Trong lịch sử, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, câu chuyện về Lão Tử và cuốn “Đạo Đức Kinh” nổi tiếng thế giới đã bị hiểu nhầm, bóp méo nghiêm trọng.
Vào thuở châu Âu vẫn còn chìm trong bóng tối của sự man rợ, thì Trung Hoa với nền văn hóa Thần truyền 5.000 năm đã trở thành cái nôi văn hóa của nhân loại. Cùng với đó là sự xuất hiện nhiều bậc Tiên hiền, mà một trong các bậc Thánh nhân ấy chính là Lão Tử, được cho là người đầu tiên thuyết về vũ trụ. Cuốn “Đạo Đức Kinh” của ông là kiệt tác của nhân loại. Ngày nay “Đạo Đức Kinh” càng trở nên vô cùng quan trọng trong một xã hội văn minh đề cao giá trị vật chất khiến con người ngày càng rời xa những giá trị đạo đức.
Người khai tổ của Đạo giáo
Lão Tử là một bậc tiên hiền trong lịch sử. Truyền thuyết kể rằng khi chào đời, tóc ông đã bạc trắng, vì ông đã nằm trong bụng mẹ 8 hay 80 năm, điều này giải thích cho cái tên Lão Tử của ông, có nghĩa là “Bậc thầy già cả” hay “Đứa trẻ già”. Ông để lại câu cho hậu thế: “Đạo, khả đạo, phi thường đạo”, ngụ ý là Đạo mà có thể nói đến được, không phải là Đạo vĩnh hằng.
Trải qua hơn 2.000 năm, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, sức ảnh hưởng của Lão Tử truyền Đại Đạo vẫn trường tồn cho tới tận ngày nay. Những câu cách ngôn trong “Đạo Đức Kinh” như “Phúc hề họa chi sở ỷ, họa hề phúc chi sở phục” (Trong phúc có họa, trong họa có phúc), “Thiên lý chi hành, thủy ư túc hạ” (Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân)... mà ông để lại cho hậu thế khiến người đời nghiêng mình ngưỡng mộ và tôn kính.
Tư tưởng của ông không chỉ được Khổng Tử cho là “Rồng trong mây” (“Nay ta gặp Lão Tử, như là rồng vậy!”), mà còn được rất nhiều các bậc đế vương, tướng quân, các bậc tiên hiền, học giả hết lời ca ngợi. Ngay cả giới học thuật phương Tây ngày nay cũng rất tôn sùng tư tưởng của Lão Tử.
Vua Đường Thái Tông nói: “Đạo Đức kinh, cốt lõi của nó là ở tu sửa bản thân, quản lý quốc gia. Quản lý quốc gia thì đoạn tuyệt kiêu căng tự đại, xa hoa khinh bạc, giáo hóa bằng vô vi vô ngôn. Tu sửa bản thân thì giảm tư tâm, ít dục vọng, cốt ở hư tâm thực phúc (nhập tĩnh khí tụ đan điền)”.
Thanh Thế Tổ Thuận Trị ca ngợi rằng: “Lão Tử, đạo thông suốt thiên nhân, đức vượt muôn loài, xem sách hơn 5.000 chữ, hiểu rõ đạo lý thanh tĩnh vô vi. Ông nắm bắt được thân tâm, tỏ tường luân thường vạn vật, thì trên đời rất hiếm người biết được”.
Ngụy Nguyên, nhà tư tưởng đời nhà Thanh nói: “Sách Lão Tử, tầm cao thì có thể hiểu rõ đạo, tầm trung thì có thể tu thân, suy xét thì có thể cai quản người”.
Đầu thế kỷ 19, châu Âu bắt đầu nghiên cứu “Đạo Đức Kinh”, các triết gia như Hegel, Nietzsche, Heiderger, đại văn hào Tolstoy đều rất tôn sùng Lão Tử. Tiến sỹ người Anh Needham, người hai lần đoạt giải Nobel viết trong tác phẩm nổi tiếng “Lịch sử khoa học kỹ thuật Trung Quốc” của ông rằng: “Trong tính cách người Trung Quốc có rất nhiều nhân tố hấp dẫn nhất, đều có nguồn gốc từ tư tưởng của Đạo gia. Trung Quốc nếu không có tư tưởng Đạo gia, thì cũng giống như một cây đại thụ có rễ sâu bị mục nát. Cây đại thụ này đến nay vẫn bừng bừng sức sống”.
Thực đúng như vậy, thời bách gia chư tử trong lịch sử Trung Quốc là thời kỳ được đánh dấu bằng chiến tranh và loạn ly, nhưng cũng được xem là thời kỳ vàng son của nhiều nhà tư tưởng Trung Quốc tìm cách giải hóa vấn đề an dân lập quốc. Tư tưởng của Lão Tử dựa vào quy luật phát triển của vạn vật để chỉ ra rằng, trị quốc nên bắt đầu từ lúc trước khi bạo loạn, như cây to trưởng thành từ một ngọn nhỏ, tháp cao chín tầng hình thành từ những giỏ bùn nhỏ đắp nên, hành trình nghìn dặm cũng bắt đầu từ một bước chân.
Lão Tử khuyên người đời không nên quá thiên trọng đời sống vật chất, phải tiết chế lòng ham muốn, chú trọng đời sống tinh thần, lấy cái tâm đè nén cái khí, thà bỏ cái thân này mà giữ Đạo và Đức. Vậy nên thời ấy, mọi nguồn cội tư tưởng bách gia đều từ Đạo gia phân hóa mà ra.
Hơn 2.000 năm nay, người đời tuân theo tư tưởng của Lão Tử, hiểu rõ ý nghĩa cốt yếu của “Quản lý quốc gia, tu sửa bản thân”, cũng có người tham ngộ được “Đạo” của Lão Tử và bước chân vào con đường tu luyện. Như thời “Thịnh trị Văn Cảnh” nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc và “Thịnh trị Trinh Quán” triều Đường đều là hình mẫu Đạo của Lão Tử quản lý quốc gia, giáo hóa thiên hạ.
Ngoài ra, từ đời Hán trở đi, các môn phái Đạo gia như Phù Lộc, Đan Đỉnh… đều tôn thờ Lão Tử, những người tu luyện Đạo gia đã lưu lại những Thần tích về “bạch nhật phi thăng” (ban ngày bay lên) như Trương Đạo Lăng, Khâu Hoằng Tế, Hứa Tinh Dương, Cát Hồng… Trải qua nhiều triều đại, những bậc đế vương vẫn thường coi các bậc đạo sĩ là quốc sư.
Trương Lương nói, bản thân “Dùng 3 tấc lưỡi làm thầy đế vương”, những người khác như Gia Cát Lượng thời Thục Hán, Viên Thiên Cương, Lý Thuần Phong đời Đường, Miêu Quang Nghĩa đời Tống, Lưu Bá Ôn đời Minh… đều được các bậc đế vương khai quốc đối đãi bằng nghi lễ quốc sư. Triều nhà Minh hầu hết ai ai cũng đều có tâm hướng Đạo. Những năm cuối đời, Thành Cát Tư Hãn không quản đường xa nghìn dặm thỉnh mời Trường Xuân Tử Khâu Xử Cơ đến giảng Đạo. Những người tu Đạo qua mỗi triều đại nhiều không đếm xuể.
Nhưng ở Trung Quốc nơi đạo đức bại hoại hiện nay, còn có bao nhiêu người nhận ra tư tưởng của Lão Tử để bước vào con đường phản bổn quy chân?
Lão Tử truyền Đại Đạo
Con người thời nay đa phần đều ca tụng Lão Tử như là một nhà tư tưởng, triết gia lớn trong lịch sử nhân loại. Hơn nữa họ còn đem “Đạo Đức Kinh” hay còn gọi là “Đạo Đức chân kinh”, “Lão Tử ngũ thiên ngôn” mà Lão Tử để lại như là một tác phẩm triết học kinh điển để “nghiên cứu”, “học tập”, “phê phán”. Thực tế đó chẳng khác nào xem Lão Tử giống với người thường thế tục. Nhưng sự thực không phải vậy, Lão Tử truyền là “Đại Đạo”, dạy con người Pháp phản bổn quy chân.
Thời đó, cùng với sự trượt dốc của đạo đức nhân loại, đại đạo thời Tam Hoàng Ngũ Đế cũng dần mất đi. Lão Tử vào đúng thời kỳ đó xuất hiện, một mặt đem đạo “thanh tịnh vô vi”, “đắc đạo phi thăng” truyền đạo cho quan Doãn Hỷ, đặt định ra văn hóa tu luyện cho người đời sau, khiến con người biết “Tu Đạo” và môn “Trường sinh”, dùng để phản bổn quy chân, thoát khổ đau sinh tử luân hồi.
Mặt khác, Lão Tử còn giảng tầm quan trọng của đức hạnh con người và tích đức đối với tu luyện và làm người. Năm 1973, ở gò Mã Vương người ta đã tìm được một bản bạch thư dưới một ngôi mộ cổ đời Hán, trong đó “Đức kinh” đứng trước phần “Đạo kinh”. Trong Động Tàng kinh Đôn Hoàng, người ta cũng phát hiện ra bản chép tay “Đức Đạo Kinh”, cũng lấy “Đức kinh” làm quyển thượng, “Đạo kinh” làm quyển hạ. Điều này chỉ rõ rằng người đắc đạo nhất định là người có đức, kẻ vô đức không cách gì đắc đạo được. Hậu thế đã đem “Đức Đạo kinh” sửa thành “Đạo Đức kinh”, rõ ràng đã làm lu mờ ý nghĩa chân thực của nó.
Lão Tử cũng nói trong “Đạo Đức kinh”: “Mất Đạo mới có Đức, mất Đức mới có Nhân, mất Nhân mới có Nghĩa, mất Nghĩa mới có Lễ”. Rõ ràng Lão Tử nhận định Đạo Đức cao hơn Nhân Nghĩa rất nhiều, do đó ông nói: “Đại Đạo mất, có nhân nghĩa”. Ý nghĩa là, vì Đại Đạo không còn nữa, mới truy cầu “nhân nghĩa”. Con người mất cái Đức là vì có quá nhiều ham muốn. Thỏa mãn ham muốn tức là tìm kiếm hạnh phúc, và khi cố tìm cách thỏa mãn ham muốn sẽ khiến con người ngày càng trượt dốc.
Lão Tử nói: “Đạo sinh ra vạn vật. Đức chứa đựng vạn vật, vật chất khiến vạn vật thành hình, hoàn cảnh khiến vạn vật thành vật. Vì thế muôn vật đều phải tôn Đạo mà quý Đức”. Trong khái niệm của người hiện đại, sự xuất hiện của nhân nghĩa, trí tuệ, hiếu tử, trung thần đều là hỷ sự đáng mừng, nhưng Lão Tử lại cho rằng những cái này đều là kết quả do Đại Đạo mất, xã hội hỗn loạn, đạo đức trượt dốc.
Ngoài ra, Lão Tử còn dạy và gợi mở trí huệ Khổng Tử, Khổng Tử nhờ vậy đề xướng ra Nho môn, hoàn thành đạo cách vật, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ… Trong “Trang Tử – Thiên vận” viết: “Khổng Tử gặp Lão Đam trở về, ba ngày không nói”. Khổng Tử tự thấy đối với tư tưởng Lão Đam bản thân ông không tài nào mà với tới được.
Lão Tử được tôn thờ là Thần tiên
Thực tế, tư tưởng Đạo gia đã có từ thời cổ đại. Từ thời Hoàng Đế kính Trời thờ tổ tiên, thời nhà Thương sùng bái Thần linh, Lão Tử thời Xuân Thu Chiến Quốc đến các phương sỹ thời Tần Hán, rồi đến “Thái bình đạo” của Trương Giác, “Ngũ đấu mễ đạo” của Trương Đạo Lăng thời Đông Hán… Cho đến ngày nay, vẫn có rất nhiều người ẩn cư tu luyện trong núi sâu rừng già. Có thể nói, tín ngưỡng đối với Đạo của người Trung Quốc xưa nay chưa từng bị đoạn tuyệt.
Trong hoàn cảnh loạn ly thời Đông Hán, tu luyện Đạo gia bắt đầu hòa vào thế tục. Trương Đạo Lăng sáng lập Đạo giáo và tôn xưng Lão Tử là một trong Tam Thanh Tôn Thần chí thượng, hóa thân thứ 18 của Đạo Đức Thiên Tôn, cũng gọi là “Thái Thượng Lão Quân”, và “Đạo Đức Kinh” của ông trở thành kinh điển cơ bản của Đạo gia. Những người theo chủ nghĩa vô Thần ngày nay coi “Đạo Đức Kinh” chỉ như một tác phẩm triết học, điều này nếu xét về ý nghĩa tôn giáo thì khác nhau về căn bản.
“Liệt Tiên truyện” ghi chép các Thần tích thời Tiên Tần, lần đầu tiên đưa Lão Tử vào hàng ngũ Thần tiên, viết rằng, Lão Tử đưa ra triết lý vô vi, vô vi nghĩa là không làm, tức là không làm tức là Đạo, Đạo thường không làm, mà không gì không làm được. Dấu tích ông xuất Thần nhập kỳ, tu nội, cảnh giới vô thượng không tư duy, đắc đạo hợp với nguyên khí, trường thọ cùng trời đất trong những lần ông giáng sinh, chuyển sinh. “Liệt Tiên toàn truyện” và “Thái bình quảng ký” đời sau đều ghi chép thân thế thần kỳ của ông.
Thời Đông Hán, Vương Phụ người Thành Đô viết “Lão Tử Thánh mẫu bi”, hợp Lão Tử với Đạo thành một, coi Lão Tử là thần linh thiên địa hóa sinh. Điều này đã hình thành ban đầu thuyết Đạo gia sáng thế.
Thời Hán Hoàn Đế, Hán Hoàn Đế đích thân thờ tế Lão Tử, ghi nhận Lão Tử trở thành ông tổ của Tiên Đạo. Hoàng đế đời Đường đã tôn phong Lão Tử là “Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng Đế”, đời Tống gia phong hiệu là Thái Thượng Lão Quân Hỗn Nguyên Thượng Đức Hoàng Đế. Các triều đại nhà Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh thời Trung Quốc cổ đại đều có các minh quân có Đạo, đều lấy “Vô vi nhi trị” của Lão Tử làm quan niệm trị quốc an bang, biết rõ đạo lý “Người đắc Đạo đắc nhân tâm”, “Người đắc nhân tâm đắc thiên hạ”.
Do đó, các triều đại này đều xuất hiện các thời kỳ hưng thịnh, như thời Văn Cảnh đời Tây Hán, thời Trinh Quán đời Đường Thái Tông và Khai Nguyên, thời Vĩnh Lạc đời Minh và thời Khang Càn đời Thanh.
Trung Hoa thời trước, các bậc vương quân và lòng dân đều tín phụng Thần Phật, nhưng thời nay, Trung Quốc tôn phụng thuyết vô Thần, đối với các bậc tiên hiền như Khổng Tử, Lão Tử, ngoài việc phân tích giai cấp, bóp méo và phủ nhận sự tồn tại của Thần Phật, còn tiến hành phê phán bừa bãi.
Bóp méo và diễn giải sai trái
Chính quyền Trung Quốc nghiên cứu “Đạo Đức kinh” của Lão Tử có thể chia làm 3 thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất từ 1950 đến 1966. Thời kỳ thứ hai từ năm 1967 đến 1975; thời kỳ thứ ba từ năm 1976 – sau Cách mạng văn hóa đến nay.
Thời kỳ thứ nhất từ 1950 đến 1966: Thời này không biết có phải nguyên nhân Mao Trạch Đông thích tìm hiểu về Lão Tử hay không, nhưng đã có khoảng 100 bài viết của giới triết học Trung Quốc nghiên cứu tư tưởng Lão Tử, chủ yếu tìm hiểu tư tưởng Lão Tử là duy vật hay duy tâm, “Lão Tử” đại diện cho lợi ích giai cấp nào, “Đạo” của Lão Tử là cái gì…
Một trong những nhân vật tiêu biểu nghiên cứu Lão Tử đương đại của Trung Quốc là Phùng Hữu Lan, từng là giáo sư khoa Triết học Đại học Bắc Kinh. Nghiên cứu của Phùng Hữu Lan về Lão Tử qua các giai đoạn có thể thấy rõ sự bóp méo và phê phán Lão Tử như thế nào.
Trước năm 1949, Phùng Hữu Lan chưa dùng phương pháp phân tích giai cấp để nghiên cứu Lão Tử. Khi đó, Phùng cho rằng Lão Đam và Lão Tử không phải là cùng một người, Lão Tử là người xuất hiện sau thời Khổng Mặc, người trước tác “Lão Tử” là Lý Nhĩ.
Ngoài ra, Phùng Hữu Lan đứng từ góc độ quan điểm về Thiên đàng, Vũ trụ và phép biến hóa của sự vật để luận thuật tư tưởng Lão Tử, đồng thời cũng so sánh với Khổng Tử, Mặc Tử, Mạnh Tử để làm nổi bật những cống hiến của Lão Tử. Mặt khác ông ta cũng chỉnh lý một số luận thuật về Lão Tử liên quan đến “Đạo” và “Đức” và quan hệ giữa đạo đức và vạn vật, phương pháp xử thế và tu dưỡng nhân cách.
Về Lão Đam và Lão Tử có phải là cùng một người hay không, giới học thuật có những ý kiến khác nhau, tuy nhiên lý giải của Phùng Hữu Lan đối với tư tưởng Lão Tử rất nông cạn, nhưng chí ít nghiên cứu khi đó còn giới hạn trong giới học thuật, chưa chịu ảnh hưởng của các quan điểm chính trị.
Những năm 1960, trong “Lịch sử Triết học Trung Quốc”, Phùng Hữu Lan biên soạn (1960-1964) đã nhìn Lão Tử qua một lăng kính khác, đó là chú trọng nhấn mạnh nguồn gốc đấu tranh giai cấp và từ đó phân tích tư tưởng của Lão Tử. Đây cũng là phương pháp phân tích phổ biến của các học giả Trung Quốc đương thời nghiên cứu Lão Tử.
Phùng Hữu Lan cho rằng, “Lão Tử” là hình thái triết học quá độ từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến, Lão Tử là đại diện cho quý tộc chủ nô. “Đạo” của Lão Tử thì được ông ta diễn giải là “chủ nghĩa duy vật đơn giản chất phác”. Tư tưởng chính trị của Lão Tử là trị quốc an dân, quốc gia lý tưởng là một quốc gia được Thánh nhân cai trị thì được ông ta cho là biểu hiện tư tưởng của quý tộc suy thoái.
Lão Tử phê phán người ham mê danh lợi, coi trọng hưởng thụ và bản thân mình, thuyết rằng “đáng quý nhất là khi người ta biết đem thân ra phụng sự thiên hạ”. Nhưng Phùng Hữu Lan dựa vào đó lại phân tích ngôn luận Lão Tử “chứa đầy phê phán của giai cấp quý tộc suy thoái đối với giai cấp địa chủ mới nổi đang thống trị đương thời”.
Quốc gia lý tưởng trong nhãn quan của Lão Tử là một quốc gia nhỏ mà trong đó nhân dân sống thuận hòa với thiên nhiên, không tư dục, không ganh đua, mà chỉ sống theo đạo vô vi. Con người không tranh giành quyền lợi thì thiên hạ không có chiến tranh cho nên quốc gia dẫu có xe cộ, thuyền bè, binh giáp cũng không dùng đến. Khi người dân có đời sống thái hòa gần gũi với thiên nhiên thì người đứng đầu quốc gia ấy có thể “giũ áo, chắp tay, không làm (vô vi)” mà thiên hạ cũng được thái bình. Nhưng Phùng Hữu Lan lại cho rằng quan điểm “nước nhỏ dân ít” ấy là quan điểm của chủ nghĩa phục cổ thụt lùi, phản động”… Cuối cùng ông ta phê phán “Đạo” của Lão Tử. Rõ ràng, Phùng Hữu Lan đã phủ định thành quả nghiên cứu trước năm 1949 của chính mình.
Còn có một số học giả khác, hoặc là cho rằng Lão Tử đại diện cho tư tưởng công nông suy thoái, hoặc là phản ánh yêu cầu của tiểu chủ nô đương thời, còn “Đạo” của Lão Tử là chỉ thực thể vật chất…
Nhưng bất kể quan điểm của Phùng Hữu Lan hay các học giả khác thế nào, họ đều không thoát ly phương pháp phân tích giai cấp mà xa rời tư tưởng Lão Tử, chối bỏ nội hàm mật thiết và thâm sâu giữa “Đạo” và “Đức” của Lão Tử, thế tục hóa Lão Tử, khiến dân chúng không còn tín phụng vào Thần Phật, không còn tôn kính và thờ phụng Lão Tử nữa. Những phân tích sai lệch của giới học thuật đã làm cho tư tưởng của Lão Tử bị bóp méo nghiêm trọng.
“Phá tứ cựu” hủy hoại Thánh tích
Sau khi chính quyền Trung Quốc thành lập, cũng giống như các tôn giáo khác, Đạo giáo bị phê phán là mê tín dị đoan. Năm 1966, Cuộc Cách mạng văn hóa đã hủy hoại hoàn toàn môi trường tín Thần kính Phật bao đời của người dân Trung Quốc. Phong trào “Phá tứ cựu” đã lan ra toàn Trung Quốc, những bậc Tiên hiền như Lão Tử, Khổng Tử… cũng bị coi là “Tứ cựu”. Rất nhiều đạo quán đền chùa của Đạo giáo bị đốt phá, nhiều người tu đạo bị bức hại đến chết hoặc bị ép phải hoàn tục, nhiều di tích, văn vật quý báu bị phá hủy trong đó có thánh địa Đạo giáo, nơi tương truyền Lão Tử lập đàn truyền đạo giảng kinh.
Lịch Đạo Nguyên đời Bắc Ngụy viết trong “Thủy kinh chú”: Nơi sông chảy ra khỏi núi Nam Sơn vào thung lũng, con đường ngỏ phía bắc đến phía tây Đại Lăng, người đời gọi là mộ Lão Tử. Mộ Lão Tử ở nơi cửa thung lũng gần bờ tây sông Dục Hà, lăng dựa vào núi, núi Lăng Sơn có độ cao 730 m so với mực nước biển, đỉnh núi có hang động đá tự nhiên tên là “Ngô Lão Động”, sâu không thể dò được. Theo “Bia ký trùng tu đền Ngô Lão Động” đời Minh có chép, trong động có hòm đá, an táng xương sọ Lão Tử.
Đỉnh Lăng Sơn có Đạo quán Ngô Lão Động, còn “Bia ký trùng tu đền Ngô Lão Động” đời Minh và mộ bia Lão Tử do Tuần phủ Thiểm Tây Tất Nguyên lập năm Càn Long thứ 41 đời Thanh (năm 1776). Tuần phủ Thiểm Tây Tất Nguyên là học giả trứ danh đời Thanh đã viết bia đá chữ “Chu Lão Tử Mộ”.
Nơi cách mộ Lão Tử 50 km có “Lâu quán Đài”, chính là nơi năm xưa Lão Tử giảng kinh và viết “Đạo Đức kinh”, trong vòng 10 dặm, còn có hơn 50 di tích cổ và Đạo quán. Trong Cách mạng văn hóa, Lâu quán Đài và các di tích cổ bị phá hoại, các đạo sĩ đều bị buộc rời đi.
Núi Lao Sơn – Sơn Đông thánh địa của Đạo gia cũng không tránh khỏi sự điên cuồng của “Phá tứ cựu”. Các tượng Thần, đồ thờ, kinh sách, văn vật, bia miếu trong Thái Bình Cung, Thượng Thanh Cung, Hạ Thanh Cung, Đẩu Mẫu Cung, Hoa Nghiêm Am, Ngưng Chân Quán, Quan Đế Miếu trên núi Lao Sơn đều bị đập phá, hủy hoại, thiêu đốt.
Trong bầu không khí như thế, rất nhiều trí thức bị lên án, người không bị đả đảo thì im bặt, run sợ, không dám nhắc tới giá trị truyền thống, không dám tiếp tục kiên định tư tưởng độc lập, và những nghiên cứu về Lão Tử cũng rơi vào thời kỳ đình trệ.
Theo NTDTV
Hải Sơn biên dịch