Suốt 5000 năm lịch sử, đất nước Trung Hoa đã sản sinh ra biết bao dũng tướng, tài mạo phi thường, đội trời đạp đất, có sức xoay chuyển càn khôn. Nhưng “Anh hùng đa nạn”, chiến công hiển hách bao nhiêu thì số phận của họ lại càng bi thảm bấy nhiêu.

Lý Mục (290 – 229 TCN)

Ông là một danh tướng của nước Triệu thời Chiến Quốc. Trong hầu hết sự nghiệp binh đao của mình, Lý Mục được giao trấn thủ ở Nhạn Môn Quan, chống lại quân Hung Nô. Khi ấy, biên giới phía bắc nước Triệu thường xuyên bị người Hung Nô quấy phá.

Trước sức mạnh của kỵ binh Hung Nô, Lý Mục chủ động sử dụng kế “vườn không nhà trống”. Quân Hung Nô tràn vào không cướp phá được gì đành phải lặng lẽ rút lui. Trải qua vài năm kiên trì phòng thủ, quân của Lý Mục ngày càng hùng mạnh, sĩ khí lên cao, bắt đầu tổ chức phản công quân Hung Nô.

Quân của Lý Mục có 1300 chiến xa, 13.000 chiến mã, 5 vạn binh, 10 vạn cung thủ, tổ chức tập kích, đập tan 10 vạn kỵ binh Hung Nô. Thiền vu Hung Nô phải trốn vào rừng. Mấy năm sau, quân Hung Nô cũng không còn dám xâm phạm biên giới nước Triệu.

Năm 229 TCN, 10 vạn quân Tần chia 3 đường tiến đánh nước Triệu. Lý Mục được phái làm đại tướng quân chống giặc. Thế nhưng Triệu U Mục Vương lại nghe lời ly gián của một kẻ nịnh thần tên là Quách Khai đã cách chức và xử tử Lý Mục. Sau khi Lý Mục qua đời không lâu, năm 222 TCN, nước Triệu diệt vong.

Hạng Vũ (232 – 202 TCN)

Hạng Vũ tên húy là Tịch, người đất Hạ Tương, là một tướng quân nổi tiếng, có công lớn trong việc lật đổ nhà Tần. Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên chép rằng họ Hạng đời đời làm tướng nước Sở. Cha Hạng Vũ mất sớm, ông được người chú Hạng Lương nuôi nấng từ nhỏ.

Tranh thời nhà Thanh vẽ Hạng Vũ.

Hạng Vũ là một tướng quân gan dạ, dũng mãnh, có sức địch được vạn người. Khi lâm trận, tay cầm kích, chân đạp ngựa Ô Truy, Hạng Vũ có thể lao vào giữa trận tiền, chém đầu tướng địch dễ như lấy đồ trong túi. Ngay cả khi gặp khốn ở Ô Giang, một mình Hạng Vũ cũng diệt hàng trăm quân địch trước khi tự vẫn.

Sau khi diệt Tần, Hạng Vũ tiếp tục phân định thiên hạ với Lưu Bang. Ban đầu, với lực lượng áp đảo và sự giúp đỡ của cố vấn quân sự thiên tài Phạm Tăng, Hạng Vũ chiếm được thế áp đảo, từng chém 10 vạn quân Hán ở Bành Thành, bắt sống cả bố và vợ của Lưu Bang.

Tuy nhiên, sau này, vì mắc mưu phản gián của Lưu Bang, Hạng Vũ nghi ngờ, không trọng dụng Phạm Tăng nữa, người từng được Hạng Vũ gọi là “Á phụ” (cha nuôi). Sau khi Phạm Tăng ra đi, Hạng Vũ liên tục thua thiệt, bị Hàn Tín, Bành Việt quấy phá hậu phương, rơi vào cảnh “lưỡng đầu thọ địch”, nằm giữa gọng kìm của Lưu Bang và Hàn Tín.

Mất thế thượng phong, Hạng Vũ đành phải ký hiệp ước đình chiến với Lưu Bang ở Hồng Câu, lấy nơi này làm ranh giới chia đôi thiên hạ rồi mang quân rút về phía đông. Tuy nhiên, Lưu Bang bội ước, mang quân theo truy kích. Hạng Vũ phải rút vào thành Cai Hạ, binh ít, lương hết, bị quân Hán vây khốn mấy vòng, tình cảnh bi thảm không sao kể xiết.

Ông quyết định mở con đường máu, cùng hơn 800 kỵ binh còn lại đang đêm phá vây thoát ra bên ngoài. Quân Hán truy kích gấp sau lưng. Khi chạy đến Đông Thành, Hạng Vũ đếm lại chỉ còn 28 kỵ binh theo kịp. Mấy ngàn quân Hán vẫn đuổi bén gót phía sau.

Hạng Vũ chạy đến bờ sông Ô Giang thì cùng đường. Khi quân Hán đến nơi, ông xuống ngựa, cầm kiếm tử chiến đến cùng. Một mình Hạng Vũ loại khỏi vòng chiến đến mấy trăm người, chịu hơn 10 vết thương khắp thân mình. Quyết không để bị bắt sống, Hạng Vũ đâm cổ tự vẫn. Một trong những dũng tướng vĩ đại nhất lịch sử nằm xuống.

Hàn Tín (229 – 196 TCN)

Cùng thời với những Lưu Bang, Hạng Vũ, ông là một danh tướng thiên hạ vô địch, đánh đâu thắng đó. Hàn Tín góp công đầu giúp Lưu Bang chiến thắng Hạng Vũ trong cuộc tranh hùng Hán – Sở, mở ra cơ nghiệp 400 năm cho nhà Hán.

Tranh vẽ chân dung Hàn Tín.

“Tây Hán chí” chép rằng Hàn Tín người ở quận Hoài Âm (nước Sở), cha mẹ mất sớm, sống côi cút từ bé, rất cực khổ. Nhưng Hàn Tín đã sớm là người có chí lớn, có tâm đại nhẫn. Chuyện kể rằng, có gã bán thịt lợn thấy Hàn Tín nhỏ thó, muốn làm nhục ông, bắt ông hoặc phải dùng kiếm giết chết gã, hoặc phải chui háng gã. Cuối cùng, Hàn Tín kiềm chế được cơn giận, chấp nhận chui háng hắn.

Năm 209 TCN, Hàn Tín gia nhập đội quân khởi nghĩa của Trần Thắng, chống nhà Tần. Lúc đầu, ông còn là lính dưới quyền Hạng Lương, Hạng Vũ. Thấy Hàn Tín thân phận thấp kém, họ chỉ cho ông làm một chân cầm kích đứng hầu.

Sau này, bất mãn vì không được trọng dụng, Hàn Tín đã bỏ Hạng Vũ theo về dưới trướng Lưu Bang. Ở đây, tài năng của Hàn Tín được phát huy tối đa. Một mình Hàn Tín dẫn binh phá Tam Tần, diệt Ngụy, lấy Triệu, thu Yên, chiêu hàng Tề, lấy về một nửa giang sơn cho Lưu Bang.

Trận Cai Hạ, Hàn Tín dùng kế nghi binh, nhử cho Hạng Vũ đuổi vào trận địa mai phục. Mấy chục vạn quân Hán vây kín mười mặt thành Cai Hạ của Hạng Vũ. Liền trong nhiều ngày, khắp bốn phía, quân Hán lại cùng hát vang bài ca nước Sở. Quân Sở nghe tiếng hát tưởng quê nhà bị chiếm rồi, bèn đào ngũ trốn sạch. Hạng Vũ thế cùng, lực kiệt phải tự sát ở bến Ô Giang.

Tuy nhiên, ngay sau khi lập được đại công, Hàn Tín cũng liền bị Lưu Bang tước ấn tín, đoạt hết lại binh quyền, rồi giáng xuống là Hoài Âm Hầu. Dù đã tước hết binh quyền của Hàn Tín nhưng Lưu Bang vẫn rất dè chừng, luôn theo dõi nhất cử nhất động của ông.

Năm 196 TCN, lấy cớ Hàn Tín cấu kết với Trần Hy làm phản, Lã Hậu (vợ Lưu Bang) cho triệu ông vào cung. Ngay khi mới bước vào cửa, Hàn Tín đã bị võ sĩ trói nghiến lại, chém đầu ở cung Trường Lạc. Dũng tướng bách chiến bách thắng ngày nào đã phải chịu một cái kết vô cùng bi thảm.

Nguồn ảnh: Wikipedia.

Video: 6 Thần tích thời Tam Quốc: Trương Phi hét sập cầu Trường Bản, Lưu Bị nhảy qua suối Đàn Khê

videoinfo__video3.dkn.tv||cc2945203__