Trong ngày Tết Đoan Ngọ, có một phong tục truyền thống đặc biệt là “Xua đuổi 5 loài độc” (trừ ngũ độc). Ngũ độc là tên chung của 5 loài động vật và côn trùng độc nhất theo quan niệm dân gian.
Tết Đoan ngọ là ngày lễ quan trọng trong văn hoá phương Đông. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là lúc giữa trưa. Theo triết lý Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể con người lên cao nhất vào ngày Đoan Ngọ.
Là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất trong mùa hè, tết Đoan Ngọ có rất nhiều hoạt động mang phong tục dân gian. Ngoài việc bơi thuyền rồng, gói bánh tro, ăn rượu nếp, thưởng thức chè hạt sen, còn có những phong tục dân gian khác nhằm trừ tà và tránh dịch bệnh, như cắm lá ngải, cắm cành mây, treo ảnh Trung Quỳ (vị thần có thể đuổi ma trừ tà trong dân gian Trung Quốc), đeo túi thơm, uống rượu đá Hùng Hoàng.
Ngoài ra, tết Đoan Ngọ còn có một phong tục truyền thống đặc biệt là “Xua đuổi 5 loài độc” (Khu ngũ độc). Ngũ độc là tên chung của 5 loài động vật và côn trùng độc nhất theo quan niệm dân gian, đó là: Rắn, rết, bò cạp, cóc, và thằn lằn. Nhưng thằn lằn không hề độc nên cũng có ý kiến cho rằng nên thay thằn lằn bằng con nhện.
Vậy, vì sao vào ngày tết Đoan Ngọ lại phải xua đuổi 5 loài độc này? Theo Hoàng lịch (lịch do vua Hoàng tạo ra, hay còn gọi là Âm lịch), tháng Năm cũng chính là lúc giao thời giữa mùa xuân và mùa hạ, cỏ mọc xanh tốt, côn trùng kêu râm ran, ruồi bay thành từng bầy. Lúc này thời tiết dần nóng lên, lại gặp mùa mưa phùn có độ ẩm cao, bệnh tật do chướng khí cũng tăng mạnh, ôn dịch bắt đầu hoành hành.
Còn rắn, rết, cóc, những loài động vật và côn trùng có độc vốn sinh trưởng trong môi trường ẩm thấp, nên vào thời gian này cũng bắt đầu sinh trưởng mạnh. Kiểu thời tiết như vậy rất dễ khiến con người thấy khó chịu, cũng tạo điều kiện sinh sản cho những loài côn trùng gây bệnh.
Cho nên người xưa cho rằng tháng Năm là “tháng xấu”, “tháng độc”. Trong bài “Tháng Năm – Kinh Sở tuế thời ký” của Lương Tông Lẫm triều Nam có ghi chép rằng: “Tháng Năm theo tục lệ gọi là tháng độc, có rất nhiều điều cấm kỵ như kỵ phơi giường chiếu và kỵ xây nhà”. Còn trong “Cuốn 22 – Thái Bình ngự lãm” dẫn về “Vấn lễ tục” của Đổng Huân thời nhà Hán nói rằng: “Tháng Năm theo tục lệ còn gọi là tháng độc. Tục truyền rằng nên ăn chay 6 ngày và phóng sinh”.
Do đó, tháng Năm không chỉ là tháng độc, mà ngày mồng 5 còn được coi là ngày độc nhất trong tháng. Truyền thuyết kể rằng vào ngày mồng 5/5, ma quỷ hại người thường chắn đường, 5 loài động vật và côn trùng có độc đều nhất loạt bò ra, nên người ta kiêng kỵ cũng nhiều. Ngoài việc kỵ phơi giường chiếu và kỵ xây nhà ra, thậm chí còn có câu cửa miệng rằng: “Không đỡ trẻ tháng Năm”, ý là không nên sinh trẻ vào ngày 5 tháng 5.
Cuốn “Mạnh Thường Quân liệt chuyện – Sử Ký” có ghi lại rằng: Mạnh Thường Quân là bậc hiền sỹ nổi tiếng, chỉ vì sinh vào ngày 5/5 mà cha ông là Điền Anh đã ra lệnh cho mẹ ông không được phép nuôi nấng. Vì theo quan niệm lúc bấy giờ, những đứa trẻ sinh vào ngày mồng 5/5 khi cao lớn bằng cánh cửa sẽ làm hại cha mẹ.
Ngoài ra, một danh tướng thời Đông Tần là Vương Trấn Ác cũng sinh vào ngày 5/5, điều này bị coi là điềm rủi. Người nhà ông định bụng mang cho con nuôi, nhưng ông nội đã giữ ông lại và đặt tên là Trấn Ác, nghĩa là trấn áp vận ác. Ngoài ra, Tông Huy, hiệu là Tông Triệu Cát cũng sinh vào ngày 5/5, nên từ nhỏ đã phải gửi người ngoài cung nuôi dưỡng.
Có thể thấy rằng, ngay vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, tháng Năm đã bị coi là tháng xấu, ngày mồng 5 lại là ngày đen đủi nhất trong tháng xấu. Hơn nữa, tháng Năm vào đúng giữa mùa hạ, thời tiết oi bức và ẩm thấp, vậy nên dân gian có câu cửa miệng rằng: “Tết Đoan Ngọ, thời tiết nóng, ngũ độc tỉnh, không thể yên”. Do đó vào ngày tết Đoan Ngọ, 5 loài động vật và côn trùng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và nơi sinh hoạt của con người. Vì vậy con người phải áp dụng các biện pháp để tránh 5 loài độc và xua đuổi 5 loài độc này thì mới có thể tiêu trừ bệnh tật.
Theo ghi chép trong “Cuốn 1 – Dậu Dương Tạp Trở” (Những câu chuyện về Dậu Dương) của Đoạn Thành Thức thời Đường thì vào thời nhà Đường đã có phong tục treo “Tranh ngũ thời”. Trong bức tranh vẽ hình rắn, rết, bò cạp, cóc, thằn lằn lên một trang giấy, được gọi là “Bùa ngũ độc”. Tương truyền, 5 loài động vật và côn trùng này phải cùng chung sống thì mới không công kích lẫn nhau, mới có thể chung sống hòa bình. Do đó, treo tranh ngũ thời chính là để phòng ngừa 5 loài côn trùng độc làm hại người.
Một số nơi còn dán tranh giấy “ngũ độc” màu đỏ lên tường, ngoài cửa sổ, trên sập, gọi là “Cắt ngũ độc”. Dân gian cũng có tập tục ăn bánh ngũ độc, đó là loại bánh có khắc dấu hình 5 loài động vật độc, tổng cộng có 5 loại bánh với các màu sắc khác nhau. Ăn bánh cũng đồng nghĩa là ăn mất 5 loài động vật độc không cho chúng làm hại con người.
Trong dân gian còn có tập tục dùng đá Hùng Hoàng vẽ chữ “Vương” trên đầu trẻ con, một là có thể xua đuổi 5 loài động vật độc, hai là mượn oai mãnh hổ trấn áp tà ác (Chữ “Vương” giống như vằn trên đầu con hổ). Có nơi trẻ con còn đeo “yếm ngũ độc” thêu 5 loài động vật và côn trùng độc, thể hiện rằng lấy độc trị độc, xua đuổi 5 loài độc để giữ gìn sức khỏe.
Cho nên vào ngày tết Đoan Ngọ, ngoài việc cúng tế và kỷ niệm ra, việc xua đuổi ngũ độc và phòng chống ôn dịch cũng trở thành một hoạt động quan trọng trong tín ngưỡng dân gian.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nhã Văn biên dịch
Xem thêm: