Hệ thống Đô Giang Yển ở Tứ Xuyên được xem là hệ thống thủy lợi lâu đời nhất trên thế giới, minh chứng cho khả năng sáng tạo và trí tuệ tuyệt vời của người Trung Hoa xưa.
Kỳ quan của nền khoa học và kỹ thuật cổ Trung Quốc này được xây dựng cách đây hơn 2.200 năm và hiện vẫn được sử dụng để tưới tiêu cho hơn 668.700 hecta đất nông nghiệp, để chống ngập lụt, và cung cấp nguồn nước cho hơn 50 thành phố ở tỉnh Tứ Xuyên.
Lý Binh, một vị quan địa phương của tỉnh Tứ Xuyên cách đây hơn hai thiên niên kỷ, là người có công phát minh ra công trình này. Mục đích là để đối phó nước tràn bờ thường xuyên của sông Mân Giang, một nhánh của sông Dương Tử.
Nguyên nhân của tình trạng này được ông và người con trai phát hiện ra là do dòng nước suối tan từ băng tuyết trên những ngọn núi, khi đổ xuống hạ lưu thì chảy chậm lại làm vỡ hai bên bờ sông.
Không thể xây dựng một con đập nơi đây, do ông được yêu cầu giữ đường sông thông thoáng cho các con thuyền quân sự.
Do đó, giải pháp mà Lý Binh đưa ra là tạo ra một con đê nhân tạo có thể dẫn một lượng nước đến một khu vực khác và tạo một kênh mương từ trên núi Ngọc Lũy để dẫn nguồn nước dư thừa tới đồng bằng màu mỡ Thành Đô bị khô kiệt.
Dự án được Tần Hiếu Văn vương thông qua và tài trợ tích cực về nhân lực và tài lực. Đê được tạo ra bởi những chiếc giỏ hình xúc xích dài ngoằng được đan bằng tre và lấp đầy đá, được gọi là Zhulong. Những chiếc giỏ này được giữ bằng cột chống 3 chân bằng gỗ được gọi là Macha.
Mặc dù không có đập ngăn nước, hệ thống vẫn hoạt động tốt nhờ vào các đặc điểm địa hình và thủy văn tự nhiên nơi đây.
Một trong những tính năng tuyệt vời nhất của công trình kỹ thuật này là tạo ra một kênh dẫn nước xuyên qua núi Ngọc Lũy. Cần lưu ý rằng những người thợ đã làm điều này trước khi thuốc súng và chất nổ được phát minh.
Giải pháp của Lý Binh để xử lý những hòn đá cứng gặp phải là sử dụng kết hợp giữa lửa và nước để đốt nóng và làm nguội chúng từng cơn từng hồi cho tới khi chúng nứt vỡ và có thể dễ dàng loại bỏ.
Phải mất tới 8 năm để tạo ra một con kênh mương rộng 20 m xuyên qua núi. Việc hoàn thành hệ thống đã chấm dứt tình trạng ngập lụt trong khu vực và giúp Tứ Xuyên trở thành vùng nông nghiệp hiệu quả nhất ở Trung Quốc.
Đô Giang Yển vẫn còn là một hình mẫu đáng học hỏi cho các nhà khoa học cho tới ngày hôm nay bởi cách nó quản lý các nguồn nước cho con người một cách hài hòa và vẫn cho phép các hệ sinh thái và quần thể cá tiếp diễn một cách tự nhiên. Điều này khác hoàn toàn với khi có những con đập ngăn nước. Đập ngăn nước được ví như những con dao, chặt ngang lưng những dòng sông và làm cho nó chết dần.
Giờ đây, dự án đầy tham vọng của Lý Binh được công nhận là “Kho báu của Tứ Xuyên”. Hơn thế nữa, Đô Giang Yển còn trở thành Di sản Thế giới của UNESCO và trải qua một cuộc trùng tu lớn vào năm 2013.
Trong khi đập Tam Hiệp lớn nhất Trung Quốc mới hoạt động 15 năm nay nhưng để lại vô số hệ lụy thì công trình thủy lợi của Lý Binh đã vận hành hiệu quả hơn 2200 năm qua. Con người hiện đại thường nghĩ rằng người thời xưa u mê và lạc hậu nhưng khi đứng trước những công trình như thế này, người ta không khỏi kinh ngạc và thán phục.
Trí huệ của con người cổ đại thực sự không hề tầm thường. Người xưa tin Trời, kính Phật, họ đi theo một con đường khoa học thuận với tự nhiên, đi sâu vào nghiên cứu cơ thể người, vũ trụ, họ không bị giới hạn trong cái khung hiểu biết như con đường khoa học do phương Tây mang lại mà ngày nay chúng ta đang đi. Do đó, những gì được tạo ra luôn hợp lẽ Trời và sẽ mang đến lợi ích và sự hài hòa cho vạn vật.
Hoài Anh