Từ túi nhựa siêu thị đến đĩa CD, rác thải nhựa đang làm ô nhiễm đại dương. Con người đã tạo ra khối lượng sản phẩm từ nhựa khổng lồ, đủ để che phủ toàn bộ bề mặt Trái Đất.

Thảm kịch mới nhất ở Thái Lan…

Đầu tháng 6/2018, một con cá voi đã được phát hiện ở bờ biển Thái Lan. Khi thấy tình trạng của nó không được ổn, người ta đã tìm cách đẩy nó lên bờ. Một nhóm thú y đã cố gắng giúp nó ổn định tình trạng sức khỏe, nhưng con cá voi đã chết không lâu sau đó.

Khám nghiệm tử thi cho thấy có tới 80 túi nhựa với trọng lượng lên đến 8kg trong dạ dày. Con cá voi nôn ra được 5 túi khi được mọi người cố gắng giải cứu. Thon Thamrongnawasawat, nhà sinh vật biển và giảng viên tại Đại học Kasetsart, cho biết những chiếc túi này đã khiến cá voi không thể hấp thụ bất cứ chất dinh dưỡng nào.

rác thải nhựa ngập tràn Trái Đất
Ảnh: Cục hải sản và duyên hải Thái Lan/Twitter

Năm ngoái, Ủy ban Bảo vệ Đại dương Ocean Conservancy đã phát hiện Thái Lan là 1 trong 5 nước gây ô nhiễm bằng nhựa hàng đầu thế giới, cùng với Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Hoàn cảnh của con cá voi này đã khiến các cư dân mạng Thái Lan trở nên thông cảm hoặc giận dữ. “Tôi cảm thấy tiếc cho con vật vì nó đã không làm điều gì sai, nhưng phải gánh chịu hậu quả từ những hành động của con người,” một người dùng Twitter viết.

Hiện trạng

rác thải nhựa ngập tràn Trái Đất
Chúng ta đã tạo ra nhiều tỷ tấn chất dẻo kể từ năm 1950, và hầu hết trong số đó bị thải ra môi trường, trở thành cơn ác mộng rác thải nhựa. Ảnh: deviantart

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Anthropocene cho thấy mức độ bao phủ của nhựa trên khắp mọi nơi trên hành tinh chúng ta. Khắp nơi đều bị ô nhiễm bởi những gì còn sót lại của bình nước, giỏ siêu thị, nhựa nhiệt dẻo (polystyrene), đĩa CD, đầu lọc thuốc lá, túi ni-lông và các loại nhựa tổng hợp khác. Dù tồn tại dưới dạng nào, là những hạt nhựa siêu nhỏ, hay gom thành từng khối, thì các chất phế thải này đều có tác hại khôn lường đến môi trường tự nhiên.

“Đây thật sự là một điều đáng ngạc nhiên.” Giáo sư Jan Zalasiewicz, thuộc ĐH Leicester, cho biết “Chúng tôi biết rằng con người đã sản xuất ra nhiều loại nhựa tổng hợp khác nhau – từ Bakelite đến túi nhựa polyethylene đến PVC – trong suốt 70 năm qua, nhưng chúng tôi không biết chúng đã đi đến đâu trên hành tinh này. Hóa ra, chúng không chỉ trôi nổi trên các đại dương, mà đã chìm xuống những phần sâu nhất của đáy biển. Đây là dấu hiệu cho thấy hành tinh của chúng ta đang trong tình trạng đáng báo động.”

“Phát hiện này cho thấy sự xuất hiện của nhựa đang đánh dấu cho 1 kỷ nguyên mới.”Zalasiewicz, chủ tịch nhóm các nhà địa chất học cho biết. Họ cho rằng các hoạt động của con người có tác dụng thay đổi địa chất, khiến trái đất tiến vào thời Nhân Sinh Anthropocene, đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn Holocene kéo dài 12.000 năm.

Nhiều thành viên thuộc ủy ban Zalasiewicz tin rằng kỷ Anthropocene đã bắt đầu. Họ cho rằng một số hoạt động của con người sau chiến tranh thế giới đã làm thay đổi địa chất trên bề mặt địa cầu. Cụ thể, các đồng vị phóng xạ được phóng thích bởi bom nguyên tử đã để lại dấu hiệu mạnh mẽ trên mặt đất, trở thành dẫn chứng cho các nền văn minh tương lai biết được điều gì đã xảy ra trong thời đại chúng ta. Ngoài ra, lượng khí CO2 đang gia tăng trong các đại dương, việc sản xuất bê tông và nhôm hàng loạt cũng là các yếu tố gây hại đến môi trường.

rác thải nhựa ngập tràn Trái Đất
Chai nhựa chiếm một phần lớn trong rác thải nhựa. Ảnh: everythingsbettersprouted.com

Zalasiewicz lập luận rằng các túi ni-lông và chai nhựa đang đóng 1 vai trò lớn trong vấn đề ô nhiễm toàn cầu. “Chỉ cần xem những con cá trên biển, phần lớn chúng đều có nhựa trong bụng. Chúng nghĩ rằng nhựa là thực phẩm và ăn vào, giống như chim biển tha nhựa về đút cho con chúng. Một lượng lớn chất nhựa này được tiêu hóa và thải ra ngoài rồi chìm xuống đáy biển. Hành tinh chúng ta đang dần bị bao phủ bằng nhựa.” Theo thống kê, có hơn 300 triệu tấn sản phẩm bằng nhựa đang được sản xuất hàng năm.

Ông tiếp tục: “Vào năm 1950, chúng ta hầu như không hề có nhựa. Hiện nay, số lượng này cho thấy sự gia tăng đáng kinh ngạc,” Zalasiewicz nói thêm. “Tổng số 300 triệu tấn hàng năm tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số trên hành tinh này. Hơn nữa, số lượng sản xuất nhựa sẽ chỉ tăng lên. Tổng số lượng nhựa được sản xuất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ 2 là khoảng 5 tỷ tấn và rất có thể sẽ đạt mốc 30 tỷ vào cuối thế kỷ này. Hậu quả sẽ là rất lớn.”

Đến nay, rác thải nhựa đã đi “du lịch” khắp mọi nơi, từ dưới đáy đại dương đến những hòn đảo xa xôi, được chôn dưới lòng đất, tại các bãi rác và thậm chí trong chuỗi thức ăn của con người. Ngay cả những vùng cực, nhìn chung vẫn được coi là nguyên sơ, cũng đang bị ảnh hưởng. Năm 2014, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy lượng lớn các hạt nhựa bị đóng băng ở Biển Bắc Cực, trôi đến từ Thái Bình Dương.

Trong một số trường hợp, động vật hoang dã cũng có thể thích nghi với sự hiện diện tràn lan của nhựa. Ví dụ, trên hòn đảo Diego Garcia, loài ốc mượn hồn đã sử dụng chai nhựa làm nhà. Tuy nhiên, đa phần nhựa đều gây hại đến môi trường sống của chúng. Nhiều loài sinh vật khác nhau, từ chim biển đến rùa đã bị vướng vào nhựa và nghẹt thở hoặc chết đuối. “Vấn đề là nhựa phân hủy rất chậm, vì vậy chúng ta sẽ phải đối diện với vấn đề này trong một thời gian dài,” Zalasiewicz nói.

Vi hạt nhựa đi vào chuỗi thức ăn

Hiện nay, việc sản xuất nhựa trên toàn cầu vẫn được tiếp tục phát triển, chúng ta cần hiểu rõ hơn về rủi ro của nhựa khi chúng được thải vào đại dương. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy các hạt nhựa siêu nhỏ (microplastics) với mật độ rất cao trong thịt cá mà con người tiêu thụ. Khi rác thải nhựa bị chia thành từng miếng nhỏ, cá và sinh vật biển sẽ tiêu thụ chúng. Sau đó, các sinh vật này lại bị các loài cá và động vật lớn hơn tiêu thụ. Vì vậy, các hạt nhựa sẽ di chuyển như vậy và tổng hợp thành một hợp chất dẻo trong thịt cá mà chúng ta ăn.

rác thải nhựa ngập tràn Trái Đất
Các vi hạt nhựa gần như vô hình trước mắt người và đang đi vào chuỗi thức ăn . Ảnh: defendersblog.org

Đến nay, người ta vẫn chưa xác định được tác hại cụ thể của hàm lượng chất dẻo từ nhựa tổng hợp đối với sức khỏe con người. Người ta cho rằng nếu vẫn tiếp tục sản xuất nhựa với xu hướng hiện nay thì trong tương lai sẽ có nhiều nhựa trong đại dương hơn so với cá. Số lượng sản phẩm từ nhựa đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và dường như tốc độ sản xuất này không hề chậm lại. Đến năm 2050, người ta ước tính rằng sản phẩm từ nhựa sẽ nhiều gấp 3 lần so với lượng sản xuất năm 2014.

Mặc dù phần lớn các loại nhựa tổng hợp đều có thể được tái chế, nhưng ý thức của chúng ta về việc này còn rất kém. Khoảng 95% sản phẩm nhựa sản xuất chỉ được dùng 1 lần, nghĩa là nó sẽ bị vứt đi sau khi sử dụng và không được tái chế.

Việt Nam cũng đang đối mặt với thách thức lớn từ rác thải nhựa

Các vùng biển ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với vấn đề rác thải nhựa. Một nghiên cứu của Đại học Georgia năm 2015 cho thấy Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia gây ô nhiễm môi trường biển nhất thế giới với việc xả thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương mỗi năm. Về lượng rác thải nói chung, năm 2015, rác thải ở các vùng biển và ven biển của Việt Nam là hơn 14 triệu tấn/năm.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng cùng với sự phát triển dân số và kinh tế, số lượng chất thải nhựa và túi nilông phát sinh tại Việt Nam gia tăng nhanh khủng khiếp. Ông Nhân cho biết, từ số liệu điều tra cho thấy lượng chất thải nhựa và túi nilông chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt.

Chất thải nhựa và túi nilông do con người thải trực tiếp hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống sông, ao hồ cống rãnh… tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng môi trường sống và sức khỏe con người” – ông Nhân nêu.

“Rác thải nhựa khi trôi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Do tác động của nước biển, của tia cực tím, rác nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn vào để rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người” – GS.TS Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nói.

rác thải nhựa ngập tràn Trái Đất
Du khách nhặt rác cùng người dân Đà Nẵng làm sạch biển. Ảnh: lao động
rác thải nhựa
Ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilông ngập tràn ở ven biển huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa – Ảnh: tuoitre.vn

Giải Pháp

Trước thực trạng đáng báo động này, các tổ chức, cơ quan đoàn thể đã đưa ra nhiều sáng kiến, hành động mang tính chất cả cá nhân và cộng đồng với tiêu chí 3R hoặc 5R: Refuse (Nói không với rác thải nhựa), Reduce (giảm thiểu), Reuse (tái sử dụng), Recycle (tái chế), Redesign (tái thiết kế theo mô hình sản xuất xanh).

“Bạn có cần một túi nhựa ở siêu thị không, hoặc bạn có thể mang theo túi của riêng bạn? Bạn có cần ly nhựa hay ống hút ở cửa hàng trà sữa không, hay mang theo ly của mình? Bạn có tái sử dụng túi nhựa hay vứt bỏ?…” là những câu hỏi mà Tổng lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka mong muốn mọi người nên tự hỏi mình trước khi đưa ra quyết định với các sản phẩm bằng nhựa.

Trong khi đó, anh Michael Burdge, người sáng lập mạng lưới Zero Waste Saigon nhằm tìm kiếm và chia sẻ các giải pháp giúp giảm bớt việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa, cũng đồng tình rằng một hành động dù nhỏ cũng sẽ mang lại hiệu quả.

“Khi bạn gọi thức uống, hãy nói rằng Tôi không cần ống hút nhựa . Điều đó cũng giúp ích rất nhiều,” Michael chia sẻ, gọi đó là “công cụ đắc lực” để giải quyết vấn nạn nhựa.

rác thải nhựa ngập tràn Trái Đất
Rác được tập kết tại góc đường Bùi Viện và Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM – Ảnh: tuổi trẻ

Tuy nhiên việc giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung có thành công hay không, vẫn cần đến ý thức tự giác của từng cá nhân mỗi người.

Quý Khải tổng hợp