy, trong xã hội ngày nay, vấn đề chồng không làm việc nhà đã trở thành vấn đề của rất nhiều cuộc hôn nhân. Nhiều người đàn ông khi theo đuổi một cô gái đều yêu chiều cô ấy như một nàng công chúa nhỏ. Nhưng ngay khi lấy về nhà, người phụ nữ liền trở thành người giúp việc miễn phí trong nhà.
Người phụ nữ nên là tân nương chứ không phải mẹ mới. Đừng để sau khi kết hôn, người vợ của bạn lại trở thành một người mẹ thứ hai, suốt ngày chỉ lo cơm nước, giặt giũ, áo quần cho bạn.
Hoà lấy chồng cho đến nay đã được 3 năm nhưng chồng của cô chưa từng làm việc nhà, về đến nhà là nằm dài trên ghế sofa, chúi mặt vào điện thoại chơi game. Cũng vất vả đi làm như nhau, mỗi khi về nhà, Hoà lại phải lao vào chuẩn bị cơm nước, vệ sinh, quét dọn nhà cửa, đến khi đặt lưng xuống giường mới là hết việc.
Nhưng có đôi lúc cô quá bận rộn, cả tuần không làm việc nhà, nhà bẩn đến không thể đặt chân lên được. Một ngày, chồng tan làm sớm, Hoà liền yêu cầu anh dọn dẹp nhà cửa. Chồng cô miễn cưỡng đồng ý, chỉ dọn qua loa chiếu lệ, sau đó báo với cô rằng mọi thứ đã xong xuôi. Hoà ngẩng đầu lên nhìn anh, nhìn căn nhà vẫn còn bừa bộn như nguyên, cố giấu tiếng thở dài và quay mặt đi chỗ khác. Chồng cô chợt giận dữ: “Anh đã làm hết việc nhà cho em rồi, em cũng không thèm cảm ơn lấy một tiếng là sao!”.
Hoà cảm thấy vô cùng bất lực, cười nói: “Việc nhà là việc của cả hai người, chúng ta đều có trách nhiệm làm việc nhà, không phải anh đang giúp em mà chỉ là anh đang làm phần của chính mình thôi. Vả lại, em ngày ngày nấu cơm, giặt giũ, trông con, sao chưa thấy anh nói cảm ơn với em một tiếng bao giờ?”.
Câu nói này khiến chồng cô im tiếng. Trên thực tế, chồng của Hoà cũng giống như nhiều người đàn ông trong xã hội ngày nay. Trong lòng họ, đàn ông nên là người ra ngoài kiếm tiền nuôi gia đình, còn phụ nữ phải ở nhà dọn dẹp nhà cửa. Nhưng hôn nhân là của hai người, mái ấm cũng là của hai người. Đàn ông dù lo trăm công nghìn việc ngoài xã hội, đôi khi cũng nên biết san sẻ nặng nhọc với một nửa của mình.
Bạn làm việc nhà không phải là đang giúp vợ, mà bởi vì bạn cũng là một thành viên trong gia đình, vì thế nó cũng là chuyện đương nhiên. Bạn rửa bát vì bạn cũng ăn cơm vì thế rửa bát cũng là nghĩa vụ của bạn. Tất nhiên người bạn đời của bạn sẽ không bao giờ để bạn phải san sẻ một cách “công bằng” những việc bếp núc, dọn dẹp đó. Nhưng bạn biết không, cô ấy cần nhất là một sự thấu hiểu và sẻ chia. Chỉ cần bạn vào bếp một lần, nấu một món ngon cho cô ấy, giúp cô ấy rửa bát một ngày trong năm thôi, cô ấy cũng sẽ hàm ơn bạn biết bao.
Có một câu chuyện thế này: Người cha già tới thăm con gái đã kết hôn. Con gái ông bận bịu không ngớt, dù cha đến chơi mà cũng chẳng tiếp đón được gì, khi thì thay tã cho con, khi thì giặt đồ, ủi đồ, lúc lại làm cơm, lúc lại mở máy tính làm việc… Cô làm việc như thể có 3 đầu 6 tay, còn chồng cô, con rể của ông thì nằm dài trên ghế sofa xem tivi, uống cà phê vô cùng thư thái. Lúc đó người cha nghĩ tới bản thân mình, ông hoàn toàn không có tư cách trách mắng con rể. Bởi vì ông cũng vậy, cũng là một người chồng không làm việc nhà.
Phụ nữ cũng là người, họ không có năng lực của siêu nhân, không phải 3 đầu 6 tay. Hãy nhớ rằng họ sẵn sàng đảm nhận công việc nhà là vì thiên tính muốn được chăm sóc người khác của họ và chính vì họ yêu bạn mà thôi!
Dựa vào cái gì mà đàn ông nghiễm nhiên không đụng tay vào làm việc nhà? Nói cho cùng kết hôn là muốn tìm cho mình một người đồng tâm hiệp lực, chứ không phải là tìm một người cả ngày khiến mình bị ức hiếp, làm việc nhà, trông con.
Tình yêu là chuyện của hai người, kết hôn cũng là chuyện của hai người. Nhưng nếu việc nhà chỉ là của một người làm thì không công bằng với đối phương cho lắm. Vì thế những người đàn ông, xin hãy yêu thương người phụ nữ của mình bằng cả trái tim. Làm một chút việc nhà không những có thể làm gương cho cho trẻ nhỏ trong nhà, cũng là chia sẻ những nỗi cực khổ, vất vả của vợ.
Đàn ông biết làm việc nhà thì gia đình mới hạnh phúc.
Tịnh Văn
Theo cmoney
Video: Tại sao chúng ta lại tức giận?