Với những cách bố trí trận địa như thế này, thật khó để một mũi tên hay mũi giáo nào phía đối phương có thể xâm nhập vào những đội hình này của người Hy Lạp, La Mã cổ đại, thậm chí là cả một đội quân với số lượng lớn cũng khó có thể địch lại được. 

Chúng ta thường nghĩ rằng tập đội hình – đội ngũ vô cùng khó và mệt mỏi, hơn nữa chúng chẳng giúp ích được gì hết. Tuy nhiên, bạn đã nhầm. Trong quân sự thì việc luyện tập đội hình – đội ngũ là vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với quân đội thời cổ đại, chỉ với một số lượng quân không quá nhiều nhưng với đội hình chiến đấu chặt chẽ cùng tính kỷ luật cao độ thì việc đả bại một đội quân với quân số đông hơn thì cũng không thành vấn đề. Những người La Mã và Hy Lạp cách đây hàng nghìn năm đã chứng minh điều đó.

1. Đội hình hoplite phalanx

Với những ai đam mê bộ phim đinh đám “300” của Hollywood thì không quá xa lạ với đội hình hophite phalanx. Đây là đội hình dành cho bộ binh trang bị nặng và sử dụng vũ khí dài như thương, giáo…

Đây là dạng đội hình hình chữ nhật, các chiến binh được trang bị giáo và khiên tròn sẽ đứng sát cạnh nhau, khiên của họ xếp san sát nhau, những ngọn giáo của các chiến binh hàng đầu tiên sẽ chĩa ra ngoài để tạo nên bức tường không thể thâm nhập. Thêm vào đó, mỗi binh sĩ sẽ mang khiên Hoplon bên ngực trái để bảo vệ tim và phần bên phải của binh sĩ bên cạnh.

Đội hình Phalanx thường có 8 hàng, dài khoảng 300m. Bốn hàng quân đầu tiên sẽ giương giáo về phía trước, các hàng sau sẽ nâng giáo lên phía trên để tạo một hàng rào bảo vệ theo kiểu con nhím.

Đội hình hoplite phalanx. (Ảnh: Redsvn)

Chính yếu tố này đã giúp họ hầu như bất khả chiến bại trên chiến trường, kẻ thù không thể đánh trực diện vì độ dài của những ngọn giáo (4 – 7m) hay phóng lao từ xa vì những chiếc khiên chắn dày và nặng cản lại. Những người Hy Lạp cổ (giai đoạn 750 – 350 TCN) đã sử dụng đội hình này một cách rất thành thục và nhờ đó họ vượt trội các đối thủ khác trên chiến trường.

Đội hình Phalanx của các chiến binh Sparta trong lịch sử. (Ảnh: comicvine.gamespot.com)

Trận đánh nổi tiếng nhất trong lịch sử cổ đại của đội hình hoplite phalanx là trận Marathon. Trận đánh này diễn ra vào mùa thu năm 490 TCN trong Cuộc xâm lược Hy Lạp lần thứ nhất của đế chế Ba Tư hùng mạnh với quân đội Athena cùng sự giúp sức của quân Plataea.

Đây là một cuộc chiến không cân sức giữa 72.000 quân Ba Tư với 11.000 quân Hy Lạp với tôn chỉ duy nhất: “tử chiến đến cùng, thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”. Bộ binh Athens chia làm bộ binh nặng và bộ binh nhẹ chiến đấu theo đội hình phalanx, lấy bộ binh hạng nặng làm nòng cốt chiến đấu, quân Athens nhờ có chiến thuật và đội hình tốt đã chiến thắng một cách vang dội.

Hình ảnh tạo dựng trận chiến Marathon. (Ảnh: ThingLink)

Và hình tượng người chiến binh chạy một quãng đường dài 42 km, vượt qua rừng núi từ nơi diễn ra trận chiến ác liệt tới Athens để báo tin thắng trận đã trở nên tiêu biểu cho tinh thần thi đấu của bộ môn chạy Marathon ngày nay.

Tuy nhiên, đội hình phalanx vẫn có yếu điểm là lỗ hổng ở phía bên và sau đội hình. Vì toàn bộ giáo và khiên được tập trung phía trước nên đội quân hầu như bất lực khi bị tấn công bên. Do vậy đội hình này dễ bị các đội quân di chuyển nhanh và linh hoạt đánh về nhiều phía. Hơn nữa, đội hình phalanx chỉ phát huy tác dụng trên địa thế bằng phẳng, chứ ở các địa hình khác thì vô tác dụng.

2. Đội hình legion La Mã

Sự kỷ luật là điều làm nên sức mạnh của quân đội La Mã, vì vậy họ trở lên bất khả chiến bại và xây dựng nên một đế chế hùng mạnh thời cổ đại. Điều này chỉ được thực hiện vào năm 107 TCN do quan chấp chính (người đứng đầu nghị viện La Mã thời Cộng Hòa) Gaius Marius thực hiện sau khi 80 nghìn quân La Mã thảm bại trước các bộ lạc người Cimbri và Teutons.

Cụ thể, các binh lính phải tập thể lực và hành quân hàng ngày để gia tăng sức bền chiến đấu. Khi nhập cuộc, khi các binh sĩ ở hàng đầu tiên chiến đấu được một thời gian và thấm mệt, các Centurion (đội trưởng) sẽ ra hiệu để họ lùi về phía sau, xuống hàng cuối cùng để hàng thứ 2 dâng lên chiến đấu tiếp. Bằng cách này, quân đội La Mã tỏ ra vô cùng bền bỉ và dai dẳng trong chiến đấu.

Hình ảnh đội hình Legion của quân La Mã. (Ảnh: VoThuat.vn)

Có thể nói đây là một đội hình hỗ trợ cho nhau rất tốt nhờ sự luân phiên thay đổi giữa các binh lính cực kỳ hiệu quả trong các cuộc chiến kéo dài và cần nhiều sức lực.

3. Đội hình mai rùa

Nói về sự kỷ luật của quân đội La Mã thì không thể không nhắc đến đội hình mai rùa. Không có ghi chép nào có thể chỉ rõ đội hình này ra đời khi nào và do ai sáng chế nhưng khá nhiều tài liệu cho rằng nó được sử dụng nhiều vào thời kỳ cuối của đế chế La Mã (khoảng thế kỷ II TCN).

Trong đội hình mai rùa, binh sĩ sẽ nâng khiên lên và đứng sát vào nhau, tạo nên một khối vững chắc bao bọc người lính trước những mũi tên và đá gộc. Người đứng đầu tiên sẽ giơ khiên ra phía trước, người đứng hàng phía sau sẽ nâng khiên lên trên che và cứ như thế, nếu cần thiết, các binh sĩ ở bên cạnh sẽ đứng sang bên để che trái, phải.

Đội hình mai rùa của quân La Mã. (Ảnh: Wikiwand)

Đội hình mai rùa cho thấy ta tốc độ chậm như rùa đúng như tên gọi nhưng lại vô cùng hiệu quả và phát huy rất tốt trong những trận chiến công thành cũng như bảo vệ binh lính khỏi các trận ném đá hay mưa tên của địch.

Tuy vậy, cũng giống như đội hình phalanx đội hình mai rùa cũng hở hai bên sườn và phía sau nên có thể dùng kỵ binh đánh thọc vào hai bên sườn hoặc phía sau lưng là phá được trận này.

4. Đội hình tam giác của các kỵ binh Macedonia

Nhờ những sáng tạo tuyệt vời của vua Philip II mà quân đội Macedonia trở thành lược lượng thiện chiến và tinh nhuệ nhất thời cổ đại. Ông thành lập đội kỵ binh Companion (tiếng Hy Lạp gọi là Hetairoi) và sau này dưới sự chỉ huy của Alexander Đại đế đã ghi dấu đậm nét trong lịch sử thế giới cổ đại.

Điểm đặc biệt của các kỵ binh Companion đó là họ dám xông pha vào những vị trí nhạy cảm nhất của chiến trường – vốn không phải là việc của kỵ binh thời đó. Được đào tạo bài bản về khả năng cưỡi ngựa, các kỵ binh Companion xếp thành hình tam giác mà người chiến binh dũng cảm nhất sẽ là đỉnh.

Một kỵ binh Companion. (Ảnh: hombreencamino.com)

Người đứng ở đỉnh tam giác không ai khác chính Thống soái Alexander Đại đế, nhờ hình dạng đặc biệt mà đội hình Companion có thể xuyên thủng mọi hàng ngũ vững chắc nhất của kẻ địch.

Có thể nói Alexander Đại đế là một người khá may mắn vì ông là người dẫn đầu khi xông pha chiến trận nhiều như vậy mà chưa bỏ mạng. Mặc dù ông đã hứng chịu nhiều vết thương từ  giáo, thương, lao, kiếm… trong đó có một vết ở vai suýt nữa đã lấy mạng ông.

Alexander Đại đế là người đẫn đầu đội hình Companion nhưng rất may ông không tử trận trên chiến trường. (Ảnh: Haiku Deck)

5. Đội hình phalanx của người Macedonia 

Ngoài đội hình Companion, người Macedonia còn có một đội hình chiến đấu phalanx do vua Philip II – cha của Alexander Đại đế sáng lập và được coi là đội hình phalanx nâng cấp.

Cụ thể, các chiến binh sẽ sử dụng loại khiên nhỏ hơn nhưng thay vì cầm ngọn giáo ngắn, họ cầm một ngọn giáo cực dài có tên gọi là Sarissa (có độ dài từ 4 – 7m). Bằng cách sử dụng ngọn giáo này, đội hình phalanx của người Macedonia trở nên bất khả chiến bại khi chiến đấu trực diện mặt đối mặt vì quân địch khó tiếp cận do các ngọn giáo rất dài.

Những ngọn Sarissa là bất khả chiến bại khi giao tranh trước mặt. (Ảnh: russia now)

Chính nhờ đội hình này Alexander Đại đế đã càn quét khắp đắt Ba Tư và đánh bại tất cả các quân đội cản đường mà gặp rất ít tổn thất. Sau đó người Hy Lạp đã học tập và áp dụng đội hình này rồi lấy nó làm xương sống cho quân đội cho đến khi bị người La Mã đánh bại bởi đội hình ưu việt hơn vào năm 168 TCN trong trận Pydna.

5. Đội hình răng cá mập của quân đội La Mã

Trận chiến Watling là một trong những trận đánh kinh điển nhất lịch sử khi mà hơn 100.000 quân khởi nghĩa Briton dưới sự lãnh đạo của nữ tướng Boudica bị đánh bại 10.000 quân La Mã. Thiệt hại của quân La Mã chỉ là 400,trong khi đó quân Briton thiệt hại lên đến 80%. Vậy điều gì đã tạo nên chiến thắng lịch sử này?

Chính là nhờ cách bố trí đội hình thông minh, có 1-0-2 của quân La Mã do tướng Suetonius chỉ đạo đã làm nên chiến thắng: “Không xếp thành hình khối vuông như thông thường, Suetonius lại cho quân sĩ xếp theo hình tam giác, vì thế khi dàn trải ra trên diện rộng, quân đội La Mã trông không khác gì hàm răng cá mập sẵn sàng cắn nát kẻ địch.”

Các chiến binh La Mã xếp thành hình tam giác. (Ảnh: emaze.com)

Đội hình này tỏ ra vô cùng hiệu quả khi cho phép nhiều binh sĩ hơn tham gia chiến đấu trong cùng một phạm vi diện tích. Người bên phải và bên trái sẽ đỡ đòn cho người ở chính giữa khi bị tấn công.

Sơn Tùng