Kẻ anh hùng đương thời đều kính nể ông, có khi vừa căm giận, có lúc vừa sợ hãi. Hậu nhân đều hết lời ca tụng ông. Gia Cát Lượng sinh thời sống trong hào quang, kể cả khi chết đi rồi vẫn là tượng đài lừng lững. Nhưng sau ánh hào quang muôn trượng ấy, có mấy ai hiểu được tấc lòng của ông đây? Sau những chiến tích lẫy lừng, Gia Cát Lượng thật cô đơn…

Đầu thu, trời càng về tối sương xuống càng nhiều. Gió lớn thổi ào ào, mấy cột cờ trong đại doanh quân Thục ngả nghiêng chực đổ. Bên trong đại trướng, quân hầu tất tả ra vào, vẻ mặt ai nấy đều lộ rõ lo lắng. Có tiếng hô lớn vang lên: “Khương tướng quân xin yết kiến”. Một đại tướng rảo bước tiến vào trướng. Dưới ngọn đèn leo lét, bóng hai người in rõ lên bức màn: một già một trẻ, một quỳ dưới đất, một tựa lưng vào đầu giường cố ngồi thẳng.

Thừa tướng thở từng hơi khó nhọc, nói với Khương Duy: “Ta cốt muốn hết lòng kiệt sức đem lại Trung Nguyên, gây dựng lại cơ đồ nhà Hán. Nhưng xem ý trời như thế, thì mệnh ta chỉ còn sớm tối mà thôi!”.

Khương Duy khóc lạy. Thừa tướng lệnh cho tả hữu lấy giấy bút, viết biểu gửi về Thành Đô cho Hậu chủ. Viết xong lại sai quân hầu vực lên xe đẩy, ý muốn ra ngoài trại xem thiên văn. Bầu trời đêm vẫn còn hơi sương, gió thu thổi vào mặt từng cơn lạnh buốt. Thừa tướng đi quanh một vòng thăm các dinh trại, đoạn thở dài mà rằng: “Từ nay ta không còn được ra trận đánh giặc nữa. Trời xanh thăm thẳm, giận này biết bao giờ nguôi!”.

Rồi ông lại ngước nhìn bầu trời, xem hướng sao Bắc Đẩu, trỏ vào một ngôi sao rồi bảo với tả hữu rằng: “Ngôi này là tướng tinh của ta đấy!”. Tả hữu ngước nhìn thì thấy ngôi sao ấy lờ mờ, lung lay như sắp rụng. Thừa tướng cúi đầu lặng thinh không nói gì nữa, sai đẩy xe vào lại bên trong. Khương Duy vực Thừa tướng lên giường nghỉ thì thấy ông đã lịm đi rồi…

Chuyện về sau, hẳn bạn đều biết. Khổng Minh Gia Cát Lượng mất ở gò Ngũ Trượng, nhằm vào ngày hai mươi ba tháng tám, mùa thu, năm Kiến Hưng thứ mười hai (tức năm 236), hưởng thọ 54 tuổi. Trên bầu trời lịch sử, một ngôi sao đã tắt.

Tranh vẽ Gia Cát Lượng (ảnh: Wikipedia).

***

Bây giờ, hãy ngược dòng thời gian trở lại 28 năm trước…

Ấy là một buổi sáng mùa xuân. Trong thôn trang nhỏ tịnh không bóng người, chỉ nghe gió reo xào xạc trên những tán cổ thụ nghìn năm u tịch. Chúng ta đang đứng trước gò Ngoạ Long, nơi ở của Khổng Minh thuở hàn vi.

Phong cảnh chung quanh quả thực khác thường. Cách thành Tương Dương độ vài chục dặm có một gò cao nổi lên như con rồng nằm dài ngủ vùi, bên dưới có suối mát chảy quanh năm. Trong quãng rừng thưa trước gò, có một mái nhà tranh nhỏ, trước cửa trồng nhiều trúc, xung quanh lại có nhiều cỏ lạ hoa thơm, bốn mùa ngát hương. Nghe nói, dưới mái nhà ấy có một ẩn sĩ thanh nhàn, sống một đời tự tại ung dung, lúc nhàn rỗi hoặc chèo thuyền con thăm thú núi thẳm hang hoang, hoặc đóng cửa nằm khểnh đọc sách, hoặc ngủ một giấc nồng thật sâu đến khi nghe tiếng sấm xuân mới vừa hay tỉnh mộng.

Hôm ấy, Ngoạ Long ẩn sĩ tiếp kiến một vị khách quý. Người ấy mình dài bảy thước năm tấc, tay dài quá đầu gối, mắt trông thấy được tai, là bậc anh hùng đời nay: Hoàng thúc Lưu Bị, tự Huyền Đức. Để ngồi cùng được với Khổng Minh hôm nay, Hoàng thúc đã phải ba lượt khổ công, đạp tuyết băng rừng đến Long Trung cầu hiền. Hai người ngồi đối ẩm trong thư phòng. Trong núi khí lạnh tê người. Chủ khách chia ngôi đều phải khoác thêm một lớp áo bông to sụ. Khổng Minh đốt lại trầm, cho thêm củi, khơi lại lò, bắc ấm nước, nhìn ra cửa sổ trầm ngâm. Lưu Hoàng thúc ngồi đối diện một bên, cũng chẳng nói điều chi, thi thoảng đút thêm củi vào lò, ánh lửa hồng loang loáng chiếu lên đôi mắt u buồn của ông.

Khổng Minh cất lời: “Lượng này lâu nay quen tay cày tay cuốc, chểnh mảng việc đời, không thể vâng mệnh xuống núi được. Xin tướng quân thể tất cho”. Hoàng thúc nghe xong, mắt ngân ngấn lệ, vái dài, đoạn nghẹn ngào nói: “Bị này hèn kém, biết không đủ tài, cầu mong tiên sinh chiếu cố xuống núi giúp đỡ. Nếu tiên sinh không nhận lời, trăm họ rồi mai đây sẽ ra sao!”. Hoàng thúc nói xong, nước mắt đã rơi lã chã thấm đầy vạt áo. Khổng Minh vội đỡ Hoàng thúc dậy, cũng cảm động đến rơi lệ, thở dài một tiếng mà rằng: “Nếu tướng quân đã không chê bỏ, Lượng này xin đem hết sức khuyển mã ra phò tá”. Lưu Bị mừng lắm, sai người đem lễ vật dâng Khổng Minh, lại kêu Quan Trương hai người vào bái lĩnh và ở đây ngủ lại một đêm.

Đó là một trường đoạn nổi tiếng của lịch sử Tam Quốc: Long Trung quyết kế chia ba thiên hạ. Cuộc gặp ở Long Trung vừa là duyên kỳ ngộ, vừa là bước ngoặt lớn với cả Lưu Bị và Khổng Minh. Từ đây, Lưu Bị như cá gặp nước, như rồng ra biển lớn, thoả chí tang bồng, gây thành đại nghiệp thiên thu. Và cũng từ đây, thế gian mất đi một Khổng Minh – ẩn sĩ, thay vào đó là một Khổng Minh – quân sư hai vai nặng gánh chuyện thế thời.

Gia Cát xuất sơn (ảnh: Hiephoitranhviet).

***

Khổng Minh, từ nhỏ tu Đạo, ẩn dật nơi thâm sâu cùng cốc, vui thú với hoa cỏ chim muông, lại kết bạn cùng những hiền sĩ xa đời lánh tục, vì sao trong một ngày lại đổi chí thay lòng, quyết tâm xuống núi lao vào chốn công danh đầy cạm bẫy kia? Hãy nghe lời ông dặn người em trai Gia Cát Quân của mình trước lúc xuống núi: “Ta chịu ân Lưu hoàng thúc ba lần hạ cố, không thể từ chối được. Em ở nhà, chăm việc cày bừa ruộng nương không được bỏ hoang, đợi bao giờ thành công anh sẽ về đây ẩn dật”.

Ở đây ta thấy được mấy tầng nghĩa. Thứ nhất, Khổng Minh là người trọng ân nghĩa, xuống núi vì Lưu Bị rồi sau này cúc cung tận tuỵ đến chết cũng vì cái ân tình “Tam cố thảo lư” đó. Thứ hai, Khổng Minh nhìn thấu sự đời, còn chưa ra khỏi Long Trung đã biết thiên hạ chia ba, đã biết Hoàng thúc có thể sẽ làm nên cơ nghiệp đế vương. Thứ ba, không chỉ thấu sự đời, Khổng Minh còn là người coi thường công danh, lợi lộc chốn phồn hoa, chưa thành việc lớn đã nghĩ đến ngày thoái lui, ẩn dật, muốn học theo Trương Lương, Phạm Lãi ngày xưa.

Và cuối cùng, qua tất cả những dữ kiện đó, ta thấy rằng Khổng Minh vốn vẫn yêu những ngày tháng của một ẩn sĩ đất Nam Dương hơn là cuộc sống sôi động, đánh nam dẹp bắc của một Thừa tướng nước Thục. Ngay từ lúc còn ở Long Trung, ông đã hiểu rằng Lưu Hoàng thúc dù đức độ đến đâu cũng chỉ có thể đứng chân được ở đất Thục mà cùng Tào Tháo và Tôn Quyền chia ba thiên hạ. Đó là ý Trời, là an bài của lịch sử, sức người không thể thay đổi.

Hơn nữa, nhà Hán đã quá suy, không thể còn gắng gượng được thêm mấy hồi. Thiên hạ của họ Lưu đã kéo dài 400 năm, đã đến lúc mạt vận, giang sơn cần đổi chủ. Cuối thời Hán, chính trị nhiễu nhương, hoạn quan và ngoại thích lộng hành. Quân Khăn Vàng nổi dậy gây hoạ loạn binh lửa. Dịch bệnh, đói kém, mất mùa, thiên tai diễn ra khắp nơi như điềm báo về một sự thay triều đổi đại. Không ai có thể khuông phò nhà Hán, kéo nó lại thời điểm huy hoàng của thời Hán Vũ Đế mấy trăm năm trước được nữa. Tài ba đến như Tào Tháo cũng chỉ có thể chống đỡ cây cột gỗ đã mục nát ấy mấy chục năm trước khi vận nhà Hán dứt.

Nhưng Khổng Minh lại không thể không xuống núi chuyến này. Khi quyết định rũ bỏ cuộc đời của một ẩn sĩ, Khổng Minh tất là không phải xuống núi để lập công danh, tranh hơn thua với đời. Là người hiểu đạo Trời, Khổng Minh từ lâu đã nhìn thấu rằng nhà Hán sẽ mất, thiên hạ cuối cùng rồi sẽ chia ba như một an bài của lịch sử. Nhưng ông vẫn theo Lưu Bị “trùng hưng Hán thất” là bởi ông còn ý thức được rằng mình sẽ phải diễn vai diễn lịch sử quan trọng bậc nhất của thời đại này. Nếu không có Khổng Minh thì không có Xích Bích, không có sáu lần Bắc phạt, không có Nguỵ – Thục – Ngô ba nhà tạo thế chân kiềng. Lịch sử đã trao cho ông vai diễn này. Người diễn viên ấy đã đọc trước kịch bản, biết trước được cái kết cuối cùng nhưng vẫn sẽ diễn hết mình, làm tròn sứ mệnh mà thiên thượng, mà lịch sử đã giao phó. Ấy là xét về lý.

Về tình, Lưu Bị ba lần đến gõ cửa nhà tranh, chân thành kính cẩn, dùng tấm lòng thực sự mà đối đãi. Khổng Minh có thể không đáp lại tấm chân tình đó chăng? Cuộc gặp gỡ ở Long Trung chính là một trong những hình ảnh đẹp nhất về đạo vua tôi, quân thần, là mẫu mực trong lịch sử, là tấm gương để hậu nhân soi tỏ. Nó cũng giống như cuộc gặp của Chu Văn Vương với Khương Tử Nha bên bờ sông Vị năm nào. Tấc lòng chân thành sẽ được đền đáp bằng ân nghĩa chân thành.

Từ lúc bước chân ra khỏi Long Trung cho đến khi sao rơi gò Ngũ Trượng, thấm thoát đã 28 năm trôi qua. Người thanh niên tuấn tú ở đất Nam Dương năm nào nay đã là một người thiên cổ. Cuối cùng thì ước nguyện “đợi bao giờ thành công anh sẽ về đây ẩn dật” của Khổng Minh đã không thành. Đi khỏi Long Trung lần này là chẳng hẹn ngày về. Niềm thương cảm ấy, nỗi đau ấy, hơn ai hết, Ngoạ Long tiên sinh hiểu thấu. Nhưng ông vẫn nén bi thương để ruổi rong trên đường gió bụi, dấn tấm thân thanh bạch của người tu Đạo vào cuộc tranh đua kịch liệt thời loạn thế.

Liệu số phận sẽ còn tiếp tục đưa đẩy Khổng Minh đến những bước đường nào, xin mời quý vị độc giả theo dõi tiếp kỳ sau.  

* Bài viết phóng tác theo “Tam Quốc diễn nghĩa” và một số tư liệu khác