Phía Trung Quốc đã soạn thảo xong Nghị định thư để nhập khẩu sữa Việt Nam. Sau khi Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương cho ý kiến, văn bản sẽ được ký kết nhân chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang Trung Quốc vào tháng 4/2019.
Theo Vnexpress, thông tin trên được ông Đoàn Minh Khôi, Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) mới đây. Buổi làm việc tập trung bàn các biện pháp đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại hàng nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt đối với hai mặt hàng sữa và trái cây.
Trong năm 2019, khi mặt hàng sữa của Việt Nam có mặt tại thị trường đông dân nhất thế giới, Đại sứ quán dự kiến chủ trì Ngày hội sữa Việt Nam tại Trung Quốc vào khoảng tháng 5-6/2019 để quảng bá sản phẩm.
Theo ông Khôi, thị trường sữa Trung Quốc rất lớn nhưng điểm yếu là chất lượng chưa được tin cậy. Sau bê bối sữa bột nhiễm melamine, người dân Trung Quốc mất niềm tin vào sữa trong nước, chất lượng bò cũng có vấn đề do đồng cỏ bị ô nhiễm. Australia và New Zealand đang chiếm thị phần lớn trên thị trường sữa Trung Quốc, do đó sữa của Việt Nam vào Trung Quốc có triển vọng nhưng sẽ gặp phải cạnh tranh của hai thị trường lớn này.
Hiện Trung Quốc đã hoàn tất báo cáo đánh giá rủi ro mở cửa thị trường sữa cho Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết Trung Quốc sẽ theo dõi toàn bộ khâu sản xuất, từ con giống, bãi cỏ, quy trình chăn nuôi, giám sát chất lượng cho đến khâu chế biến. Ba đại diện sữa của Việt Nam là Vinamilk, TH True Milk và Mộc Châu Milk sẽ tiên phong thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đánh giá Trung Quốc một thị trường khổng lồ với dân số khoảng 1,4 tỷ người, thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD/năm nên sức mua cao. Tốc độ đô thị hóa 60% cho thấy sự vận động mạnh mẽ nên tỷ lệ nhập khẩu nông sản cao, trong khi đó hàng hóa Việt Nam có lợi thế về giá cả và chất lượng sản phẩm tốt. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu hoạch định từng nhóm việc, trước mắt cần tập trung vào thủy sản do đây là mặt hàng có tiềm năng rất lớn nhưng thông tin thị trường còn yếu.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đối với mặt hàng gạo, hiện tại đã có 22 doanh nghiệp Việt Nam chính thức được Trung Quốc chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này. Chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, giá xuất khẩu đã ngang bằng, thậm chí cao hơn cả gạo Thái Lan.
Đối với mặt hàng trái cây, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu thời gian tới cần tăng cường xuất khẩu các mặt hàng theo thứ tự ưu tiên bao gồm khoai lang, chanh leo, dừa, sầu riêng, na, roi, bưởi, măng cụt. Bộ trưởng cho rằng nên tập trung vào các loại trái cây có sản lượng cao, đột phá về sản xuất.
(Tổng hợp)