Theo đánh giá của PGS Lê Anh Tuấn, thủy điện Pak Lay được Lào xây dựng trong năm 2022 sẽ gây thiệt hại cho đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 6/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho VnExpress biết, kế hoạch tham vấn công trình thủy điện Pak Lay – thủy điện thứ tư của Lào dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông. Hoạt động này diễn ra từ nay đến tháng 2/2019.

Các nhà khoa học cùng với bộ, ngành, địa phương đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu để chỉ ra những tác động xuyên biên giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Sau đó các hội thảo tham vấn quốc gia; chuẩn bị ý kiến tham vấn vùng và Phiên họp Ủy ban Liên hợp của Ủy hội sông Mekong quốc tế cũng được thực hiện.

Đập thủy điện Pak Lay dự kiến xây dựng vào năm 2022 tại tỉnh Xayaburi thuộc Bắc Lào và hoạt động liên tục quanh năm với công suất 770 MW, dung tích hồ chứa 58 triệu m3. Sản lượng điện của thủy điện Pak Lay đạt 4.125 GWh.

Lượng điện do công trình thủy điện Pak Lay sản xuất dự kiến 85% bán cho Thái Lan, 15% còn lại Lào sẽ sử dụng.

viet nam danh gia tac dong cua thuy dien pak lay lao xay tren dong mekong
Các thủy điện trên dòng chính sông Mekong. (Ảnh: VnExpress)

PGS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, thủy điện được xây dựng sẽ gây thiệt hại cho đồng bằng sông Cửu Long. Khi lượng phù sa và cát giảm sút, sẽ gây sạt lở bờ sông và biển. Chế độ dòng chảy thay đổi khiến người dân không chủ động được canh tác, hệ sinh thái cũng bị tác động.

Trước đó, ngày 23/7, xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian – Xe Namnoy (tỉnh Attapeu, Lào) gây lũ lụt nghiêm trọng. Lượng nước đổ về khiến cho mực nước ở đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh vào cuối tháng 7 từ 2,5-3 m.

Theo Dân Trí, các quốc gia khu vực sông Mekong lo ngại về tiêu chuẩn thiết kế và quá trình kiểm soát an toàn đập mà Lào áp dụng. Các nước cũng đề nghị Lào làm rõ quyết định của Chính phủ về việc tạm dừng xem xét đầu tư xây dựng thủy điện mới.

Hoài Phương (Tổng hợp)