Ông bà ta thường khuyên: “Chọn bạn mà chơi”. Trong cuộc sống, không ai là không có bạn bè. Nhưng chọn như thế nào để có người bạn thực sự tốt thì không phải ai cũng biết. Hãy cùng xem lời dạy của cổ nhân để không gặp chuyện đáng tiếc trong quan hệ bạn bè.
Khổng Tử nói: “Vô hữu bất như kỷ giả”, (tạm dịch: Không kết bạn với người không bằng mình). Câu này nguyên có nguồn gốc từ “Luận ngữ”.
Trong đó, Khổng Tử viết: “Quân tử bất trọng tắc bất uy, học tắc bất cố. Chủ trung tín. Vô hữu bất như kỷ giả. Quá tắc vật đạn cải”, ý nói: Người quân tử nếu không tự trọng thì sẽ không có uy nghiêm, việc nghiên cứu học tập cũng sẽ không vững chắc. Làm người phải lấy trung nghĩa và thành tín làm gốc. Không nên kết bạn với người không bằng mình, nếu có sai sót, khuyết điểm cũng không sợ sửa chữa.
Trước đây, ý tứ của câu nói này thường bị người đời hiểu sai khác đi. Họ cho rằng, kết giao bạn bè là chọn người có địa vị cao hơn để được lợi nhiều hơn. Nhưng kỳ thực, “không kết bạn với người không bằng mình” mà Khổng Tử nói, không có nghĩa rằng phải chọn người có địa vị cao hơn mình, giàu có hơn mình để kết bạn. Khổng Tử là người rất coi trọng tu dưỡng đạo đức cá nhân, cho nên “không bằng mình” ở đây, ý của ông muốn nói đến chính là phẩm hạnh đạo đức.
Trong kết giao bạn bè, Khổng Tử dạy rằng không nên kết giao với những người có phẩm chất đạo đức thấp kém hơn mình. Bởi vì như vậy bản thân mình sẽ bị lây nhiễm những đức tính xấu của người ấy, từ đó đạo đức cũng bị sa đọa theo.
Theo quan điểm của Đạo gia, “phản bổn quy chân”, trở về với bản tính thực của mình mới là mục đích duy nhất, cao nhất của con người. Do đó, hết thảy những sự tình khác trong cuộc sống đều phải phục vụ, bổ trợ cho mục đích này.
Chúng ta đều biết, một người có tội bị bắt giữ thì việc hối lỗi sửa sai, lập công chuộc tội, cố gắng làm người tốt mà sớm được tự do mới là lựa chọn đúng đắn nhất. Nhưng một khi người có tội ấy không những không hối cải mà còn học theo những người xấu hơn, sa đọa hơn thì đó là lựa chọn ngu ngốc và đáng sợ nhất. Trong Cơ Đốc Giáo lại có một câu nói: “Người đời đều là có tội!” . Từ góc độ này mà xem xét, con người chúng ta đang sống trong cõi hồng trần này, chẳng phải cũng giống như tội nhân đang bị giam giữ kia sao? Kết giao bạn bè có thể không cẩn trọng được sao?
Cho nên, đánh giá một người có thể kết bạn được hay không, điều quan trọng nhất là phải nhìn xem nhân tâm và phẩm hạnh đạo đức của người ấy. Ngoài ra, những yếu tố khác đều là không quan trọng. Người có đạo đức cao thượng sẽ kéo đạo đức của bạn thăng lên, người đạo đức bại hoại sẽ khiến bạn sa đọa mà rớt xuống.
Lời dạy của Khổng Tử kỳ thực rất có đạo lý! Nếu suy xét sâu xa hơn một chút, chúng ta sẽ thấy rằng, Khổng Tử vì nghĩ đến tương lai lâu dài của mọi người nên mới dạy điều ấy. Dù là thời xưa hay thời nay thì đạo lý ấy cũng rất bổ ích để chúng ta học tập và làm theo!
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch
Huyền cơ ẩn sau những nhân vật được lựa chọn trong Tây Du Ký