Giá chè Việt Nam xuất khẩu đang thấp nhất so với các nước trong khu vực và chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới.
Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và có sản lượng xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới, với 124.000 ha trồng chè và hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chè Việt Nam, phần lớn chè Việt vẫn chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường dễ tính, rất ít sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu chất lượng cao như châu Âu, Mỹ.
Chính vì vậy, giá chè xuất khẩu của Việt Nam đang thấp nhất so với các nước trong khu vực và chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới.
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên là do cách thức trồng, chế biến chè hiện không tuân thủ tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng chè chưa tốt.
Chia sẻ trên VOV, đại diện Hiệp hội chè Việt Nam cho rằng để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính trên thế giới, chất lượng chè của Việt Nam cần cao hơn, đáp ứng đủ tiêu chuẩn của các nước. Vấn đề sản xuất chè an toàn, sạch, trồng và chăm sóc đúng quy trình cần được các doanh nghiệp quan tâm.
Cũng theo vị này, thời gian gần đây xuất hiện nhiều công ty tên Việt Nam nhưng do người Trung Quốc điều hành đi thu mua chè nguyên liệu. Nếu doanh nghiệp trong nước mua với giá 20.000 đồng/kg, người Trung Quốc lại trả giá tới 30.000 đồng/kg. Với mức giá chênh lệch này, doanh nghiệp trong nước rất khó để cạnh tranh.
Liên quan đến tình trạng này, lãnh đạo một công ty Việt Nam chuyên xuất khẩu chè sang Nga chia sẻ trên Nhịp cầu đầu tư rằng chè Việt Nam được bán tại thị trường Nga với giá cao hơn chè Trung Quốc. Chính vì vậy, ngày càng nhiều người Trung Quốc “mượn” nhãn chè Việt Nam để xuất khẩu sang Nga dễ hơn.
Theo các báo cáo của đơn vị thống kê và nghiên cứu nông nghiệp, chè xuất khẩu tháng 7/2018 đạt khoảng 10.000 tấn với giá trị 18 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu chè 7 tháng đầu năm ước đạt 67.000 tấn với giá trị 109 triệu USD, giảm 12,9% về lượng và 9,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm gần 1.630 USD/tấn.
Vỹ An