Chiến tranh thương mại, kinh tế suy thoái… tất cả đều không thể ngăn cản tình yêu của người tiêu dùng Trung Quốc với hàng hiệu, theo CNN.
Được “giải phóng” sau những kiểm soát của chính phủ trong chiến dịch chống tham nhũng, người tiêu dùng Trung Quốc đang mở rộng hầu bao cho hàng hiệu, từ quần áo, giày dép, túi xách đến đồng hồ.
Tập đoàn Kering, chủ sở hữu 2 thương hiệu thời trang Gucci và Alexander McQueen, cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã tăng vọt 30% trong nửa đầu năm 2018. Trong khi đó hãng thời trang Hermes cũng ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục tại Trung Quốc so với cùng kỳ năm 2017.
Ngân hàng UBS ước tính 2/3 người Trung Quốc mua đồ xa xỉ ở nước ngoài và xu hướng này đang tiếp tục bùng nổ.
Theo công ty tư vấn McKinsey, Trung Quốc chi hơn 7 tỷ USD mỗi năm cho hàng cao cấp, chiếm gần 1/3 thị trường toàn cầu.
Ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc mất đà và chìm sâu hơn vào cuộc chiến thương mại với Mỹ, khảo sát của UBS cho thấy hàng hiệu vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với người tiêu dùng nước này sau khi họ trả tiền cho các khoản thiết yếu.
Khoảng 81% người trẻ Trung Quốc khi được hỏi đều khẳng định họ sẵn sàng chi thêm tiền để mua các sản phẩm tốt hơn. Sinh trong thời kỳ chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép mỗi gia đình có một con, hầu hết thế hệ trẻ của nước này không phải lo lắng về tài chính.
“Không có điều gì thôi thúc họ tiết kiệm, họ cũng không cần phải mua nhà”, chuyên gia Bruno Lannes thuộc Bain & Company nhận định.
Helen Brand – Giám đốc mảng đồ xa xỉ tại UBS nhận định các thương hiệu nổi tiếng có phong cách trẻ trung như Louis Vuitton và Chanel rất “được lòng” khách hàng trẻ tuổi Trung Quốc. Ngược lại, các thương hiệu theo phong cách cổ điển như Burberry lại gặp khó khăn.
Trung Quốc là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng 6,9% vào năm 2017. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư, sản xuất và doanh số bán lẻ của nước này đang yếu dần trong bối cảnh xung đột thương mại với Mỹ leo thang.
Mỹ đã áp thuế lên túi xách sản xuất ở Trung Quốc nhưng các chuyên gia cho rằng nhiều thương hiệu xa xỉ sẽ không bị ảnh hưởng vì chúng thường được sản xuất ở châu Âu. Mặc dù vậy, một số nhà phân tích lo ngại các thương hiệu sẽ gặp khó khăn nếu nền kinh tế số một châu Á này phải chịu thêm áp lực.
Hiện tại, đồng Nhân dân tệ đang giảm mạnh so với đồng USD và các đồng tiền khác, khiến hàng hiệu trở nên đắt hơn cho khách Trung Quốc. Thêm nữa, chính phủ Trung Quốc có thể tái khởi động chiến dịch năm 2012, cấm quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp nhận quà đắt tiền.
Các nhà kinh tế cũng cho hay đã xuất hiện một vài dấu hiệu cho thấy niềm tin người tiêu dùng giảm, tác động lớn đến ngành thời trang cao cấp của nước này.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)