Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con cái sẽ lớn lên cùng với niềm đam mê khoa học, nhưng đôi khi chúng ta không biết rằng chính mình đã ngăn cản con thử nghiệm và khám phá khoa học.

Theo Neil deGrasse Tyson, một nhà vật lý thiên văn đồng thời là cha của hai con, ông cho rằng bạn có thể bắt đầu khuyến khích con nghiên cứu khoa học chỉ bằng cách đơn giản là không tức giận khi thấy con vẽ nghịch lên tường trong nhà. Hãy nhìn nhận điều này như một trong những cách trẻ tìm hiểu về mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả.

Tyson đã chia sẻ về điều đó trong tập mới đây của Mom Brain, loạt chương trình nổi tiếng về nuôi dạy con cái với người dẫn chương trình là Daphne Oz và Hilaria Baldwin. Sau đây là cuộc phỏng vấn đã được tóm lược và chọn lọc những nội dung chính:

Hilaria Baldwin: Vậy, theo ông làm thế nào để khiến những đứa trẻ của chúng ta quan tâm đến khoa học?

Neil deGrasse Tyson: Trẻ em được sinh ra với bản tính hiếu kỳ. Vì thế trừ khi bạn có 12 người giúp việc chạy theo sau chúng, bạn mới có thể giữ cho nhà cửa luôn gọn gàng. Khi bạn có con, bạn sẽ thấy chúng tạo ra sự hỗn loạn hoặc phiền phức tại bất kỳ nơi đâu chúng đến.

Hỗn loạn ở đây là gì? Nó xảy ra khi những đứa nhóc luôn muốn tìm hiểu một điều gì đó. Ví dụ: Chúng nghĩ cái ly trên bàn này là gì nhỉ? Mình muốn lấy nó và chơi với nó và – Ôi! Nó đã bị rơi xuống. Hay một ví dụ khác: Cây trên chậu cây này là gì nhỉ? Mình có thể kéo chiếc lá này ra không? Và – Ồ! Nó bị vỡ rồi.

Baldwin: Chúng tôi đã được trải nghiệm điều đó, bọn trẻ vừa vẽ lên đồ nội thất ngày hôm qua.

Tyson: Vì đó là một câu hỏi muôn thuở với trẻ nhỏ: Chúng luôn muốn tìm hiểu xem màu vẽ có thể tô lên bề mặt này không?

Daphne Oz: Vâng! Có lẽ chúng nghĩ rằng: “Thật là đẹp khi tô màu lên đây. Mình nên vẽ gì trên bức tường của mình nhỉ?”

deGrasse Tyson: Để tôi kể cho bạn nghe, khi tôi còn là một đứa trẻ, nhà chúng tôi có những đường ống dẫn khí sưởi đi qua phòng. Tôi nhớ mình đã phát hiện ra một cây bút chì màu có thể dễ dàng vẽ lên những đường ống đó. Lúc đó, tôi giống như kiểu muốn thốt lên ”Thật tuyệt vời, bút chì có thể vẽ được ở đây. Bút chì chỉ muốn được vẽ nhiều hơn và nhiều hơn nữa”.

Nhưng bố mẹ tôi đã nhanh chóng lôi chúng tôi tránh xa khỏi những đường ống nguy hiểm này. Họ đã không cho rằng đó là một thí nghiệm thú vị.

Vì vậy, thực ra câu hỏi của mỗi phụ huynh không phải là: Làm thế nào để kích thích trẻ quan tâm đến khoa học? Mà là: Làm sao để bạn không tước đi cơ hội khám phá khoa học ở trẻ? Bằng cách nào? Hãy chấp nhận sự hỗn độn!

Khi tôi đang ở trong Công viên Trung tâm New York, ngày hôm đó trời đã mưa sớm một chút và tôi thấy một người phụ nữ đi bộ xuống cùng với đứa con của mình, nhỏ hơn sáu tuổi. Cậu bé mặc một chiếc áo mưa, đi ủng và có một vũng bùn lớn trên lối đi. Tôi đã nói với chính mình, cậu bé chắc hẳn muốn nhảy vào vũng bùn đó. Vì vậy, tôi nói trong đầu: Hãy làm ơn để cậu bé này nhảy vào vũng bùn, bạn biết nó muốn nhảy vào vũng bùn mà. Hãy để cậu ấy nhảy! Hãy để cậu ấy nhảy! 

Trẻ thích nhảy vào vũng bùn để khám phá (ảnh: Shutterstock).

Và bạn biết cô ấy đã làm gì không? Cô ấy kéo cậu bé đi vòng qua vũng bùn. Vì vậy, có thể nói cậu bé đã mất đi toàn bộ trải nghiệm khám phá này.

Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nhảy hai chân vào vũng bùn? Tôi sẽ khám phá ra đây là một cách tạo ra các miệng hố. Bạn nghĩ miệng hố trên mặt trăng được tạo ra như thế nào? Tất nhiên, không phải do những đứa trẻ nhảy trong vũng bùn tạo ra, nhưng do một cái gì đó đập vào bề mặt khiến nó bắn tung tóe và điều này tạo ra miệng hố.

Tuy nhiên, cô ấy không muốn đôi giày bị bẩn, không muốn mất công giặt giũ. Thực ra, bạn không nên suy nghĩ như vậy khi đang nuôi con nhỏ.

Oz: Bởi vì cô ấy không muốn sau đó chúng phải đi với đôi chân ướt sũng cho đến khi về nhà.

deGrasse Tyson: Đúng vậy. Nhưng thực tế, không có cuộc thí nghiệm nào tốt hơn cái mà bạn tự mình thực hiện. Phải, bạn muốn loại bỏ những thứ có thể làm tổn thương hoặc gây nguy hiểm tính mạng cho đứa trẻ. Bạn phải giữ cho chúng an toàn. Nhưng ngoài những thứ đó ra, hãy để chúng được bay nhảy.

Theo Rachel Bowie, PureWow

Vi Nhiên biên dịch

Video: Những họa sĩ, kiến trúc sư, tiến sĩ và giáo viên nói về lợi ích tốt đẹp của Pháp Luân Công

videoinfo__video3.dkn.tv||e58d09283__