Sáu quốc gia Đông Nam Á mắc nợ nhiều nhất đang chứng kiến các khoản vay nước ngoài trong 5 năm qua tăng mạnh.
 

Theo tờ Nikkei, 6 quốc gia Đông Nam Á, dẫn đầu bởi Lào, đang có mức nợ nước ngoài cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới. Điều này đã làm lấy lên lo ngại rằng khu vực này có thể đang hướng đến cuộc khủng hoảng nợ trong tương lai gần.

Lào đang có tỷ lệ nợ nước ngoài cao nhất trong khu Đông Nam Á, ở mức 93,1% GDP, cao hơn rất nhiều so với trung bình 26% đối với các nước đang phát triển, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Malaysia, Campuchia và Việt Nam cũng là những nước có tỷ lệ nợ ngoài cao trong khu vực, chỉ sau Lào.

Vay nước ngoài nhiều, Đông Nam Á có nguy cơ khủng hoảng nợ
Nợ nước ngoài của các quốc gia Đông Nam Á theo GDP. (Ảnh: Nikkei)

Lào cùng Malaysia đang phải gánh một khoản nợ trị giá hàng tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng được đàm phán theo sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc (BRI). Điển hình như dự án đường bộ trị giá 5,8 tỷ USD nối thành phố Côn Minh phía nam Trung Quốc với thủ đô Viêng Chăn của Lào, tiêu thụ bằng gần 40% GDP của Lào.

Khoảng 2/3 nợ của Lào được tính bằng ngoài tệ. Do đó, việc mất giá đột ngột của đồng Kip Lào sẽ là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế nước này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế xác định Lào có nguy cơ vỡ nợ cao, nhưng chính phủ nước này không hề tỏ ra quan ngại.

Tại Malaysia, nợ nước ngoài đã lên tương đương 69,9% GDP. Tân Thủ tướng Mahathir Mohamad đã ra lệnh giảm bớt 4 dự án BRI đã được chính phủ tiền nhiệm phê duyệt, trong đó bao gồm dự án tuyến đường sắt kết nối cảng Klang, cảng nhộn nhịp nhất Malaysia, với vùng duyên hải phía đông bằng nguồn vốn 14 tỷ USD của Trung Quốc. Nguyên nhân được đưa ra là chính phủ nước này cảm thấy lo ngại về các khoản vay từ Trung Quốc để thực hiện dự án cũng như khả năng trả nợ.

Các nước Đông Nam Á đã “chột dạ” sau những gì đã xảy ra tại Sri Lanka. Vì không có khả năng chi trả các khoản nợ tích tụ mà họ đã vay từ Trung Quốc, Sri Lanka đã phải giao cảng Hambantota chiến lược cho Trung Quốc quản lý trong vòng 99 năm.

Sáu nước Đông Nam Á đã vay nợ nước ngoài cực lớn trong 5 năm qua, đặc biệt là Campuchia, Lào và Việt Nam.

Vay nước ngoài nhiều, Đông Nam Á có nguy cơ khủng hoảng nợ
Mức độ tăng nợ nước ngoài của các nước trong giai đoạn 2011-2016. (Ảnh: Nikkei)

Campuchia ghi nhận tăng nợ nước ngoài lên tới 142% GDP, tỷ lệ nợ tăng nhanh nhất trong khu vực, chiếm 54,4% tổng thu nhập quốc dân. Và Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Campuchia với khoảng 70% trong năm 2016.

Tuy tỷ lệ tăng nợ ngoài của Campuchia cao nhất khu vực, các nhà phân tích lại cho rằng nước này sẽ gặp nguy cơ vỡ nợ thấp hơn Lào, Malaysia và Indonesia. Dự trữ ngoại hối và tỷ lệ nợ nước ngoài trên xuất khẩu là 2 yếu tố đánh giá khả năng trả nợ của các quốc gia.

Tính đến 2016, dự trữ ngoại hối của Malaysia chỉ bằng 1,1 lần nợ nước ngoài đến hạn trong vòng 1 năm. Tình hình này đã xấu đi kể từ năm 2008.

Sau tiết lộ gần đây của Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng rằng tổng nợ và các khoản nợ khác của nước này cao hơn gần 60% so với báo cáo của chính quyền Najib, gánh nặng nợ ngắn hạn có thể là lớn hơn rất nhiều.

Thái Lan và Việt Nam an toàn hơn khi tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng khoảng 6,1 lần nợ ngoài ngắn hạn.

Vay nước ngoài nhiều, Đông Nam Á có nguy cơ khủng hoảng nợ
So sánh nợ nước ngoài ngắn hạn và dự trữ ngoại hối của các nước trong năm 2011 (màu xanh đậm), năm 2016 (màu xanh nhạt). (Ảnh: Nikkei)

Theo tiêu chí đánh giá khả năng trả nợ của Ngân hàng Thế giới, Lào, Maylaysia và Indonesia cũng có tỷ lệ nợ nước ngoài/xuất khẩu cao. Tỷ lệ này của Lào và Indonesia lần lượt là 327,9% và 184,2% trong năm 2016, cao hơn mức 107% của các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tỷ lệ nợ nước ngoài/xuất khẩu của Malaysia là 94,5% nhưng con số này có thể đã thay đổi.

Đối với Malaysia và Indonesia, giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng cao sẽ giúp cải thiện khả năng thanh toán các khoản nợ của hai nước này.

Theo Ngân hàng trung ương Indonesia, các khoản nợ Trung Quốc của nước này đã tăng hơn gấp đôi dưới thời của Tổng thống Widodo lên tới 16,7 tỷ USD trong tháng 4 (không bao gồm khoản vay từ Hồng Kông), cao hơn 110,5% so với khi ông Widodo nhậm chức vào cuối năm 2014.

Theo ông Widodo, Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn thứ ba của Indonesia sau Singapore và Nhật Bản. Nếu tính cả các khoản vay từ Hồng Kông, Trung Quốc có thể vượt qua Nhật Bản trở thành chủ nợ lớn thứ hai của Indonesia vào đầu năm tới.

Tuy nhiên, các khoản vay của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 4,6% tổng nợ nước ngoài của Indonesia – không gây rủi ro đáng kể đối với tăng trưởng nợ của nước này. Việc tăng các khoản vay của Trung Quốc phản ánh quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn, chứ không phải là quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Kiều Ngọc