Ngày mới đặt chân tới Mỹ, GS-TS. Nguyễn Thục Quyên mới chỉ biết vài câu tiếng Anh, vậy mà chỉ trong 10 năm, bà đã tốt nghiệp đại học, cao học rồi lấy bằng Tiến sĩ – điều mà ngay cả những sinh viên bản xứ cũng khó làm được. Câu chuyện học tiếng Anh của Giáo sư đã trở thành giai thoại với nhiều du học sinh.
Cuối năm 2018, Clarivate Analytics công bố danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu vào top 1% những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới (highly cited researchers – HCR), GS-TS. Nguyễn Thục Quyên là nhà khoa học nữ hiếm hoi trên thế giới bốn năm liền vào top 1% này.
Khi còn ở Việt Nam, GS-TS. Nguyễn Thục Quyên không được học tiếng Anh, cho đến tháng 7/1991, bà qua Mỹ theo Chương trình Tái Định cư Nhân đạo cùng với bố, mẹ, anh trai và ba em gái. Trước khi đi, các anh em trong gia đình chỉ được học một khóa tiếng Anh cấp tốc vài tháng. Cả gia đình biết rất ít tiếng Anh, nên thời gian đầu ở Mỹ rất cực.
GS. Quyên quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đi học tại ba trường ở ba thành phố cùng một lúc (ở Mỹ, tiếng Anh được học miễn phí). Cứ sáng, chiều, tối, mỗi buổi học ở một trường. Mỗi ngày bà đều xem tin tức đài truyền hình Mỹ để tập nghe. Tháng 9/1993, bà xin học tại Santa Monica College và tham gia bốn lớp tiếng Anh dành cho người nước ngoài. Ngoài ra, bà còn tới những trung tâm dạy kèm sinh viên miễn phí trong trường để học thêm. Sau một năm học ngày học đêm, cuối cùng giáo sư cũng thi được vào học chính như những sinh viên khác…
Mùa thu năm 1995, Giáo sư chuyển từ Đại học Cộng đồng Santa Monica qua Đại học tiểu bang thành phố Los Angeles (UCLA). Bà xin làm ở một phòng thí nghiệm của ngành sinh vật, nhưng chỉ được rửa dụng cụ thí nghiệm. Thích thú với công việc nghiên cứu, bà xin được làm thí nghiệm nhưng không được nhận vì lý do “nghiên cứu không dành cho tất cả mọi người, bạn nên tập trung vào việc học tiếng Anh”. Trải nghiệm bị coi thường này không khiến Giáo sư nản chí, ngược lại, nó trở thành động lực để bà cố gắng nhiều hơn.
Sau khi tốt nghiệp đại học tháng 12/1997, GS. Quyên nộp đơn xin học thạc sĩ. Sau một năm, đến tháng 12/1998, bà đã lấy bằng cao học lý – hóa và nhận được học bổng tiến sĩ cùng ngành này.
Trong thời gian học tiến sĩ, bà làm trong phòng thí nghiệm 6 ngày/tuần, mỗi ngày làm 16 tiếng cho tới 2 giờ sáng mới về nhà. Sinh viên Mỹ đều rất kinh ngạc trước sự nỗ lực của bà. Xúc động trước đam mê của cô học trò gốc Việt, thầy hướng dẫn – Benjamin Schwartz – đã tạo nhiều cơ hội để bà tham dự các hội thảo khoa học trong và ngoài nước. Năm cuối của chương trình tiến sĩ, bà là một trong bảy sinh viên nhận được học bổng toàn trường, khoảng 30.000 USD.
Tháng 6/2001, bà được nhận bằng Tiến sĩ, trước cả những sinh viên trong phòng thí nghiệm sinh vật mà trước đây bà từng phải rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ. Khi biết bà được giải thưởng xuất sắc của phân ngành lý – hóa, họ đã rất mắc cỡ vì họ đều phải mất 8 năm mới lấy được bằng tiến sĩ, trong khi bà chỉ làm điều đó trong ba năm. Trong tám năm họ viết được một hoặc hai bài báo, còn bà có tới 12 bài báo khoa học và thuyết trình 19 lần ở các đại học trong nước và quốc tế.
Teo báo Người đô thị, khi được hỏi vì sao bà có thể đạt được kỳ tích này, GS-TS. Nguyễn Thục Quyên trả lời: “Vì khi ở Việt Nam, gia đình tôi rất nghèo, lớn lên không có nhà ở và không có cơm ăn, thường hay bị bạn bè chê cười. Qua Mỹ cũng bị nhiều người Mỹ lẫn Việt Nam coi thường, thành thử tôi phải cố gắng để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi đã khóc rất nhiều lần ở Việt Nam, lẫn ở Mỹ”.
Hãy làm những gì bạn yêu thích và yêu những gì bạn làm. Làm việc chăm chỉ và tận hưởng cuộc sống. Sống giúp đỡ những người xung quanh và làm việc hữu ích cho xã hội. Hãy cố gắng và đừng từ bỏ dễ dàng. Thiết lập mục tiêu cho bản thân và theo đuổi nó. Đừng để mọi người ngăn cản bạn đạt được mục tiêu của mình. Khi người ta đạp tôi xuống, tôi càng cố gắng vươn lên. Tôi sử dụng những điều tiêu cực như động lực để cố gắng nhiều hơn. Tôi cho mọi người thấy những gì tôi có thể làm…
(GS-TS. Nguyễn Thục Quyên)