Đã từ lâu, người ta biết đến chất artemisinin có tác dụng trị bệnh cứu người, nhưng người phát hiện ra là ai thì hiện vẫn là câu đố chưa có lời giải. Vào năm 2007, nhà nghiên cứu Miller và đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu Y tế quốc gia Mỹ bắt đầu hành trình điều tra tìm người đã phát hiện ra artemisinin, còn Giáo sư Nhiêu Nghị (Rao Yi/ 饶毅) với nhãn quan của một nhà sử học, đã nhiều lần viết bài khẳng định vai trò quan trọng của bà Tu Youyou.
Nhiều người cho rằng trong bao nhiêu năm qua bà Tu Youyou mới nhận được những giải thưởng trong nước cũng như quốc tế là “sự thừa nhận muộn màng”. Từ tư liệu lịch sử cùng bài phỏng vấn của phóng viên báo Cuối tuần Phương Nam (infzm.com), công việc của bà được giới khoa học quốc tế thừa nhận đã trải qua quá trình lâu dài.
Bắt đầu từ cuối những năm 1960, bà Tu Youyou với vai trò là Trưởng ban “nhóm chuyên nghiệp Y học Trung Quốc” đã tham gia “nhiệm vụ 523” về chống bệnh sốt rét của quốc gia khi đó. Năm 1972, tổ nghiên cứu do bà phụ trách lần đầu làm chiết xuất chất artemisinin. Đến năm 1975, kết cấu hóa học của chất artemisinin được xác định với sự tham gia của bà Tu Youyou.
Tuy nhiên, do tính chất bí mật của “nhiệm vụ 523”, trong toàn quá trình nghiên cứu, bà Tu Youyou không có bất cứ bài báo công bố nào, vì thế mà công việc của bà không được thế giới biết đến.
Đến năm 1979, Ủy ban Khoa học Quốc gia đã trao “Giải phát minh cấp quốc gia” cho thành quả nghiên cứu về chất artemisinin, trong đó bà Tu Youyou là người có công đầu tiên. Cùng năm, báo Trung Quốc Kiến Thiết đã đăng một bài viết ngắn giới thiệu nghiên cứu về chất artemisinin.
Trung Quốc Kiến Thiến là một tờ tạp chí tiếng Anh do Tống Khánh Linh lập ra. Vào tháng 8/1979, báo đã đăng một bài viết với tiêu đề “Loại thuốc mới chống sốt rét”, bài báo giúp giới khoa học Tây phương lần đầu tiên biết đến thành quả nghiên cứu chất artemisinin xuất phát từ Trung Quốc.
Trong bài báo, tác giả đã kể lại “một nghiên cứu viên nghiên cứu về vị thuốc” đã được gợi ý từ cuốn sách cổ Y học thời Đông Tấn và nghĩ đến dùng phương pháp mới chiết xuất chất artemisinin. Bài báo không nói rõ tên tuổi của nghiên cứu viên, chỉ dùng từ “bà ấy” để gọi nghiên cứu viên này.
Bài báo nhờ xuất bản bằng tiếng Anh nên sau đó được phổ biến rộng rãi. Năm 1985, tạp chí Khoa học Mỹ đã đăng một bài viết tổng thuật về chất artemisinin, bài này miêu tả chi tiết quá trình tiến triển mà nhân viên nghiên cứu khoa học Trung Quốc đạt được. Thế nhưng, khi viết đến nhân vật quan trọng nhất, bài báo cũng không nói cụ thể tên là người nào, chỉ nói qua loa “một nhà nghiên cứu”, đây cũng là cách nói xuất phát từ bài báo ban đầu đăng trên tờ Trung Quốc Kiến Thiết; cho dù trong bài tổng thuật, tác giả trích dẫn hai bài nghiên cứu của bà Tu Youyou được xuất bản lần lượt vào năm 1981 và 1982.
Sau đó, trong một thời gian dài, chất artemisinin đã được sử dụng phổ biến để cứu người, còn người phát hiện ra là ai thì không ai biết.
Không để lịch sử tái diễn
Năm 2006, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) là Louis Miller cùng đồng nghiệp Tô Tân Chuyên (Su Xinzhuan/苏新专) đến Thượng Hải tham gia một hội nghị học thuật về bệnh sốt rét. Trong đó, Louis Miller đã hỏi dò những nhà khoa học trong hội nghị xem ai là người phát hiện ra chất artemisinin, nhưng không ai trả lời được.
Nhà nghiên cứu Nicholas White thuộc Đại học Oxford của Anh và Đại học Mahidol của Thái Lan là chuyên gia về chống bệnh sốt rét, đã từng có nhiều nghiên cứu mang tính đột phá trong hoạt động lâm sàng. Thế như khi Louis Miller hỏi ông ai phát hiện ra chất artemisinin thì ông cũng không trả lời được.
Thế là từ năm 2007, Louis Miller đã cùng các đồng nghiệp điều tra tìm hiểu xem ai là người bí ẩn đằng sau phát hiện lớn này.
Năm 2009, nghiên cứu viên Liêu Phúc Long (Liao Fulong/廖福龙) thuộc Viện Khoa học Trung y Trung Quốc đã có bài viết đăng trên tạp chí hóa học Molecules bài “Xã luận” và chỉ rõ công phát hiện ra chất artemisinin thuộc về bà Tu Youyou.
Nhà nghiên cứu Liêu Phúc Long nói với phóng viên báo Nam Phương cuối tuần: “Vào ngày sinh nhật 80 tuổi của Giáo sư, tạp chí Molecules đã mời viết một bài chúc mừng. Thế là tôi có bài viết này. Tôi là người nghiên cứu Đông y, tuy không trực tiếp tham gia nghiên cứu về cây thanh hao nhưng được chứng kiến rõ ràng về tình hình nghiên cứu khi đó”.
Năm 2011, Miller và đồng nghiệp đã đăng bài về kết quả điều tra của họ trên tạp chí “Tế Bào”, một tạp chí có sức ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực sinh học và kết luận: “Phát hiện của chúng tôi không còn nghi ngờ gì, công lao lớn nhất thuộc về bà Tu Youyou”. Kết luận này thống nhất với công bố của nhà nghiên cứu Liêu Phúc Long.
“Trong quá trình điều tra manh mối chúng tôi phát hiện, cho dù từ cuối năm 1960 đến 1970 đều không có bài báo nào công bố, nhưng vào năm 1981 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến Trung Quốc tìm hiểu về chất artemisinin, khi đó bà Tu Youyou được bố trí đến trình bày Báo cáo phát hiện với họ”, nhà nghiên cứu Miller đã chia sẻ với phóng viên tạp chí Nam Phương cuối tuần.
Về cơ bản, trong cùng thời kỳ, tên tuổi bà Tu Youyou cũng được biết đến rộng rãi ở trong Trung Quốc. Các Giáo sư ở Đại học Bắc Kinh như Lê Nhuận Công (Li Rungong/黎润红), Nhiêu Nghị (Rao Yi/饶毅), Trương Đại Khánh (Zhang Daqing/张大庆) liên tục có bài viết nói về lịch sử “nhiệm vụ 523” cùng cống hiến của bà Tu Youyou, những bài viết của họ đã tạo ảnh hưởng rất mạnh trên mạng.
Giáo sư Nhiêu Nghị, một nhà Sinh vật học nổi tiếng là có cái nhìn sáng suốt của một nhà khoa học lịch sử. Trong một bài viết nhan đề “Tượng đài nghiên cứu khoa học Trung dược”, Giáo sư Nhiêu Nghị cùng đồng nghiệp đã viết: “Phát hiện ra artemisinin và ứng dụng rộng rãi vì mọi người, nhưng cống hiến của bà Tu Youyou lại luôn gây tranh luận. Đối diện với phát hiện quan trọng, khi xuất hiện mâu thuẫn, cơ quan liên quan của Trung Quốc không nên né tránh mà bàng quan, khiến thành quả thiếu sự thừa nhận. Còn các nhà khoa học và giới Y dược nước ngoài lại không thể làm rõ thông tin báo chí bên trong Trung Quốc và những biên bản ở các hội nghị”.
Họ còn chỉ ra rằng: “Phát hiện ra artemisinin của bà Tu Youyou là cống hiến quan trọng, nhưng lại không được thừa nhận đúng mức ở Trung Quốc, cũng thiếu sự khẳng định từ quốc tế”.
Theo secretchina
Tinh Vệ biên dịch