Ngân hàng Nhà nước đã mua tới 2,5 tỷ USD bổ sung vào kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ trong chưa đầy 2 tuần đầu tiên của năm 2018.

Con số trên được Thống đốc Lê Minh Hưng công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngân hàng Vietcombank tổ chức ngày 12/1, tại đó ông cũng cho biết chỉ riêng 3 ngày qua Ngân hàng Nhà nước đã mua tới 1,5 tỷ USD.

Như vậy, lượng dự trữ ngoại hối đến thời điểm này đang đứng ở mức kỷ lục 54,5 tỷ USD, sau khi được công bố ở mức 52 tỷ USD vào cuối năm 2017.

Thống đốc cho biết tỷ giá đã duy trì ổn định kể từ khi cơ chế tỷ giá trung tâm được áp dụng đầu năm 2016, theo đó giúp Ngân hàng Nhà nước mua được lượng ngoại tệ lớn để bổ sung vào kho dự trữ ngoại hối.

Dự trữ ngoại hối là lượng ngoại tệ một quốc gia nắm giữ để cung ứng cho khả năng chi trả quốc tế của mình. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để có đủ khả năng thanh toán quốc tế vững chắc, một quốc gia cần có lượng dự trữ ngoại tệ tương đương 12 tuần nhập khẩu.

Ngay cả với con số 52 tỷ USD tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu đó khi dự trữ ngoại hối đạt 13 tuần nhập khẩu.

Tỷ giá ổn định thông qua dự trữ ngoại hối cao cùng với tỷ lệ lạm phát thấp là 2 chỉ báo quan trọng đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Ông Trương Văn Phước – người đứng đầu Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia – cho biết có nhiều yếu tố giúp dự trữ ngoại hối tăng cao trong năm qua. Thứ nhất, cán cân vãng lai năm 2017 thặng dư khoảng 6 tỷ USD chủ yếu nhờ xuất khẩu tăng 21% giúp cho cán cân thương mại dôi dư gần 3 tỷ USD. Thứ hai, kiều hối từ nước ngoài chuyển về khá lớn với 8 tỷ USD. Thứ ba, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng chuyển tiền để đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh, còn nhà đầu tư gián tiếp chuyển tiền vào để mua trái phiếu và cổ phiếu, giúp thị trường chứng khoán tăng cao.

Nhờ những yếu tố đó, cán cân thanh toán cân đối của Việt Nam dương khá lớn, qua đó giúp Ngân hàng Nhà nước mua được trên 12 tỷ USD trong năm ngoái để tăng dự trữ ngoại hối.

Xuân Tú