Trong cuộc sống hiện đại sôi động và nhộn nhịp trên mặt đất, người ta ít khi nhớ tới những thành phố xưa kia từng thịnh vượng nhưng nay đã bị nhấn chìm trong biển nước.

Sức mạnh của con người không thể sánh được với tự nhiên, có nhiều thành phố và nền văn minh đã bị sức mạnh của tự nhiên khiến cho biến mất khỏi thế giới và ký ức của con người. Lấy Pompeii làm ví dụ, đó là một thành phố lớn và sầm uất của La Mã bị lãng quên trong nhiều thiên niên kỷ sau khi bị núi lửa Vesuvius tàn phá và dung nham bao phủ. Có vô số trường hợp khác giống như vậy, mặc dù không phải tất cả chúng đều bị vùi lấp trong đất. Bài viết này sẽ kể về 7 thành phố lớn không bị chôn vùi trong đất mà đã bị nhấn chìm trong nước.

1. Baiae, Ý

Địa điểm này giờ đây đã trở thành Công viên khảo cổ dưới nước Baia, trước kia từng là một thành phố của La Mã cổ đại nhưng hiện nay bị nhấn chìm dưới biển Tyrrhenian, nơi rất gần với thành phố bị núi lửa hủy hoại Pompeii nói trên.

Baiae từng là khu nghỉ mát La Mã nổi tiếng một thời, nhưng nay chỉ còn lại những tàn tích trong lòng biển. Khách tham quan chiêm ngưỡng những gì còn lại của nền văn minh này qua những chiếc thuyền đáy kính, hoặc lặn xuống biển. Vào thế kỷ thứ 8 nó là một khu nghỉ dưỡng spa lớn của La Mã và một đô thị tiệc tùng thực sự, thường được ví như Las Vegas ngày nay. Phần lớn là nhờ thành phố nằm ngay dưới lỗ thông hơi của núi lửa, tạo ra suối nước nóng được cho là có khả năng chữa bệnh.

Nhiều hoàng đế La Mã và các nhà quyền quý thậm chí còn có biệt thự riêng trong thành phố này. Ngày nay, tàn tích còn sót lại của một khu nghỉ dưỡng sang trọng là những con đường lát đá uốn lượn, hàng cột kiểu La Mã, các tác phẩm điêu khắc dưới nước và các hang động ẩn mình dưới làn nước sâu 6 mét.

2. Dwarka, Ấn Độ

Các văn bản tiếng Phạn có kể về thành phố cổ Dwarka, một vương quốc tráng lệ, giàu có và vinh quang tột bậc, được xây dựng bởi vị thần Hindu là Krishna. Cho đến tận năm 2000, thành phố này chỉ được coi là giai thoại, nhưng sau đó, Viện Công nghệ Đại dương Quốc gia Ấn Độ đã tìm thấy tàn tích của một thành phố cảng rộng lớn, sâu 40 mét so với bề mặt Vịnh Khambhat.

Ngày nay, tàn tích của thành phố cổ này là một trong những di tích dưới nước được nghiên cứu nhiều nhất ở Ấn Độ. Nhiều cổ vật, như tác phẩm điêu khắc, đồ gốm, và thậm chí xương người đã được đưa lên mặt đất. Cũng có những bằng chứng về phần còn lại của một thương cảng lớn trong thành phố, cho thấy nó đã từng có một nền giao thương phát triển với nước ngoài.

Nghiên cứu đồng vị phóng xạ carbon tiết lộ rằng thành phố này có ít nhất 9.500 năm tuổi, trước hàng ngàn năm so với các cấu trúc từ các nền văn minh khác như Ai Cập cổ đại, Sumerian, Trung Hoa và Indus Valley từng được tìm thấy. Cho đến ngày nay, người ta vẫn chưa xác định được thành phố đồ sộ này thuộc về nền văn minh nào.

3. Cảng Hoàng gia, Jamaica

Từng nổi tiếng là “thành phố đồi bại nhất trên trái đất”, có tới hai phần ba của Port Royal trụ sở cũ của Chính phủ thuộc địa Anh quốc và thành phố lớn nhất vùng Caribbe – đã bị nhấn chìm xuống đáy đại dương do một trận động đất lớn kéo theo một trận sóng thần tàn khốc vào năm 1692. Trước khi thảm họa xảy ra, bến cảng của thành phố này là địa điểm yêu thích của những tên cướp biển và những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, đó thành phố mới có biệt danh xấu xí nói trên.

Trong khi đại đa số thành phố cổ này nằm ẩn mình dưới những con sóng và có thể nhìn thấy bằng mắt thường, nó trở thành một kho báu lịch sử, che giấu những bí mật của thời kỳ đầu cai trị của Anh quốc ở Jamaica. Một số cổ vật được phát hiện đã được lấy lên và trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Jamaica ở Kingston.

4. Đài tưởng niệm Yonaguni, Nhật Bản

Vùng biển gần đảo Yonaguni, cực nam của quần đảo Ryukyu ở Nhật Bản là một điểm đến phổ biến của các thợ lặn, với mục đích nghiên cứu loài cá mập búa trú đông ở đó. Năm 1986, trong một lần lặn ở khu vực này, thợ lặn Kihachiro Aratake đã ghi nhận một số cấu trúc dưới đáy biển giống như di tích kiến ​​trúc cổ.

Sau đó, một số cuộc thám hiểm khảo cổ và nghiên cứu nghiệp dư đã được thực hiện trong khu vực, với kết luận của Cơ quan Văn hóa Nhật Bản và một số chuyên gia quốc tế, rằng các cấu trúc được tìm thấy là các thành tạo tự nhiên chứ không phải là di tích khảo cổ.

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia khác cho rằng không phải vậy, với người ủng hộ lớn nhất của phe kháng lại là nhà khảo cổ học Masaaki Kimura. Ông tin rằng những phát hiện này chính là tàn dư có tuổi từ 2.000-3.000 năm của đất nước Nhật Bản thời cổ đại có tên là Yamatai.

Trong khi đó, hầu hết các nguồn chính thức vẫn tin rằng sự hình thành những bậc thang là kết quả tự nhiên của một trận động đất làm phá vỡ các lớp sa thạch đáy biển, vậy nên bản chất của các cấu trúc này là đề tài đang tiếp tục bị tranh cãi.

5. Kalyazin, Nga

Để thấy “phần nổi của tảng băng chìm” của thành phố này trước đây, sẽ không cần phải có bất kỳ thiết bị lặn nào, vì nó ở ngay tại đó, giữa hồ chứa nước Uglich trên sông Volga. Kalyazin là một thành phố có lịch sử phong phú có từ thế kỷ thứ 12, với địa danh nổi bật nhất qua suốt nhiều thế kỷ là Tu viện tân cổ điển Thánh Nicolas.

Tuy nhiên, ngày nay, người ta chỉ có thể thấy tháp chuông cao của tu viện này nổi bên trên mặt nước của hồ chứa Uglich được tạo ra vào năm 1940.

6. Shi Cheng, Trung Quốc

Thành phố Trung Hoa gần 1.400 năm tuổi này hầu như đã bị lãng quên, mặc dù nó chỉ mới bị nhấn chìm trong quá trình xây dựng đập sông Hiên An, tỉnh Chiết Giang vào năm 1957. Là hậu quả của một “sáng kiến” ​​xây dựng nhà máy thủy điện, Shi Cheng (Thành phố Sư tử) hiện giờ nằm im lìm dưới 25-40 mét nước.

Kiến trúc của thành phố này nằm rải rác dưới đáy hồ, với các ví dụ hiếm hoi về các tòa nhà thời Minh và Thanh, như chùa, đền thờ và cổng vòm với những hình chạm khắc sư tử và rồng tinh tế.

Ngày nay, sau khi nhà máy thủy điện đóng cửa, hồ nước khổng lồ này đã trở thành một địa điểm du lịch có tên là Hồ Thiên đảo. Do nhiệt độ nước trong hồ thường ở mức thấp, thành phố ngầm được bảo tồn rất tốt, nhưng chỉ những thợ lặn có kinh nghiệm mới được phép khám phá thành phố, vì nó không được lập bản đồ tốt và nằm ở độ sâu khá lớn.

7. Thonis-Heracleion, Ai Cập

Các cuộc khai quật ở khu vực vịnh Abu Qir của Ai Cập vẫn đang tiếp tục cho đến ngày nay, với những ngôi đền Ai Cập và Hy Lạp, những con tàu đầy kho báu và những phát hiện vô giá khác đang được khám phá. Thật khó tin rằng, vào đầu những năm 1990, thành phố cổ Heracleion và Thonis này vẫn chỉ được cho là không có gì ngoài một giai thoại.

Trong thực tế, cho đến khi thành phố được tìm thấy ở đông bắc Alexandria 32 km, sâu dưới 10 mét nước, các nhà sử học mới tin rằng thành phố Thonis và Heracleion không phải là hai nơi khác nhau. Ngày nay, chúng ta đã biết rằng thành phố này có hai tên, một tên Hy Lạp và một tên Ai Cập, và rằng thành phố ở cửa sông Nile được mô tả trong biên niên sử Herodotus là thực sự tồn tại.

Theo các nhà sử học Hy Lạp, lịch sử của thành phố này bắt nguồn từ thế kỷ 12 trước Công nguyên, và đây là một trung tâm thương mại và cảng quan trọng trong thời cai trị của các pharaoh.

Dần dần, mặt đất của thành phố bị suy yếu do mực nước biển dâng cao, động đất và sóng thần, và vào cuối thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, một trận lụt nghiêm trọng đã khiến tất cả các tòa nhà lớn sụp đổ xuống dưới nước, do đất bị hóa lỏng. Dần dần qua một vài thế kỷ, thành phố từ từ chìm sâu xuống và bị con người lãng quên.

Theo FunZug (bài và ảnh)

Clip hay: Huyền cơ ẩn sau những nhân vật được lựa chọn trong Tây Du Ký

videoinfo__video3.dkn.tv||48868aefb__