Nhựa không chỉ có mặt trên các bao bì của các mặt hàng nông sản mà nó có mặt khắp nơi trong ngành nông nghiệp: Nhựa được sử dụng để gói thức ăn gia súc ủ cho vật nuôi, để bọc hoa trái thu hoạch, dùng trong ống dẫn nước tưới tiêu và để vận chuyển thực phẩm và phân bón…

Theo báo cáo năm 2010 từ Bộ Môi trường, Thực phẩm và Vấn đề Nông thôn (Defra) của Anh, có 45.000 tấn nhựa dùng trong nông nghiệp được sản xuất tại Anh Quốc hàng năm, theo BBC.

Nguyên nhân lớn nhất, góp phần đến 40% tổng lượng nhựa sử dụng cho nông nghiệp, chính là các màng bọc nhựa được rải lên trên lớp đất với công năng làm lớp phủ cho đất.

Chúng ngăn chặn cỏ mọc, tăng sự hấp thu phân bón, điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm, và bảo vệ cây cối và đất chống lại thời tiết xấu. Nhiều nghiên cứu ước tính lớp phủ nhựa giúp tăng sản lượng nông sản đến một phần ba.

Phát kiến này được vinh danh là hữu ích cho nông nghiệp khi nó lần đầu tiên được đưa ra vào thập niên 1950, và trong năm 2019, tổng lượng màng bọc nhựa toàn thế giới sử dụng cho nông nghiệp ước tính có thể lên đến 6,7 triệu tấn – chiếm khoảng 2% tổng lượng nhựa được sản xuất mỗi năm. Thậm chí giờ đây, trong nông nghiệp đã xuất hiện một thuật ngữ là: văn hóa dùng nhựa.

Tác động tai hại cho môi trường

Nhựa sử dụng trong nông nghiệp cơ bản là khó tái chế và nếu tái chế sẽ rất đắt đỏ vì nhựa này đã bị dính đất, thuốc trừ sâu và phân bón. Những phần nhựa bị dính nhiễm có thể chiếm tới 50% tổng khối lượng nhựa khi thu thập để tái chế, khiến quy trì tái chế tốn kém và không hiệu quả. Và nếu nhựa trong nông nghiệp mà không được tái chế thì giải pháp duy nhất loại bỏ chúng là đốt bỏ hoặc đưa chúng đến các bãi chôn rác thải.

Màng bọc nhựa được rải lên trên lớp đất với công năng làm lớp phủ cho đất chiếm 40% lượng nhựa dùng trong nông nghiệp (ảnh chụp màn hình : BBC).

Marcus Flury, giáo sư về khoa học đất đai tại Đại học bang Washington cho biết ông lo ngại về hiệu ứng mà màng bọc nhựa tác động lên môi trường. Với tất cả những tác dụng mà lớp màng bọc phủ đất này đem lại, nó cũng gây hại cho đất đai theo nhiều cách.

Nghiên cứu chỉ ra rằng lớp màng nhựa càng mỏng thì người ta càng gặp khó khăn khi dọn dẹp chúng khỏi môi trường đất, dễ để lại các hạt vi nhựa trong đất, và các hạt này sẽ tồn tại trong nhiều thập niên. Hạt vi nhựa có thể tác động tiêu cực đến chất lượng đất, có thể gây hại cho các loại vi khuẩn và các sinh vật siêu nhỏ sống trú ẩn trong đất.

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết hiệu ứng lâu dài mà loại nhựa này gây ra cho đất và xa hơn là cho thực phẩm mà chúng ta ăn vào. Họ càng cảm thấy lo ngại hơn khi nhiều nghiên cứu bắt đầu cho thấy các hạt vi nhựa đang tìm đường vào chuỗi thực phẩm và vào cơ thể con người, nhưng chính xác thì các hạt nhựa đó đến từ đâu và tác dụng của chúng đến sức khỏe con người ra sao vẫn còn là câu hỏi cần tìm hiểu.

Xử lý rác thải nhựa trong nông nghiệp – bài toán nan giải

Trên thực tế, tái chế lại các loại nhựa đã dùng có lẽ là một cách phù hợp nhằm xử lý rác thải nhựa trong nông nghiệp, nhưng nông dân không hẳn lúc nào cũng tái chế nhựa được dễ dàng, bởi đơn giản là họ không có đủ cơ sở vật chất hay năng lực để tái chế. Vậy nên, đốt rác nhựa vẫn còn là cách làm phổ biến ở nông trại khắp nơi trên thế giới, dù cách này thải ra những khí ô nhiễm độc hại, được biết đến với tên gọi khí dioxin, vào không khí.

Giờ đây, khi mà những giải pháp thay thế nhựa trong nông nghiệp vẫn còn là bài toán nan giải thì phương án tốt nhất mà chúng ta có thể làm là cắt giảm tối đa mức sử dụng nhựa.

Chúng ta đều đã hành động: Mọi người tránh sử dụng tách cafe dùng một lần, từ chối xài ống hút nhựa và kêu gọi siêu thị gói sản phẩm ngưng sử dụng nhựa để gói hàng… để giảm thải nhựa trong đời sống hằng ngày, và xa hơn nữa là để bảo vệ hành tinh này. Vậy nên, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng các biện pháp thay thế nhựa trong nông nghiệp như sử dụng màng ủ thức ăn gia súc phân hủy sinh học, dùng những thùng chứa hóa chất có thể sử dụng nhiều lần, và mua số lượng lớn thức ăn gia súc đựng trong các túi sử dụng lại được sẽ nhanh chóng được sử dụng phổ biến trong cộng đồng.

Tuy những điều này sẽ đội chi phí lên cao rất nhiều lần cũng như sự bất tiện của nó so với việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng: Những người nông dân thậm chí có thể làm được nhiều hơn vậy.

Video xem thêm: Trải nghiệm cận tử và sự hồi sinh kỳ diệu của vị Bác sĩ, Tiến sĩ Trưởng Khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy

videoinfo__video3.dkn.tv||b0155e8ca__