Đã bao giờ bạn thắc mắc Internet được vận hành như thế nào? Những gì bạn cần biết đều gói gọn dưới đây.
Khái niệm đơn giản nhất về Internet chính là truyền tải thông tin từ điểm A tới điểm B. Những điểm đó được gọi là địa chỉ IP. Chúng giống như số nhà của bạn, giúp xác định vị trí truy cập Internet trên khắp thế giới.
Bất kỳ thông tin nào được luân chuyển qua Internet đều phải đi qua một vài trung tâm dữ liệu nằm rải rác trên toàn cầu. Trong năm 2008, ước tính có tới 9,5 nghìn tỷ gigabyte được luân chuyển qua các máy chủ. Con số này ngày càng nhiều hơn trong các năm tiếp theo.
Mạng lưới cáp quang ngầm dưới biển được coi là xương sống của hệ thống truyền tải Internet. Để tạo nên hệ thống cáp quang như ngày nay nhân loại đã ngốn gần 200 năm cùng rất nhiều tiền của.
Tổng cộng có hơn 300 tuyến cáp quang dưới đáy biển đã được lắp đặt, với tổng chiều dài lên tới 885.000 km. Khoảng 97% dữ liệu liên lục địa được chuyển qua các tuyến cáp này, thông tin theo diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương.
Nếu trải dài trên 1 đường thẳng, tổng chiều dài của hệ thống cáp quang sẽ dài hơn gấp đôi quãng đường từ Trái Đất tới Mặt Trăng và chỉ đoạn thừa ra thôi cũng đủ cuốn quanh 3 vòng xích đạo.
Tuyến cáp dài nhất có chiều dài khoảng 38.500 km. Nó bắt nguồn từ Đức, nối tiếp tới Hàn Quốc, sau đó kéo dài cho tới tận phía nam nước Úc, kết nối 39 điểm truy cập lớn trong suốt chiều dài.
Cấu tạo cáp quang khá đa dạng. Chúng có lớp vỏ bọc bảo vệ nhiều lớp, phù hợp với nhiều loại địa chất khác nhau. Lõi của dây cáp là các sợi quang truyền dữ liệu, được bảo vệ bằng lớp vỏ kiên cố chịu lực tác động bên ngoài.
Xây dựng một tuyến cáp quang tiêu tốn hàng triệu đô-la Mỹ và cần một con tàu khổng lồ dải cáp trong vài tháng.
Một số đoạn cáp nằm sâu 7 km dưới đáy biển, do đó chúng rất mong manh trước các yếu tố tự nhiên như động đất, neo tàu quệt phải hay cá mập cắn.
Khi xảy ra sự cố, quá trình sửa chữa phải được thực hiện bởi các tàu chuyên dụng. Người ta thường dùng móc kéo sợi cáp lên khỏi mặt nước để giám định, sau đó cắt nó làm đôi và mang cả hai nửa lên bờ để vá. Theo thống kê, hàng năm có ít nhất 50 vụ đứt cáp tính riêng trong khu vực tại Đại Tây Dương.
Các đường cáp chạy xuyên biển vào lục địa và kết nối với các trung tâm dữ liệu qua đường ống ngầm dưới lòng đất. Công việc bảo dưỡng trên mặt đất diễn ra suôn sẻ hơn rất nhiều so với dưới biển. Ít ra, những kỹ thuật viên không phải canh cánh lo cá mập bơi bên cạnh.
Đây là sơ đồ các tuyến cáp trên mặt đất tại Mỹ, bao gồm 542 truyến cáp (màu vàng) kết nối 273 điểm khác nhau (điểm vuông màu xanh).
Việc xây dựng các tuyến cáp trên mặt đất cũng khá khó khăn. Để ngăn các dây cáp bị đào nhầm phải, người ta thường đặt chúng dọc theo các đường ống dẫn khí và dựng cột mốc đánh dấu.
Giống với cáp dưới biển, tuyến cáp trên cạn thi thoảng cũng phải đối mặt với một vài thiên tai như động đất, cây đổ làm gãy cáp.
Các tuyến cáp sẽ nối về một trung tâm dữ liệu khổng lồ nằm lân cận. Hình ảnh bên dưới là một trong các trung tâm dữ liệu của Facebook tại
Còn đây là trung tâm dữ liệu của Google tại Dalles, Oregon, Mỹ. Các trung tâm dữ liệu này thường được xây dựng ở vùng ngoại ô.
Nhưng cũng có một số trung tâm dữ liệu được giấu kín ngay trong đô thị đông đúc rất ít người biết tới. Chẳng hạn như trung tâm dữ liệu One Wilshire & Telecom nằm tại thành phố Los Angeles, Mỹ.
Mỗi trung tâm dữ liệu đều cần nguồn năng lượng khổng lồ để duy trì. Apple gần đây đã trang bị hàng nghìn tấm pin năng lượng mặt trời để phục vụ cho một trung tâm dữ liệu của mình.
Bên trong những trung tâm này là vô số các dãy tủ, mỗi tủ bao gồm nhiều máy chủ và router. Để giữ các máy chủ luôn ở trạng thái tốt nhất, bên trong phòng chứa là cả một hệ thống điều hòa công suất lớn làm mát chạy suốt ngày đêm.
Mọi thông tin trên Internet đều được lưu trữ rải rác trong vô số các trung tâm dữ liệu như vậy. Chỉ với một lệnh tìm kiếm đơn giản, thiết bị của bạn sẽ tự động kết nối và trao đổi dữ liệu với các máy chủ này qua các tuyến cáp quang được xây dựng rất công phu và tốn kém.
T.Vũ