Người xưa có câu: “Mã đẳng ngưu trung”. Ngụ ý rằng, chọn ngựa phải chọn con thượng đẳng, tậu trâu nên tìm con thuần tính. Ngựa thượng đẳng thì mới có thể xông pha nơi trận mạc, hay thủ thắng trên trường đua. Tuy nhiên thường con ngựa quý lại bất kham, không dễ mà thuần phục. Một người không đủ uy dũng thì không thể nào ‘cưỡi ngựa bất kham’.

Vào thời trị vì của Hàm Phong Đế, đời nhà Thanh, trong trận chiến quân Thanh đã thu được một con tuấn mã làm chiến lợi phẩm. Con ngựa có sắc lông màu đen, nên được gọi là ‘Hắc Mã’. Con Hắc Mã này rất hung dữ, hễ ai lại gần là nó liền cắn xé hoặc quay lưng tung vó đá hậu… Vì thế, không mấy ai dám lại gần Hắc mã. Duy có một người tên là Tháp Tề Bố mới có thể quản, thậm chí con ngựa còn tỏ ra rất ngoan ngoãn dưới tay ông. Hắc Mã rất ‘cung kính tuân lệnh’ Tháp Tề Bố như một bề tôi trung, hết lòng thờ minh chúa. Chính con Hắc Mã đã giúp Tháp tướng quân chiến thắng trong nhiều trận chiến và một lần cứu chủ thoát khỏi sự truy sát của quân địch trong gang tấc. 

Tương truyền rằng, đời nhà Thanh có một người gọi là Tháp Tề Bố, tên chữ là Lý Tục Tân (1816 – 1855), tự là Địch Am, người vùng Tương Hương – Hồ Nam. Ông là một vị tướng lĩnh nhà Thanh. Tháp Tề Bố nổi danh là một viên kiêu tướng, sức lực hơn người, giỏi tài cưỡi ngựa bắn cung. Ông xuất thân từ dân tộc Mãn Châu, là con nhà dòng dõi của đội quân Bát Kỳ. Ban đầu, ông được đề bạt làm Tam đẳng Ngự tiền thị vệ, những năm đầu được phái xuống Hồ Nam nhậm chức. Nhờ sự trung dũng vô song mà ông được triều đình nhiều lần khen tặng, cất nhắc…

Kể từ khi đảm nhiệm chức Đô đốc tướng quân, ông đã xăm lên cánh tay trái của mình bốn chữ: “Trung tâm báo quốc” (một lòng trung thành, báo đáp quốc gia). Ngoài việc trí dũng song toàn, ông còn sở hữu một con Hắc Mã cũng rất có lai lịch. Con ngựa báu này được ví như một con ‘Long Mã’. Nó nguyên ban đầu là ngựa chiến của Ô Lan Thái một thủ lĩnh của Mãn Châu. Sau khi ông tử trận, chiến mã lọt vào tay quân Thanh. Nhưng con Hắc Mã rất bất kham, không ai có thể lại gần nó. Ai cưỡi lên lưng nó đều bị hất ngã xuống đất… 

Định mệnh đã an bài cho người – ngựa, chúa – tôi gặp nhau. Tháp Tề Bố cũng vừa hay nhậm chức tại Hồ Nam, quân đội đã giao Hắc Mã lại cho Tháp tướng quân quản lý. Ban đầu, ông cũng không quan tâm nhiều đến nó, nên đã giao Hắc mã cho quân lính coi sóc. Nhưng khi nó vừa nhìn thấy người chăn ngựa lại gần thì liền cắn xé anh ta, quay lưng đá hậu tới tấp, trong quân không ai có thể khống chế được nó. Họ tìm đủ mọi cách để đóng yên cương cho Hắc Mã nhưng không tài nào làm được vì con ngựa quá hung hãn. Nó gầm hí lên, tiếng vang như hổ báo. Binh lính trong doanh trại ai nghe thấy đều lạnh tóc gáy mà khiếp đảm không dám bén mảng tới gần.

Tháp Tề Bố nghe thấy vậy liền chạy đến xem thực hư ra sao. Kỳ lạ thay, Hắc Mã vừa thấy Tháp tướng quân đến liền tỏ vẻ sợ hãi không dám quấy phá. Nó ngoan ngoãn đứng im mà không dám cử động. Tháp công tiến lại gần, nhìn thấy một con ngựa đen, mình cao bảy thước, tai dựng lên như một cái ống sắc nhọn, lông mọc thành từng đám như vảy rồng. Bốn chân ngựa lại có móng nhô ra năm bảy chỗ, cái thì bên phải, cái thì bên trái.

Tháp công mừng rỡ, thốt lên: “Đây quả là một con Long mã!”. Ông thử cưỡi lên lưng nó phi một vòng. Con Hắc Mã chạy nhanh như tia chớp, dường như không thể dừng lại được. Tháp công thúc ngựa phi thẳng ra xa ngoài doanh trại hơn 50 dặm, rồi mới hối ngựa quay trở lại, cả đi cả về lên đến hơn 100 dặm, mà chưa đầy 2 giờ đồng hồ (từ lúc  11h trưa, đến gần 13h chiều) đã về đến nơi. Tháp Tề Bố vui mừng khôn tả. Kể từ đó, ông luôn cưỡi con Hắc Mã trong mọi trận chiến. 

Tranh vẽ chân dung Tháp Tề Bố (ảnh: Wikimedia).

Nói về Tháp Tề Bố tướng quân, ông là một người dũng cảm, hiếu chiến, nay lại có được Thần mã thì không khác nào hổ mọc thêm cánh vậy. Mỗi khi lâm trận quyết tử với kẻ thù, Tháp tướng quân luôn một mình một ngựa tả xung, hữu đột, tốc độ nhanh như vũ bão. Nhiều khi các tướng lĩnh không theo kịp chủ tướng vẫn gắng thúc ngựa chạy đằng sau để trợ uy. Nhờ có sức mạnh của Thần mã và lòng quả cảm, Tháp công luôn khiến cho quân địch trở tay không kịp, bị đánh cho tan tác… Từ đó về sau, hễ quân địch nghe đến danh Tháp Tề Bố tướng quân – người cưỡi Hắc Mã – thì đều thấy kinh hồn bạt vía, hô hoán nhau chạy toán loạn: “Hắc Mã tướng quân lại tới nữa rồi! Hắc Mã tướng quân lại tới nữa rồi!…”. Thậm chí quân địch kinh hãi đến mức chưa kịp đánh thì đã buông giáp, quăng vũ khí đầu hàng.

Nhưng có một lần Tháp tướng quân đơn thương độc mã, mải mê truy kích quân địch và không may bị trúng kế mai phục. Ông thua trận, nên phải bỏ chạy thoát thân. Quân định hô hoán, quất mã truy phong toan đuổi bắt cho kì được người cưỡi con Hắc Mã. Trong lúc nguy cấp, Tháp Tề Bố thúc ngựa men theo con đường nhỏ vìa rừng. Chạy được một đoạn, ông thấy có một quán trọ bỏ hoang. Tháp tướng quân liền xuống ngựa, tìm nơi ẩn nấp. Ông giấu con Hắc Mã xuống một căn hầm, rồi chất lên mình ngựa rất nhiều vật dụng để che lại. Tháp công nói với Hắc mã: “Ta cầu xin ngươi, hãy giữ yên lặng! Nếu không hôm nay cả ta và ngươi đều sẽ phải bỏ mạng ở đây”. Xong xuôi, tướng quân bèn cải trang thành một tên tiểu nhị. Ông lấy hết sức bình tĩnh, ngồi ung dung sưởi lửa bên bếp lò. Vừa hay quân địch cũng đã đuổi tới nơi. Chúng đến trước tiểu nhị, quát hỏi: “Mi có thấy Hắc mã tướng quân chạy tới đây không?”. Tiểu nhị, đáp: “Tôi không thấy ai cả!”. Bọn lính chia nhau ra sục sạo khắp nơi, cả chỗ căn hầm có Hắc Mã ẩn nấp nhưng nó đã giữ im lặng, không để lộ một động tĩnh nào. Cuối cùng không tìm thấy gì, bọn lính bèn bỏ đi… Tháp tướng quân, và con Hắc Mã thoát nạn! 

Về sau, Hắc Mã tướng quân đã ngã xuống trong một trận chiến ở Cửu Giang. Con ngựa khóc thương chủ nhân, nhịn ăn mấy ngày liền. Có người muốn thuần phục Thần mã, nhưng vừa nhảy lên lưng ngựa thì lập tức bị hất ngã nhào xuống đất. Từ đó không ai dám nghĩ đến chuyện cưỡi con Hắc Mã nữa. Số phận của nó ra sao cũng không ai hay biết…

***

Cứ như lời miêu tả về con Hắc Mã của Tháp Tề Bố thì quả nhiên là ‘kỳ mã’. Từ hình hài vóc dáng mà xét, thì Hắc Mã hoàn toàn không giống như những con ngựa bình thường khác. Một con vật mình ngựa nhưng lại mang hình hài nửa rồng, nửa lân (lông mọc thành từng đám, tai dài như hình ống nhọn dựng đứng, bốn chân có móng mọc ra năm bảy chỗ), lại cộng thêm cái oai dũng của loài hổ báo mỗi khi gầm hí. Tất cả đã nói lên sức mạnh và sự hung hãn của con vật. Như vậy, người có thể thuần phục được con thú này, ắt hẳn phải là một người có uy dũng phi phàm. 

Nhắc chuyện ngựa cứu chúa thoát hiểm, chúng ta lại nhớ đến chuyện “Lưu Bị vượt suối Đàn Khê”. Khi ấy, con ngựa của Lưu Huyền Đức cưỡi gọi là Đích Lư. Nó được xem như là một con ‘Thiên Lý Mã’. Nhưng Đích Lư có một nhược điểm, dưới mắt của nó có quầng lệ (gọi là Điểm Lệ), bị xem là tướng ngựa sát chủ. Tiếng rằng, hễ ai cưỡi ngựa này thì dễ bị nó hại chết. Nhưng Lưu Huyền Đức đã bỏ qua tai tiếng này mà chọn Đích Lư làm thú cưỡi. Kể rằng, khi Lưu Bị bị nhận được tin mật báo Sái Mạo (tướng dưới trướng của Lưu Biểu) đang truy sát, bèn chạy trốn đến suối Đàn Khê. Đây là một con suối rất sâu và rộng, người ngựa rất khó vượt qua. Trong tình thế nguy kịch, Lưu Bị quất thật mạnh vào lưng ngựa, vừa hô lớn: “Đích Lư! Đích Lư! Ngươi đừng hại ta… !”. Thình lình, con ngựa bay vọt sang bờ bên kia, khiến cho quân địch sững sờ đứng nhìn trong nỗi kinh ngạc, không hay chuyện kỳ lạ gì đang xảy ra trước mắt mình. 

Người xưa có câu: “Người dũng mãnh, cưỡi ngựa dũng mãnh. Chúa hiền, cầu bề tôi trung”. Sống trên đời, có phân chia vai vị ‘Thần – Tôi’. Kẻ thiếu uy dũng thì không thuần được thú dữ. Người không có đủ tài đức thì khó có thể hiệu triệu thiên hạ. Ví như Tháp Tề Bố đời nhà Thanh thuần phục được ‘Thần mã’ bỏi ông là người có đủ uy dũng. Lưu sứ quân – Chúa nhà Thục Hán – cưỡi ngựa ‘sát chủ’ mà lại hóa ‘phù chủ’ ấy là người đã có cái trí dũng của bậc đại trượng phu, lại có cái đức cao vọng trọng của một quân vương. 

Cho nên làm người không thể không có sự hàm dưỡng, hơn người không có gì là hơn ở cái ‘Đức’ vậy!

Từ Khóa: