Việc ủng hộ một quốc gia “mạnh hơn” thay vì dân chủ hơn sẽ đẩy nhanh sự lan rộng của chủ nghĩa độc tài trên toàn cầu. Chuyên gia cảnh báo rằng, việc Hungary với tư cách là thành viên EU và NATO đang xích lại gần Bắc Kinh hơn sẽ là một sự đe doạ với các giá trị phổ quát mà 2 khối này đang bảo vệ. Chuyên gia cho rằng, Budapest cần được cho thấy rằng càng gần gũi với Bắc Kinh với tư cách là một đối tác cấp dưới thì nước này càng trở thành một quốc gia bị ruồng bỏ đối với phần còn lại của thế giới. Con đường đó không suôn sẻ đối với Nga, Iran, Bắc Triều Tiên, Myanmar, Cuba hoặc Venezuela, và nó cũng sẽ không suôn sẻ đối với Hungary.
Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary cho biết, Thủ tướng nước này, ông Viktor Orban đang lên kế hoạch đón tiếp ông Tập Cận Bình từ ngày 8 đến ngày 10/5. Ông Orban được cho là nhà lãnh đạo quốc gia thân Trung Quốc nhất ở châu Âu.
Chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Yale – Anders Corr cho rằng, mối quan hệ thân thiện của Budapest với Bắc Kinh ảnh hưởng đến an ninh quốc gia châu Âu và Mỹ. Là thành viên NATO và Liên minh châu Âu, Hungary có thể phủ quyết các hoạt động của một trong hai tổ chức. Khi Hungary đảm nhận chức chủ tịch luân phiên EU vào tháng 7, ông Orban sẽ có ảnh hưởng lớn hơn nhiều trong việc xác định phương hướng của khối.
Sau đây là góc nhìn của ông Anders Corr về sự kiện này, được thể hiện của bài viết trên kênh Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto đã đến thăm Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 4. Ông được cho là đã lên tiếng phản đối việc coi Trung Quốc là một mối đe dọa hoặc việc tách rời khỏi đất nước chuyên quyền này. Ông thích coi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như một “đối tác”. Ông Orban là nhà lãnh đạo châu Âu duy nhất tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường của Trung Quốc vào tháng 10/2023.
Cách tiếp cận thân thiện của Hungary đối với một đối thủ của Mỹ và EU đã gây ra nhiều hậu quả, do quyền hạn của Hungary ở Brussels. Theo một cuộc họp giao ban của Nghị viện Châu Âu ngày 18 tháng 4, đã có lo ngại về việc “Hungary liên tục lạm dụng quyền phủ quyết và tống tiền trong Hội đồng Châu Âu”. Ví dụ, vào năm 2021, Hungary đã phủ quyết một tuyên bố của EU chỉ trích ĐCSTQ vi phạm quyền tự do dân sự ở Hồng Kông. Một nghị quyết của Nghị viện Châu Âu đã đặt câu hỏi liệu Hungary có thể “thực hiện một cách đáng tin cậy” chức chủ tịch EU theo kế hoạch của mình hay không khi nước này không duy trì được các giá trị phổ quát được EU bảo vệ.
Ông Orban rõ ràng thân thiện với Trung Quốc vì những lý do rất phổ biến. Ông muốn có nhiều đầu tư và thương mại hơn với đất nước chuyên quyền này, và lập trường thân Trung Quốc của ông đang mang lại lợi ích. Với 11,5 tỷ USD vào năm 2023, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Hungary.
“Mối quan hệ đối tác” của Hungary với Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh kinh tế của Mỹ. Budapest rõ ràng đang cố gắng sử dụng đầu tư của Trung Quốc để vượt lên trên Hoa Kỳ trong lĩnh vực sản xuất pin xe điện. Trung Quốc hiện chiếm 79% công suất sản xuất pin lithium-ion của thế giới, trong khi Mỹ và Hungary ở vị trí thứ hai và thứ ba, lần lượt ở mức 6% và 4%.
Fiberhome Telecom Tech thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng cơ sở trị giá 22 triệu USD ở Hungary để sản xuất cáp quang. Điều này có thể đe dọa đến an toàn liên lạc ở bất cứ nơi nào nó được xây dựng. Fiberhome là công ty con của Viện Nghiên cứu Bưu chính Viễn thông Vũ Hán được Mỹ bổ sung vào danh sách kiểm soát xuất khẩu vào năm 2020.
Hungary cũng đang tìm kiếm đầu tư cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc, bao gồm đường ống dẫn dầu tới Serbia và tuyến đường sắt cao tốc được đề xuất tới các cảng Piraeus và Thessaloniki ở Hy Lạp. Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng này, các cấp chính quyền cao nhất của Hungary có thể sẽ có những thoả thuận ngầm với Bắc Kinh và dẫn tới tham nhũng. Con số có thể ở mức khoảng 5 hoặc 10 phần trăm của bất kỳ khoản đầu tư nào từ Trung Quốc, theo những tiền lệ của ĐCSTQ khi đầu tư tại các quốc gia khác.
Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể muốn có được nhiều hơn là chỉ thông qua giao thương. Trong chuyến thăm có thể là chuyến thăm chuẩn bị cho thỏa thuận an ninh giữa hai ông Tập và Orban, Bộ trưởng công an Trung Quốc, Vương Tiểu Hồng, đã đến thăm ông Orban trong tháng Hai. Ông Orban đã gửi một thông điệp không nhiệt tình chào đón khi phái đoàn Mỹ đến thăm.
Ông Vương cho biết ông tìm cách tăng cường hợp tác với Hungary trong việc “chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia, xây dựng năng lực an ninh và thực thi pháp luật theo sáng kiến Vành đai và Con đường… để biến việc thực thi pháp luật và hợp tác an ninh trở thành điểm nhấn mới trong quan hệ song phương”.
Chế độ chuyên chế của Bắc Kinh dường như không làm phiền ông Orban, do ông nghiêng về hướng đó. Tuy nhiên, tư cách thành viên của Hungary trong liên minh NATO và Liên minh châu Âu khiến cho những lời đề nghị đặc biệt thân thiện của ông Orban đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc trở nên bất thường.
Không giống như những nỗ lực từ Hoa Kỳ, Pháp và Đức, ông Orban có khả năng thậm chí không giả vờ quan tâm đến các vấn đề nhân quyền trong cuộc thăm của Tổng bí thư Tập Cận Bình vào tháng 5. Ông đã nói từ năm 2014 rằng ông muốn chấm dứt chế độ dân chủ tự do tại Hungary, vì vậy khó có khả năng ông sẽ gây áp lực cho ông Tập Cận Bình về việc dân chủ hóa. Điều đó có lẽ là quá xa vời đối với Hoa Kỳ, Pháp và Đức.
Ông Orban là bạn của Tổng thống Nga Vladimir Putin nên có thể sẽ không quan tâm nhiều đến việc Trung Quốc xuất khẩu các thiết bị quân sự lưỡng dụng xuất hiện trong các máy bay không người lái của Nga bị bắn rơi ở Ukraina. Chính quyền ông Biden ít nhất đang đưa ra một sự leo thang kinh tế lớn về vấn đề này bằng cách đe dọa trừng phạt một số ngân hàng của Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại với các nhà sản xuất vũ khí của Nga.
Ông Gergely Gulyas, chánh văn phòng của ông Orban, nói rằng Trung Quốc “mạnh hơn Liên minh châu Âu” và lợi ích của Hungary là cải thiện quan hệ kinh tế với nước này.
Ông Gulyas nói: “Hungary cho rằng việc thiết lập ranh giới ý thức hệ trong các mối quan hệ kinh tế là không đáng và chúng tôi rất vui về chuyến thăm kéo dài hai ngày của Chủ tịch Trung Quốc”.
Có thể nhiều người sẽ coi chủ trương ngoại giao của mỗi nước là quyền tự do và việc riêng của họ, nhưng theo chuyên gia chính trị học Anders Corr, việc ủng hộ một quốc gia “mạnh hơn” thay vì dân chủ hơn sẽ đẩy nhanh sự lan rộng của chủ nghĩa độc tài trên toàn cầu. Budapest cần thấy rằng càng gần gũi với Bắc Kinh với tư cách là một đối tác cấp dưới thì nước này càng trở thành một quốc gia bị ruồng bỏ đối với phần còn lại của thế giới. Con đường đó không suôn sẻ đối với Nga, Iran, Bắc Triều Tiên, Myanmar, Cuba hoặc Venezuela, và nó cũng sẽ không suôn sẻ đối với Hungary, ông Anders Corr nhận định.