Hàng năm, tình trạng sạt lở đất tại Đồng bằng sông Cửu Long chỉ rộ lên vào thời điểm lũ thượng nguồn đổ về và lũ rút. Tuy nhiên, mùa lũ năm 2018, sạt lở xảy ra cả khi lũ từ thượng, trung nguồn sông Mê Kông đã chảy tràn tại vùng hạ lưu.
Năm nay lũ diễn biến theo xu hướng mới. Không chảy mạnh vào nội đồng như mọi năm, lũ quay sang đổ dồn ra sông Tiền, nhiều khả năng sẽ gây sạt lở mạnh cho bờ sông, theo Lao Động.
Thực tế những ngày qua, tại các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp lũ tấn công đê bao, đường giao thông nông thôn, gây thiệt hại cây trồng, vật nuôi, đe dọa lên bờ nhiều đoạn sông.
Đơn cử, ngày 11/9, 52 m bờ sông Hậu (đoạn qua ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng Long Xuyên) bị sạt lở, ăn sâu 25 m, khiến 13 căn nhà phải di dời khẩn cấp. Trước đó, sạt lở bờ sông Tiền đã đe dọa nhà máy nước Đông Bình – nơi cung cấp 70% nước sinh hoạt cho TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Theo TTXVN, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở trái mùa như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong đó có tác động của con người. Các hoạt động lấn chiếm cùng nạn khai thác cát đã làm dòng chảy đáy thay đổi, lũ đói phù sa tấn công lên bờ sông. Ngoài ra, việc chặt phá rừng, khai thác tài nguyên đầu nguồn làm giảm khả năng giữ đất, ngăn lũ.
Ông Tăng Quốc Chính (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) trao đổi với Báo Thanh Niên, thông thường lượng phù sa trên sông Mê Kông đổ về khoảng 73 triệu m3/năm. Nhưng từ năm 2012, khi hồ chứa, thủy điện của Trung Quốc xây dựng xong, lượng phù sa về đồng bằng chỉ còn 42 triệu m3. Từ đó mà tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng gia tăng về số vụ và mức độ nghiêm trọng.
Thống kê từ năm 2010 đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã có 562 điểm sạt lở với chiều dài gần 800 km, trong đó có 55 điểm đặc biệt nguy hiểm. Với diễn biến này, các chuyên gia dự báo, khi lũ rút, nhiều khả năng sạt lở bờ sông sẽ nghiêm trọng hơn.
Hoàng Minh (Tổng hợp)