Lương tối thiểu tại nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đang tăng mạnh khi chính phủ các nước này nỗ lực làm hài lòng người dân, nhưng xu hướng này có thể làm chậm đà tăng trưởng của đầu tư nước ngoài.

Tại Campuchia, nơi ngành công nghiệp dệt chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, một nhà máy sản xuất tóc giả Nhật Bản đã được chuyển nhượng cho doanh nghiệp người Hồng Kông chỉ sau 3 năm hoạt động. Chi phí nhân công tăng là nguyên nhân chính dẫn đến thương vụ chuyển nhượng này.

Mức lương tối thiểu theo tháng được chính phủ Campuchia quy định tăng 11,1% trong năm 2018, lên mức 170 USD/tháng (khoảng gần 4 triệu đồng/tháng).

Đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen đã kiểm soát tất cả và đang thúc đẩy tăng lương tối thiểu nhằm chiếm được sự tín nhiệm của cử tri.

Vào tháng 3/2018, ông Hun Sen tuyên bố lương tối thiểu của Campuchia sẽ tăng lên tới 250 USD/tháng vào năm 2023. Con số này bằng với mức lương tối thiểu hiện tại của Malaysia, một trong những nền kinh tế phát triển nhất tại khu vực Đông Nam Á.

luong toi thieu tai nhieu nuoc dong nam a ru nhau tang
Công nhân tại một xưởng may mặc tại Campuchia. (Ảnh: Reuters)

Lương tối thiểu của Myanmar cũng đã tăng 33% kể từ tháng 5, thêm khoảng 3 USD/ngày 8h.

Theo Chủ tịch Hiệp hội sản xuất May mặc Myanmar, khoảng 10 trong tổng số 550 nhà máy may của nước này đã đóng cửa vì chi phí nhân công tăng. Ước tính khoảng từ 70-80% lao động Myanmar làm việc trong lĩnh vực dệt may.

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2020, chính phủ Myanmar đang ra sức nâng cao mức sống của người dân nhưng điều này lại là gánh nặng cho nền kinh tế. Giới chuyên gia nhận định rằng sức cạnh tranh trong ngành sản xuất Myanmar sẽ giảm nếu nước này tiếp tục tăng lương.

Malaysia cũng không ngoại lệ. Nước này sẽ tăng lương tối thiểu trên toàn quốc vào tháng 1/2019, để giữ lời hứa mà Thủ tướng Mahathir Mohamad đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Nếu hành động đúng theo cam kết, Malaysia sẽ tăng lương thêm 43% trong vòng 5 năm.

Lương tối thiểu cao hơn có thể khiến sức mua của người tiêu dùng tăng, nhưng việc tăng lương vượt quá mức tăng trưởng kinh tế và giá cả sẽ khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp ở các quốc gia này yếu đi, các doanh nghiệp cũng vì vậy mà ngại đầu tư hơn.

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, khoảng 40% người cho rằng chi phí lao động đóng vai trò chủ chốt khi lợi nhuận doanh nghiệp giảm trong năm 2018.

“Tiền lương tăng nhưng lợi nhuận lại bị bỏ quên”, ông Shinsuke Goto thuộc công ty môi giới Trust Venture Partners Nhật Bản cho biết.

Một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á lại rất khôn khéo, giữ tốc độ tăng lương phù hợp với lợi nhuận.

Việt Nam đã phát triển trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu với tỷ trọng xuất khẩu vượt qua Indonesia vào năm 2015. Mức lương tối thiểu của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2011 và tăng hai con số mỗi năm cho đến năm 2016, đe dọa lợi thế chi phí nhân công thấp của các đối thủ khổng lồ như Trung Quốc. Nhưng tốc độ đã được kiềm chế, với mức tăng dự kiến cho năm 2019 là 5,3%.

Khi lãi suất đồng USD tăng làm suy yếu tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi, người dân tại các nước phụ thuộc vào nhập khẩu như Myanmar đang yêu cầu được trả lương cao hơn để đối phó với hàng hóa ngày càng đắt đỏ.

Lào, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, phải đối mặt với tình huống tương tự. Khi đồng nội tệ suy yếu đẩy giá hàng nhập khẩu tăng, Lào đã tăng lương tối thiểu thêm 22%, lên khoảng 130 USD/tháng trong năm nay, cao gấp 3 lần so với mức tăng năm 2012.

Một số chuyên gia cho rằng nếu cứ tiếp tục tăng lương mà không suy xét đến các yếu tố đầu tư, các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại.

Ông Koji Kobayashi thuộc viện Nghiên cứu Mizuho cho rằng: “Lao động sẽ thất nghiệp nếu như nguồn đầu tư bị trì hoãn”.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)