Ô nhiễm rác thải nhựa đang hủy hoại hành tinh. Nhựa rác bóp nghẹt đại dương, đầu độc đồ ăn thức uống, tàn phá sức khỏe của tất cả các sinh linh trên thế giới này. Vì thế, ngày Trái Đất năm nay đã có chủ đề: Chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Trái Đất đang bị nhựa hóa…

Có thể bạn chưa hình dung hết, nhưng nhựa hiện đang có mặt ở khắp mọi nơi trên Trái Đất, từ đáy đại dương sâu thẳm đến những hồ nước trên đỉnh núi cao và cả trong không khí, trong thức ăn nước uống hàng ngày của chúng ta, thậm chí đã thâm nhập trong từng tế bào cơ thể. Dưới đây là những con số thống kê đáng sợ về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay.

(Ảnh: thongtincongnghe.com)

Hơn 8 TỈ TẤN nhựa đã được sản xuất kể từ khi vật liệu này xuất hiện vào năm 1950. Hàng năm lượng nhựa sản xuất ước chừng tương đương với tổng trọng lượng toàn nhân loại.

Hầu như mọi mảnh nhựa từng được sản xuất vẫn tồn tại dưới một số dạng thức.

Hơn 90% rác thải nhựa không được tái chế. Vì hầu hết nhựa đều không bị phân hủy sinh học, do đó chúng có thể tồn tại hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm.

Chỉ riêng tại Mỹ mỗi ngày có 500 TRIỆU ống hút nhựa được sử dụng, lượng ống hút đủ để xếp vòng quanh Trái Đất hai lần.

Mỗi phút trên toàn thế giới có gần 2 TRIỆU túi nylon dùng một lần được phân phối

Mỗi phút có 1 TRIỆU chai nhựa được bán ra, nhưng chưa đến 50% chai nhựa được tái chế.

Hàng năm có 8 TRIỆU tấn nhựa cuối cùng sẽ ra đến đại dương.

Số lượng microplastic (hạt nhựa nhỏ) trong đại dương nhiều hơn số VÌ SAO trong hệ Ngân Hà.

Nếu không kìm hãm sản xuất nhựa, năm 2050 đại dương sẽ nhiều rác nhựa hơn cá (tính theo cân nặng).

Rác thải nhựa nguy hiểm ra sao?

Rác thải đại dương đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người và hệ sinh thái. (Ảnh: thepetitionsite.com)

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc về những vấn đề môi trường nguy hiểm nhất mà thế giới đang đối mặt, thì hàng triệu tấn mảnh nhựa nhỏ từ túi nylon, chai nhựa và quần áo trong các đại dương đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái biển.

Do đặc thù cấu trúc nên nhựa là một dạng chất thải có tốc độ phân hủy trong môi trường biển rất chậm. Những mảnh rác thải nhựa lớn sẽ bị phân nhỏ dưới các tác động cơ học thành các hạt nhựa nhỏ có kích thước dưới 5 mm và phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm để một mảnh rác thải nhựa có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên.

Trong lòng biển, theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), với đặc tính bền vững trong tự nhiên rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn, cốc…) là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài sinh vật biển như rùa, cá heo, cá voi. Do các dòng hải lưu, các mảnh (hạt) nhựa vụn di chuyển trên khắp đại dương, trở thành mồi cho các loài chim biển, cá, giun và động vật biển. Khi các động vật nuốt phải các mảnh (hạt) nhựa vụn bị mắc trong khí quản gây ngạt thở, hoặc làm tắc hệ tiêu hóa, gây nguy hại cho các loài động vật, thậm chí dẫn đến tử vong.

Nhưng các nghiên cứu gần đây phát hiện các hạt nhựa nhỏ không chỉ đang có mặt trong đại dương, mà còn xuất hiện ở khắp mọi nơi bên ngoài biển cả: trên mặt đất, thức ăn, nước máy và cả trong không khí. Thông qua nước uống, không khí, thức ăn, các hạt nhựa nhỏ sẽ xâm nhập và tích tụ trong cơ thể người.

Các hạt nhựa nhỏ đang có mặt khắp mọi nơi. (Ảnh: AFP)

Liệu các hạt nhựa nhỏ có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không, các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ. Tuy nhiên các sinh vật biển nuốt phải hạt nhựa nhỏ đã xuất hiện các tổn thương. “Có một số bằng chứng cho thấy hạt nhựa nhỏ có thể gây tổn thương sinh vật”, theo Richard Thompson, phó giáo sư về sinh học biển trường đại học Plymouth, Anh.

PGS Thompson cũng cho biết thí nghiệm trên giun phát hiện những ảnh hưởng tiêu cực đối với khả năng dự trữ năng lượng của loài này.

Bên cạnh đó nhựa còn có thể gắn với những chất ô nhiễm khác như kim loại, thuốc trừ sâu. Các hạt nhựa nhỏ cũng thu hút cả vi sinh vật gây bệnh. Khi chúng ta ăn cá, uống nước có hạt nhựa, chúng có thể đi qua ruột và vào trong cơ thể, kéo theo những chất độc hại và mầm bệnh cùng gắn lên đó.

Nhiều loại nhựa chứa BPA và phthalates, khi đun nóng các hóa chất này có thể thấm dần vào thực phẩm đựng trong đồ nhựa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa hai hóa chất trên với hàng loạt vấn đề sức khỏe như bất thường hệ sinh dục, suy giảm sức năng não bộ và hệ thần kinh, ung thư, béo phì, tổn thương hệ tim mạch, dậy thì sớm và tiểu đường.

Cũng như nhiều vấn đề môi trường khác-biến đổi khí hậu, thuốc trừ sâu, ô nhiễm không khí-những tác động chỉ trở nên rõ rệt hơn khi đã xuất hiện sự tàn phá ở các mức độ khác nhau. Nếu may mắn, Trái Đất “nhựa” chúng ta đang nhào nặn nên sẽ không phải là liều thuốc độc quá mạnh đối với cuộc sống nhân loại và hệ sinh thái trên Trái Đất. Còn nếu không, nhiệm vụ dọn dẹp Trái Đất sẽ là một công trình hết sức to lớn.

Giải pháp 3R và 5R: Bắt đầu bằng ‘giảm thiểu’ và ‘từ chối’

Theo một nghiên cứu quốc tế vừa công bố, Việt Nam là một trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa bị xả ra biển mỗi năm. Trong ngày 19/4 vừa qua, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức sự kiện Ngày Trái đất – vấn nạn rác thải nhựa, với sự tham gia của nhiều tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.

Sử dụng rác thải tái chế thay cho túi nilong. (Ảnh: myfoodbag.co.nz)

Tại sự kiện các diễn giả đã đưa ra giải pháp đơn giản và thiết thực mà ai cũng có thể thực hiện đó là 3R và 5R. 3R là viết tắt của reduce (giảm thiểu) – re-use (tái sử dụng) – recycle (tái chế).

“Từ chối” (refuse) dùng đồ nhựa cũng là một bước mở rộng giải pháp 3R lên 5R: gồm các bước refuse – reduce – re-use – recycle – rot (phân hủy rác).

“Bạn có cần một túi nhựa ở siêu thị không, hoặc bạn có thể mang theo túi của riêng bạn? Bạn có cần ly nhựa hay ống hút ở cửa hàng trà sữa không, hay mang theo ly của mình? Bạn có tái sử dụng túi nhựa hay vứt bỏ?…” là những câu hỏi mà Tổng lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka mong muốn mọi người nên tự hỏi mình trước khi đưa ra quyết định với các sản phẩm bằng nhựa

Ví dụ như, bạn có thể hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa bằng cách hạn chế dùng ống nhựa, một nguồn rác thải nhựa rất lớn, mua đồ có bao bì hộp giấy, dùng lọ thủy tinh có thể tái sử dụng, mang theo đồ đựng riêng khi đi ăn hàng, dùng diêm thay vì bật lửa v.v. Về tái chế nhựa, mỗi người có thể tái sử dụng đồ nhựa nếu có thể, trả lại đồ nhựa cho người bán hàng tái sử dụng, phân loại rác thải nhựa v.v.

“Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Trong khi chưa tìm được các giải pháp thay thể hoàn toàn đồ nhựa, từng hành động nhỏ của mỗi cá nhân, khi đứng chung một chiến tuyến sẽ tạo nên thay đổi lớn lao giúp bảo vệ sức khỏe của hành tinh xanh, cũng là bảo vệ sức khỏe nhân loại.

Đại Hải