Có bài thơ rằng:
“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)
Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?
Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.
Khởi nguồn của nhà Lý không phải là đêm mưa gió khi Lý Công Uẩn chào đời ở chùa Tiêu Sơn, cũng không phải là lúc Công Uẩn nhờ học được võ công, binh pháp thượng thừa từ sư Vạn Hạnh mà có được thiên hạ. Câu chuyện dài ấy thật sự bắt nguồn từ 1000 năm trước khi Lý Công Uẩn xuất sinh với bao huyền tích chấn động lòng người.
Suốt trong 2000 năm đằng đẵng đó, những pháp sư đức cao vọng trọng của Phật môn đã đóng nhiều vai quan trọng, từ việc hộ pháp cho ngôi đất long mạch của nhà Lý an toàn suốt trăm năm đến ngày Lý Công Uẩn sinh ra, đào tạo cho ông đầy đủ bản lĩnh văn võ cho đến giúp vua trị quốc và tiếp tục âm thầm tu hành, giáo hóa chúng sinh, giữ gìn đạo đức xã hội.
Tổ Long lụi tàn, dân Việt chịu nhục nô lệ ngàn năm
Dân tộc Việt ứng mệnh Trời coi giữ phương Nam, còn tộc Hoa Hạ thì làm chủ phương Bắc. Cả hai đều có nền văn hóa rực rỡ nhiều nghìn năm, là nền văn hóa Thần truyền lại cho con người. Vì thế từ các triều đại cổ xưa của Trung Quốc trong huyền sử là Tam Hoàng Ngũ Đế đến các triều đại của đất Việt cổ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, vận nước đều rất lâu dài, được coi là chuẩn mực của thời thái bình thịnh trị.
Xét riêng thời Hùng Vương, bắt đầu từ năm 2879 TCN đến tận năm 258 TCN, kéo dài hơn 2600 năm chính là thời đại quân chủ lâu dài và rực rỡ nhất lịch sử nước Việt. Điều ấy nay vẫn còn có thể thấy qua những văn vật sót lại. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về con số ấy nhưng những di chỉ khảo cổ ít ỏi được người hiện đại phát hiện đã chứng minh rằng nước Việt quả thực có nền văn hiến kéo dài tới 4000 năm.
Ngoài ra, sử sách cũng chép: “Lộc Tục Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ, truyền ngôi cho con là Sùng Lãm Lạc Long Quân. Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ, truyền ngôi được 18 chi đều xưng là Hùng Vương”. Như vậy, không phải là 18 “đời” vua Hùng như nhiều người vẫn nhận định trước nay mà chính xác là 18 “chi” (ngành, nhánh). Các chi, ngành nối nhau giữ ngôi báu và dùng chung một niên hiệu nên 18 chi kéo dài suốt hơn 2600 năm là điều không hề viển vông.
Sở dĩ các triều Hùng Vương có thể kéo dài mạnh mẽ suốt hơn 26 thế kỷ như vậy là bởi triều đại này thừa kế cơ nghiệp từ Thần linh (Rồng – Tiên) và ngôi đất phong thủy Tổ Long mà họ được Trời cao an bài. Họ chính là những quân vương có đức lớn, được Trời giao cho cai trị vùng đất phương Nam đẹp đẽ này.
Họ Hồng Bàng bắt đầu từ vua Kinh Dương Vương đến vua Hùng Vương thứ 18 gồm 20 đời kéo dài 2622 năm. Như vậy 18 đời vua Hùng nước Văn Lang đóng đô ở Phong Châu phải có ít nhất trên 2.000 năm lịch sử. Chứng tỏ rằng, đây là thời đại nước Việt rất hùng mạnh và kinh đô Phong Châu chính xác là một đại can long, đại long mạch hay còn gọi là “Tổ Long” của nước Việt.
Kinh đô Phong Châu (Việt Trì ngày nay) là một long mạch lớn, hội đủ các tiêu chuẩn của một kinh đô ngàn năm. Nơi đặt đô là ngã ba Hạc – nơi giao nhau của ba con sông lớn là sông Hồng, sông Đà và sông Lô, tạo thành một thế thủy bao ôm lấy thành Phong Châu. Về mặt phong thuỷ, Phong Châu rất đặc biệt. Phía bắc là dãy Tam Đảo bao bọc che chắn như tay Thanh Long, phía nam là các dãy núi kế tiếp của Hoàng Liên Sơn vùng Yên Lập, Thanh Sơn, đây là tay Bạch Hổ. Phía tây bắc là những dãy đồi trùng điệp hình 99 con voi chầu về núi Hùng (núi Nghĩa Lĩnh).
Núi Hùng là một đầu rồng nhô lên. Đây là vùng đất cuối cùng của vòng cung Sông Gâm, chạy từ Tuyên Quang xuống Đoan Hùng – Phù Ninh. Trước mặt là vùng đồng bằng rộng lớn kéo dài của vùng tam giác châu thổ sông Hồng, đây là Chu Tước. Trước mặt nổi lên ngọn núi cao 1281 mét, đó là núi Tản Viên làm Án sơn.
Các dòng nước của sông Hồng, sông Đà, sông Lô dẫn mạch chảy vòng từ Tây Bắc xuống Đông Nam rồi vòng lên hướng Đông hợp lưu với sông Lô ở ngã ba Bạch Hạc tạo thế Thủy Viên Thành giúp cho kinh đô có một vẻ hùng vĩ khó sánh. Kinh đô Phong Châu là một đại long mạch của đất Việt vì nó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một thế đất đẹp là phải có Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ. Sau này, khi An Dương Vương dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, vương triều chỉ kéo dài được 10 năm thì mất nước cũng là do đã làm mất mệnh Trời mà dời khỏi nơi phúc địa của dân tộc vậy.
Vũ trụ có thành – trụ – hoại – diệt, long mạch cũng tương tự như vậy, trải hơn 2600 năm thì vượng khí của đất Phong Châu cũng đã hết. Nó cũng phải diệt vong theo quy luật vũ trụ vì các vua Hùng lúc này cũng đã hủ bại, không còn như thuở ban đầu lập quốc.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Cháu Thục vương là Thục Phán nối ngôi, có dũng lược, đem quân xâm lược Văn Lang. Hùng Vương có binh hùng tướng mạnh đánh bại Thục Phán. Hùng Vương bảo Thục Phán rằng: Ta có sức Thần, nước Thục không sợ ư? Rồi bỏ bê đất nước, chỉ lo ăn uống vui chơi. Khi quân Thục kéo sát đến nơi, vua còn say mềm chưa tỉnh. Tỉnh dậy, Hùng Vương cùng đường, thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính đầu hàng Thục Phán. Từ đây trong sử sách nước Việt bước sang kỷ mới gọi là Kỷ nhà Thục”.
Khi các Hùng Vương thành lập nước Văn Lang chính là Thần linh đã trao cho dân Việt một pháp lý của Thần mà lập quốc và trở nên hùng mạnh, quốc tộ lâu dài. Nhưng khi nhân tâm và đạo đức đi xuống, không còn tuân theo Thiên mệnh mà trị vì, sa đọa trong dục vọng thì dẫu có binh hùng tướng mạnh cũng không ngăn nổi bại vong.
Nhà Thục nối ngôi cũng chỉ được 30 năm thì diệt vong, khởi nguồn cho ách nạn nghìn năm phải chịu phụ thuộc vương triều phương Bắc của nước Việt. Đó âu cũng là cái nghiệp quá lớn đã tích tụ sau hơn 2000 năm thịnh trị đã đến lúc phải trả lại. Chỉ là khi Tổ Long đã hoàn toàn tiêu tán, không biết rằng bằng cách nào người Việt mới lại có được một long mạch như xưa để trùng hưng vận nước, vinh quang như xưa?
Phật Pháp vô biên cải biến vận mệnh dân tộc, khai sinh long mạch mới
Với những quốc gia không có cội rễ văn hoá Thần truyền sâu sắc, một nghìn năm ấy chính là bóng đêm đen đằng đẵng có thể huỷ diệt tận gốc sinh khí dân tộc. Nhưng người Việt với bề dày văn minh thâm hậu truyền thừa từ thời Hùng Vương, nghìn năm Bắc thuộc ấy lại trở thành một cơ hội nhẫn chịu, tranh thủ bồi hoàn đầy đủ nghiệp lực và tụ linh tích đức chờ đợi ngày nhận phúc báo.
Ai cũng biết Lý Công Uẩn xuất thân từ cửa chùa nhưng ít người biết được rằng nơi ông xuất sinh là một trung tâm Phật giáo có lịch sử hàng nghìn năm nơi vô số chư tăng tu hành đắc Đạo. Sự hưng thịnh của đạo Phật nơi này nói lên tâm thái sùng thiện của người Việt xưa kia, một lòng hướng thượng, sống theo lời Phật dạy.
Dĩ nhiên phong thủy bảo địa là do Trời Đất tạo thành nhưng phần quyết định vận số của mạch đất lại đến từ chính những cư dân đang sinh sống ở đó. Chính lối sống đạo đức và đời sống tâm linh sẽ định hình, sinh vượng khí hay hủy đi phúc báo của vùng đất kia. Đặc biệt, những vùng đất mà người dân tín phụng Phật Pháp, sống theo chính đạo, sau nhiều năm sẽ trở thành nơi sinh ra chân long Thiên tử và long mạch của cả một triều đại. Đó chính là trường hợp của Luy Lâu.
Trung tâm văn hoá, kinh tế lớn nhất phía Nam thời nhà Hán
Luy Lâu hay Liên Lâu, là lỵ sở địa phương của quận Giao Chỉ, cũng là thủ phủ của cả Giao Châu từ năm 111 TCN đến 106 TCN. Luy Lâu thời Bắc thuộc không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm kinh tế – thương mại, trung tâm văn hóa – tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của Việt Nam. Chính nơi đây đã thành hình một trung tâm Phật giáo vào thời điểm đầu Công nguyên. Luy Lâu ngày nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.
Tất nhiên, không phải ngay từ đầu đô thị Luy Lâu đã được xây dựng quy mô bề thế. Các di tích ở Luy Lâu cho thấy trong thời gian đóng trị sở tại đây Thái thú Sỹ Nhiếp nhà Đông Hán đã góp công lớn mở rộng đô thị với quy mô bề thế và tề chỉnh như kinh đô của một quốc gia.
Các hoạt động kinh tế – thương mại ở Luy Lâu rất phát triển. Cư trú và làm ăn tại Luy Lâu, ngoài người Việt còn có đông đảo người Hán, Ấn Độ, Trung Á… gồm nhiều thành phần: Thái thú, Thứ sử, quan lại, binh lính, sỹ đại phu, quý tộc, địa chủ, thợ thủ công, thương nhân, giáo sỹ. Số người này liên tục tràn tới Giao Châu không khi nào dứt và tập trung ngày càng đông ở đô thị Luy Lâu, nhất là dưới thời Sỹ Nhiếp.
Theo các nguồn sử liệu, các nước phương Tây và phương Nam muốn buôn bán, giao thiệp với Trung Quốc đều phải theo con đường Giao Chỉ. Từ những năm trước Công nguyên, nhất là từ thế kỷ 2 – 3 trở đi, ngày càng có nhiều thương nhân nước ngoài đến buôn bán ở Giao Châu. Thuyền buôn của họ thường xuyên có mặt ở Luy Lâu. Những văn vật, chứng tích còn sót lại ở Luy Lâu cho thấy đó thực sự là một trung tâm thương mại lớn, một đô thị cảng mang tính quốc tế của người Việt thời Bắc thuộc.
Các nguồn tài liệu về Luy Lâu xác nhận, Sỹ Nhiếp là người cho dựng chùa và tạc tượng “Tứ pháp”, là người mở mang Hội Dâu và cũng chính là người ra khai hội hàng năm vào ngày 8 tháng Tư. Có thể thấy Sỹ Nhiếp là người đã được “Việt hóa” sâu sắc. Trong việc truyền bá văn hóa, văn minh vào nước Việt, Sỹ Nhiếp vô cùng thông hiểu và kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố ngoại lai với truyền thống văn hóa bản địa, đem lại hiệu quả to lớn và tích cực. Điều đó giải thích vì sao Sỹ Nhiếp là vị Thái thú duy nhất được nhân dân Luy Lâu ngưỡng vọng nhớ ơn và suy tôn là Sỹ Vương Tiên, Thánh Nam Giao, Nam Giao học tổ.
Nơi dừng chân đầu tiên của các nhà sư Ấn Độ trước khi truyền giáo sang Trung Quốc
Vào thời điểm thế kỷ thứ 1 trước và sau Công nguyên, đất Giao Chỉ đã đón nhận Phật giáo. Chính những nhà sư Phật giáo Ấn Độ dừng chân lại ở đất Giao Chỉ trên bước đường truyền giáo sang Trung Hoa đã tạo nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Người đầu tiên đến Luy Lâu đặt nền móng cho trung tâm Phật giáo ở đây là tu sĩ Ấn Độ Khâu Đà La (Kaudinya). Các bộ kinh Bát thiên tụng bát nhã, Pháp Hoa tam muội… là những bộ kinh xưa nhất trong hệ Bát nhã, đã được các tăng sĩ nghiên cứu và biên dịch tại Luy Lâu.
Thời đó khi đạo Phật bắt đầu truyền vào Trung Quốc thì có ít nhất 3 trung tâm Phật giáo được thành lập trong đời Hậu Hán (25-220) là Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh, Việt Nam), Lạc Dương (Hà Nam, Trung Quốc) và Bành Thành (Giang Tô, Trung Quốc). Ngoài ra còn phải kể đến trung tâm Phật giáo Kauthara trên vùng đất Chiêm Thành (Champa) nữa.
Nhưng chính Luy Lâu mới là nơi trung chuyển để từ đó Phật Pháp truyền sang Trung Hoa. Chính quốc sư Thông Biện triều Lý, trong lúc đàm đạo Phật Pháp với Nguyên Phi Ỷ Lan đã dẫn lời pháp sư Đàm Thiên cho biết: “Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có hai mươi bảo tháp, độ được năm trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi”.
Thế nên ngày nay có rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Phật giáo chính là từ Luy Lâu truyền sang Bành Thành rồi truyền tới Lạc Dương (Trung Quốc). Tất cả là do công hạnh truyền giáo của những bậc thầy như Mâu Tử, Khương Tăng Hội, vốn là những vị thánh tăng nổi tiếng trong lịch sử tại đất Giao Châu tinh thông cả Hán và Phạn ngữ. Đặc biệt, Khương Tăng Hội được coi như thiền sư đầu tiên của đất Việt, đã từng truyền đạo cho vua nước Ngô thời Tam Quốc là Tôn Quyền.
Như vậy, quá trình phát triển của trung tâm Phật giáo Luy Lâu trải dài qua nhiều thế kỷ. Từ buổi bình minh của Phật giáo Asoka về Viễn Đông cho đến Phật giáo Thăng Long thành hình (1010), thì Phật giáo Luy Lâu đã có một quá trình phát triển trải dài hơn 10 thế kỷ.
Có thể nói Luy Lâu (Bắc Ninh) là cái nôi của Phật giáo, là trung tâm sinh hoạt Phật giáo Giao Châu cũng như toàn miền Nam Trung Quốc qua nhiều thế kỷ. Những bậc cao tăng đạo hạnh cao siêu, uy danh bốn biển, thuộc hàng Thái sư, Tăng thống, Quốc sư, Thượng sĩ… phần lớn cũng đều xuất thân từ đất Luy Lâu này.
Đến nơi lưu giữ tinh hoa thực sự của đạo thuật Trung Hoa
Thời gian trôi qua, vùng đất Luy Lâu ngày càng phồn vinh hòa bình với những người dân ngoan đạo, hiền hòa cùng sự cai trị vô cùng sáng suốt của Thái thú Sỹ Nhiếp. Ở đây, Nho giáo cũng như Phật Giáo đã đồng tại, dung hợp với tín ngưỡng Thần truyền vùng sở tại mà phát triển mạnh mẽ.
Kết quả tất yếu là các tinh hoa khác của người Hán ở phương Bắc như phong thủy, luyện đan, địa lý, quân sự… đã tìm được một nơi yên bình để bảo tồn lưu lại cho đời sau khi Trung Quốc lúc này loạn lạc liên miên. Lời tựa sách Mâu Tử viết: “Sau khi Hán Linh Đế băng hà, thiên hạ nhiễu loạn, chỉ có Giao Châu là khá yên ổn, các bậc dị nhân phương Bắc xuống đây phần lớn tin theo thuật Thần Tiên, luyện phép tịch cốc trường sinh”.
Luy Lâu trở thành mảnh đất có thể thu hút hàng loạt cao nhân từ những thuật sĩ đến những thiền sư đắc Đạo, lại còn được bảo tồn và phát triển dưới sự cai trị của những quan lại có tâm, tài giỏi. Quả thật không nơi nào xứng đáng hơn vùng đất này để trở thành nơi phát tích đế vương của đất Việt vậy.
(Còn nữa)
Tĩnh Thuỷ