Đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán do nguồn thu không đủ trả kịp các khoản nợ cùng những khoản tiền phạt do nộp chậm, ông chủ Mai Linh đã gửi đơn cầu cứu tới nhiều nơi.

Theo Vnexpress, Chủ tịch Công ty cổ phần Mai Linh – ông Hồ Huy – vừa có đơn kêu cứu gửi Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đề nghị miễn lãi, phạt nợ bảo hiểm xã hội. Trong đơn cầu cứu nêu rõ công ty này đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt không công bằng của các đối thủ cạnh tranh Grab, Uber, khiến doanh thu giảm 30% so với các năm trước.

Ông Hồ Huy nhấn mạnh doanh thu liên tiếp sụt giảm khiến Mai Linh nhiều khả năng sẽ mất khả năng thanh toán do nguồn thu không thể trả kịp cho các khoản nợ đến hạn, quá hạn và các khoản nợ đọng nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cùng các khoản tiền phạt do nộp chậm.

Tính đến ngày 31/10/2017, số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thất nghiệp của Mai Linh gần 182 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 105 tỷ đồng và gần 77 tỷ đồng lãi.

Đứng trước nguy cơ hàng vạn lao động mất việc và mất đi thương hiệu lớn, Mai Linh đề nghị Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giải quyết những khó khăn thực sự cấp bách trước mắt để công ty duy trì, phát triển lâu dài.

Theo Pháp luật Tp.HCM, Mai Linh kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ (trên 150 tỷ đồng), đồng thời muốn được trả dần nợ gốc trong 20 năm từ năm 2018, mỗi năm 6 tỷ đồng và miễn nghĩa vụ phạt nộp chậm.

Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn kiến nghị, trong quá trình trả nợ gốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét khoanh nợ, giảm nợ để Mai Linh vượt qua khó khăn có điều kiện trả nợ gốc cho BHXH và đảm bảo công việc cho 24.000 lao động.

Theo quy định mới nhất, từ đầu 2018, nợ bảo hiểm xã hội coi là tội phạm. Hành vi gian lận, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội được hình sự hóa và coi như tội phạm. Trốn đóng bảo hiểm có thể bị ở tù 7 năm nếu trốn đóng bảo hiểm từ 1 tỷ đồng trở lên, trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên.

Có thể thấy năm 2017 là cuộc chiến khốc liệt giữa taxi truyền thống và Uber, Grab. Theo VTV, việc Uber và Grab ngày càng trở nên phổ biến đã khiến “miếng bánh” thị phần của các hãng taxi truyền thống ngày một bé đi. Điều này thể hiện rõ nhất với 2 “ông lớn” là Mai Linh và Vinasun.

Cụ thể, tính đến hết ngày 30/6/2017, khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn Mai Linh đã lên tới gần 800 tỷ đồng. Trong khi đó, với Vinasun, doanh thu từ kinh doanh taxi của công ty mẹ giảm gần 500 tỷ đồng. Vinasun cũng cho biết tính đến ngày 30/6/2017, công ty có 8.291 nhân viên, giảm tới 7.946 người so với thời điểm đầu năm 2017.

Trong một nỗ lực nhằm bảo vệ thị phần, một hãng taxi lớn tại Việt Nam đã tuyên bố sẽ kiện Uber, Grab tới cùng vì cho rằng hai đơn vị này đang cạnh tranh không lành mạnh, cơ bản nhất ở đây là đang phá giá.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi “sự phán xử” từ các cơ quan chức năng, các hãng taxi truyền thống buộc phải tự thay đổi để giành lại khách hàng. Theo đó, các hãng như Vinasun, Mai Linh, Taxi Group, Thành Công… đã đồng loạt ra mắt ứng dụng đặt xe trên điện thoại, nhằm nâng cao hiệu hoạt động, minh bạch giá cước, quãng đường nhằm tăng tính cạnh tranh.

Nguyễn Trang