Từ thời Trung Cổ, con người đã biết cách sử dụng một cách linh hoạt sức sáng tạo của mình để tạo nên những miếng vá tuyệt đẹp để sửa những cuốn sách bằng da bị rách hay bị thủng.
Sách thời Trung Cổ không hề giống với ngày nay được làm bằng giấy mà chúng được làm bằng da thú. Với loại vật liệu này, những người thợ phải mất rất nhiều công sức và qua nhiều công đoạn gia công mới làm ra được một tờ giấy da, thêm vào đó người thợ gia công cũng cần có một đôi tay thành thục cũng như tính kiên nhẫn rất cao.
Khi một tấm da thú mới được lột ra, người thợ thủ công sẽ đem đi rửa để làm sạch máu và bẩn. Tấm da này sau đó sẽ được ngâm vào dung dịch kiềm mạnh trong khoảng một tuần để làm các sợi lông thú bong ra. Tiếp theo đó, tấm da được căng trên một cái khung bằng gỗ giống như mặt trống vậy để hong khô.
Công đoạn khó khăn nhất là người thợ phải dùng dao sắc và sạch để cạo bỏ đi phần lông còn sót lại ở trên bề mặt da để bào cho tấm da có được độ dày phù hợp. Tuy nhiên, quá trình thao tác này vô cùng phức tạp và trong lúc làm việc những người thợ đôi khi vẫn làm mạnh tay khiến miếng da bị rách hoặc thủng một lỗ lớn khiến tấm da bị hỏng.
Với những tấm da này, thay vì vứt chúng đi thì người Trung Cổ có một cách rất thông minh để sửa chữa chúng. Chính là họ dùng những sợi lụa màu để vá lại, việc vá sách này diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là trong các cộng đồng tu viện thời đó.
Không chỉ là những vết vá thông thường mà con người thời đó còn tạo nên những những tác phẩm tuyệt đẹp.
(Những bức ảnh là các trang giấy được chụp từ một cuốn sách có từ thế kỷ thứ 14 sau khi chúng được mua về bởi tu viện Vadstena).
Ngoài ra còn một phương thức tiện lợi khác để vá sách một cách đơn giản và nhanh chóng. Trong quá trình soạn sách, các thầy thông giáo sẽ khéo léo viết xung quanh lỗ thủng, những chiếc lỗ sẽ được trang trí bởi một đường viền xung quanh hoặc sẽ là chiếc “khung tranh” cho hình vẽ của trang phía sau.
Hoặc trong một vài trường khác, chiếc lỗ được biến hóa vô cùng thông minh, tạo thành những hình thù đặc biệt. Chẳng hạn như 3 chiếc lỗ sát nhau cộng thêm vài nét bút đã tạo thành khuôn mặt người đàn ông đang cười.
Còn đối với những đường xước, rách, người ta lại dùng chỉ để viền thành những đường màu xen kẽ nhau, vắt ngang trang giấy là xong.
Việc vá sách của thời Trung Cổ cũng giống như loại hình nghệ thuật Kintsugi – dùng kim loại quý để trám lại gốm sứ bể, nứt của người Nhật. Đó không chỉ đơn thuần là một công việc mà đó còn là cái nhìn xa hơn những điều không hoàn hảo trước mắt, dùng sự tỉ mỉ và kiên nhẫn để biến đồ vứt đi trở thành những thứ hữu dụng, đẹp mắt.
Điều này cho thấy trí tuệ siêu phàm và sáng tạo của con người thời cổ đại là lớn như thế nào. Đây thực sự là đỉnh cao của sáng tạo và nghệ thuật!
Sơn Tùng