Rạng sáng 28/7, nếu thời tiết thuận lợi, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết trên VnExpress, nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra vào rạng sáng 28/7 và mọi vùng miền Việt Nam đều có thể quan sát nếu điều kiện thời tiết thuận lợi.

Trên thế giới, nguyệt thực lần này sẽ xuất hiện ở hầu hết khu vực của châu Âu, châu Phi, phía Tây và Trung châu Á, Ấn Độ Dương, phía Tây châu Úc.

Nguyệt thực sẽ kéo dài hơn 5 tiếng, từ 00h 14′ đến 6h 28′, trong đó nguyệt thực toàn phần bắt đầu từ 2h 30′ đến 4h 13′. Do kéo dài 103 phút nên lần này là nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21, theo Dân Việt.

Nguyệt thực đạt cực đại lúc 3h21 với độ sáng biểu kiến là 1,61. Tổng thời gian quan sát được nguyệt thực tại Việt Nam là 5 giờ 22 phút.

Việt Nam sắp đón nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21
Nguyệt thực được quan sát tại TP. HCM ngày 31/1. (Ảnh: VnExpress)

Các mốc thời gian của nguyệt thực toàn phần tại Việt Nam:

Lúc 0h 14′: Mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối. (Nhìn bằng mắt thường sẽ khó nhận thấy sự thay đổi màu sắc của Mặt Trăng).

Lúc 1h 24′: Bắt đầu pha một phần.

Lúc 2h 30′: Bắt đầu pha toàn phần.

Lúc 4h 13′: Kết thúc pha toàn phần.

Lúc 5h 10′: Kết thúc pha một phần.

Lúc 5h 36′: Mặt trăng lặn.

Lúc 6h 28′: Nguyệt thực nửa tối kết thúc.

Video hiện tượng nguyệt thực do NASA ghi lại.

Đây là lần thứ 2 trong năm 2018 xảy ra hiện tượng nguyệt thực toàn phần, lần trước là ngày 31/1. Sau đó phải đến tháng 5/2021 và tháng 11/2022 Việt Nam mới lại được chứng kiến hiện tượng này.

Việt Nam sắp đón nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21
Nguyệt thực toàn phần xảy ra ngày 8/10/2014 tại Hà Nội do Hoàng Quốc Phương – Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội chụp lại. (Ảnh: Dân Việt)

Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vị trí thẳng hàng với Trái Đất và Mặt Trời nên bị che khuất bởi bóng của Trái Đất. Khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối thì có nguyệt thực một phần. Khi Mặt trăng đi qua và nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối thì có nguyệt thực toàn phần.

Ông Sơn lý giải, sự chênh lệch về độ dài của nguyệt thực do bóng của Trái Đất khá lớn. Nếu Mặt Trăng đi qua gần khu trung tâm của vùng bóng tối (umbra) nghĩa là Mặt Trăng sẽ mất nhiều thời gian để đi qua đó. Nó sẽ ở sau bóng của Trái Đất lâu hơn nên nguyệt thực toàn phần kéo dài. Nếu Mặt Trăng chỉ đi qua rìa của umbra thì nguyệt thực sẽ ngắn.

Khác với nhật thực, người xem có thể dùng mắt thường để quan sát nguyệt thực, Các chuyên gia khuyến cáo, nếu có thêm thiết bị như ống nhòm, kính thiên văn hoặc máy ảnh thì hiện tượng này sẽ thú vị hơn.

An An