Dư luận dường như đang phản ứng quyết liệt với đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường, vì họ đang phải gánh 7 loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu. Nếu đề xuất tăng thuế mới được thông qua, người tiêu dùng sẽ phải trả hơn 1 nửa là số tiền thuế, phí nếu mua một lít xăng.  

Theo quy định của Bộ Công Thương, mặt hàng xăng dầu hiện đang được áp 4 loại thuế, gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%) và thuế bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, xăng dầu còn cõng thêm 3 loại phí, gồm chi phí định mức là 1.250 đồng, lợi nhuận định mức là 300 đồng, trích lập quỹ bình ổn là 300 đồng.

Hiện tại, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu đang được giảm (từ 20%) và tiến tới thuế suất sẽ về mức 0% theo hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, hai loại thuế là thuế bảo vệ môi trường đang được đề xuất tăng kịch khung lên mức 4.000 đồng/lít và thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng từ 10-12% (vào năm 2019).

Đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ tháng 7/2018 vừa chính thức được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Tăng thuế bảo vệ môi trường, 7 loại thuế phí sẽ đội lên hơn 1 nửa giá trị lít xăng
Diễn biến tăng thuế bảo vệ môi trường. (Ảnh: VOV)

Với giá xăng hiện ở mức 19.440-21.110 đồng/lít, nếu thuế bảo vệ môi trường được áp dụng ở mức kịch trần 4.000 đồng/lít, thì thuế này sẽ chiếm 18,9-20,5% giá một lít xăng.

Và nếu so với giá bán lẻ hiện hành, khách hàng khi mua mỗi lít xăng sẽ phải đóng cho ngân sách khoảng 10.300–10.500 đồng thuế, phí các loại, nghĩa là tổng giá trị các loại thuế, phí hiện sẽ chiếm hơn 50% giá một lít xăng.

Lấy xăng E5 RON 92 làm ví dụ. Loại xăng này đang được bán phổ biến ở mức 19.440 đồng/lít. Theo đó, người mua một lít xăng sẽ phải trả 1.944 đồng thuế nhập khẩu, 1.555 thuế tiêu thụ đặc biệt, 1.944 đồng thuế giá trị gia tăng và 4.000 đồng thuế bảo vệ môi trường. Ngoài ra, người mua còn phải trả các loại phí gồm chi phí định mức 1.250 đồng, lợi nhuận định mức 300 đồng và mức trích quỹ bình ổn 300 đồng. Như vậy, tổng số tiền phải đóng cho ngân sách là 11.293 đồng.

Tăng thuế bảo vệ môi trường, 7 loại thuế phí sẽ đội lên hơn 1 nửa giá trị lít xăng
Các loại thuế phí đối với một lít xăng E5. (Nguồn: NLĐ)

Việc mua một lít xăng phải trả hơn 1 số tiền là thuế, phí là điều khiến nhiều người khó chấp nhận.

Trang Nhịp sống Kinh tế dẫn lời một người dân tại Hà Nội, cho rằng hệ thống giao thông công cộng của Việt Nam chưa đủ phát triển để đáp ứng nhu cầu đi lại, do đó hầu hết mọi người phải dùng phương tiện cá nhân để di chuyển. Nếu tăng thuế, người dân nào cũng phải chịu thiệt.

Ngoài ra, thuế tăng dẫn đến giá xăng tăng và hàng loạt các mặt hàng khác sẽ “ăn theo”, gây áp lực lớn lên chi tiêu và thu nhập của người dân.

Một người dân khác được khảo sát cho rằng nếu tăng thuế môi trường thì cần minh bạch, cần cho người dân biết tiền thuế được sử dụng thế nào cho môi trường, vì hiện nay không khí ô nhiễm, rác thải thậm chí còn tăng hơn so với nhiều năm trước.

Trên mạng xã hội, có người đặt câu hỏi rằng tại sao xăng sinh học E5 là mặt hàng được khuyến khích sử dụng vì ý nghĩa bảo vệ môi trường nhưng cũng bị tăng thuế.

Trước đó, lý giải về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho rằng giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với một số nước ASEAN và châu Á. Hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia, với mức 19.980 đồng/lít.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn cho biết thêm sau một thời gian lấy ý kiến về đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã nhận được 77 ý kiến tham gia, trong đó 19 ý kiến của các bộ, ngành, 43 ý kiến của các địa phương, 5 ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác.

Bộ Tài chính khẳng định việc tăng thuế sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, từ đó sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Bộ cũng cho biết các bộ ngành đều nhất trí với dự thảo nghị quyết về tăng thuế.

Với phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, Bộ Tài chính cho biết tổng số thu thuế dự kiến vào khoảng 57.612,0 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm.

Minh Tuệ