Có người nói, sao bây giờ con người vô cảm thế, sao tình người không còn được như xưa? Nhưng thực ra trong sâu thẳm trái tim mỗi người thì đạo đức, nhân văn, tình người và bản tính thiện lương vẫn luôn còn đó. Nếu không tin, mời bạn đến với các bệnh nhân nhí ung thư máu ở Bệnh viện Huyết học để trải nghiệm những minh chứng rõ ràng.

Những năm 2015, Hà Nội hiện đại, đẹp, và văn minh hơn nhiều so với một thế kỷ trước, nhưng tỷ lệ ung thư cũng tăng lên nhiều so với thế kỷ trước đây. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 người mắc các bệnh ung thư, số người tử vong vì ung thư lên đến 75.000 người mỗi năm.

Giờ đây Hà Nội có rất nhiều bệnh viện lớn chữa ung thư, như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện K có đến 3 cơ sở. Các bệnh viện khác cũng đều có khoa ung biếu, xạ trị, chỉ riêng ung thư máu thôi cũng có hẳn một bệnh viện lớn riêng.

Bệnh viện Huyết học Trung ương ở Hà Nội mới được xây khá rộng rãi, khang trang và hiện đại. Trong đó, khoa Nhi chiếm toàn bộ tầng 6 với khoảng hai chục phòng bệnh, có hàng nghìn bệnh nhân nhí đang điều trị và điều trị ngoại trú.

Các em nhỏ đủ mọi lứa tuổi, có em vẫn đang ẵm ngửa, lại có những em vài ba tuổi còn chưa hiểu ung thư là gì. Nhìn những đôi mắt trong veo, ngây thơ trong trắng, vẫn hồn nhiên nô đùa mà không biết rằng có cái án tử hình đang lơ lửng trên đầu thì dù người vô cảm đến đâu cũng không thể nén nổi xúc động.

Số bệnh nhân nhí rất đông, nằm la liệt, mỗi giường phải nằm ghép 2-3 em, ấy là chưa kể các bệnh nhi ngoại trú, một vài tháng về nhà lại vào nằm viện một vài tháng. Tội nghiệp, các cháu nhỏ nằm, đứng, ngồi sin sít, tưởng như không đủ không khí để thở! Có em nằm co ro trong khi tay đầy các dây nhợ nhằng nhịt truyền thuốc, truyền hóa chất, lại có em bé vì cơn đau hành hạ mà khóc lên ngằn ngặt.

Nhìn những đôi mắt trong veo, ngây thơ trong trắng, vẫn hồn nhiên nô đùa mà không biết rằng có cái án tử hình đang lơ lửng trên đầu các em. Ảnh dẫn theo kenh14.vn

Nhiều em mắc bệnh, bụng to hơn so với người, mắt lồi, môi nhợt nhạt và thâm tím, da xanh xao. Vì phải trải qua nhiều đợt truyền hóa chất và xạ trị nên tóc trên đầu rụng hết hoặc chỉ còn vài ba cái lơ thơ… Nhìn những khuôn mặt ngây thơ ấy, bất giác trong lòng tôi cảm thấy thật xót xa. Và hãy thử hình dung người lớn mắc bệnh ung thư cũng phải kêu khóc vì đau đớn, phải uống thuốc giảm đau, thì mới biết các em phải chịu đựng nhiều đến thế nào.

Thấy các em đau quá, lúc nào trên tay cũng có kim truyền gần như gắn cố định để không phải lấy ven lại nhiều lần. Những bệnh nhân nhí cũng xuống sân bệnh viện chơi nhưng trên tay vẫn phải có kim truyền. Đôi mắt trong veo nhìn ra phố và ước mơ được hoà mình vào khoảng trời tự do ở ngoài hàng rào bệnh viện, muốn hết bệnh để được về nhà đi học như bạn như bè. Có thể nói các em bị đánh cắp tuổi thơ, không được đi học, không được đi chơi, không được ra ngoài vui vầy cùng các bạn đồng trang lứa. Nhưng điều đáng buồn hơn nữa là ước mơ ấy sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không bao giờ có thể trở thành hiện thực.

Hầu hết các bệnh nhân nhí ở đây phải nằm viện nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Nhưng đến hiện giờ vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu phòng chống ung thư máu, hơn nữa tỷ lệ chữa khỏi được chỉ là con số rất thấp – thật là một thực tế xót xa đến nhường nào!

Còn với người thân, hàng ngày phải cùng con cháu vật lộn với bệnh tật nên ánh mắt ai cũng trũng sâu, gương mặt hốc hác, thân hình tiều tụy… Hầu hết gia đình bệnh nhân hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, việc chữa bệnh cho các em càng khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ. Con nằm viện cả năm trời, nhiều gia đình đã vay mượn khắp nơi hàng trăm triệu đồng nhưng hy vọng cứu con vẫn rất mong manh. Đáng thương thay là có những gia đình nghèo quá, không thể có đủ tiền để theo đuổi thuốc thang tốn kém, nên cũng đành phó thác cho số trời!

Nơi thể hiện tình người và tấm lòng thiện lương

Đến thăm các bênh nhân nhỏ tuổi ở đây mới thấy được sự ấm áp tình người và tâm thiện lành nhân ái. Trong ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, hầu hết mọi người từ bác sĩ, người nhà bệnh nhân và các bệnh nhân nhỏ đều thực sự coi nhau như trong một gia đình.

Mọi người chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, đối đãi với nhau như người thân thiết. Đặc biệt các em nhỏ coi nhau như anh em ruột thịt, có chiếc bánh ngon cũng chia đều, có quả bóng bay cùng chơi chung, chứ không tranh giành nhau… các bạn chăm sóc lẫn nhau, nhường nhịn nhau. Bởi nếu không giúp nhau trong cơn hoạn nạn này, thì rất có thể ngày mai sẽ không còn có dịp để chăm sóc được nữa, và đây cũng là một thực tế xót xa.

Nơi đây cũng nhận được nhiều tấm lòng vàng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân, các bạn sinh viên cùng giúp đỡ, từ những lời động viên thăm hỏi, cho đến tiền bạc và đặc biệt là hiến máu cứu người để giúp các em thêm hy vọng vào sự sống.

Đến đây mục sở thị mới thấy đau xót xé lòng, hàng trăm em nhỏ bị ung thư máu đang sống trong đau đớn, vật vã chống chọi với bệnh tật. Tôi ngắm nhìn những khuôn mặt trẻ thơ, những ánh mắt hồn nhiên trong sáng như mang hình dấu hỏi: “Vì sao em lại đau đớn thế? Vì sao?”. Làm thế nào để hạn chế được ung thư, hạn chế được nỗi đau cho các em là câu hỏi xoáy vào trái tim của mỗi người chúng ta.

Cần lắm tình người và tấm lòng thiện lương, cần lắm những bàn tay sẵn sàng nắm lấy một bàn tay, cùng giúp cho các em thắp sáng những ước mơ như bao em nhỏ khác. Ảnh dẫn theo khmertracks.com

Đến bệnh viện mới thấy ở đây ranh giới giàu nghèo mong manh lắm, nó làm thay đổi cách suy nghĩ về cuộc sống, về số phận. Con nhà giàu chơi với con nhà nghèo rất bình đẳng, bố mẹ giàu với bố mẹ nghèo cũng thân nhau được. Người giàu nuôi con ở đây vài năm thì thành nghèo, mà người nghèo vào đây một năm sẽ thành trắng tay. Ngoài đời người ta có thể tranh giành đấu đá nhau vì danh vì lợi, chỉ vì chút lợi ích nhỏi nhoi mà làm hại người khác. Đến đây thì họ mới sợ, mới bắt đầu nghĩ đến đến số phận, đến nghiệp báo và nhân quả. Đến lúc này ai cũng sẵn sàng đánh đổi tất cả để đổi lấy sự bình an cho con.

Nơi đây là minh chứng trong sâu thẳm trái tim mỗi người thì đạo đức, nhân văn, tình người và bản tính thiện lương của con người vẫn luôn còn đó, chúng ta cần phải khơi dậy và phát huy nó. Cần lắm tình người và tấm lòng thiện lương, cần lắm những bàn tay sẵn sàng nắm lấy một bàn tay, cùng giúp cho các em nhỏ có thể sớm khỏi bệnh để về đi học cùng bạn bè như hằng mơ ước. Hy vọng nắng mới sẽ tràn về giúp các em vượt qua những ngày đông lạnh giá.

Nắng Mới