Hai di thể người cá có niên đại hàng trăm năm ở Nhật Bản xác thực sự tồn tại của loài sinh vật truyền thuyết này.
Kể từ khi tác phẩm văn học “Nàng tiên cá” của nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen ra đời vào năm 1837, toàn thế giới ngay lập tức bị cuốn hút vào một nhân vật cổ tích xinh đẹp, thùy mị mang tên nàng tiên cá, mỹ nhân ngư, hay tựu chung là người cá. Thời hiện đại, khi hãng phim Disney cho ra mắt bộ phim chuyển thể cùng tên “Nàng tiên cá” vào năm 1989, sức hút của nhân vật truyền thuyết này đối với công chúng ngày càng trở nên rõ rệt.
Nhưng mấy ai biết rằng, nguồn cảm hứng đằng sau các tác phẩm về nhân vật người cá, là dựa trên các truyền thuyết, mà tự bản thân các truyền thuyết đó rất có thể lại được dựa trên một cái gì đó ngoài đời thực.
Huyền thoại về người cá đã xuất hiện từ lâu trong nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới. Không chỉ Châu Âu, truyền thuyết về nhân vật này cũng thấy xuất hiện độc lập ở khu vực châu Âu, Cận Đông, châu Phi và ngay cả châu Á.
Ở Châu Á, truyền thuyết về người cá có thấy xuất hiện trong văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản,… Trong bài này chúng tôi sẽ đề cập đến về người cá ở Nhật Bản.
Từ truyền thuyết về người cá Nhật Bản ….
Nhật Bản có các truyền thuyết về một loài sinh vật mang tên ningyo (人魚), gyojin (魚人), hangyo-jin, (半魚人), có nghĩa là người cá.
Loài sinh vật này có thể được so sánh với người cá trong văn hóa phương Tây, dù rằng chúng có một sự khác biệt to lớn về hình dáng bên ngoài.
Trong rất nhiều miêu tả, hình tượng người cá Nhật Bản trông khá gớm ghiếc. Phần đầu có thể là của người, hay của động vật, thậm chí quái thú. Nếu phần đầu là người, thì hình dạng bên ngoài trông vẫn rất dị dạng, bởi ở phía trên gắn sừng, trong miệng sở hữu một hàm răng sắc nhọn giống cá mập, kèm răng nanh.
Trong nhiều truyện dân gian địa phương, người cá Nhật Bản hoàn toàn không có các chi (chân và tay), mà chỉ là phần đầu của người hoặc động vật gắn trực tiếp vào một cái thân cá. Nếu người cá có phần thân trên và hai tay, thì chúng sẽ có hai cánh tay giống người nhưng gắn vảy, cùng bàn tay gắn móng vuốt cong.
… cho đến các vụ báo cáo bắt gặp người cá Nhật Bản trong lịch sử …
Vụ chứng kiến đầu tiên được ghi nhận về người cá Nhật Bản là vào năm 619, trong triều đại trị vì của Thiên hoàng Suiko. Một người cá đã bị bắt sống trong vùng nước Nhật Bản rồi trình lên Thiên hoàng. Sinh vật này sau đó được nhốt trong một bể kính tạm dựng để các vị khách đến cung điện chiêm ngưỡng.
Rất nhiều thủy thủ Nhật Bản vào những niên đại xa xưa trong lịch sử từng nhìn thấy người cá. Thậm chí, họ chấp nhận nó như một phần trong cuộc sống thường ngày, bởi những vụ chứng kiến xảy ra khá thường xuyên. Lấy ví dụ, trong suốt giai đoạn từ thế kỷ 16 cho đến thế kỷ 19, sẽ không có gì là bất thường nếu bắt gặp những sinh vật bí ẩn này bơi dọc theo thuyền hay cố gắng giành cá từ mẻ lưới của họ.
Ngoài ra, cũng tồn tại nhiều vụ chứng kiến vào thời cận và hiện đại, ví như một vụ vào năm 1929, khi một ngư dân với cái tên Sukumo Kochi đã bắt được một loài sinh vật giống cá trong mẻ lưới của mình. Sinh vật này có khuôn mặt giống người nhưng phần còn lại của đầu thì lại giống chó. Nó đã vùng thoát khỏi mảnh lưới của ngư dân và trốn thoát.
Trong Thế chiến II, người cá rất hay thường được báo cáo ở vùng biển Nhật Bản, đặc biệt là vùng biển ấm ngoài khơi tỉnh Okinawa. Thậm chí còn có cả các báo cáo về việc lực lượng hải quân Nhật Bản khai hỏa bắn hạ người cá. Thậm chí còn có một số báo cáo của các quan chức quân đội cấp cao về việc nhìn thấy người cá bơi lội trong lòng đại dương.
Thậm chí một số nhà thám hiểm phương Tây cũng từng bắt gặp người cá trong vùng biển Nhật Bản. Lấy ví dụ, vào năm 1610, một thuyền trưởng người Anh đã tuyên bố nhìn thấy một người cá từ một bến tàu tại cảng Sentojonzu. Sinh vật này đang bơi tung tăng trong vùng nước lân cận và đã áp sát khá gần bến tàu nơi vị thuyền trưởng đang kinh ngạc quan sát. Người cá được miêu tả với phần đầu gắn vào một thân cá, với phần vây lưng nhô lên, chạy dọc xuống theo phía trung tâm của phần trên cơ thể. Những người buôn bán trên biển từ phương Tây có ghi chép về việc rất nhiều lần bắt gặp người cá trong vùng biển Nhật Bản trong cuốn sổ nhật ký hành trình của họ, một số thuyền trưởng thậm chí còn tìm cách tránh né những con Ningyo, cố gắng làm sao không đụng phải loài sinh vật xui xẻo này.
Không chỉ được bắt gặp thường xuyên bởi các thủy thủ, mà trên khắp đất nước cũng lưu truyền rất nhiều câu chuyện về việc người cá bị ngư dân bắt giữ, do bị tình cờ sa lưới hay do bị săn lùng có chủ đích. Đặc biệt trong suốt thế kỷ 18 và 19, có nhiều báo cáo về việc ngư dân bắt được người cá trên khắp nước Nhật.
Trong số các vụ ngư dân bắt giữ thành công người cá, một số đã được đem đi trưng bày. Trong thế kỷ 18 và 19 ở Nhật, các lễ hội triển lãm được biết đến dưới cái tên misemono đã trở nên rất phổ biến trong quần chúng. Một điểm độc nhất vô nhị của lễ hội đã thu hút rất nhiều du khách là các khu vực triển lãm trưng bày các hiện tượng tự nhiên kỳ lạ và các loài động vật kỳ lạ được thu thập từ chân trời góc bể trên trái đất. Trong số đó có di thể những người cá Ningyo.
… cho đến các di thể người cá ngoài đời thực
Di thể người cá từ thế kỷ 13 tại đền Ryuguji
Truyền thuyết kể rằng, vào ngày 14 tháng 4 năm 1222, một người cá đã trôi dạt vào bờ biển Vịnh Hakata, thuộc đảo Kyushu của Nhật Bản. Một pháp sư đã đến xem và tuyên bố xác người cá này là một điềm lành cho quốc gia. Nhờ vậy, xương của nó đã được chôn cất tại đền thờ Ukimido, còn gọi là đền Ryuguji, chính là “cung điện dưới biển của long vương” trong truyện dân gian Nhật Bản.
Vào thời Edo, trong giai đoạn từ năm 1772 đến 1781, xương người cá tại ngôi đền này đã được khai quật. Ngày nay, sáu mảnh xương người cá vẫn còn sót lại ở nơi đây.
Tuy nhiên, đền Ryuguji không phải là nơi duy nhất ở Nhật Bản lưu trữ di thể của người cá. Một ngôi đền khác, cũng khá nổi tiếng, là đền Tenshou-Kyousha ở thành phố Fujinomiya, gần núi Phú Sĩ.
Di thể người cá trên 1.400 năm tuổi tại đền Tenshou-Kyousha
Đền Tenshou-Kyousha ở thành phố Fujinomiya, gần núi Phú Sĩ là một trong những nơi vẫn còn lưu giữ được di hài bảo quản nguyên vẹn của người cá.
Truyện kể rằng, lúc sắp hấp hối, người cá này xuất hiện trước mặt Thái tử Shotoku tại hồ Biwai. Với những hơi thở cuối cùng, người cá kể cho vị hoàng tử nghe câu chuyện buồn về bản thân nó. Người cá này nguyên là một ngư dân, vì đánh bắt cá tại vùng nước cấm nên đã bị trừng phạt, phải biến thành một sinh vật gớm ghiếc. Học được bài học này, và muốn bản thân trở thành một hình mẫu răn đe sau khi chết, người cá này đã thỉnh cầu vị hoàng tử lập một ngôi đền để trưng bày xác ướp gớm ghiếc của nó, đóng vai trò như một bài học lạ lùng nêu bật lên sự thiêng liêng của sự sống, của sinh mệnh.
Rất nhiều truyền thuyết, thần thoại được dựa trên, hoặc lấy cảm hứng từ lịch sử chân thực. Do đó, chúng ta không nên vội quy kết mọi truyền thuyết, thần thoại cho sự tưởng tượng huyễn hoặc của người xưa vì cho rằng khả năng nhận thức khi đó còn “mông muội”, hạn hẹp. Nhất là với việc phát hiện bộ hài cốt người cá kể trên, có lẽ chúng ta không thể không đặt một câu hỏi nghiêm túc:
Liệu có khả năng người cá thực sự tồn tại ở Nhật Bản, đang ẩn nấp đâu đó trong vùng biển rộng lớn bao la của đất nước mặt trời mọc?
Ngự Yên, Quý Khải