Nhiều thương hiệu lớn của Trung Quốc nhận ra rằng con đường vươn ra quốc tế, trở nên quen thuộc với khách hàng nước ngoài không hề dễ dàng vì rõ ràng danh tiếng của một thương hiệu không thể xây dựng theo kiểu “ăn xổi ở thì”.
Đó là ý kiến của Scott Kronick, Chủ tịch châu Á – Thái Bình Dương kiêm CEO Ogilvy Public Relations. Theo ông Kronick, từ Haier đến Huawei và những công ty lớn khác của Trung Quốc đều nhận thức được một thực tế rằng con đường để “lấy lòng” khách hàng quốc tế vô cùng gian nan. Tuy nhiên, ông Kronick cho hay tương lai của các thương hiệu Trung Quốc vẫn khá tích cực khi giới doanh nghiệp nước này đang bắt đầu phát triển hơn.
Ông Kronick cho rằng dù Trung Quốc ít phụ thuộc vào truyền thông và thương hiệu khi bắt đầu tích lũy tài nguyên vào cuối những năm 1990, nhưng thương vụ thâu tóm IBM của Lenovo vào năm 2005 cho thấy các doanh nghiệp nước này bắt đầu thay đổi.
“Khi bạn nhìn thấy điều đó xảy ra chứng tỏ giới doanh nghiệp Trung Quốc cũng muốn học tập theo cách của Lenovo. Họ muốn vươn ra quốc tế, khiến thế giới chú ý thông qua cách thâu tóm các hãng lớn”, ông Kornick nói.
Bên cạnh đó, các thương hiệu Trung Quốc cũng đã nỗ lực trong việc tìm hiểu tâm lý người dùng ở thị trường nước ngoài thay vì chỉ tuân theo mô hình kinh doanh truyền thống.
Một số doanh nghiệp đại lục đã tìm cách hợp tác với những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới để nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh. Đơn cử, Huawei vốn là công ty đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển và tiếp thị, đã hợp tác với công ty sản xuất máy ảnh cao cấp Leica phát triển trên một số mẫu smartphone nhằm thu hút khách hàng cao cấp.
“Tôi cho rằng những hoạt động hợp tác này có ý nghĩa rất lớn đối với các thương hiệu như Huawei và Oppo. Theo tôi, bất cứ thứ gì có thể làm nổi bật những thương hiệu này đều rất quan trọng”, ông Kronick nhấn mạnh.
Báo cáo các thương hiệu có sức ảnh hưởng nhất thế giới hàng năm của Millward Brown cho thấy đa phần các thương hiệu hàng đầu đều có trụ sở ở Mỹ, nhưng các thương hiệu Trung Quốc cũng đang dần tăng giá trị. Trong năm 2017, có 13 trong số 100 doanh nghiệp hàng đầu thuộc Trung Quốc lọt vào danh sách này.
Nguyễn Trang