Đời người là tuần hoàn quanh những nhân quả và nghiệp báo. Bạn làm việc tốt thì nhận phúc báo, hành sự ác thì lĩnh quả báo. Đạo lý ấy vốn không phải điều mê tín, mà đã trở thành sự thực rành rành, nhiều người tận mắt thấy. Thực sự có những chuyện nhất định bạn không thể tùy tiện làm. 

1. Bất hiếu với cha mẹ 

Kinh Thi viết: “Phụ hề sinh ngã. Mẫu hề cúc ngã. Ai ai phụ mẫu. Sinh ngã cù lao” (Tạm dịch: Cha sinh ta, mẹ bồng bế ta. Ôi thương cha mẹ, sinh ta vất vả!”).

Hiếu thảo chính là việc thiện lớn nhất trong đời người. Dù có xây chùa, dựng tháp, cúng dường, bố thí bao nhiêu, nếu không thể hiếu thuận với mẹ cha, phụng dưỡng đấng sinh thành, thì tất cả công quả đời này của người ta đều tiêu biến cả.

Người không có hiếu cũng chính là bất thiện, không đáng tin tưởng. Không hiếu thuận với mẹ cha, sao có thể thuyết phục được lòng người, thu dụng được nhân tâm đây? Dẫu rằng sự nghiệp, học vấn cao đến đâu cũng chỉ là cái ngọn. Cái gốc làm nên tất cả vẫn là tấm lòng chân thành phụng dưỡng song thân. Người không có hiếu thì trời người đều giận.

2. Tham dâm háo sắc

Người ta sống trong thế giới này chính là nhuốm mình trong sắc dục. Người chứa tà dâm trong tâm thì hành vi không đoan chính, lời nói ra không đứng đắn, nghiêm trang. Vì sắc dục, họ cũng có thể bất chấp thủ đoạn, làm nên chuyện bại hoại nhân luân, hủy hoại đạo đức.

Ngoài ra, người tham dâm, háo sắc cũng không được khỏe mạnh. Tâm hồn họ chứa đầy ý niệm vẩn đục, thể chất họ cũng suy mòn theo thời gian. Dâm dục là chuyện hao tổn nguyên khí hàng đầu. Nếu ai không thanh tỉnh từ bỏ, tiết chế nó, khẳng định là người ấy hoàn toàn có thể gặp hiểm nguy về sinh mệnh.

Dâm dục là chuyện hao tổn nguyên khí hàng đầu. Ảnh: ĐKN

3. Yêu chuộng tiện nghi, keo kiệt, ít làm việc thiện

Đây là nói về những người coi của cải, vật chất hơn cả sinh mệnh chính mình. Họ ưa xa xỉ, tiện nghi, có thể bỏ tiền núi ra mua sắm vật chất thỏa mãn dục vọng của mình. Nhưng họ cũng là những người keo kiệt, bủn xỉn nhất, sẽ chẳng rời tay cho ai thứ nào. Làm việc thiện, với họ là chuyện tốn công vô ích. Bố thí với họ là chuyện khôi hài.

Những người này, ban đầu có thể của nả để dư, kho lẫm sung túc nhưng dần dần “miệng ăn sông băng núi lở”, khẳng định không thể bền lâu. Bởi họ không tranh thủ hành thiện tích phúc báo, nên thay vì nhận phúc họ sẽ phải gánh họa, gánh nghiệp mà bản thân gây ra.

Không có tâm thiện, lòng từ bi, thương người, họ cũng không bao giờ chìa tay giúp đỡ người khác. Vậy thì khi gặp hoạn nạn, ai sẽ là người dang tay cứu vớt họ đây? Cả trời và người đều không dung thứ, họ sẽ biết đi về đâu? Chẳng phải là tuyệt số, dứt mệnh rồi sao? Đời người trăm năm là hữu hạn, vinh hoa phú quý rồi cũng tan, loại người ấy chính là khổ sở nhất trên đời.

4. Thường xuyên sát sinh

Người ta vì kế sinh nhai, vì cuộc sinh tồn mà buộc phải sát sinh, hại mệnh. Nhưng ngoại trừ những trường hợp sát sinh để phục vụ cuộc sống sinh tồn (cũng phải chịu tội nghiệp nhưng nhỏ hơn) thì sát sinh bừa bãi, hại mệnh giết người sẽ phải gánh quả báo nặng nề.

Sát sinh chính là biểu hiện của sự bất thiện, không có lòng trắc ẩn, nhân ái. Nhưng bản tính mà Trời cấp cho con người lại là lương thiện. Người xưa chẳng đã từng giảng: “Nhân chi sơ tính bản thiện” đó sao? Nếu đã không thể hợp với mệnh Trời, thiên lý, thì người đó có thể sinh tồn được nữa sao?

“Nhân chi sơ tính bản thiện” . (Ảnh dẫn theo drbillwooten.com)

Sát sinh bừa bãi chính là tạo khổ nạn cho chính mình. Rất nhiều người làm nghề đồ tể, giết hại súc vật, đến khi cuối đời đều gặp quả báo. Trong dân gian cũng lưu truyền rất nhiều câu chuyện người lúc sống sát sinh khi chết phải xuống địa ngục chịu mọi hình phạt bồi hoàn. Đó quả thực là một vấn đề nghiêm túc phi thường, hệ trọng phi thường.

5. Kiêu căng ngạo mạn, không tôn sư trọng đạo

Người xưa rất kính trọng vị thầy của mình, thường giảng: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy“. Người Á Đông thực sự rất coi trọng truyền thống tôn sư trọng đạo ấy. Họ quan niệm, người không học thì không biết lý, không hiểu Đạo. Đối với người đã truyền lý, giảng Đạo cho mình, sao có thể không kính trọng đây?

Khổng Tử nói: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư” (ba người đi cùng, trong đó nhất định có một người đáng làm thầy ta). Kiêu căng ngạo mạn, nghĩ mình tinh thông, coi thường người khác ngay cả sư gia của mình, đó không phải hành động của người có nhân nghĩa.

6. Trộm cắp

Trộm lấy những thứ không thuộc về mình chính là tạo nghiệp mà không hay. Trước mắt, người ta có thể chiếm giữ được lợi ích vật chất, có được tiền tài, đồ quý nhưng không biết rằng mình đã phải tổn hao biết bao phúc đức. Đạo Trời vốn rất công bằng, được mất là có phán xét. Chiếm của người khác thứ gì thì phải bồi hoàn lại một thứ khác.

Cho nên bạn thấy chẳng có kẻ trộm cắp vặt nào trở nên giàu có. Số tiền trộm được lại nướng vào sòng bài, quán nhậu… Với những kẻ trộm cao tay hơn, tham ô, chiếm đoạt của cải quốc gia, khoác áo trí thức, quan chức mà làm chuyện cướp giữa ban ngày thì kết cục càng bi thảm hơn. Của cải trước mắt họ chẳng thể bền, pháp luật một ngày sẽ mang họ ra ánh sáng.

7. Nói dối

Lừa dối hiện đã trở thành một vấn nạn lớn của xã hội. Những thứ “hư tình giả ý” (ý dối tình giả) ấy đang gây họa loạn cho đạo đức, nhân luân. Lời nói ra không còn tín nhiệm, mất đi chân thành, chính là như ngàn vạn lưỡi dao, đả thương người khác. Những lời ngụy tạo, bịa đặt, lời chia rẽ thị phi thậm chí có thể khiến bạn phải chịu nghiệp quả.

Phật gia giảng rất rõ về khẩu nghiệp và quả báo, luôn khuyên người ta phải “tu khẩu”, tu dưỡng cái miệng và lời nói của mình. Lời nói của bạn cũng là mang theo năng lượng. Nói lời xấu xa sẽ trút năng lượng xấu vào đối phương. Thứ năng lượng ấy cũng tích tụ trong bạn, rồi một ngày sẽ khiến bạn phải gặp rắc rối.

Lời nói của bạn cũng là mang theo năng lượng. (Ảnh dẫn theo tinhhoa.net)

Hẳn mọi người đều nhớ chuyện cậu bé chăn cừu nói dối. Cậu bé thường ngồi trên núi, ngắm nhìn đàn cừu thảnh thơi ăn cỏ. Chẳng có gì vui, một hôm cậu nghĩ ra một trò tinh quái. Cậu hít một hơi lấy sức, hớt hải chạy xuống chân núi, hét toáng lên: “Có sói! Có sói đến!“. Dân làng tất tả chạy ngay lên núi nhưng nhìn quanh chẳng thấy con sói nào. Mọi người quở mắng, cậu chỉ cười khì khì.

Qua vài bận như vậy, dân làng cứ bị lừa hoài. Nhìn mọi người mồ hôi nhễ nhại, chạy lên trên núi, cậu bé lại càng lấy làm thích thú hơn, cứ cười ngặt nghẽo. Cho đến một hôm, sói dữ lên núi thật, rình mò ăn thịt bầy cừu. Cậu bé lần này hoảng quá, ba chân bốn cẳng chạy xuống dưới làng, miệng không ngừng kêu: “Sói! Sói đến!“.

Nhưng lần này đã chẳng còn ai tin cậu nữa, không ai lên núi giúp cậu. Cuối cùng bầy cừu của cậu chạy tan tác khắp nơi. Cậu bé chỉ biết ngồi khóc tu tu một chỗ. Lời nói dối, dù chỉ là trong phút vui đùa, gây hại đến như vậy đấy!

***

Cuộc đời mỗi người, trăm năm trôi qua là không phải lúc nào cũng xuôi gió thuận buồm. Vô số chuyện không như ý, vô vàn sầu não chẳng dứt vẫn ập tới bên ta.

Những đau khổ ấy dễ dàng dẫn người ta lạc đường, trở nên bất thiện mà chẳng tự biết. Bao nhiêu chuyện bại hoại nhân luân, tha hóa, phóng túng gây ra đều chính bởi cái tâm bất thiện này của con người. Nhưng đạo Trời vốn công bằng, công tội đánh giá không bao giờ sai lệch. Vậy nên mới có câu nói xưa nay: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo

Nếu như người ta có thể giữ tâm bình an, vui vẻ, nuôi lòng thiện, dưỡng phúc quả thì tự khắc hoàn cảnh sẽ đổi khác, môi trường cũng thay đổi đi. Người xưa có câu “Tướng tại tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển” (tướng do tâm mà sinh ra, cảnh tùy theo tâm mà chuyển biến). Như thế, càng ôm giữ thiện niệm bao nhiêu, bạn càng có cơ hội được sống hạnh phúc, bình yên bấy nhiêu.

Ở đời, chẳng phải được sống bình yên, hạnh phúc rốt cuộc chính là điều quý giá nhất đó sao?

Chính là:

Lòng thiện dưỡng thành một tâm thanh
Mây khói tan nhanh kiếp lợi danh 
Bóng câu qua cửa nào ai biết
Trăm năm chỉ ước được duyên lành.

Tử Du

Xem thêm: