Khoa học ngày nay đã sáng tạo ra rất nhiều phát minh mới, nhưng rất nhiều trong số chúng đã bén rễ từ thời kỳ xa xưa trong lịch sử.
Cho đến khi tư liệu sách vở từ các thời đại xa xưa được khai quật, định vị và thu thập, chúng ta sẽ vẫn bị mắc kẹt với các tư liệu mang màu sắc tín ngưỡng huyền bí, các tác phẩm cổ điển và các truyền thuyết huyền thoại của một thời viễn xưa. Liệu những tài liệu mà chúng ta biết hiện nay có được coi là những tư liệu “sắt đá” để tái lập bức tranh chân thực của một thời quá khứ?
Các vùng đất thất lạc
Chỉ cách đây 150 năm, không một học giả nào coi hai bộ thơ cổ Hy Lạp Iliad và Odyssey của nhà thơ, đại thi hào Homer là các tư liệu lịch sử. Phải đến khi nhà khảo cổ học Heinrich Schliemann khám phá ra thành cổ Troy trong truyền thuyết, và cũng khi ông, “như một kẻ mộng mơ”, bám theo con đường quay về cố hương của Odysseus và phát hiện ra “thành phố vàng” Mycenae, thì vai trò của Iliad với Odyssey như hai bộ sử thi mới được nghiêm túc nhìn nhận.
Thành cổ Ur, được nhắc đến trong Kinh Thánh, là thị trấn mà Tổ phụ Abraham đã đặt chân đến, đã không được gán bất kỳ ý nghĩa thực tế nào về địa lý hay lịch sử bởi giới trí thức, hiền triết vào thế kỷ 19. Chỉ sau khi nhà khảo cổ học người Anh Ngài Leonard Woolley khai quật được thành cổ Ur ở khu vực Lưỡng Hà (vùng Tây Á), tình hình mới bắt đầu thay đổi.
Trên thực tế, cho đến tận thời gian gần đây, mới chỉ có một số nhà sử học nghiêm túc nhìn nhận Kinh Thánh là một bộ tư liệu lịch sử. Chí ít, người ta đã xác nhận được tính chân thực của truyền thuyết về Đại Hồng Thủy và con tàu Nô-ê.
Với lẽ đó, truyền thuyết và huyền thoại có thể được hiểu là những văn bản ghi chép mang màu sắc huyền ảo về những gì đã từng xảy ra. Lấy ví dụ, huyền thoại về sự ra đời của thần Zeus (Zớt) ở đảo Crete chính đã ám chỉ “nguồn gốc đảo Crete” của nền văn hóa Hy Lạp cổ đại. Nhưng trước thời điểm năm 1952, khi Michael Ventris giải mã hệ ký tự Linear B của đảo Crete và xác định đây là tiếng Hy Lạp thời kỳ đầu, thì không ai vào thời cổ đại hay hiện đại tin vào điều này. Chí ít, không ai dựa vào thần thoại Hy Lạp, trong đó bao gồm huyền thoại về thần Zớt, như một tư liệu lịch sử khả tín để tra cứu nguồn gốc của nền văn minh này. Vì vậy, như chúng ta có thể thấy, văn hóa dân gian đã bảo tồn lịch sử dưới dạng thức những câu chuyện truyền thuyết mang đầy sắc màu.
Ngôn ngữ thất lạc
Trong bộ tác phẩm Vấn đáp (Dialogues), Plato đề cập đến một dạng ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại. Lẽ tự nhiên, những người cùng thời với ông chưa bao giờ nghe nói đến thứ tiếng địa phương bị thất lạc này. Mãi cho đến cuối thế kỷ 19, khi một loại ký tự cổ được tìm thấy, và sau khi được giải mã vào những thập niên 50 của thế kỷ sau, thì người ta mới biết đây là là tiếng Hy Lạp thời kỳ tiền cổ điển (pre-classical – thời kỳ trước cả thời kỳ được định nghĩa là cổ điển, đặc biệt trong âm nhạc, văn học, hay lịch sử cổ đại).
Trong Critias, Plato kể lại câu chuyện về một nhà thơ tên Solon. Năm 550 trước Công nguyên (TCN), nhà thơ này đã được các vị tư tế thành Sais ở Ai Cập truyền đạt lại rằng, vào khoảng 9.000 năm trước thời của họ, Hy Lạp từng được bao phủ trong đất đai phì nhiêu, màu mỡ. Hiện thông tin này đã được xác thực trên mặt khoa học, rằng từ vài nghìn năm về trước, đất đai của Hy Lạp khá phì nhiêu. Trong một giai đoạn xa xôi, sa mạc Sahara từng là một thảo nguyên nơi có rất nhiều cây cối sinh sôi phát triển. Đây chỉ là một ví dụ điển hình về tình trạng biến đổi khí hậu từng xảy ra tại lưu vực Địa Trung Hải, trong đó bao gồm Hy Lạp và sa mạc Sahara.
Nhưng làm thế nào Plato, Solon hoặc các vị tư tế thành Sais lại có thể biết được về tình trạng xói mòn đất đai ở Hy Lạp từ một thời kỳ xa xưa như vậy, nếu không phải giới tư tế Ai Cập đã lưu giữ được các hồ sơ chính xác trong vòng liên tục 10.000 năm?
Nghệ thuật thất lạc
Nhưng thậm chí từ thời kỳ còn xa xưa hơn đã có những sự lên và xuống của sự phát triển văn minh nhân loại. Những bức tranh khắc đá miêu tả bò rừng, ngựa, nai và những con thú khác trong các hang động Altamira, Lascaux, Ribadasella, v.v…. là những kiệt tác không chỉ của nghệ thuật tiền sử mà còn của bất kỳ thời kỳ lịch sử nào.
Người Ai Cập, người Babylon và người Hy Lạp cổ đại đã biết vẽ những con bò cách điệu. Nhưng những hình vẽ bò rừng hoặc ngựa trong hang Altamira hoặc hang Lascaux trông như thể chúng được được họa bởi danh họa Michelangelo hay Leonardo Da Vinci vậy. Vè đẹp và sự sinh động của những bức họa hang động này khiến chúng trở nên vượt trội hơn hẳn so với những bức họa động vật ở Ai Cập, Babylon hoặc Hy Lạp.
Các bản phác thảo và bản vẽ nháp đã được phát hiện trong các hang động, gợi ý sự tồn tại của các trường phái nghệ thuật cách đây hơn 15.000 năm. Đây là một ví dụ khác về cách thức một con sóng đạt đến đỉnh cao trong đường cong quỹ đạo của nền văn minh và sau đó đi xuống.
Nền thiên văn học thất lạc
Trong nhiều thế kỷ gần đây, chúng ta đã khám phá lại nền khoa học cổ xưa đã bị quên lãng. Gần 400 năm trước, nhà thiên văn học vĩ đại người Đức Johann Kepler đã kết luận chính xác nguyên nhân của hiện tượng thủy triều là do ảnh hưởng của mặt trăng. Ông ngay lập tức trở thành mục tiêu của sự mỉa mai, kỳ thị. Tuy vậy, ngay từ đầu thế kỷ thứ hai TCN, nhà thiên văn học người Babylon Seleucus đã đề cập đến lực kéo mà mặt trăng tác động lên đại dương của chúng ta. Posidonius (135-51 TCN) đã nghiên cứu hiện tượng thủy triều và kết luận đúng đắn rằng chúng có sự liên hệ với hiện tượng mặt trăng quay quanh trái đất.
Trong suốt 14 thế kỷ, từ thời Ptolemy đến Copernicus, không một đóng góp đáng kể nào cho ngành thiên văn học Âu Châu xuất hiện. Ngay cả trong thời Ptolemy các nhà tư tưởng vẫn phải truy ngược trở lại các thế kỷ trước đó để có lục tìm các kiến thức như thể từng có một thời kỳ vàng kim của khoa học cổ đại.
Văn bản thiên văn học cổ đại của Ấn Độ Surya Siddhanta ghi chép rằng trái đất là “một quả cầu trong không gian”. Trong cuốn Hoàng Đế Nội Kinh, ngự y Kỳ Bá đã nói với Hoàng đế (2697 – 2597 TCN) rằng “trái đất trôi nổi trong không gian”. Chỉ 450 năm trước đây Galileo đã bị Giáo hội lên án vì giảng dạy chính khái niệm này.
Diogenes thành Apollonia (thế kỷ thứ 5 TCN) khẳng định rằng thiên thạch di chuyển trong không gian và thường xuyên rơi xuống đất. Thế nhưng vào thế kỷ 18, cột trụ của khoa học nhà hóa học Lavoisier lại nghĩ khác: “Không cách nào đá có thể rơi xuống từ bầu trời bởi vì không có đá trên bầu trời”. Có lẽ bây giờ chúng ta đã biết ai đúng rồi
2500 năm trước, triết gia vĩ đại Democritus từng nói rằng dải Ngân hà “được cấu thành từ những ngôi sao rất nhỏ, túm tụm lại với nhau”. Vào thế kỷ 18, nhà thiên văn học người Anh Ferguson đã viết rằng dải Ngân hà “trước đây từng được cho là do một số lượng lớn các ngôi sao rất nhỏ hợp thành; nhưng kết quả quan sát từ kính viễn vọng lại cho thấy một điều hoàn toàn khác”. Làm sao người cổ đại có một vốn kiến thức về thiên văn học khá uyên thâm như vậy?
Nhiều phát hiện khảo cổ đã cho thấy những cái được cho là dấu tích của “kính thiên văn cổ đại”, từ rất lâu trước thời Galileo, vốn được khoa học hiện nay nhìn nhận là người đầu tiên phát minh ra một chiếc kính viễn vọng hoàn chỉnh.
Tìm về cội nguồn kiến thức
Từ bộ sưu tập các ví dụ này, chúng ta có thể thấy một bộ các kiến thức từng tồn tại trong quá khứ xa xôi nhưng đã bị thất lạc trong dòng chảy của lịch sử, chỉ được tái khám phá lại ngày nay. Dường như từng tồn tại những kiến thức khác, hợp lý tồn tại trong quá khứ mà chúng ta hiện không biết đến hoặc chúng không được nhìn nhận là đáng tin cậy dựa trên các tiêu chí hiện đại. Việc thất thoát các tài liệu lịch sử đồng nghĩa với việc chúng ta không biết được tính khả tín của các tư liệu khác cũng có nguồn gốc cổ xưa và không có bằng chứng để chứng minh tính hợp lý của nó, từ đó biến nó thành các câu chuyện dân gian, truyền thuyết và huyền thoại thuần túy, lấy đi mất của nó tính xác thực vào thời điểm ban đầu. Những ví dụ kể trên là bằng chứng của điều này, rằng trong dòng hỗn độn của những truyền thuyết này, vẫn tồn tại những dấu tích sự thật đằng sau. Có lẽ chúng ta nên nghiêm túc hơn khi đánh giá các nguồn tư liệu cổ đại và tìm cách nghiên cứu chúng kỹ lưỡng.
Đối với các nguồn tư liệu cổ đại đã được chứng minh ăn khớp với sự thật hiện đại, thì câu hỏi đặt ra là, ai đứng đằng sau các tư liệu này và cơ sở lý luận của chúng nằm ở đâu? Khoa học cổ đại? Hay là một nguồn nào khác?
Phần 3 sẽ cung cấp một số hiện vật thú vị đáng ngờ từ lịch sử khoa học – các bằng chứng vật lý về “nguồn gốc viễn cổ, xa xưa” của khoa học hiện đại.
(còn tiếp)
Quý Khải